-
Moderator
B - Bài Giảng của ĐHY Franc Rodé, C.M.Trong Lễ Khai Mạc Tổng Hội XXXV Dòng Tên Chúa Giêsu
Tổng Hội XXXV của Dòng Tên Chúa Giêsu
Bài Giảng của Đức Hồng Y Franc Rodé, C.M.Trong Lễ Khai Mạc
Kính thưa các thành viên tham dự Tổng Hội XXXV của Dòng Tên
Thánh Inhã đã xem Tổng Hội như là một “công trình và một sự gián đoạn” (HL 677) vì một số lớn các thành viên ưu việt của Dòng phải tạm ngưng các hoạt động tông đồ của mình để tham dự. Vì lý do đó, khác với các Dòng tu khác, Hiến Luật Dòng Tên qui định rằng Tổng hội không nên diễn ra quá thường xuyên.
Tuy nhiên, Dòng cần phải họp Tổng hội trong hai trường hợp: để bầu Bề Trên Cả và để bàn về những điều quan trọng hoặc những vấn đề hết sức khó khăn liên quan đến toàn thân thể Dòng.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử Tổng hội được triệu tập để bầu Bề Trên Cả mới trong khi vị tiền nhiệm vẫn còn sống. Lần đầu tiên là vào năm 1983, khi Tổng Hội XXXIII chấp nhận đơn từ chức của cha Arrupe yêu dấu. Ngài đã bị bệnh nặng và đột xuất, đến mức không thể thi hành vai trò quản trị được nữa. Hôm nay Tổng hội được triệu tập lần thứ hai để nhận định, trước mặt Chúa, việc chấp nhận đơn từ chức của cha Kolvenbach. Ngài đã dẫn dắt Dòng Tên trong suốt gần 25 năm cách khôn ngoan, cẩn trọng, tận tuỵ và trung thành. Sau đó là việc bầu vị kế nhiệm Ngài. Với tư cách cá nhân và nhân danh Giáo Hội, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với cha Kolvenbach, vì lòng trung thành, sự khôn ngoan, sự tốt lành và gương sáng khiêm nhường và nghèo khó của ngài. Xin cám ơn cha, thưa cha Kolvenbach.
Việc bầu Bề Trên Cả mới mang một ý nghĩa quan trọng đối với Dòng Tên, không chỉ vì theo Hiến Luật, cơ cấu tập quyền của Dòng trao toàn quyền quản trị, bảo tồn và phát triển Dòng cho cha Bề Trên Cả. Nhưng còn bởi vì thánh Inhã đã nói rất hay rằng: “sự lành mạnh của đầu lan toả ra khắp cơ thể; và các bề trên tốt lành thế nào thì các người dưới cũng như vậy” (xem HL 820). Chính vì lý do này mà khi đưa ra các phẩm chất một Bề Trên Cả nên có, Đấng sáng lập của quí vị đã đặt trên hết phẩm chất là vị đó phải là “một người kết hợp sâu xa với Chúa Giêsu và quen thuộc với việc cầu nguyện” (HL 723). Sau khi đề cập đến các phẩm chất quan trọng vốn rất khó thấy hội tụ nơi một cá nhân, ngài đã kết luận rằng “nếu có thiếu một trong các phẩm chất nói trên thì ít nhất vị đó cũng không thể thiếu sự tốt lành, tình yêu dành cho Dòng và trí phán đoán tốt” (HL 735).
Tôi hiệp cùng quí vị, cầu xin Chúa Thánh Thần, Cha của kẻ nghèo khó, Đấng ban ân sủng và ánh sáng của trái tim, phù trì quí vị trong quá trình nhận định và bầu cử.
Tổng hội này cũng được triệu tập nhằm bàn về những vấn đề quan trọng và khó khăn liên quan đến tất cả các thành viên của Dòng, cụ thể là đường hướng chung mà Dòng đang đi. Tổng hội chắc chắn sẽ phải bàn đến các đề tài liên quan đến các yếu tố căn bản của đời sống của Dòng. Chắc chắn quí vị sẽ phải bàn về căn tính của Giêsu hữu ngày nay, về ý nghĩa và giá trị của lời khấn vâng phục Đức Thánh Cha vốn là nét đặc trưng của Dòng, về sứ mạng của Dòng trong bối cảnh toàn cầu hoá và tha hoá, về đời sống cộng đoàn, về đức vâng phục tông đồ, về cổ võ ơn gọi và các đề tài quan trọng khác.
Quí vị có thể tìm thấy nhiều điểm qui chiếu giá trị trong đặc sủng và truyền thống của quí vị để giúp quí vị lựa chọn hướng đi của Dòng hôm nay.
Dĩ nhiên là trong Tổng hội này, quí vị đang thực hiện một công trình quan trọng, nhưng đây không phải là một “gián đoạn” của công việc tông đồ của quí vị. Như thánh Inhã dạy trong Linh Thao, quí vị phải có cùng một viễn tượng như Ba Ngôi Thiên Chúa, nhìn xuống “toàn mặt đất nheo nhóc những người là người” (LT 102). Lắng nghe Thần Khí, Đấng sáng tạo và canh tân thế giới, trở về cội nguồn để duy trì căn tính mà không đánh mất lối sống riêng, dấn thân để nhận định các dấu chỉ thời đại, mài công cách có trách nhiệm để đưa ra các quyết định cuối cùng, đó chính là các hoạt động tông đồ vì chúng hình thành nền tảng của một cuộc canh tân đời sống thánh hiến và dấn thân tông đồ của từng anh em trong Dòng Chúa Giêsu.
Ngày nay viễn tượng trở nên rộng mở hơn. Đối tượng của nền huấn luyện thiêng liêng và tông đồ của quí vị không chỉ gói gọn cho các anh em Giêsu hữu nữa. Có nhiều hiệp hội đời sống thánh hiến, theo linh đạo của thánh Inhã, đang quan tâm đến các lựa chọn của quí vị; có rất nhiều linh mục tương lai đang theo học tại các trường và đại học của quí vị sẽ chịu ảnh hưởng từ các quyết định của quí vị. Có rất nhiều người trong và ngoài Giáo Hội, đang theo học tại các trung tâm nghiên cứu, tìm câu trả lời cho các thách đố mà khoa học, kỹ thuật và hiện tượng toàn cầu hoá đang đặt ra cho nhân loại, cho Giáo hội và cho đức tin; họ đang hy vọng sẽ nhận được từ quí vị một nền huấn luyện giúp họ có khả năng xây dựng một thế giới của sự thật và tự do, của công lý và hoà bình.
Công việc của quí vị phải mang tính tông đồ và tràn đầy tính nhân bản, tính giáo hội và tính tin mừng. Công việc đó phải được thực hiện dưới ánh sáng của đặc sủng của quí vị, để sao cho việc tham gia ngày càng tăng của giáo dân vào các hoạt động tông đồ không làm lu mờ đi căn tính của quí vị nhưng làm cho nó phong phú hơn, với sự cộng tác của những người đến từ các nền văn hoá khác nhau, chia sẻ cùng một lối sống và mục tiêu như quí vị.
Một lần nữa tôi hiệp cùng quí vị cầu xin Thần Khí đồng hành với quí vị trong sứ vụ quan trọng của quí vị.
Như một người anh em đang theo dõi các hoạt động của quí vị với nhiều nỗi quan tâm và mong đợi, tôi xin chia sẻ với quí vị “những niềm vui và hy vọng” (GS 1) cũng như “những ưu tư và u sầu” (GS 1) của tôi, như một đại diện của Giáo hội, được gọi để thi hành tác vụ khó khăn trong lãnh vực liên quan đến đời sống thánh hiến, trong vai trò là Tổng Trưởng Bộ Các Dòng Tu và Các Hội Tông Đồ.
Tôi rất vui và tràn đầy hy vọng khi thấy hàng ngàn tu sĩ quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, bỏ lại đàng sau tất cả mọi thứ để dâng hiến trọn vẹn cho Chúa, để ở lại và cộng tác với Ngài trong ước muốn cứu độ của Ngài là “qui phục mọi sự và nhờ đó đi vào Vinh Quang của Cha” (LT 95). Rõ ràng là đời sống thánh hiến vẫn tiếp tục là “thánh ân mà Giáo hội đã nhận từ Chúa Giêsu” (LG 43) và chính vì thế mà Giáo hội muốn canh chừng cẩn thận sao cho đặc sủng của mỗi Dòng được biết đến nhiều hơn, và dù phải hội nhập để đáp ứng thời đại, vẫn giữ căn tính nguyên tuyền của mình vì lợi ích chung của toàn Giáo hội. Đặc tính của đời sống thánh hiến chân thật là bước theo Đức Kitô, là dâng hiến trọn vẹn cho Ngài và cho Nước Trời bằng việc khấn giữ các lời khuyên phúc âm. Công Đồng Vatican II dạy rằng “sự thánh hiến này càng trở nên hoàn hảo hơn, nếu như mối dây hiệp nhất giữa Đức Kitô và Hiền Thê của Ngài, tức Giáo hội, được thể hiện bởi những mối dây bền vững hơn” (LG 44). Hiến dâng để phục vụ Đức Kitô gắn liền với việc hiến dâng để phục vụ Giáo hội. Thánh Inhã và các bạn đầu tiên đã công nhận điều này khi họ viết Bản Công Hiến của Dòng, chỉ ra rằng đặc sủng của quí vị là: “Phục vụ Đức Kitô và Hiền Thê của Ngài, Giáo hội, dưới quyền của Giáo chủ Rôma” (Julio III, Formula I). Tôi rất buồn và lo lắng khi thấy rằng cái cảm thức cùng Giáo hội mà Đấng sáng lập của quí vị thường xuyên nói đến đang bị suy giảm dần ngay trong các Dòng tu. Giáo hội đang chờ đợi dấu hiệu tươi sáng từ phía quí vị để phục hồi sensus Ecclesiae này. Linh Thao của Thánh Inhã là chuyên môn của quí vị. Những luật đồng cảm với Giáo hội là một phần quan trọng thiết yếu của tác phẩm vĩ đại này của linh đạo công giáo. Những luật đó đóng vai trò như những khuyên bằng vàng xâu những bài Linh Thao lại thành một cuốn sách.
Quí vị có trong tay những yếu tố cần thiết để thực hiện và đào sâu ước vọng này của thánh Inhã và của Giáo hội.
Tình yêu dành cho Giáo hội – dù như là Dân Chúa hay như là Giáo hội phẩm trật – không phải là một tình cảm nhân loại, vốn lúc có lúc không tuỳ vào những con người tạo ra nó hay tuỳ vào sự tùng phục những chỉ thị của các vị lãnh đạo Giáo hội. Tình yêu dành cho Giáo hội là một tình yêu xây dựng trên đức tin, là quà tặng của Chúa. Chính vì Ngài yêu ta nên Ngài ban cho ta đức tin vào Ngài và vào Hiền Thê của Ngài, tức Giáo hội. Nếu ta không được ơn để tin vào Giáo hội ta sẽ không có thể yêu Giáo hội.
Tôi hiệp cùng quí vị cầu xin Chúa ban cho quí vị ơn được lớn lên trong đức tin và trong tình yêu đối với Giáo hội thánh thiện, công giáo và tông truyền như chúng ta vẫn tuyên xưng.
Tôi cũng rất buồn và lo lắng khi thấy ngày càng có nhiều xa cách đối với hàng giáo phẩm. Yếu tố phục vụ “dưới quyền Đức Thánh Cha” của linh đạo Inhã không cho phép có sự xa cách này. Trong sách Linh thao (số 353) thánh Inhã đã viết “chúng ta phải luôn để tâm để trí sẵn sàng và mau chóng vâng phục Hiền thê của Đức Kitô và Mẹ Thánh của chúng ta, tức Giáo hội phẩm trật”. Vâng phục của đời tu phải được hiểu là vâng phục trong yêu thương. Cốt lõi nền tảng của linh đạo Inhã hệ tại việc liên kết tình yêu dành cho Chúa với tình yêu dành cho Giáo hội phẩm trật. Tổng hội XXXIII của quí vị đã lặp lại đặc tính này của vâng phục khi tuyên bố rằng “Dòng tái khẳng định trong tinh thần đức tin mối dây truyền thống ràng buộc Dòng với Đức Thánh Cha trong yêu thương và phục vụ”. Quí vị cũng lặp lại nguyên tắc này trong khẩu hiệu “yêu thương và phục vụ trong tất cả mọi sự”.
Quí vị cũng phải đưa Tổng hội XXXV này, được khai mạc bằng Thánh lễ này, vào trong tinh thần và đường hướng đó, vốn đã được Dòng theo đuổi qua nhiều thế kỷ. Như thế, quí vị chứng tỏ ước muốn và dấn thân trung thành với đặc sủng mà Đấng sáng lập đã để lại như gia sản và thực hiện đặc sủng đó để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của Giáo hội ngày nay.
Sứ vụ của Dòng là phục vụ “dưới cờ Thập giá” (Formula I). Mỗi sứ vụ được thực hiện cách yêu thương đòi hỏi một sự tự huỷ, một kenosis. Từ bỏ điều ta muốn để làm điều người yêu muốn. Chính khi đó kenosis của ta được biến đổi thành hình ảnh của Đức Kitô Đấng đã học vâng phục ngang qua đau khổ (Dt 5,8). Vì lý do này mà thánh Inhã, một cách thực tế, đã viết thêm rằng người Giêsu hữu phục vụ Giáo hội “dưới cờ Thập giá” (Formula I).
Chính thánh Inhã cũng đã đặt mình dưới quyền của Đức Thánh Cha “để không sai lạc trong đường lối của Chúa” (HL 605) khi Ngài sai phái các tu sĩ của mình đi khắp nơi trên thế giới và hiện diện bất cứ nơi nào Giáo hội có nhu cầu lớn hơn.
Thời thế đã thay đổi và Giáo hội ngày nay cũng phải đối diện với những nhu cầu cấp bách mới. Tôi xin đề cập đến một vấn đề mà tôi nghĩ là cấp bách và phức tạp, và xin đề nghị quí vị xem xét. Đó là nhu cầu trình bày cho các tín hữu và cho cả thế giới chân lý được mạc khải trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Có một sự khác biệt về giáo thuyết ở nhiều cấp độ khác nhau của những người có ơn gọi và sứ mạng loan báo chân lý và tình yêu của Nước Trời. Sự khác biệt đó đã làm cho các tín hữu mất phương hướng và dẫn đến một chủ nghĩa tương đối quá trớn. Chỉ có một chân lý mà thôi, cho dù nó luôn luôn có thể được đào sâu hơn.
Chính “huấn quyền của Giáo hội, vốn thực thi quyền bính nhân danh Đức Kitô” (DV 10) là bảo đảm cho chân lý mạc khải. Các nhà chú giải và thần học gia nên làm việc chung với nhau “dưới sự bảo hộ của huấn quyền của Giáo hội, để khám phá và trình bày ý nghĩa của các tác phẩm thánh” (DV 23). Với một quá trình huấn luyện dài và chắc chắn, với các trung tâm nghiên cứu, với việc giảng dạy trong các ngành triết học, thần học và kinh thánh, quí vị đang ở một vị trí vinh dự để thực hiện sứ mạng khó khăn này. Quí vị hãy thực hiện sứ mạng này với những nghiên cứu sâu rộng, với lòng khiêm nhường, với lòng tin vào Giáo hội. Quí vị hãy làm điều đó với tình yêu dành cho Giáo hội.
Ước chi những người, theo luật Dòng của quí vị, có trách nhiệm canh nom giáo thuyết của các ấn bản tạp chí, sách vở, v.v… thực thi trách nhiệm của họ dưới ánh sáng của “các luật đồng cảm với Giáo hội”, với tất cả tình yêu và lòng kính trọng.
Tôi cũng lo lắng khi thấy đức tin và văn hoá ngày càng xa cách nhau. Sự xa cách này là một trở ngại lớn cho việc rao giảng Tin Mừng (Sapientia Cristiana, proemio).
Một nền văn hoá ngụp lặn trong tinh thần Kitô giáo chân chính là một khí cụ sắc bén cho việc loan truyền Tin mừng, loan truyền đức tin vào Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời và đất. Truyền thống của Dòng, ngay từ những ngày đầu tiên của Học Viện Rôma, luôn dấn thân vào những giao lộ giữa Giáo hội và xã hội, giữa đức tin và văn hoá, giữa tôn giáo và thế tục. Quí vị hãy lấy lại những vị trí tiên phong đó, vốn rất cần thiết cho việc truyền tải chân lý vĩnh cửu đến thế giới hôm nay, bằng ngôn ngữ của thời đại. Xin đừng bỏ cuộc trước thách đố này. Chúng ta biết rằng đây là việc rất khó khăn, bất tiện và liều lĩnh, đôi khi không được đề cao mà còn bị hiểu lầm; nhưng đây là một trách vụ cần thiết cho Giáo hội. Giáo hội đòi hỏi nơi quí vị nhiều trách vụ tông đồ khác nhau, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là: khí cụ để thực thi các trách vụ đó, theo cách nói của thánh Inhã, phải là sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Chúng ta nghe thấy văng vẳng tinh thần Inhã trong bài Tin mừng chúng ta đọc ngày hôm nay: “Thầy là cây nho, chúng con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy trong người ấy thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Gn 15,15). Chúng ta chỉ có thể kết hợp với thân nho, vốn là tình yêu, bằng các cuộc trao đổi yêu thương trong thinh lặng của mỗi người chúng ta với Chúa. Các cuộc trao đổi đó chính là các giờ cầu nguyện vậy. Chúng ta không thể biến đổi thế giới, hay đáp trả các thách đố của một thế giới đã đánh mất tình yêu, nếu như chúng ta không bám chắc vào tình yêu.
Thánh Inhã đã được ban ơn thần bí để trở thành “một nhà chiêm niệm trong hoạt đông” (annotation to the Examine MNAD 5,172). Đó là một ơn Chúa ban nhưng không cho thánh Inhã, vốn đã trải qua một chặng đường khó khăn với lòng thành tín và cầu nguyện lâu giờ ở Manresa. Đây là một ơn, mà theo cha Nadal, thì được gói trong ơn gọi của từng Giêsu hữu. Được hướng dẫn bởi tinh thần magis của thánh Inhã, quí vị hãy mở rộng con tim để cũng được đón nhận ơn huệ đó, theo đuổi cùng chặng đường mà thánh Inhã đã đi từ Loyola tới Rôma. Đó là chặng đường của sự quảng đại, khổ hạnh, nhận định, cầu nguyện, vâng phục tông đồ, bác ái, trung thành và tình yêu dành cho Giáo hội phẩm trật.
Đối diện với những nhu cầu tông đồ khẩn thiết, quí vị hãy cứ duy trì và phát triển đặc sủng này để sống trong thế giới này như “những nhà chiêm niệm trong hoạt động”. Quí vị hãy thông truyền cho mọi người nam nữ và cho toàn tạo vật tình yêu của Chúa và hướng họ trở về với tình yêu đó. Ai cũng có thể hiểu ngôn ngữ của tình yêu.
Chúa đã chọn quí vị để quí vị ra đi và sinh nhiều hoa trái, những hoa trái tồn tại lâu dài. Quí vị hãy lên đường, sinh hoa trái và xác tín rằng “tất cả mọi sự chúng con xin Cha nhân danh Thầy, Ngài sẽ ban cho chúng con” (xem Gn 15,16).
Tôi hiệp lòng cùng quí vị cầu xin Cha, ngang qua Con và trong Thần Khí, cùng với Mẹ Maria, Mẹ của Thánh Ân, được mọi thành viên của Dòng gọi là Đức Mẹ Trên Đường, xin Cha ban cho quí vị ơn “tìm và khám phá ý Chúa muốn về Dòng của ngày hôm nay để xây dựng Dòng của ngày mai”.
LM. Nguyễn Hải Tĩnh, S.J. (dịch)
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules