Trần Tiến và khúc “Độc huyền cầm”
Ít ai biết, để có một Trần Tiến với những ca khúc lãng mạn, cháy bỏng khát khao và rộn rã yêu đương, đã phải có một Trần Tiến lang thang nơi góc phố, đêm "hít hà hương phấn" của các cô gái làng chơi đi qua, ngày bới đài sen trong bãi rác thải, ăn những nhụy sen còn sót lại…
Tuổi thơ với những mơ mộng của cậu bé bụi đời.
Từ một cậu ấm con nhà giàu, được bố đưa đi học hằng ngày và mỗi lần thực hành đều có bố làm hộ, cậu bé Tiến trở thành đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ khi cha mất và gia đình rơi vào cảnh phá sản. Ngày ấy Trần Tiến mới 7 tuổi.
Cậu lớn lên trong tiếng cãi vã diễn ra xung quanh. Đêm, cậu nằm ở góc phố, "hít hà mùi phấn thơm" của các cô gái làng chơi đi qua. Ngày, cậu lang thang ra bến sông ngắm trời, ngắm đất. Lúc đói bụng, cậu đáo qua bãi rác thải, lượm những đài sen héo còn sót lại mấy cái nhụy còi ăn ngốn ngấu.
Những ngày lang thang bụi đời, dù rất mơ mộng, Trần Tiến cũng khó tưởng tượng có một ngày ông đứng giữa ngàn người hâm mộ. (Trần Tiến trong đêm giao lưu "Chào World Cup" do Truyền hình KTS VN tổ chức.)
Đôi khi, cậu đi dọc cống, hy vọng nhặt được viên bi nào đó bị rơi hoặc bắt được đồng xu ai đó đánh rớt, để rồi, lặng nhìn rãnh nước thờ ơ chảy qua dòng sông tuổi thơ đời mình.
Thỉnh thoảng, cậu thả một cục đá vôi rơi vãi trên đường xuống bãi nước đọng, tưởng tượng ngọn núi Phú Sĩ phủ toàn tuyết trắng – mà cậu nghe được qua loa đài – đang hiện hình, lấp lánh trong một ban mai tươi sáng sẽ đến…
Tuổi thơ Trần Tiến đã đi qua những mơ mộng của một cậu bé bụi đời nghèo khổ, đi qua những người xấu và kẻ tốt, những chú công an, những anh cán bộ ở rừng về… Cho tới khi lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên những nóc nhà, cậu mới thực sự được sống cuộc sống của một con người...
Ra tới chiến trường, đối mặt với tử thần, chứng kiến cái chết của đồng đội, cậu bé Tiến ngày nào mới thực sự thoát khỏi cái vỏ bọc mà những va đập, thăng trầm đời sống đã khoác lên cậu bấy lâu. Cậu lính trẻ Trần Tiến bắt đầu rõ được nguyên cớ mình là ai, đi từ đâu tới, sẽ phải đi về đâu và cậu dần chiêm nghiệm được nhiều hơn về chính bản thân mình…
Khúc “Độc huyền cầm”
Cho đến lúc này, sau bao quăng quật, vinh nhục của kiếp người, “vẫn một Trần Tiến gai góc, một Trần Tiến ngang nghạnh và hơi…đầu gấu” – như lời một người bạn thân trong nghề của ông nhận xét – lúc thoạt nhìn. Nhưng khi tiếp xúc mới thấy, đằng sau cái vẻ sù sì, mạnh mẽ rất đàn ông ấy lại là một Trần Tiến hồn hậu, điềm tĩnh và đôi khi, một mình với những khoảng đơn độc, không gì có thể lấp đầy.
Trần Tiến nói rằng, không phải một mình ông như thế, mà như ông biết thì càng những người có bề ngoài mạnh mẽ bao nhiêu, tâm hồn họ càng nhạy cảm, mềm yếu và dễ tổn thương bấy nhiêu.
Với riêng ông, đôi khi, tâm trạng cô đơn, buồn chán còn rơi vào những khoảng thời gian “49 chưa qua, 53 đã tới”. Ông giải thích: “Có lẽ đó là thời điểm chuyển hóa sinh lý của cơ thể - 39, 49, 53, 69, những thời điểm mà con người ta dễ chết nhất. Khó giải thích cho hợp lý hơn, nhưng lúc đó, người ta rớt vào vực thẳm của tinh thần và sức khỏe…”.
Dù thế nào, Trần Tiến vẫn mãi trẻ trung và sôi nổi với những ca khúc đã đi vào lòng người.
“Cũng có khi rơi vào "cảm giác cô đơn của người nổi tiếng", bởi ngọn núi càng cao bao nhiêu thì càng đơn độc bấy nhiêu, vì cạnh nó đâu có những ngọn núi khác. Dĩ nhiên, tôi không phải là một ngọn núi như lối ví von vừa rồi, nhưng những nơi tôi đến, cũng không nhiều người lắm” – Trần Tiến nói tiếp và cười!
Mỗi người đều tự biết xử lý những chuyện buồn của mình theo cách riêng. Trần Tiến "xử lý” nỗi buồn bằng cách sáng tác ca khúc. “Những bài hát mang tính đơn độc của tôi thì nhiều lắm, nhưng những bài đó tôi ít mang ra, như: Nhăng nhố, Một mình, Độc huyền cầm, Lữ khách sông Hồng…”.
“Những bài hát này được ra đời trong tâm trạng cô đơn, buồn chán và tôi không muốn mang cái riêng tư của mình, bắt người khác phải sẻ chia. Tôi chỉ mang đến niềm hạnh phúc, sự khát khao và sức mạnh của tin yêu cho mọi người qua những ca khúc của tôi. Có nỗi buồn chăng nữa thì cũng là một nỗi buồn dịu dàng để con người ta có thể mơ mộng và cảm nhận được sự sống quý giá biết nhường nào”.
Trần Tiến nói vậy rồi im lặng; ánh mắt nheo nheo nhìn, như cười, như rất gần, trên gương mặt đã thu gọn phong ba bão táp vào bên trong. Ánh mắt ấy ẩn chứa sự trầm tư, giàu xúc cảm.
Tôi có thể cảm nhận được, khoảng cô đơn không thể lấp đầy ở trong ông chính là bởi ông luôn muốn lấp đầy những khoảng trống cô đơn trong cõi đời cần rất nhiều yêu thương này…
Và trong tôi, không chỉ ngân lên giai điệu, ca từ của khúc “Độc huyền cầm” mà có lần chính ông đã ôm đàn hát cho tôi nghe, mà tôi còn như nếm được vị mặn mòi của nắng, của gió, của nỗi đơn độc lẫn trong mùi giàu gió, mùi thuốc bắc đang sắc dở giữa cái lạnh tê tái của mùa đông năm ấy…
Độc huyền cầm buồn lắm, mấy ai người tri âm. Độc huyền cầm lẻ loi, bay ngang cánh chim hồng, bắc phong kỳ tả tơi, lĩnh nam cầm lả lơi. Khách anh hùng còn ai? Tri âm độc huyền cầm. Gió mây ngàn bể đông. Hứng thu về một bóng. Tráng sĩ ngồi lặng câm. Độc hành, độc huyền cầm. Độc hành tìm lặng lẽ, xót xa đời tha phương. Độc hành tìm dòng sông. Phôi pha trí tang bồng…
Sức người có hạn, bản thân ông vẫn muốn đi tìm câu trả lời “Tôi là ai, đi từ đâu tới, phải làm gì với chính tôi” thì sao ông tránh khỏi những lúc ngồi lặng câm “độc hành, độc huyền cầm”!
Thục Nhi- Ảnh: Hồ Quang
Theo VTC News