Results 1 to 4 of 4

Thread: Trần Tiến, Sưu Tầm

  1. #1
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Trần Tiến, Sưu Tầm

    Trần Tiến


    Sưu Tầm

    Tôi gặp anh mấy lần, nhưng thực sự được hầu chuyện cùng anh thì chưa có lần nào. Có thể vì tôi ngại, ngại cái gốc gác của mình, ngại cả cái gốc gác của anh. Đời vẫn thế, vẫn có những chướng ngại ngăn cản con người đến với nhau một cách chân thành...

    Nếu ai hỏi tôi có ấn tượng thế nào về anh, chắc tôi phải bật cười vì khó bắt đầu quá. Thôi thì để tôi kể chuyện cho mọi người nghe, rồi từ đó mọi người có thể tự mình rút ra kết luận, vậy đỡ hơn cho tôi.

    Ở cái chợ trời chuyên giao dịch đồ "xoáy" đó, người ta dậy sớm lắm. Kẻ thì phải dọn hàng, người vì không ngủ được, còn đám trẻ thì vì ham vui, dậy sớm lăng xăng giúp người lớn dọn dẹp sửa soạn hàng họ cho một ngày mới. Tôi là một trong số đó, giúp chị tôi dọn hàng buổi sớm. Một người đàn ông to khỏe lao vào như một cơn lốc, mang theo cả cái rờn rợn của buổi mai. Rậm râu, khoác áo bộ đội bạc màu, anh hỏi tìm mấy cái mền dù (poncho)cũ, tàn tích của chiến tranh. Chị tôi khèo nhẹ vào tay tôi, "Trần Tiến! " Tôi tự dưng giật mình vì tò mò, và bắt đầu quan sát người đàn ông la. Cái tên của anh đã nổi đình nổi đám từ mấy năm nay, bắt đầu từ sự ra đời của mấy ca khúc "Hứng", và Mặt Trời Bé Con. Tôi cũng đã đi nghe anh hát vài lần, nhưng tuyệt nhiên không nhận ra (hay không tin)người đàn ông trước mặt. Đặc điểm "nổi bật" nhất của Trần Tiến là... hàm răng, xin miễn triển khai vì eo ôi... Kế đến là lối nói chuyện. Giọng Bắc Hà Nội tiêu chuẩn, không có gì đáng nói. Cái đáng nói là cái "phong thái" gây nhiều ngạc nhiên. Không như những ca khúc của anh, nhẹ nhàng, có một chút duyên dáng, tư lự, anh ở ngoài đời ào ào như một người... lính. Mà nghe nói, anh đã từng là một người lính, thảo nào anh chẳng viết thật nhiều về những người lính, bạn anh...

    *****

    Anh đi rồi, ông anh rể tôi nhìn mặt tôi ngẩn ngơ mà bật cười khùng khục, "bộ thất vọng hở? " "Không hẳn, chỉ có chút ngạc nhiên!" "Ngạc nhiên vì ổng ở dơ quá hở, nghệ sĩ ấy mà, ai mà chẳng có chút quái dị, thành thử mới có cảm hứng. " Tôi ráng chống chế, "đâu có phải, em nghe nói nhiều người sạch sẽ lắm mà. " Ông anh phá ra cười, "vậy anh không biết, những người anh biết, thấy ai cũng có vẻ xơ xác, dơ dáy. Lê Uyên Phương nè, râu cùng tóc, cùng trang phục. Trịnh Công Sơn nè. Còn cái ông Trần Quang Lộc, thấy cái xe đạp là biết, hề hề! " "Anh nói Trịnh Công Sơn không sạch sẽ hở? " "Anh không nói vậy, anh chỉ nói nơi ở của Trịnh Công Sơn chỉ sạch sẽ lên khi có bóng những người phụ nữ tới lui... "

    Tôi im lặng, trong đầu bỗng hình thành một ý tưởng mới. Không lâu sau đó, tôi có dịp gặp anh Sơn. Không đến nỗi như tưởng tượng, mà cũng phải, hút thuốc như cái đầu máy xe lửa, uống rượu tì tì, giấy tờ vương vãi, chắc là cuộc sống của một người đàn ông độc thân nên là như vậy! Mà đang nói chuyện Trần Tiến ấy mà, quay trở lại cái đã...

    Có một thưở, thiên hạ nói Trần Tiến là người nhạc sĩ của... dòng sông. Hầu hết trong các ca khúc anh viết, lúc nào cũng có bóng dáng một dòng sông. Hồng Hà! Anh sinh ra bên dòng sông Hồng, mang nặng hình ảnh con sông đỏ quạch phù sa mỗi mùa nước lớn. Để trên bước đường du ca của mình, anh vẫn thích viết về những dòng sông. Nhưng con đường "nghệ thuật" của anh cũng không phải được trải thảm đỏ, cho dù có ông anh là một tên tuổi lớn. Lúc đầu, với những "Mùa Xuân Gọi" và "Thành Phố Trẻ", người nghe chỉ đón nhận một cách e dè, cho dù trong nét nhạc của anh có những đột phá mới lạ. Nhưng sau đó, với những "Vết Chân Tròn Trên Cát", "Mặt Trời Bé Con", "Tùy Hứng Lý Qua Cầu", anh đã tự khẳng định mình. Nói rằng nét nhạc Trần Tiến có vương chút dân ca cũng chẳng phải là quá lời. Vì cái âm điệu anh viết, có chút gì đậm đà mà mộc mạc tình quê, có chút gì duyên dáng mà trầm mặc của những bài ca dao, và có những tuồng tích rất gần với người dân nghèo lam lũ. Những chuyện con sáo sang sông, những điệu lý câu hò, những cô Tấm cô Xít, những hàng me qua thành phố, những bến sông quê, và những chiếc cầu lắt lẻo điệu hò, phải ở đâu nếu không từ những mảnh đời thường mà hiện ra.

    Một hôm, tôi được vé đi xem anh biểu diễn. Lần đó tôi còn nhớ, anh có hát "Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng". Bài hát phỏng theo thơ Hoàng Cầm, nhưng lại phục vụ mục đích... kế hoạch hóa gia đình. Anh bắt đầu bằng hai câu ca dao "bướm vàng đậu nhánh mù u, lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn" Giọng anh mạnh lắm, lại thích luyến láy, hợp với cái giai điệu của bài hát lắm. "Bướm vàng đã đậu nhánh mù u rồi, lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn... " Chao ơi, cái cách nhấn chữ "làm gì", cọng với cái cách phát âm chữ "gì" rất Bắc, rất Hà Nội, làm tôi không dưng mà rợn người. Rồi anh hát "Mặt Trời Bé Con", kể về một lần đi hát, có em bé leo ngọn cây chui hậu trường xem lén, có cơn mưa đổ trong đêm, để anh ngẫu hứng viết thêm một đoạn thứ ba cho ca khúc vốn đã rất phổ biến vào lúc đó...
    "Ngày bé, vé không có, chẳng ai cho
    tôi vẫn thường trộm nghe
    Nhà bên, có anh lính rời xa quê
    vẫn chơi đàn rất khuya...

    Trời mưa quá em ơi
    bài ca ướt mất rồi
    còn đâu

    Còn mưa đến bao lâu
    mà sao em vẫn chờ
    vẫn đợi

    Hạnh phúc quá đơn sơ
    đời tôi đâu có ngờ
    từng đêm em vẫn chờ
    vẫn chờ đợi dưới mưa

    Hạnh phúc vốn đơn sơ
    Đừng quên các em thơ
    ngày đêm vẫn ngóng chờ -
    Những mặt trời bé thơ "

    Người ta yêu cầu anh hát lại, và đến một lúc nào đó, cả mọi người cùng hát theo. Anh huýt sáo miệng, đệm vào những đoạn chuyển, rồi bỗng không thể huýt sáo nữa. Anh cúi đầu dường như muốn khóc. Và từ những đêm như thế, anh tìm ra một hướng đi mới cho riêng mình. Trong mấy năm ròng rã, anh đi hát nhiều nơi, và tiền thu được, anh gởi tặng cho trẻ em trong các trường mồ côi, các đoàn thể từ thiện giúp trẻ em. Tôi đâm ra kính trọng anh từ đó!

    Ở giai đoạn này, tìm một người nhạc sĩ có tài, lại phù hợp những "tiêu chuẩn" quan trọng kiểu Trần Tiến, coi bộ hiếm. Nên anh được các đơn vị, các ngành, các tỉnh thành đặt hàng liên tục, thế là cứ tha hồ mà "du ca". Những ca khúc theo nhau ra đời, và trong số đó, anh viết và hát rất nhiều những ca khúc mà ở Mỹ, người ta xếp vào dạng "story teller" Viết mãi về những cảnh đời và những điều tai nghe mắt thấy, anh trở nên "hiện thực" đến lì lợm. Người ta thuê anh viết nhạc cho họ, anh nhận tiền và quay qua viết nhạc châm chích. Những bài hát viết về ngành Đông lạnh, Hải Quan, Đường biển được giới thiệu cho quần chúng, những buổi trình diễn bỏ túi đầy khán giả, anh cùng Lưu Quang Vũ thời đó trở thành hai tên tuổi lớn chuyên châm chích tệ nạn xã hội đương thời. Và người nghe, trong khi không thể làm gì được, nghe anh hát bằng sự thích thú, và đón nhận anh bằng cả tấm lòng.

    Rồi Lưu Quang Vũ mất, anh cũng im lặng. Tôi gặp lại anh, bấy giờ đã là một người bạn của anh Sơn. Họ giống nhau ở cái chỗ... uống rượu. Họ kính nhau ở cái nét nhạc, và ở những cảm xúc chỉ dành cho những người dân đen vô tội hơn là cho những nhân vật nắm quyền sinh sát trong tay...

    Hôm nay tôi lại nghe anh hát trong cái đĩa nhạc này. Giọng anh trầm hơn, tha thiết hơn, và dễ nhận thấy là yếu hơn rất nhiều. Nghe nói, anh đã phải vào viện chữa bệnh. Người ta còn nói, đó là hậu quả của rượu. Thế là từ anh Sơn, tới anh, ai cũng là tri kỷ và là nạn nhân của rượu. Và tôi cũng hơi rét, nhưng nghĩ lại thì bỗng nghe lòng mình chợt ấm. Cũng có những lúc, người ta muốn nghe lòng mình thơ thới, người ta muốn được sống với chính mình, và quên hết những muộn phiền đang giăng mắc ở đâu đây.

  2. #2
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trần Tiến, Sưu Tầm

    Trần Tiến và khúc “Độc huyền cầm”

    Ít ai biết, để có một Trần Tiến với những ca khúc lãng mạn, cháy bỏng khát khao và rộn rã yêu đương, đã phải có một Trần Tiến lang thang nơi góc phố, đêm "hít hà hương phấn" của các cô gái làng chơi đi qua, ngày bới đài sen trong bãi rác thải, ăn những nhụy sen còn sót lại…


    Tuổi thơ với những mơ mộng của cậu bé bụi đời.



    Từ một cậu ấm con nhà giàu, được bố đưa đi học hằng ngày và mỗi lần thực hành đều có bố làm hộ, cậu bé Tiến trở thành đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ khi cha mất và gia đình rơi vào cảnh phá sản. Ngày ấy Trần Tiến mới 7 tuổi.

    Cậu lớn lên trong tiếng cãi vã diễn ra xung quanh. Đêm, cậu nằm ở góc phố, "hít hà mùi phấn thơm" của các cô gái làng chơi đi qua. Ngày, cậu lang thang ra bến sông ngắm trời, ngắm đất. Lúc đói bụng, cậu đáo qua bãi rác thải, lượm những đài sen héo còn sót lại mấy cái nhụy còi ăn ngốn ngấu.

    Những ngày lang thang bụi đời, dù rất mơ mộng, Trần Tiến cũng khó tưởng tượng có một ngày ông đứng giữa ngàn người hâm mộ. (Trần Tiến trong đêm giao lưu "Chào World Cup" do Truyền hình KTS VN tổ chức.)

    Đôi khi, cậu đi dọc cống, hy vọng nhặt được viên bi nào đó bị rơi hoặc bắt được đồng xu ai đó đánh rớt, để rồi, lặng nhìn rãnh nước thờ ơ chảy qua dòng sông tuổi thơ đời mình.

    Thỉnh thoảng, cậu thả một cục đá vôi rơi vãi trên đường xuống bãi nước đọng, tưởng tượng ngọn núi Phú Sĩ phủ toàn tuyết trắng – mà cậu nghe được qua loa đài – đang hiện hình, lấp lánh trong một ban mai tươi sáng sẽ đến…

    Tuổi thơ Trần Tiến đã đi qua những mơ mộng của một cậu bé bụi đời nghèo khổ, đi qua những người xấu và kẻ tốt, những chú công an, những anh cán bộ ở rừng về… Cho tới khi lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên những nóc nhà, cậu mới thực sự được sống cuộc sống của một con người...

    Ra tới chiến trường, đối mặt với tử thần, chứng kiến cái chết của đồng đội, cậu bé Tiến ngày nào mới thực sự thoát khỏi cái vỏ bọc mà những va đập, thăng trầm đời sống đã khoác lên cậu bấy lâu. Cậu lính trẻ Trần Tiến bắt đầu rõ được nguyên cớ mình là ai, đi từ đâu tới, sẽ phải đi về đâu và cậu dần chiêm nghiệm được nhiều hơn về chính bản thân mình…

    Khúc “Độc huyền cầm”


    Cho đến lúc này, sau bao quăng quật, vinh nhục của kiếp người, “vẫn một Trần Tiến gai góc, một Trần Tiến ngang nghạnh và hơi…đầu gấu” – như lời một người bạn thân trong nghề của ông nhận xét – lúc thoạt nhìn. Nhưng khi tiếp xúc mới thấy, đằng sau cái vẻ sù sì, mạnh mẽ rất đàn ông ấy lại là một Trần Tiến hồn hậu, điềm tĩnh và đôi khi, một mình với những khoảng đơn độc, không gì có thể lấp đầy.

    Trần Tiến nói rằng, không phải một mình ông như thế, mà như ông biết thì càng những người có bề ngoài mạnh mẽ bao nhiêu, tâm hồn họ càng nhạy cảm, mềm yếu và dễ tổn thương bấy nhiêu.

    Với riêng ông, đôi khi, tâm trạng cô đơn, buồn chán còn rơi vào những khoảng thời gian “49 chưa qua, 53 đã tới”. Ông giải thích: “Có lẽ đó là thời điểm chuyển hóa sinh lý của cơ thể - 39, 49, 53, 69, những thời điểm mà con người ta dễ chết nhất. Khó giải thích cho hợp lý hơn, nhưng lúc đó, người ta rớt vào vực thẳm của tinh thần và sức khỏe…”.

    Dù thế nào, Trần Tiến vẫn mãi trẻ trung và sôi nổi với những ca khúc đã đi vào lòng người.

    “Cũng có khi rơi vào "cảm giác cô đơn của người nổi tiếng", bởi ngọn núi càng cao bao nhiêu thì càng đơn độc bấy nhiêu, vì cạnh nó đâu có những ngọn núi khác. Dĩ nhiên, tôi không phải là một ngọn núi như lối ví von vừa rồi, nhưng những nơi tôi đến, cũng không nhiều người lắm” – Trần Tiến nói tiếp và cười!

    Mỗi người đều tự biết xử lý những chuyện buồn của mình theo cách riêng. Trần Tiến "xử lý” nỗi buồn bằng cách sáng tác ca khúc. “Những bài hát mang tính đơn độc của tôi thì nhiều lắm, nhưng những bài đó tôi ít mang ra, như: Nhăng nhố, Một mình, Độc huyền cầm, Lữ khách sông Hồng…”.

    “Những bài hát này được ra đời trong tâm trạng cô đơn, buồn chán và tôi không muốn mang cái riêng tư của mình, bắt người khác phải sẻ chia. Tôi chỉ mang đến niềm hạnh phúc, sự khát khao và sức mạnh của tin yêu cho mọi người qua những ca khúc của tôi. Có nỗi buồn chăng nữa thì cũng là một nỗi buồn dịu dàng để con người ta có thể mơ mộng và cảm nhận được sự sống quý giá biết nhường nào”.

    Trần Tiến nói vậy rồi im lặng; ánh mắt nheo nheo nhìn, như cười, như rất gần, trên gương mặt đã thu gọn phong ba bão táp vào bên trong. Ánh mắt ấy ẩn chứa sự trầm tư, giàu xúc cảm.

    Tôi có thể cảm nhận được, khoảng cô đơn không thể lấp đầy ở trong ông chính là bởi ông luôn muốn lấp đầy những khoảng trống cô đơn trong cõi đời cần rất nhiều yêu thương này…

    Và trong tôi, không chỉ ngân lên giai điệu, ca từ của khúc “Độc huyền cầm” mà có lần chính ông đã ôm đàn hát cho tôi nghe, mà tôi còn như nếm được vị mặn mòi của nắng, của gió, của nỗi đơn độc lẫn trong mùi giàu gió, mùi thuốc bắc đang sắc dở giữa cái lạnh tê tái của mùa đông năm ấy…

    Độc huyền cầm buồn lắm, mấy ai người tri âm. Độc huyền cầm lẻ loi, bay ngang cánh chim hồng, bắc phong kỳ tả tơi, lĩnh nam cầm lả lơi. Khách anh hùng còn ai? Tri âm độc huyền cầm. Gió mây ngàn bể đông. Hứng thu về một bóng. Tráng sĩ ngồi lặng câm. Độc hành, độc huyền cầm. Độc hành tìm lặng lẽ, xót xa đời tha phương. Độc hành tìm dòng sông. Phôi pha trí tang bồng…

    Sức người có hạn, bản thân ông vẫn muốn đi tìm câu trả lời “Tôi là ai, đi từ đâu tới, phải làm gì với chính tôi” thì sao ông tránh khỏi những lúc ngồi lặng câm “độc hành, độc huyền cầm”!

    Thục Nhi- Ảnh: Hồ Quang

    Theo VTC News

  3. #3
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trần Tiến, Sưu Tầm





    Bấm Vào Nghe Nhạc

    Download

    Quê Nhà
    Sáng Tác: Trần Tiến
    Trình Bày : Tùng Dương


    Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng
    Khói chiều mênh mông, sông đã buông nắng ....
    Nhớ thương làng quê, lũy tre, bờ đê
    Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ

    Quê nhà tôi con đường qua ngõ
    Bóng Mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió
    Nhớ thương đàn con , biết phương trời nào
    Áo nâu mùa Đông thương mình lận đận
    Đêm buồn Mẹ ru :

    " à ơi ... hoa bay lên trời, cây Chi ở lại,
    à ơi ..... hoa cải lên trời,
    Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay"

    Quê nhà tôi ơi, ba vì danh tí
    Nón chiều che ngang mặt trời hoang vắng
    Những đêm mùa Đông, khói hương trầm bay
    Bóng Cha ngồi đây bức tường lung lay
    Ngọn đèn vôi trắng ....

    Quê nhà tôi ơi, quê người con gái
    Mắt buồn, da nâu, dấu tình yêu dấu
    Mắt đen về đâu, mắt đen của tôi
    Mắt đen chờ ai tháng ngày mõi mệt
    Ôi tình long đong

    "À ơi, em đi lấy chồng, anh vẫn một ình
    à ơi, táo rụng sân đình thương anh một mình
    một mình nhớ em ....

    à ơi ... hoa bay lên trời, cây Chi ở lại,
    à ơi ..... hoa cải lên trời,
    rau răm ở lại chịu đời đắng cây
    à ơi .. hoa cải bay đi, rau răm thôi đành"




  4. #4
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trần Tiến, Sưu Tầm

    Trần Tiến

    : Cuộc đời là một sân khấu lớn...



    Gọi điện cho nhạc sĩ Trần Tiến dạo này lúc nào cũng nghe anh đang ở một nơi rất xa nào đấy. Từ chối cuộc phỏng vấn, không xuất hiện ở “chốn đông người”, anh đang ở ẩn hay đang làm cuộc lang thang để tìm lại sự yên tĩnh cho chính mình? Chẳng biết, chỉ nghe bạn bè nói là anh đã xuống tóc, lên núi! Thế rồi anh lại trở về, lại tìm thấy niềm vui sáng tạo.

    * Phóng viên: Anh Tiến này, tôi có cảm giác rằng chúng ta đã phục vụ cho đời quá nhiều, đôi khi đặt cược bằng cả sinh mạng mình. Anh nghĩ sao?

    - Nhạc sĩ Trần Tiến: Ngày xưa tôi cũng đôi khi hay hối tiếc một cái gì đó đã qua đi. Bây giờ thì không. Như đứa trẻ kia lơ đãng, vụng về đánh vỡ bình pha lê giá trị nhất của mẹ mà không biết tiếc, còn chú lính gỗ bẩn thỉu nhặt được ngoài đống rác thì giữ khư khư như báu vật, ai lấy thì khóc inh lên. Cho đến giờ ta cũng còn chưa biết chú lính gỗ gãy tay và chiếc bình pha lê, cái nào quý hơn. Có những đời người phí hoài cả chục năm sống để theo đuổi những mộng mơ vớ vẩn, không đâu, rồi tự rủa mình ngu.

    Nhưng như thế mới là ta, một thằng người đích thực. Những khôn - dại, mất - còn, ngọt - đắng làm nên thằng người có thật, đáng yêu chứ. Có gì mà hối tiếc. Rất may mà tạo hóa không đặt cái đầu ta quay về phía sau.

    Bạn nói “Chúng ta đã phục vụ cho đời quá nhiều", trước kia mình cũng tưởng vậy. Nhưng hình như không phải. Chẳng ai cho không cái gì cả.

    * Anh là một nhạc sĩ xuất hiện ở đâu là ồn ào ở đó. Có bao giờ anh đóng kịch khi biểu diễn không?

    - Tôi vẫn thường phải đóng kịch và diễn trước đám đông. Cuộc đời là một sân khấu lớn, mà mỗi người phải sắm một vai thích hợp để vở diễn trăm năm được thành công, suôn sẻ. Có khác chăng là không có khán giả và tất nhiên không có cát sê mà thôi. Loài vật, cây cỏ đều diễn rất giỏi. Nhìn xem con gà mái diễn vở e lệ, nhưng vẫn chạy vừa đủ để cậu gà trống bắt được.

    Nhìn xem bông hoa giả vờ dịu dàng mà ăn thịt mấy chú bọ cực nhanh. Anh kia đi mô tô đen, đeo kiếng đen diễn vở đàn ông vụng về. Chị kia tóc vàng, môi trắng diễn vở mốt, phí hoài mái tóc mẹ mất công chăm chút suốt thời ấu thơ. Chỉ có kẻ diễn nhầm vai hoặc vụng quá mà thôi. Diễn để tồn tại, sống và yêu nhau. Bạn hỏi tôi hóm hỉnh vậy cũng là cách diễn vai nhà báo thông minh đấy.

    * Tôi muốn nói là đóng kịch để chinh phục đám đông?

    - Tôi không có ý định chinh phục ai, hay cả với chính mình. Làm gì phải khổ sở thế. Đơn giản là ai cũng cần phải làm gì đó để sống, và cố gắng chinh phục cái chết của chính mình, kể cả lúc còn tưởng mình đang sống. Nói như thế có điệu quá không nhỉ.

    * Nghe nói chàng Digan đã dừng bước giang hồ, đúng hay sai?

    - Giang hồ là cái thú của bất cứ đứa trẻ trai nào mạnh mẽ, thèm khát cái mình chưa biết. Đã biết rồi thì lại thích trở về ngôi nhà ấm êm, ngồi xuống bậc thang sạch sẽ, được lau chùi bóng lên bởi bàn tay cần mẫn của một phụ nữ dịu dàng. Cũng có kẻ không lâu, lại muốn cất bước. Đó là cái kiếp, nhiều hơn là cái thú. Tôi viết nhạc để sống, nên đành chịu cái kiếp nhật nhạnh điều gì đó dưới cát bụi chân ai. Thực ra, hình như đã cạn hứng phiêu bạt giang hồ, túi rượu vần thơ.

    * Còn nghe nói anh sáng tác “đạo ca” như một đạo sĩ?

    - Khỏe như Trương Phi có lúc phải nằm bệnh, mà hét lên: “Trời đã sinh ra ta, thì chỉ cho ta chết, cớ sao còn hành hạ ta bằng tật bệnh!". Chàng đã không còn nhấc nổi thanh đao của chính mình. Hình như lúc đó chàng có sáng tác vài ca khúc về đạo điếc gì đó. Tôi cũng giống chàng thôi. Lúc yếu đuối, viết cả mấy chục bài triết lý lặt vặt, như một con chim già lắm mồm. Bây giờ thì vứt chúng đi rồi. Tôi đã khỏe lại và thích làm trẻ con, hơn mấy thứ chiêm nghiệm vớ vẩn, và ra vẻ dạy đời. Tôi thích viết nhạc hip-hop cho con tôi nhảy chơi với bạn bè.

    * Giữa chính và tà, giữa thiện và ác, mô hình Lệnh Hồ Xung trong chưởng Kim Dung đang phảng phất trên quê hương chúng ta. Anh nghĩ sao về Lệnh Hồ Xung?

    - Đất nước tôi lúc nào cũng đáng yêu, vì tôi đã được mẹ tôi sinh ra ở đây mà không phải nơi nào khác. Dù nơi này cũng đầy rẫy chính - tà, thiện - ác, quân tử và ngụy quân tử... như bao nơi tôi có dịp đi qua.

    Người nghệ sĩ thì phải đứng ngay trên đôi chân của chính mình, chứ còn đứng ở đâu nữa. Tất nhiên không nên đứng trên đôi đầu gối, trừ trường hợp nhậu xỉn bị té xe.

    Còn Lệnh Hồ Xung thì thật tuyệt vời nhưng là nhân vật bịa. Tôi đã được nhậu với kẻ lãng tử vô chiêu, vô võ và vô... tiền. Hay hơn Lệnh Hồ Xung nhiều. Giang hồ nữa đi, bạn sẽ gặp. Có khi ngay trong chính bạn đấy.

    * Tôi không ngửi nổi âm nhạc hiện nay, một thứ nhạc thiếu chuyên môn, nhân tính lẫn nghệ thuật. Anh “ôkê" không?

    - Âm nhạc hiện nay ư? Cũng được đấy chứ, tuy nhạt một chút nhưng trẻ trung. Khi tôi nhể ốc hay húp cả nước mắm. Nhạt như nước ốc mà đôi khi thích hơn nước lèo bò, gà. Đừng ăn gì nhiều quá thôi. Cũng nên có nhạc rượu đế đã chôn lâu, uống mãi nhạc bia hơi, hay nhạc pha đường hóa học, bệnh chết. Nhạc tử tế thì có bao giờ bị mất tích. Chỉ có những thế kỷ vắng thiên tài mà thôi. Khu rừng kia tưởng bom xăng đốt trụi, vậy mà bây giờ lại bạt ngàn rừng xanh, xanh bạt ngàn rừng. Đừng quá bi quan bạn ạ. Chẳng có ngọn lửa nào thiêu rụi nổi mầm sống nằm sâu trong lòng đất.

    * Anh vừa được lòng dân vừa được lòng quan. Nhạc của anh đứng về giai cấp nào?

    - Bố mẹ cho tôi một thằng người chả giống ai, và chả ai giống mình. Đó là cái phúc lớn của dòng họ. Lại còn nổi tiếng, được từ quan đến thứ dân thương. Nếu quả như bạn nói, thì đấy là may mắn trời cho. Làm sao mà tôi lại phân biệt các loại công chúng, để mà rung động. Tôi cố tìm cho được những bài hát ca ngợi sự tốt bụng của con người để hát.

    Tôi tin rằng cuộc đời sẽ trả lại cho tôi lòng tốt vốn có ở trong mỗi con người. Dù là thứ dân hay quan lớn lẫn kẻ quen giết người. Có một lần ngồi uống bia với Bảo Chấn, tôi muốn khóc vì sau khi nghe cô bé mù hát dạo những bài não tình xong, tôi rụt rè hỏi "Cháu có thể biết một bài nào của Trần Tiến không", cô bé mù đã lập tức hát một lúc bốn bài kiểu như Sắc màu. Nếu tôi có một tỉ đồng, chắc cũng không ngần ngại tặng cháu. Vì biết rằng mình chưa mất tích.

    * Anh thử sơ lược về mình?

    - Tự liệt kê về mình ư? Tôi thấy mình chả có gì đặc biệt khác người. Tôi chẳng là cái đinh gì, nhưng cũng là... Đinh Hợi (tuổi Thiên bồng nguyên soái - Trư Bát Giới), thích rong chơi, uống bia, ngắm người đẹp nhưng cũng biết vất vả theo hầu sư phụ âm nhạc và có cơ may về Tây trúc thỉnh kinh tìm đạo.

    (Theo DNSG)

    ====

    Nhạc sĩ Trần Tiến chuyện phiếm về năm Đinh Hợi


    "Đi với bụt mặc áo cà sa, như anh bạn Trư Bát Giới, rồi cũng tìm được kinh ở Tây Trúc. Đi với ma thì mặc áo… tù như gã Năm Cam đồng niên với tôi kia thôi. Tôi chẳng là cái 'đinh' gì, nhưng cũng là Đinh Hợi, là heo nhưng là heo rừng", nhạc sĩ hồn nhiên nói về mình.

    - Tuổi Hợi như anh chiêm nghiệm may nhiều hay rủi nhiều?

    - Nói chung "tuổi Hợi nằm đợi mà ăn" và nằm đợi bị… làm thịt. Có thể tôi là một trong những người may mắn của tuổi Hợi. Chẳng hạn, tôi được sinh ra dọc đường chạy loạn, trong làn súng bắn đuổi của lính Pháp. Bố tôi, một nhà giáo Tây học, mắng thằng lính da đen đã tát tôi vì tôi khóc nhiều quá, sau đó viên sĩ quan chỉ huy người Pháp phải xin lỗi. Rồi bố đặt luôn tên tôi là Trần Việt Tiến. Lớn lên, tôi ăn nhờ vào chữ "Việt" là vượt và suốt đời chưa bị mang tên Trần… lùi. Vậy, sinh ra thời loạn thì rủi nhưng té ra lại may vì từ bé đã được Tây xin lỗi.

    Nhưng mà, ừ nhỉ, tóm lại, chẳng có tuổi nào là may mắn cả. May nhiều thì rủi cũng nhiều.


    Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh: Tiền Phong.

    - Những năm tuổi, anh phải kiêng khem thứ gì?

    - Không chỉ năm tuổi mà trước và sau đó một năm tôi đều kiêng. Năm tuổi như cái mốc báo hiệu thời kỳ chuyển hóa cơ thể, tế bào, ảnh hưởng lớn đến thói quen, sức khoẻ, tâm tính, như lúc chuyển mùa, chuyển dạ, chuyển nhà hoặc chuyển đổi cơ chế gì đó… ta phải kiêng khem. Phải kiêng cái gì làm ta yếu đi, không đủ sức đối phó với nhiều thứ hiểm hoạ phát sinh khi chuyển đổi, trừ… uống bia và yêu.

    - Anh có lời khuyên nào cho những người tuổi Hợi, hoặc người nào muốn lấy người tuổi Hợi?

    - Lấy tuổi Hợi thì sướng, vì nó lành. Nhưng lắm kẻ dữ như hổ, lươn lẹo như rắn. Chẳng biết được. Người tuổi Hợi âm tính, nên làm những công việc dịu dàng, hướng nội, sâu sắc thì phát huy được bản tính nhiều hơn. Ví dụ viết sách, sáng tạo, việc xã hội, ngôn ngữ, nhân văn… Bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu những dục tính, thất tinh, tham-sân-si-hỉ-nộ-ái-ố. Đàn ông hãy yên tâm khi lấy tuổi Hợi. Còn phụ nữ thì lại càng nên. Nếu không lấy thì cũng nên cho… thơm (hôn) một cái.

    - Giả sử một ngày đẹp trời, ca sĩ Mỹ Tâm xuất hiện trước cửa nhà anh và nói: "Anh, (không xưng chú) em yêu anh từ lâu, anh có biết không?". Anh sẽ xử sự ra sao?

    - Ngu gì từ chối và ngu hơn nữa là… tưởng thật.

    - Có lần độc giả nói với anh: "Trông Trần Tiến dạo này hơi yếu". Anh đáp lại: "Không, tôi rất khoẻ. Khỏe quá không biết để làm gì?". Chẳng lẽ anh đã không còn dùng sức khoẻ vào việc gì nữa?

    - Tôi nói đùa thôi và đã bị trời phạt cho mấy cú đau ốm vì vạ miệng rồi. Bây giờ ai hỏi: anh khoẻ không? Tôi thường chắc ăn: Cảm ơn, trời cho vẫn khoẻ từ sáng đến giờ.

    - Anh sẽ điền gì vào chỗ trống: "Tính (tật) xấu nhất của Trần Tiến là…"?

    - Yếu lòng trước thuốc lá, bia hơi và… phụ nữ.

    - Giả sử 12h đêm, NSND Trần Hiếu điện đến: "Này chú, anh bảo thật, anh em mình có tuổi rồi, đừng yêu nhiều nữa để giữ gìn sức". Khi ấy, anh "đáp tử" ra sao?

    - Anh ấy chẳng bao giờ nói thế.

    - "Thực ra Trần Tiến chỉ là một…", anh sẽ hoàn thiện câu này như thế nào?

    - Người bình thường, tếu táo và tốt bụng.

    - Nếu phải tìm ra một số "đức tính" của Trư Bát Giới thì Trần Tiến sẽ tìm ra "đức tính" nào?

    - Mê gái đến độ mụ Bạch Cốt Tinh cũng không tha. Thương sư phụ và trọng ông bạn khỉ lạnh lùng như… thạch sùng.

    - Anh đã sáng tác về nhiều con vật như bướm vàng, chim én, chim sáo… Vậy sao con heo dễ thương và phúc hậu lại không đủ trở thành nguồn cảm hứng trong nhạc của anh?

    - Vì tôi còn đang trả nợ bài hát cho con gián bé con ở xó nhà.

    - Anh sẽ trả lời: "Tôi già rồi!", "Vợ tôi ghen lắm" hay là "Em rất tuyệt"… khi có một người con gái tỏ tình với anh?

    - Tất nhiên là cháu rất tuyệt nhưng theo tôi, cháu nên đi khám nhãn khoa trước đã.

    - Có lần anh nói: "Những thằng đẹp trai thường ngu". Anh nói thế vì ghen tỵ hay vì điều gì?

    - Tôi cũng đẹp trai đấy chứ.

    - Anh trung thành với bộ râu rậm rạp như để chứng tỏ nam tính. Anh nghĩ sao nếu cạo râu đi trông anh sẽ đẹp trai và trẻ hơn?

    - Với tôi, để râu đỡ vạ miệng. Nhiều người không râu nam tính hơn kẻ râu ria xồm xoàm. Tôi có câu hát trong bài Ra ngõ mà chơi: "Ai không đi chơi với không có tiền. Thì đi nuôi chim và nuôi cây cảnh. Tôi không đi đâu, tôi nuôi râu mình… dài chơi".

    (Theo Gia Đình Xã Hội)

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts