-
Moderator
M - Một 100 năm Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hợp Nhất Kitô Hữu
MỘT TRĂM NĂM TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HỢP NHẤT KITÔ HỮU
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô hữu là sáng kiến đầu tiên của cha Paul Wattson và Mẹ Lurana White, những vị sáng lập cộng đoàn Sư Huynh và Nữ Tử Ơn Cứu Chuộc (Friars and Sisters of the Atonement) tại Graymoor, Garrison, New York vào năm 1908. Họ đã đăt nền móng cho việc cử hành Tuần Tám Ngày Cầu Nguyện Cho Sự Hợp Nhất Kitô Hữu, được duy trì suốt một trăm năm qua.
Một năm sau khi thành lập, năm 1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã chính thức chuẩn nhận cộng đoàn này vào Giáo Hội Công Giáo và chúc lành cho Tuần Lễ Hợp Nhất. Năm 1919, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV cổ vũ việc tuân giữ trong toàn thể Giáo Hội. Vào ngày thứ Sáu 18 tháng Giêng, 2008 này chúng ta mừng kỉ niệm một trăm năm Tuần Lễ Hợp Nhất Kitô Hữu khai sinh.
Biến cố này diễn ra trong lúc người ta nhận thấy Toà Thánh Vatican đang rất quan tâm đến “tinh thần đại kết”. Bằng chứng cho điều này là việc mới xuất bản cuốn sách mang tựa đề Handbook of Spiritual Ecumenism (Sách Hướng dẫn về Đại Kết), New York City Press, của Đức Hồng Y Kasper, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về Hợp Nhất Kitô. Đức Hồng Y tái khẳng định điều mà Giáo Hội Công Giáo đã tuyên bố trước đây khi tham gia phong trào đại kết: “Cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết” (x. Unitatis Redintegratio, 6- 8).
Việc nhấn mạnh đến tinh thần đại kết không hề coi nhẹ hoặc bỏ qua tiến trình đối thoại thần học, vốn đã mang lại nhiều thành qủa trong những thập niên vừa qua. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qủa quyết: “Những cuộc đối thoại như thế vẫn luôn là việc thiết yếu. Thật vậy, sự hợp nhất giữa những người tin theo Chúa Kitô chỉ có thể là sự hợp nhất trong chân lí. Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến về mục tiêu này qua những cuộc đối thọai thần học, là cơ hội chắc chắn cho việc làm phong phú lẫn nhau” (x. Bài giảng ngày 25 tháng Giêng, 2003).
Những nhà hoạt động đại kết nghiêm chỉnh đều thừa nhận rằng cầu nguyện và đối thoại cần phải được duy trì song hành khi chúng ta hướng về sự hợp nhất Giáo Hội trọn vẹn và hữu hình. Trên lộ trình này, theo lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cầu nguyện phải giữ vị trí ưu tiên (x. Ut Sint Unum, s. 102). Nhà thần học Yves Congar, dòng Đa minh, thì diễn tả vai trò trọng tâm của việc cầu nguyện bằng một hình ảnh sống động: “Chúng ta chỉ có thể tiến qua cánh cửa hợp nhất bằng đầu gối”.
Năm 1930, tên gọi Tuần Lễ Hợp Nhất Giáo Hội (Church Unity Octave) được đổi thành “Tuần Lễ Hợp Nhất Tông Toà” (Chair of Unity Octave) nhằm nhấn mạnh đến đặc tính trung tâm của sứ vụ Phêrô và tăng cường khái niệm thần học trở về (return theology notion). Diễn tiến khác, một vị sống cùng thời với cha Wattson là tu viện trưởng Paul Couturier, đã đề xuất cử hành chung Tuần Cầu Nguyện cho Hợp Nhất Kitô Hữu vào tháng Giêng. Cuturier nhấn mạnh đến chủ đề: “Sự hợp nhất mà Chúa Kitô muốn, theo cách Người muốn, khi Người muốn”. Khẩu hiệu hợp nhất Giáo Hội này đã dành được sự đồng thuận về ngày cử hành cũng như sự đón nhận chung, nhất là sau đó đã được Công Đồng Vaticanô II đề cập và trình bày trong Hiến chế Lumen Gentium và sắc lệnh Unitatis Redintegratio.
Hiểu Giáo Hội như là sự Hiệp Thông của các mối hiệp thông giúp cho mọi người đã nhận lãnh phép Rửa Tội ý thức họ cũng phải hợp nhất trong Chúa Kitô. Điều này cũng giúp nhìn nhận sự tồn tại những yếu tố giáo hội trong những cộng đồng Kitô khác như là sự diễn tả chân thực và chính đáng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Những gì ơn Chúa Thánh Thần thực hiện nơi các anh em li khai cũng có thể góp phần xây dựng chúng ta” (Unitatis Redintegratio s. 4).
Tiếp nối Công Đồng và những sáng kiến mới mẻ về đại kết, cách gọi “Tuần Lễ Hợp Nhất Tông Toà” đã được thay đổi. Người ta duy trì ngày cử hành như đã được lập ra từ đầu, năm 1908 tại Graymoor, và thống nhất tên gọi là Tuần Cầu Nguyện cho Sự Hợp Nhất Kitô Hữu. Từ năm 1968 các đại diện của Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội (tại Geneva) và Hội Đồng Toà Thánh về Hợp Nhất Kitô Hữu gặp nhau để chọn các chủ đề thánh kinh cũng như đưa ra chương trình hoạt động cho Tuần Lễ được cử hành hằng năm trong toàn thể các Giáo Hội Kitô. Tháng Chín, năm 2006 Uy Ban Phối Hợp này tổ chức buổi họp chung lần đầu tiên ngoài Graymoor, ngoài nước Mỹ. Chủ đề được chọn cho năm 2008 là: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5, 15).
Đã có nhiều nỗ lực và hoạt động được tiến hành dành cho những cuộc cử hành ở tầm mức địa phương. Chẳng hạn, các tu sĩ thuộc Dòng Thánh Phaolô rất hãnh diện về thành công của cha Ricky Manalo, CSP, tu sĩ của dòng đã đoạt giải quốc tế về ca khúc dùng làm chủ đề cho các buổi cử hành dịp kỉ niệm đệ bách chu niên Tuần Lễ Hợp Nhất Kitô Hữu. Nhiều hạng mục tranh giải khác cũng đã được đề xuất để tạo ý thức cho việc cử hành biến cố này, kể cả việc mời gọi các chủng sinh tham gia viết những bài luận văn hướng về chủ đề của tuần cầu nguyện 2008. Đức Hồng Y Kasper sẽ phối hợp với WCC (World Council of Churches) để ấn hành một cuốn sách thu tập những bài viết về đại kết, cũng như về tuần lễ cầu nguyện cho hợp nhất. Người ta cũng tổ chức những cuộc hành hương đi đến Rôma, Canterbury và Lyons.
Sau cùng, chúng ta cũng nên biết các chủ đề thánh kinh đã được chọn trong mười năm qua:
- Năm 1998, Rm 8, 14-27: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” (Chủ đề do nước Pháp đề nghị).
- Năm 1999, Kh 21, 1- 7: “Người sẽ cư ngụ cùng với họ, họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa –ở-cùng-họ” (Chủ đề do nước Malaysia đề nghị).
- Năm 2000, Ep 1, 3- 4: “Chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã thi ân giáng phúc cho chúng ta trong Đức Kitô” (Chủ đề do Hội Đồng các Giáo Hội vùng Trung Đông chọn).
- Năm 2001, Ga 14, 1- 6: “Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống” (Chủ đề do nước Rumani đề nghị).
- Năm 2002, Tv 36, 5- 9; Tv 35, 6- 10: “Ngài qủa là nguồn sống” (Chủ đề do CEEC và CEC đề nghị).
- Năm 2003, 2Cr 4, 4- 18: “Chúng tôi lại chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành” (Chủ đề do nước Argentina đề nghị).
- Năm 2004, Ga 14, 23- 31; Ga 14, 27: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Chủ đề do miền Aleppo, nước Syria đề nghị).
- Năm 2005, 1 Cr 3, 1-23: “Chúa Kitô, nền móng duy nhất của Giáo Hội” (Chủ đề do nước Slovakia đề nghị).
- Năm 2006, Mt 18, 18- 20: “ Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Chủ đề do nước Ireland đề nghị).
- Năm 2007, Mc 7, 31- 37: “Người làm cho kẻ kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được” (Chủ đề do nước Nam Phi đề nghị).
- Năm 2008, 1Tx 5, 17: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (Chủ đề do Hội Đồng Đại Kết Graymoor và Viện Liên Tôn Giáo đề nghị).
Lm. Giuse Ngô Quang Trung
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules