Kẻ Phá Bĩnh

Bích Sương



Mọi người gọi nó là “kẻ phá bĩnh”, còn tôi là một đứa tài tử.
Nó im lặng, còn tôi thì chấp nhận.




Kể ra thì cũng đúng một phần, và vật minh chứng đầu tiên cho sự phá bĩnh của nó ở lớp ngay đầu năm học là cái băng ghế bị xếp loại thương binh hạng ¾ - theo như lời thằng Hoàng - và báo hại tôi phải làm biên bản báo cáo với nhà trường: “Ghế bị gãy hai chân” cùng lý do "không rõ”.



Nó đây là Phương, bạn thân của tôi từ hồi còn bé nhưng không ai, kể cả ba, mẹ và bạn bè nó gọi đúng tên nó. Ở nhà và ở lớp chỉ nghe gọi là “Bi” - cái tên cúng cơm hồi xưa lắc xưa lơ. Không hiểu ba mẹ nó muốn nó là con trai hay sao mà đặt tên nghe có vẻ “nam nhi” thế. Hỏi thì nó cười: “Tại nó vậy!” Rồi lên giọng triết “Tên tuổi không quan trọng, cơ bản là cái gì ẩn chứa bên trong tên tuổi ấy” - Nghe mà muốn hét cho bỏ tức: “Bốc phét!”



Và tôi là kẻ cá biệt trong đám bạn của nó, tôi gọi nó là Phương theo đúng tên khai sinh. Nó không phản đối mà nhìn tôi với cặp mắt biết ơn. Thôi thì cứ để nó biết ơn cái thói quen của mình - Tôi thầm nghĩ.



Một ngày chủ nhật sôi động trôi qua cùng với chuyến picnic đầy thú vị ở Suối Dứa. Tôi và nó, mỗi đứa đeo một cái ba lô con cóc nhẹ tên - chỉ đựng giày dép và vài thứ đồ dùng cá nhân của mỗi đứa, còn các thứ khác đã có bọn con trai lo. Dọc bờ suối người ta cắm trại, chơi đùa hay ăn uống, mặc. Cả lớp vẫn rồng rắn đi theo sự chỉ dẫn của nó vì nó bảo có một chỗ rất đẹp, có thể “tức cảnh sinh tình” được. Tôi biết có đôi ba lần nó đã làm thơ con “nhái” đăng lên báo tường nhưng vẫn nghi ngờ cái biệt danh “kẻ phá bĩnh” của nó. Những dốc, những đá dọc bờ suối, nó leo qua tuốt, thỉnh thoảng quay lại hét “nhanh lên chớ”; hồi lâu nó đứng phắt lại rồi lại hét lên lần nữa. “Tới nơi rồi!” làm mọi người thở phào nhẹ nhỏm. Quả là khen cho con mắt tinh đời của nó. Dưới bóng cây râm mát hiện ra một tảng đá bằng phẳng, đủ chổ cho cả lớp đứa đứng đứa ngồi, đứa dở đứng dở ngồi xả hơi.



Từ chổ này nhìn chéo lên núi có thể thấy nguồn con suối. Mạch nước len lỏi trong đá, hốc cây, vươn mình uốn quanh qua bao đồi dốc, leo lên một cái đập chắn rồi đổ xuống thành thác. Dòng nước chảy mãi, lên láng, chảy qua trước mặt chúng tôi và thành... suối. Xa hơn một chút, chỗ một hòn đá to chắn ngang dòng nước, tôi phát hiện ra một cây quỳnh, lá xanh tốt. Tôi không biết ai đã đem trồng nó ở đấy hay là nó tự mọc nhưng có lẽ - tôi nghĩ - nó chưa bao giờ ra hoa. Rồi loài hoa trắng muốt chưa bao giờ hiện hửu trên những cành lá xanh tốt ấy đưa tôi dạt về một vùng đất xa lạ. Ở đó tôi cảm thấy mình như bồng bềnh trên mây trắng, lắng nghe từ đâu đó vọng lại tiếng còi tàu tha thiết êm đềm. Con tàu chạy mãi không điểm dừng chở theo nỗi niềm khát vọng được làm loài hoa ấy. Phương đến bên tôi tự lúc nào, nó thì thầm:



- Tại vì cây quỳnh không có cây dao trồng chung nên nó không ra bông. Không... có... bông... không... có...



Tôi nhìn nó. Mắt nó hình như ươn ướt thì phải. Tôi chưa kịp hỏi lý do thì nó đã tươi cười và hét toáng lên:



- Ăn chớ mấy người! Bộ ngắm cảnh rồi no sao?



Cả lớp như sực tỉnh. Lớp trưởng vội mở “ba lô chỉ huy” lấy ra nào bánh mì, sữa, bánh ngọt, nước khoáng, trái cây... đủ thứ. Tôi thấy nó cười, một tay vừa giật trái cam trên tay thằng Long, một tay vừa đưa lên quệt ngang mắt. Nó tung trái cam và tôi chụp, mặc cho thằng Long níu áo:



- Ê, Bi kỳ quá đi. Của tui mà!



- Bi nghĩ Long ăn nhiều thì mập, khó coi lắm. Ðể Bi ăn giùm cho - Nó vừa chạy vừa đưa tay lên mũi lêu lêu làm thằng Long rất tức tối.



Giờ nghỉ trưa. Trong khi tôi đang vắt vẻo trên cành cây nghĩ về loài hoa trắng muốt chưa-bao-giờ-nở bên bờ suối ấy thì nó tới. Nó lặng lẽ ngồi dưới gốc cây, im lặng một lúc lâu rồi bắt đầu nghêu ngao “Tôi buồn bã xuống chợ đời rao bán. Tôi rao hoài rao mãi đến khan hơi: Ai thất tình mua lấy trái tim tôi, ai thất tình mua lấy trái tim tôi...” Những đứa đang lim dim sực tỉnh và sau đó là những tiếng lao nhao của bọn con trai:



- Tôi, tôi mua!



- Không, tôi!



- Bi ơi, bán trái tim của Bi cho Long đi. Long đang thất tình nè.



Cả lớp ôm bụng cười. Nó cũng cười:



- Xếp hàng đi. “Từ từ em nào cũng có đừng la ó em có em không”. Bi tổ chức bán đấu giá. Ai trả cao nhất thì được mua trái tim Bi.



- Hai trăm! - Thằng Hoàng, kẻ keo kiệt nhất lớp lên tiếng đầu tiên.



- Một ngàn! - Nghĩa la lên.



- Năm ngàn!



- Một trăm đồng mũ en nờ - Tôi hét - Phương ơi, tao muốn ăn trái tim của mày quá... hí... hí...



- Một trái tim. Long sẽ mua trái tim Bi bằng trái tim Long.



Cả lớp hoan hô ầm ĩ. Thằng Long vui sướng đón chờ Phương lên tiếng. Nhưng nó lặng lẽ bỏ ra bờ suối trước sự sửng sốt của cả lớp. Thằng Long gọi giật giọng:



- Bi, Bi ơi! Long nói giỡn mà.



Nhưng nó vẫn cứ lầm lũi bước đi, không đứa nào chạy theo nó ngoài tôi. Nó đi đến ngồi ngay chỗ loài cây chưa bao giờ ra hoa ấy. Nó nói:



- Mày biết không, Long nói thật đấy.



- Giỡn hoài. Mày không nghe nó nói đó là nói chơi thôi sao?



- Mày không biết đâu.



- Sao không khóc đi! - Tôi bực mình thốt ra cái câu quen miệng.



- Không khóc được - Nó đáp rồi hỏi lại - Khi mười bảy, mười tám hay hai mươi tuổi thì người ta mới trở thành người lớn hả mày?



- Không biết. Khi nào người ta cảm thấy mình lớn thì khi đó người ta lớn. Vậy thôi.



- Vậy thì có lẽ tao chưa thành người lớn được. Tại vì tao hay khóc quá, mà hay khóc thì chỉ có trẻ con thôi.




*
* *



Thấy ”Nam cao” bước vào lớp bắt đầu tiết đại số. Thầy còn khá trẻ, chưa quá nửa cuộc đời - thằng Hoàng nói vậy - nên đứa nào cũng thích chọc phá thầy. Chỉ tội thầy hơi cao - hiểu theo nghĩa ngược lại, chứ còn dung nhan thì không đến nỗi nào, còn đẹp “chai” nữa là đằng khác. Và không biết đứa nào đã đặt cho thấy cái biệt hiệu “Lý Hùng” mà trong lớp đứa nào cũng gọi như thế.
Phương ngồi thu lu trong góc bàn cuối lớp - có nghĩa là nó đang vận dụng hết trí óc “superman” của mình để kiếm cớ chọc thầy. Ðồ thị hàm số y=sinx hay cosx, tgx không làm nó rung động. Nó ngồi đó, theo dõi từng dáng đi, cử chỉ, điệu bộ của thầy trên bảng mặc dù cây viết vẫn hí hoáy trong tay. Bỗng nhiên nó vung tay đánh đét lên vai tôi rồi hét lên, đủ cho cả bàn nghe thấy:



- Hôm nay “Lý Hùng” không mang giày mà mang dép “ba phân”.



Tin ấy lan đi và cả lớp trố mắt nhìn xuống chân thầy. Quả thật hôm nay thầy không mang giày. Ðôi dép có đế cao hơn bình thường một chút.



- Hảng Phim Bến Nghé và nhóm Lý Huỳnh xin trân trọng giới thiệu với quí khán giả bộ phim nhựa màu mới sản xuất với tựa đề “Lý Hùng mang dép ba phân” của đạo diễn Lý Hùng, biên tập và diễn viên, Lý Hùng kiêm luôn...



Cái loa là nó chưa kịp mở hết công xuất thì nó bắt gặp ánh mắt của thầy nhìn xuống. Có lẽ thầy không nghe nó nói gì, nhưng thầy biết nó đang nói chuyện. Nó im bặt cụp mắt xuống như một lời thú nhận. Ánh mắt thầy làm cả lớp im lặng lạ thường. Tôi bắt gặp trong ánh mắt ấy một nỗi buồn khó tả thành lời, chỉ biết nó mênh mông, thăm thẳm về phía khung trời xa tít tắp, rồi thầy lại nhìn nó, nhìn cả lớp rồi tiếp tục giảng bài. Không ai trong lớp nghĩ rằng nó sẽ khóc - tôi chắc chắn như vậy, còn tôi thì nghĩ rằng nó sẽ cười thầm trong bụng. Nhưng chỉ đúng một phần, nó không khóc cũng chẳng cười. Nhìn nó thật tội nghiệp. Tôi khích:



- Khóc đi!



- Khóc không được.



- Vậy thì cười đi!



Nó im lặng thở dài như người lớn rồi cắm cúi ghi bài.




*
* *



Trong quán chè thập cẩm ngã tư phố, nó mở đầu câu chuyện:
- Khi sinh ra người ta sẽ không sống nổi nếu không khóc, và khi đã sống rồi thì người ta sẽ không lớn nổi nếu không cười. Và cũng có lúc “để ngăn mình khỏi khóc ta phải há miệng cười” - Tao đã nghe nhà văn nào đó nói như vậy.



- Nhưng cũng có lúc... - Tôi cắt ngang.



- Phải, có lúc người ta khóc cũng không được mà cười cũng không được. Ðó là lúc người ta phải đối diện với chính mình. Mày có sợ giây phút đó không?



- Có... có... sợ - Tôi ngập ngừng.



- Vậy thì đừng bảo tao hãy cười hay hãy khóc trong những lúc đó nữa. Tao sẽ cười lúc nào và khóc lúc nào tao buồn. Tao không muốn tự dối mình. Như thế là giả dối, giả dối, mày hiểu không?



- ...



- Tao sẽ bảo mấy đứa rút lại cái biệt hiệu “kẻ phá bĩnh” của mày.



- Cứ để vậy.



- Nhưng như thế là giả dối - Tôi lập lại lời nó.



Nó lắc đầu cương quyết:



- Ðó không phải là điều đáng nói.




*
* *



Và cuối cùng nó vẫn mang biệt hiệu “kẻ phá bĩnh”. Chỉ có điều là nó không còn đòi bán trái tim của mình cho kẻ nào thất tình, hay chọc phá thầy Nam nữa. Nó sợ cái giây phút không thể nào khóc và cũng không thể nào cười được ấy. Nó sợ phải đối diện với chính mình.
Chợt nó kéo tay tôi:



- Tao nhớ cây quỳnh quá, cái cây quỳnh bên bờ suối mà mày nói là chưa bao giờ ra hoa ấy mà...



Bích Sương