YÊU THƯƠNG THANH THIẾU NIÊN DI DÂN

Trường trung học thành phố Parkmont, bang California, Hoa Kỳ, nằm trong khu vực người da trắng. Hàng ngày, nhà trường có xe buýt đưa đón các học sinh ở phía tây thành phố (khu vực nghèo của người di dân). Do đó học sinh trong trường trộn lẫn đủ các màu da: trắng, vàng, đen và ngăm-ngăm. Màu trắng của người Mỹ hoặc Châu Âu, màu vàng của Á Châu, màu đen của Châu Phi và màu ngăm-ngăm của người Châu Mỹ La Tinh.

Với một thành phần hỗn hợp đủ thứ màu da cộng thêm lứa tuổi dậy-thì ngỗ nghịch ngang bướng, các học sinh trường trung học Parkmont quả đã làm cho các giáo sư trông thấy đủ mọi màu sắc. Nghĩa là: lười biếng, nghịch ngợm, cứng đầu cứng cổ, đúng như câu: nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò! Và thường thì các học sinh di dân bỏ dở việc học hành. May mắn thay ”vỏ quít dày có móng tay nhọn”! Vào cuối thập niên 80, xuất hiện một nữ giáo sư trẻ tuổi, cô LouAnn Johnson, độc thân, 35 tuổi.

Trước khi chọn nghề giáo, cô LouAnn từng phục vụ trong ngành Hải Quân và hành nghề ký giả. Nhưng rồi cô chuyển hướng. Nhớ lại công ơn các vị giáo sư từng ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời sinh viên, cô nuôi mộng trở thành giảng sư đại học. Và để có thể tiến thân cô phải bắt đầu bằng nghề giáo sư bậc trung học.

Năm ấy, một lớp học của trường Parkmont đang cần giáo sư. Các học sinh lớp này ”mất-dạy” đến độ có ba giáo sư liên tục quyết định nghỉ dạy trong vòng một tuần lễ. Nhà trường đang tìm giáo sư thay thế. Và bà phó hiệu trưởng liên lạc với cô LouAnn.

Sau khi nghe trình bày tình hình cô LouAnn lo lắng hỏi:

- Phải chăng học sinh lớp này bất-bình-thường?

Bà phó hiệu trưởng vội vàng trấn an:

- Không, đây là lớp học bình-thường như bao lớp học khác!

Nói xong bà mĩm cười tiếp ngay:

- Tôi tin chắc cô sẽ nắm vững tình thế! Và các học sinh sẽ vui mừng vì có giáo sư phụ trách thường trực!

Ngày đầu tiên xuất hiện nơi lớp, sau khi chuông báo hiệu giờ học, các học sinh tỏ ra không thèm để ý đến sự hiện diện của cô LouAnn Johnson, vị giáo sư mới của lớp. Thảm hại hơn, chúng còn tiếp tục nô đùa và trêu tức cô nữa là đàng khác. Vẫn không mất bình tĩnh, cô LouAnn khoanh tay đứng im chờ đợi cho đến khi các học sinh nhận ra sự hiện diện của cô. Sau cùng, cô cất tiếng dõng dạc nói:

- Tôi còn quá trẻ để về hưu và quá nghèo để nghỉ việc sớm! Vì thế, tốt hơn cả các anh chị nên nhớ rằng: tôi đến đây là để ở lại đây dạy học! Tôi chọn nghề giáo bởi vì tôi tin tưởng anh chị yêu thích học hỏi và cầu tiến!

Nói xong, cô LouAnn đưa mắt nhìn từng khuôn mặt trẻ nhưng đã đượm nét sợ hãi, tức giận và đau khổ. .

Rồi cô tiến đến trước bảng đen, lấy phấn chia bảng làm đôi. Một bên, cô viết: ”Giáo sư tốt” và hỏi học sinh:

- Nói cho tôi biết, theo anh chị, thế nào là một giáo sư tốt?

Mọi người nhao nhao trả lời:

- Một giáo sư tốt biết sửa dạy khi cần; biết giảng bài hay; biết cư xử công bình và tỏ ra là người chỉ huy, nắm vững tình thế.

Điều rõ ràng là mọi học sinh mong muốn vị giáo sư biết điều khiển lớp học.

Viết xong phần định nghĩa thế nào là giáo sư tốt, cô LouAnn quay sang hỏi tiếp:

- Bây giờ các anh chị nói cho tôi biết thế nào là học sinh tốt.

Các câu trả lời ào-ào tới-tấp khiến cô LouAnn viết không kịp:

- Học trò tốt đến lớp đúng giờ; làm xong bài; không nói chuyện trong lớp; dọn bài thi và không ăn gian khi làm bài!

Cô LouAnn đứng im đảo mắt một lượt nhìn toàn lớp học. Xong cô vừa mĩm cười vừa nói:

- Thật là tuyệt! Các anh chị biết rõ bổn phận của người học trò tốt. Do đó tôi không cần mất thời giờ nhắc đi nhắc lại thế nào là học trò tốt. Rồi anh chị cũng nói cho tôi biết đâu là bổn phận của tôi. Vậy thì tất cả chúng ta cùng nhau cố gắng chu toàn bổn phận của mỗi người.

Buổi học đầu tiên đó đã dưa dẫn thầy trò vào một thế giới làm việc nghiêm chỉnh. Và cô LouAnn đã thành công trong việc gợi lên tâm tình yêu mến học hỏi của các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ di dân. Thứ nhất, học xong ít nhất bậc trung học. Thứ hai, nếu có thể, cố gắng thi vào đại học. Nhiều thanh thiếu niên - nhờ sự hướng dẫn và nâng đỡ của cô LouAnn Johnson - đã thành công trong việc học và trong cuộc đời!

... ”Giáo huấn của hiền nhân là suối nguồn sự sống giúp chúng ta tránh cạm bẫy tử thần. Biết xử sự thì người đời mộ mến, theo đường bất tín sẽ chẳng tới đâu. Người khôn ý thức việc mình làm, kẻ ngu để lộ điều dại dột. Sứ giả gian manh chỉ gây nên tai họa, sứ giả trung tín là phương thuốc chữa lành. Coi khinh lời nghiêm huấn ắt phải nghèo phải nhục. Tuân giữ lời sửa dạy hẳn sẽ được hiển vinh. Ước mơ thành tựu khiến tâm hồn vui thú, từ bỏ gian tà là điều đứa ngu ghê tởm. Đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn, chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy họa” (Sách Châm Ngôn 13,14-20).

(”Reader's Digest Sélection”, Aout/1993, trang 141-168)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt