Ca nhạc & “Thẩm mỹ đô thị”

Ca khúc thị trường- những ca khúc được sáng tác chủ yếu theo nhu cầu của người nghe, phục vụ cho đại đa số công chúng, thường dễ nghe, dễ hiểu và cũng mau quên, phải chăng những ca khúc theo kiểu ấy chứa đựng sâu xa một hệ thẩm mỹ bên trong, và hệ thẩm mỹ ấy xuất hiện chính ở đời sống xã hội là hệ “Thẩm mỹ đô thị”?


CS.Phương Thanh


Trong xã hội ngày nay, các điều kiện sống thay đổi, xã hội thông thoáng trong cách nhìn nhận và đánh giá về các giá trị, những chuẩn mực không còn cứng nhắc, các đô thị lớn mọc lên từng ngày. Rồi từ đó làm xuất hiện một lớp cư dân sống ở các đô thị đó với nếp nghĩ, nếp làm và ngay cả “thái độ” thưởng thức âm nhạc dường như cũng mang đậm màu sắc “đô thị”. Sáng sớm là phải chuẩn bị cho một ngày làm việc vất vả, tối đến lại chuẩn bị cho kế hoạch buổi hôm sau, dường như quỹ thời gian mà con người “đô thị” dành cho giải trí ngày càng ít đi, tự dưng nhu cầu “fast food”, “nghe-xem” nhanh ngày càng phổ biến.Đó cũng là lý do tại sao mà các vở kịch ngắn, những ca khúc dễ hiểu ngày càng được ưa chuộng.Chúng ta cũng khó nói là sự nhận thức, tư duy của khán giả hôm nay “thua kém” khán giả thời của những sáng tác tiền chiến, kháng chiến, hay thời của các ca khúc “chiêm nghiệm” Trịnh Công Sơn, vì với mỗi tương quan xã hội riêng sẽ làm nảy sinh những nhu cầu và thị hiếu nghe nhạc khác nhau.

Ca khúc trong mấy năm gần đây thường có xu hướng biểu đạt “trực cảm” nhiều hơn, miêu tả trực tiếp sự vật theo kiểu “ đã không yêu thì thôi, anh cần chi gian dối…” ( ca khúc Đã không yêu thì thôi). Khán giả có thể hiểu ngay ý nghĩa câu chữ, nội dung ca khúc nằm trên phần nổi của nguyên lý “Tảng băng trôi”, và khán giả cũng không mất nhiều thời gian để suy nghĩ ý nghĩa. Và hiện tượng đơn nghĩa là rất phổ biến ở ca khúc hiện nay. Nói trực tiếp, cảm xúc được bộc lộ ngay ở ngôi thứ nhất, không nhiều hình ảnh, phép ẩn dụ trong ca từ giảm dần… Đó chính là lối sáng tác chịu sự chi phối của “thẩm mỹ đô thị”.

Tuy dễ hiểu không đồng nghĩa với dễ dãi, nhưng đôi khi nhạc sĩ và ca sĩ lầm tưởng về điều này và làm cho ca khúc mình sáng tác ra rất rẻ tiền. Dòng nhạc mà ca sĩ Phương Thanh theo đuổi mấy năm qua chưa hẳn là “bác học” hay “hàn lâm” gì, những ca khúc như Khi giấc mơ về, Vì em yêu anh, Hãy để em ra đi,…đều là những ca khúc thị trường nhưng ca từ trong những ca khúc ấy được trau chuốt giản dị, dễ hiểu và không làm mất tính “thẩm mỹ” cần thiết. do đó vẫn nhận được sự yêu mến, ủng hộ của khán giả, nhất là tầng lớp khán giả trẻ.

Chính “thẩm mỹ đô thị” của công chúng một phần làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ của ca sĩ, nhạc sĩ và đôi khi định hướng lại cái nhìn của những người trực tiếp sáng tạo nên ca khúc. Như nhạc sĩ Đức Trí, nếu nghe kĩ một tí các ca khúc như Lúc mới yêu, Đêm nghe tiếng mưa,…thì cũng chỉ là những ca khúc với ca từ rất đơn giản không mang một triết lý nào theo kiểu “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi,…” ( Ca khúc Cát bụi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) mà cụ thể, rõ ràng như: “ Lúc mới yêu tình vui biết bao nhiêu, ngày tháng mới yêu, đẹp ôi biết bao nhiêu,…”. Tác động của “thẩm mỹ đô thị” luôn tạo ra hai khía cạnh là tích cực và tiêu cực. Nó kích thích cái gọi là sự “giản đơn hóa” ca khúc, giúp âm nhạc bớt tính chất “cao đạo”, dễ đi vào mọi tầng lớp khán giả và ai cũng có thể nghe và hiểu âm nhạc. Nhưng nếu người làm nghệ thuật không tỉnh táo trước những đòi hỏi này, thì rất dễ chọn con đường dễ dãi trong sáng tác và biểu diễn.

Cuộc sống hối hả, bận rộn, và âm nhạc ngày càng trở thành một loại hình nghệ thuật thuần “giải trí”, khán giả đến nghe nhạc tại các sân khấu cũng không nằm ngoài mục đích được thư giãn, phải chăng điều đó kéo theo hệ lụy là tính “giải trí” lấn át tính “nghệ thuật”? Điều cần thiết bây giờ là cân bằng giữa những tiêu chí ấy. “Thẩm mỹ đô thị” sẽ tồn tại mãi cùng với sự phát triển của xã hội, do đó chúng ta nên nhìn nhận, phân tích và nghiên cứu để phát huy khía cạnh tích cực của nó trong đời sống âm nhạc.