Tháng Bảy

Nhân Ý


Tháng bảy năm ấy, một năm trong thập niên 1960, trời mưa thúi đất. Cứ hễ chiều đến là các sợi nước dài, mỏng mảnh lại lướt thướt nối nhau rơi, triền miên không dứt, mãi cho đến tận sáng hôm sau. Để rồi ngừng chẳng bao lâu, đến xế chiều lại lướt thướt mưa. Và không biết có phải vì nhiều mưa hay không, năm ấy trúng lớn mùa cá nục.

Những chiếc nốt (1) chạy buồm đầy khẳm nhộn nhịp vào vào ra ra cửa biển. Cá được chở về thị xã bằng xuồng, bằng xe lam, đổ đống ngồn ngộn trước cửa các nhà lều (2) muối nước mắm. Những người gánh cá cong oằn cả lưng, còn đám trai lều (3) thì mệt bã người, chẳng còn ai nhấc nổi chiếc bồ cào trộn muối nữa, đành để cho những đống cá cứ mặc tình phơi mưa phơi nắng, những đôi mắt cá chết trắng dã ngước nhìn trời, thân cá sình lên xọp xuống, máu chảy thành những dòng lớn, đỏ lòm hoặc đen thẫm, chạy ngoằn ngoèo men theo bờ lộ trước khi đổ xuống cống. Mùi tanh tưởi ban đầu bao trùm lên khắp thị xã, sau biến thành mùi thối, sau nữa đúng là mùi xác chết. Như thể có hàng trăm cái xác người thối rữa treo lơ lửng ở khắp các hang cùng ngõ hẻm vậy.

Tôi năm ấy là một chú nhóc mười hai tuổi, về quê ngoại ở Phan Thiết để nghỉ hè. Ông ngoại tôi có một trại cưa nhỏ, chuyên đóng ghe cho người đi biển. Nhà là căn nhà chồ đóng bằng ván thô nằm trườn dài nửa trên bờ nửa dưới sông giữa một xóm nhà được gọi tên là xóm Lò heo, đa phần dân trong xóm sống nghề đồ tể. “Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận” mà, thiên hạ thời ấy ai cũng đồn là xóm có nhiều ma. Rằng tối tối ma heo kéo đi cả bầy, luẩn quẩn khắp ngõ làng nẻo xóm đến gần sáng mới biến đi, nhất là trong những đêm tháng bảy lê thê mưa dầm, đêm đầy bóng tối và bóng các oan hồn vất vưởng. Những người đi uống rượu về khuya còn đoan chắc rằng có khi họ trông thấy cả những con ma người lất phất bay trên nóc nhà ngoại tôi, vừa bay vừa hát những câu hát sầu não mê hoặc, mà ai nghe trọn hết những câu hát ấy sẽ trở nên nửa điên nửa dại vì mất hết linh hồn. Nhất là trên nóc nhà bà Cả Mạnh, đêm nào cũng có ma bay. Đó là chưa kể đến ngôi trường Bạch Vân bỏ hoang, cách đó chỉ chừng trăm bước chân chứ bao nhiêu, cứ hễ chiều xuống là tuyệt đối không ai dám đi ngang qua. Bởi vì bao nhiêu lời đồn đãi đã xoay quanh ngôi trường ấy, từ chuyện ma bay, ma ném đá, ma xõa tóc ngồi than khóc trên ngọn cây me, hễ thấy ai đi ngang qua là nhảy xuống quặp chặt lấy cổ không gỡ ra được..., đến ma le lè lưỡi, ma vòng treo cổ trên xà nhà...
Bọn trẻ con chúng tôi tối tối rúc cả vào nhà mình, hoặc có đi đâu thì tay bấm chặt ấn quyết theo kiểu Phật Bà Quan Âm, miệng lầm rầm không ngớt câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật, kẻo bị ma giấu vào bụi tre đố ai tìm được, miệng bị trét đầy đất sét mà cứ tưởng là bánh trái. Chẳng biết có phải nhờ thế hay không mà sau này tôi nghiệm ra rằng chẳng có đứa nào trong bọn trẻ con chúng tôi thật sự từng gặp ma cả. Mà ngay người sống trong những ngôi nhà có ma bay trên nóc, thật ra cũng chưa từng thấy ma. Nhưng nỗi sợ ma thì rất thật, và nỗi sợ ấy cùng với những bóng ma oan khuất cứ đương nhiên mà sống chung với người, đương nhiên len lỏi vào mọi ngóc ngách tâm hồn và cuộc đời chúng tôi, đương nhiên cũng như mùi cá mắm nồng nặc vẫn lẩn quẩn sống cùng vậy thôi.

Bà Cả Mạnh làm nghề giết mổ trâu bò. Nhà của bà là ngôi nhà hai tầng, bề thế và đẹp đẽ nhất trong cái xóm nghèo ấy, nghe đâu trước kia là của một ông sĩ quan, được xây cùng lúc với ông hoàng thân Pháp đã xây lầu Ông Hoàng bên Phú Hài. Nhà đẹp lắm, đắp cả phù điêu ở các đầu cột và đầu tường, nhưng lúc này đang bắt đầu rệu rã. Nhà quay mặt ra sông. Lòng sông trước nhà đổ đầy những đầu trâu đầu bò đã róc sạch thịt da. Trên bờ là một khoảng đất rộng trồng mấy hàng dừa, thường có vài con bò được buộc ở đó, chúng vừa phẩy đuôi đuổi ruồi vừa hấp háy những đôi mắt ướt mơ màng, buồn thiu nhơi cỏ. Đó là chỗ để bà Cả và những người lái bò chiều chiều ngồi chồm hổm trên đất cát cò kè, thương thảo giá cả cho những sinh mệnh ngắn ngủi và vô tội. Qua khoảng đất đó là sân trước, có một dãy chuồng để nhốt những con bò đã thuộc sở hữu của bà, xong mới tới nhà chính. Lò mổ ở sân sau, có cửa hậu để vận chuyển thịt ra chợ.
Tôi chơi với hai thằng cháu nội bà Cả nên thường vào nhà bà chơi nhưng chưa thực sự trông thấy việc giết mổ bao giờ, vì việc ấy chỉ làm vào lúc gần sáng, khi chẳng có đứa trẻ con nào thoát ra khỏi các giấc ngủ đầy mộng mị của chúng cả. Chỉ nghe kể đó là một công việc ghê rợn của sự giết chóc: những cú chày vương vãi máu và óc. Những bắp thịt điên lồng lên vì hoảng loạn. Những tiếng rống đau đớn, thảm thiết, hờn oán. Ròng ròng mọi thứ chất lỏng thoát ra khỏi một cơ thể sống: máu, đờm nhớt, mồ hôi, cứt đái, nước mắt, nước mũi...

Sống chung với bà Cả là gia đình ông Thân, con trai thứ ba của bà. Hai người con trai lớn làm ăn buôn bán ở Sài Gòn. Những người con gái kẻ lấy chồng gần người lấy chồng xa, có con đều gửi cho bà Cả nuôi. Ông Thân học hành làm ăn không tới đầu tới đũa, ở lại với mẹ lấy vợ đẻ con, lúc ấy đi lính địa phương quân, đóng lon thượng sĩ, doanh trại ở bên kia sông. Đám cháu nội ngoại của bà Cả sống cùng trong mái nhà ấy không phải là ít, nhưng hiếm con gái, duy nhất chỉ được chị Hạnh, con gái lớn của thượng sĩ Thân.

Chị Hạnh học trên dì Út tôi một lớp, được nhiều người yêu thích theo đuổi, trong nhà thì nhất mực được cưng chiều, nhưng chị lại rất ít nói, sống xa cách với mọi người. Chị đẹp lắm, cái đẹp vừa đài các vừa trong trẻo của một thiên thần. Tôi là một thằng nhóc lêu lổng có tiếng mà lắm lúc không cưỡng được việc nằm im thin thít hàng giờ như một con mèo rình mồi để nhìn chị chải tóc, trong lòng dậy lên một thứ gì đó mà sau này lớn lên mới hiểu nó chính là sự mê đắm. (Về sau, mỗi khi nhớ về quãng thời gian ấy, tôi vẫn tự hỏi phải chăng sự mê đắm đó là mối tình đầu của mình? Lúc đó tôi có chút khái niệm nào về tình yêu đâu, làm sao hiểu nổi những xúc cảm mộng mị kỳ lạ lúc ấy chính là thuộc tính của ái tình. Hay thực ra đó chỉ là libido? Như là một thứ dục tính có tính chất tiềm ẩn?).

Tóc chị Hạnh dài, khi ngồi lên bộ ván ngựa thì ngọn tóc vừa chấm mặt ván. Chị bôi một thứ dầu gì đó lên tóc rồi ngồi cả buổi dùng một chiếc lược sừng chải cho dầu ấy tan hết vào chân tóc, mắt không rời một cuốn sách nào đó mở rộng đặt trên bệ cửa sổ. Những cuốn sách ấy lạ lẫm biết bao đối với tôi, cho đến lúc ấy tôi chưa từng ngồi yên đọc cho hết dù là một quyển truyện nhi đồng. Kín cửa, Ngộ nhận, Buồn ơi chào mi... và hàng đống các truyện tình ái lãng mạn khác, đều do anh Hoàng mang sang cho chị mượn. Anh ấy sắp vào Sài Gòn học đại học, là con trai duy nhất của ông thiếu tá tiểu khu trưởng, người khét tiếng về sự chuyên quyền.

Phòng chị Hạnh ở trên lầu, có cửa sổ mở xuống sân sau. Tối chị đóng cửa sổ lại khi đi ngủ. Không ai biết rằng vào mỗi sáng tinh mơ tiếng rống thảm thiết của những con bò đang giẫy chết có chui qua được những khe cửa hở, len lỏi vào các giấc mơ thanh tân của chị hay không. Các giấc mơ không có máu và nước mắt, chỉ có tình yêu và hạnh phúc.

***
Chuyện xảy ra sau ngày rằm tháng bảy, nên lễ Vu Lan năm ấy mọi người trong xóm vẫn cùng đi chùa với nhau trong tâm trạng rất vui vẻ, có cả mấy thằng cháu của bà Cả Mạnh nữa. Sân chùa rộng mênh mông mà hôm ấy chật kín người, không có chỗ chen chân. Lũ trẻ con ngồi đầy các dãy bàn trong nhà trù và trong nhà khách chờ bữa cơm thí, đám khác không tìm được chỗ thì chạy nhảy ngoài sân, chờ xô cộ sau lễ cúng cô hồn các đẳng.

Trong chánh điện cũng đông người, khói hương mù mịt. Các vị Phật ngồi đứng trên các tòa sen, mắt khép, vẻ mặt thanh thản bao dung. Các thầy cũng lim dim mắt chuông mõ boong boong, miệng đọc bản danh sách dài vô tận những vong nhân đang được thân nhân cầu xin xá tội. Lũ chúng sinh bên dưới, từ bà hàm hộ(4) tay đeo kín hột xoàn đến chị gánh cá có đôi lòng bàn chân bị miểng chai cắt nát, từ bác xích lô mặt mày đen đúa nhăn nhúm đến ông thầy giáo trắng trẻo đạo mạo..., thảy đều xì xụp lạy, xì xụp cầu xin. Quang cảnh trang nghiêm là thế, mà không khỏi nhiều lúc mọi người đồng loạt khịt mũi hoặc bịt mũi, không chịu nổi cái mùi xác thối cứ hỗn hào chen lấn với đám khói hương lãng đãng bay khắp chánh điện.
Được một lát dì Út kéo tôi ra ngoài chờ giờ xô cộ. Dì nói: Mày có thấy ứa gan không, mấy cái bà đó tay thì đeo hột xoàn, chân thì bước qua đống cá chết sình trước nhà lều mấy bả, rồi tới đây nam mô, lạy lạy, làm dơ cả cửa chùa. Mấy bả muốn cầu xin cái gì nữa? Bao nhiêu tiền chưa đủ sao, bao nhiêu con cá đang nhởn nhơ bơi lội ngoài biển bây giờ thành đống chết sình như vậy còn chưa đủ sao? Phật nào mà chứng cho mấy bả... Dì Út tôi lúc ấy sắp lên lớp đệ nhị, bắt đầu hiểu những điều tôi lờ mờ chưa hiểu, thường hay bị bà ngoại mắng là con người lý sự. Lúc ấy tôi chỉ thấy đó là chuyện người lớn, mắc chi mà dì phải nóng giận đến vậy. Khi xô cộ xong, hè(5) được mấy chiếc bánh bò bánh ít dập nát đất cát gói trong tờ lá loan(6) mang về, tôi tung tăng vừa nhảy vừa hát, mà không hiểu sao dì Út vẫn không buông tha, tiếp tục rót vào tai tôi những lời u ám: "Mày biết bà Hạnh xóm mình giống mấy bà hàm hộ ở chỗ nào không? Ở chỗ họ cùng sống trên những xác chết đó". Tới đây thì tôi vùng bỏ chạy, thật tình tôi không muốn nghe những chuyện rối rắm và xúc phạm đến chị Hạnh của tôi như vậy.

Hôm sau ngày mười sáu, bà ngoại tôi cúng cô hồn. Lúc bà ngoại cúng cháo thí thực, dì Út đứng bên cạnh bảo tôi: "Tháng này là tháng cô hồn rong chơi, mày có đi đâu phải cẩn thận, kẻo gặp quỷ ma xúi bẩy làm điều bậy bạ đó". Xế trưa tôi đi theo bà ngoại ra cầu sông để thả chiếc bè kết bằng bẹ chuối chở đầy chè bánh cho những người mà ngoại tôi giải thích là những người Hời, xưa kia là chủ của vùng đất này. Lúc ấy tôi trông thấy anh Hoàng ngồi trên bờ sông, trước sân nhà chị Hạnh. Tôi vẫy tay gọi nhưng anh không trả lời. Không ngờ ngay hôm sau đã xảy ra cái chết bi thảm của anh làm rúng động cả thị xã, có phải chăng ma quỷ đã xúi bẩy anh làm cái việc quá đỗi sai lầm ấy? Vụ tự tử dữ dội ấy xảy ra ở một cái giếng cạn bỏ hoang trong khu gia đình binh sĩ nằm bên kia sông. Anh đã ném một trái lựu đạn, tay kia cầm một trái khác, cùng nhảy theo nó xuống đáy giếng. Trái lựu đạn nổ, kích trái kia nổ theo, thân xác anh bị bằm xé hai lần, nát tan như xác pháo.

Những tin tức loại đó lan truyền rất nhanh trong đám trẻ con chúng tôi. Khi tôi nhanh chân chạy đến thì đã có mặt hàng trăm đứa khác, đang chen lấn bao chặt lấy miệng giếng để nhìn xuống. Những đứa xem xong thì chen ra ngoài, mặt mày xanh lét. Có đứa ói, có đứa òa ra khóc nức nở. Tôi không dám chen vào xem, chỉ nhìn thấy mấy vết máu dính trên thành giếng đã tự nhiên run lẩy bẩy, mà thật tình lúc ấy cũng chưa biết ai nằm dưới đáy giếng. Một lúc sau tôi trông thấy dì Út. Dì hét lên: "Mày chạy mau lên, thật mau, báo cho bà Hạnh hay liền". Tôi lắp bắp: "Tại sao? Tại sao phải cho chị Hạnh hay?". Dì hét lên: "Ảnh là anh Hoàng, là người yêu của bà Hạnh. Trời ơi, sao mày ngu quá vậy, đồ con bò! Mau lên!". Tôi vừa chạy vừa run vừa khóc vừa té bầm dập vì trượt nước mưa vừa tự hỏi, tại sao vậy nhỉ, tại sao lại là người yêu của chị Hạnh được, không phải chỉ là bạn thôi à?

Thành ra tôi là người đầu tiên cho chị hay cái tin dữ ấy. Ban đầu mắt chị mở to ngơ ngác, rồi sụp xuống, ánh lên thứ ánh sáng hoảng loạn, đau đớn. (Về sau tôi nghĩ đôi mắt ấy có lẽ rất giống mắt những con bò hấp hối bên dưới cánh cửa sổ phòng chị). Chị gào lên: "Mấy người vừa lòng chưa? Mấy người bắt tôi giết anh ấy, đã vừa lòng chưa?". Rồi chị đổ gục xuống, như một cây chuối bị dao chém ngang.

***
Người ta bàn tán đồn đãi rất nhiều về vụ tự sát đó, nên không khó khăn gì cho tôi trong việc ráp nối chúng thành câu chuyện có đầu có đuôi, có cả những lời bình luận. Anh Hoàng và chị Hạnh yêu nhau, nhưng không được gia đình chấp thuận. Cha anh ấy là chỉ huy trực tiếp của cha chị Hạnh, cho rằng mối tình ấy không xứng đáng, làm uổng phí tương lai sự nghiệp con trai ông. Trong khi gia đình chị Hạnh kiếm sống bằng nghề hạ tiện, thượng sĩ Thân là thuộc cấp dưới quyền, ít học, tính tình lại ương bướng làm sao mà kết thành thông gia được, thì con trai ông cứ khăng khăng rằng chưa làm lễ đính hôn thì nhất quyết không vào Sài Gòn đi học.

Sáng thứ hai ấy, trong doanh trại có lễ chào cờ, mọi sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ đều có mặt đủ, xếp hàng ngay ngắn dưới sân. Sau lễ ấy, như thường lệ, ông thiếu tá lôi các lính tráng phạm lỗi ra chửi bới và phạt. Thượng sĩ Thân hôm ấy không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào, lại lớn tiếng bênh vực cho người lính tài xế đang bị ông thiếu tá mắng mỏ. Thế là bao nhiêu bực bội, tức tối trong lòng ông thiếu tá bấy lâu nay tuôn trào cả lên đôi bàn tay. Mặt đỏ rần, ông hét to lên, thẳng cánh tát vào mặt thượng sĩ Thân. Không phải chỉ một cái, mà cái nữa, cái nữa, cái nữa, cái nữa, cái nữa... Càng tát càng say, càng hả hê, càng sung sướng.

Ban đầu ông Thân ngớ ra ngạc nhiên, nhưng sau đó cúi đầu chịu tát. Cả một sân người im phăng phắc. Nỗi nhục đi qua cổ họng, ông thượng sĩ nuốt đánh ực xuống bụng. Ông biết nếu mình đánh lại ông thiếu tá thì nắm chắc chuyện phải ra tòa án binh. Nỗi nhục ấy, trưa về đến nhà, lại trào lên lần nữa lên đôi cánh tay ông Thân, ông thẳng cánh tát vào mặt con gái. Mặt chị Hạnh sưng vù, ông xô chị vào một căn phòng kín, khóa trái cửa nhốt lại. Ông cho rằng chính chị đã rước nỗi nhục đến cho ông, và ông sẽ không bao giờ tha thứ cho chị cái tội đã yêu con trai của kẻ thù.

Anh Hoàng không biết chuyện chị Hạnh bị cha đánh và nhốt. Chiều ấy anh đến tìm chị. Người trong nhà không cho vào, anh bỏ ra ngồi suốt buổi ở bờ sông trước sân nhà, chỗ những người lái bò thường ngồi hút thuốc, mặc cho mưa cứ từng sợi từng sợi dài ướt đẫm áo. Anh cũng hút thuốc, liên miên, nối điếu này với điếu kia, không nói với ai một lời nào, cũng không lần nào ngước mắt nhìn lên cửa sổ nhà chị. Ai mà biết được anh đang suy nghĩ những gì! Anh ngồi đấy đến tối, rồi sáng lại đến ngồi đúng vào chỗ cũ. Mặc cho mưa rơi. Cha chị không đuổi anh ấy đi, mà đe dọa chị đủ điều, buộc chị viết thư tuyệt tình. Chị khóc sưng mắt, rồi chị viết. Mẹ chị mang thư ra, không ai biết chị đã viết gì, anh đọc xong lẳng lặng vò bức thư ném xuống dòng nước sông đang chảy. Hôm anh ném thư xuống sông đúng là hôm rằm, người trong xóm đều ở cả trên chùa. Sau hôm ấy là ngày tôi đã vẫy gọi nhưng anh không trả lời. Hôm sau nữa anh lại đến, nhưng ngồi không lâu thì cha anh đến với hai người lính ngồi trên xe Jeep. Anh không cãi cọ gì, ngoan ngoãn ngồi vào xe, nhưng tuyệt đối không hé răng nói lấy một lời, mặc cho ông bố la hét điên cuồng trên xe.
Khi về đến nhà thì cơn giận của người cha lên đến cực điểm. Ông lôi anh xuống xe, rồi đánh anh tới tấp bằng hai sợi dây nịt nhà binh chắp lại. Con ông không bao giờ hiểu ông, và trời ơi, có phải là cũng chưa bao giờ ông hiểu con ông? Những đầu móc kim loại trên các sợi dây nịt xé rách thịt da anh, cũng là xé rách cõi lòng ông. Đánh mệt rồi, ông sầm sầm nhảy lên xe lái đi. Từ khi con còn nhỏ, từ khi vợ ông mất đi, từ khi ông nhận ra cuộc đời mình nhiều nỗi cô đơn hơn là niềm vui thú, thì đây là lần đầu tiên ông đánh con trai của mình. Đứa con mà ông quý còn hơn sinh mệnh ông. Khi người cha đi rồi, anh Hoàng mím môi đi xuống nhà sau, lặng thinh như một nấm mồ. Lúc ấy anh đã không hề nói với ai một lời giã từ, hay một lời trăng trối, hoặc gửi lại cho ai một dòng chữ nào. Cũng không lý gì tới người chị gái nãy giờ vẫn nước mắt lưng tròng cố chen vào giữa cuộc xung đột của hai cha con. Bởi thế không ai đánh hơi được cái chết đang rình rập, không ai ngờ đến sự nguy hiểm của việc anh đi xuống nhà sau. Ở đó, trong hốc tường, anh biết chỗ cha anh cất giữ lựu đạn. Có thể lúc ấy anh chỉ nghĩ đến cái giếng, là nơi trái đạn có thể nổ mà không gây hại gì cho ai khác.

Sau này không bao giờ tôi còn gặp lại chị Hạnh nữa. Lúc ấy người ta mang ngay chị vào Sài Gòn sống với hai người bác, còn tôi cuối tháng ấy cũng rời quê ngoại trở lên Đà Lạt để bắt đầu năm học mới. Mấy năm sau tôi được nghe kể rằng chị Hạnh ở Sài Gòn lúc tỉnh lúc điên, khi lên cơn bốc cả cứt chó mà ăn. Nhưng một người khác lại quả quyết rằng đã từng gặp chị ở Vũng Tàu, bấy giờ mới lấy chồng, sống trong khu cư xá dành riêng cho cố vấn Mỹ trồng đầy hoa đại trắng. Dù tỉnh hay điên, hẳn chị đã quên đi câu chuyện cũ. Tôi vẫn hằng mong như thế, bởi vì nếu cứ phải nhớ những điều đau đớn thì làm sao mà sống nổi.
Ở trên đời, quả là rất khó lý giải được tâm tình của con người, mà việc đoán được mỗi con người sẽ phản ứng như thế nào trong mỗi tình huống lại càng khó hơn. Về cái chết của anh Hoàng người ta quy cho nhiều lý do rất khác nhau. Người cho rằng vì được nuông chiều quá đáng mà hình thành trong anh những cơn nư giận cũng dữ dội quá đáng. Người thì bảo đó hoàn toàn là một câu chuyện tình, tỏ rõ sức mạnh của tình yêu, có khi còn mạnh hơn cái chết. Rất nhiều người khác lại đoan chắc rằng chẳng qua do ma xui quỷ khiến mà thôi. Riêng dì Út tôi (sau này lớn lên không còn tin dị đoan hay ma quỷ nữa, lại đi học môn triết ở đại học Văn khoa Sài Gòn) một hôm nhân nói chuyện với tôi về thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre, dì nhắc lại câu chuyện cũ: "Mày có biết tại sao ông Hoàng ổng chết không? Cha ổng từ nhỏ đến lớn sống trong nền giáo dục của Khổng tử, tin chắc vào một xã hội theo trật tự quân sư phụ. Trong khi đó lại để cho ông Hoàng đọc tiểu thuyết quá nhiều, nhiễm vào đầu ông cái triết lý hiện sinh, cho rằng tha nhân là địa ngục, còn cái cá nhân tôi của mình thì bất khả xâm phạm. Thế thì chuyện xung đột là đương nhiên phải xảy ra rồi, ai thua thì chết thôi". Rồi dì kết luận một câu xanh rờn: "Bởi vậy mày đừng có tưởng rằng chữ nghĩa mà không giết được người".


Chú thích:
Trong truyện có dùng một số từ ngữ địa phương:
(1) Nốt: Thuyền gỗ lớn chạy bằng sức gió, dùng để đánh cá nục.
(2) Nhà lều: Nhà xưởng để sản xuất nước mắm. Gọi là lều nhưng thường rộng lớn và được xây dựng kiên cố.
(3) Trai lều: Nhân công làm việc trong nhà lều.
(4) Hàm hộ: Chủ nhân của xưởng sản xuất nước mắm.
(5) Hè: Giành giật.
(6) Lá loan: Một loại lá rừng bản rộng, thời ấy được dân Phan Thiết dùng để gói thức ăn (Cũng giống như lá sen được dùng ở Vũng Tàu, hay lá chuối ở Sài Gòn).