Results 1 to 4 of 4

Thread: Trịnh Vĩnh Trinh

  1. #1
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Trịnh Vĩnh Trinh

    Trịnh Vĩnh Trinh và nỗi nhớ bất tận người anh đáng kính

    Vào 1/4 hằng năm, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh luôn bận rộn tiếp đón những người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thắp nén hương tưởng nhớ con người tài hoa. Năm nay cũng vậy, sau khi thắp cho anh trai nén nhang, chị bồi hồi nhớ về người anh chu đáo và ân cần...

    - Tấm lòng anh Sơn dành cho mọi người thật là bao la như chính tâm nguyện của anh: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Với người em gái út, chị cảm nhận tình cảm ấy như thế nào?

    - Ba mất khi tôi mới bốn tháng trong bụng mẹ. Vì thế, anh luôn chăm sóc tôi với tấm lòng của người anh, song là trách nhiệm của một người cha. Cùng với mẹ tảo tần nuôi dạy chúng tôi, anh Sơn là con trai cả trong nhà, là chỗ dựa tinh thần của mẹ tôi, góp phần nuôi dạy 7 anh chị em chúng tôi nên người. Đương nhiên là em gái út, lại thích hát nên tôi nhận được nhiều hơn "tấm lòng" của anh tôi. Trong những phần quà mà khi đi đâu xa về, tôi bao giờ cũng được ưu tiên, và các anh chị tôi đều thấy cần phải thế. Nhưng "tấm lòng" của anh tôi còn là sự chu đáo và ân cần động viên, khuyến khích chúng tôi sống như thế nào để đừng phiền lòng mẹ. Riêng tôi, anh dành nhiều thời gian hướng dẫn, tập luyện cho tôi hát. Trong ánh mắt thương yêu, tôi đọc được nét nghiêm khắc của một người biết rõ nghệ thuật đích thực không là trò chơi ngẫu nhiên mà là sự khổ luyện để có được tài năng cộng thêm vào những năng khiếu bẩm sinh của “trời cho”. Anh tỉ mỉ hướng dẫn, uốn nắn cho tôi từng cách thể hiện ca khúc, không bao giờ nương nhẹ, bỏ qua những khiếm khuyết của tôi.

    Biết được sự "lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường" như anh đã nhận xét về tôi, anh càng dồn tình yêu thương vào việc hướng dẫn, bồi dưỡng phần say mê ca hát trong tôi. Nghĩ đến chuyện này, tôi không khỏi thấy lòng bồn chồn day dứt vì chưa trọn vẹn được với những gì anh mong mỏi ở tôi.

    - Sống ở nước ngoài, vậy vì sao năm nào chị cũng có mặt ở Việt Nam một quãng thời gian không ngắn?

    - Do hoàn cảnh riêng, tôi định cư tại Canada cùng với các anh chị. Quả thật, chúng tôi có nhiều lần trình bày nguyện vọng với anh Sơn, muốn anh sang Canada sau khi mẹ mất. Tuy rất thương yêu các em, nhưng anh dứt khoát từ chối. Vì với anh, quê hương là nguồn sống và nguồn sáng tác. Rời xa quê hương cũng có nghĩa là tự huỷ diệt khả năng sáng tạo nghệ thuật của chính mình. Có người hỏi: "Nếu ở xa đất nước, anh có nghĩ rằng anh sẽ viết khác không", anh Sơn đã trả lời: "Không những sẽ viết khác đi mà thậm chí là không thể viết được nữa. Tiếng Pháp có chữ “culture” vừa có ý nghĩa là văn hoá vừa có ý nghĩa là trồng trọt. Một nền văn hoá này lại trồng trên một mảnh đất khác thì e rằng không thể phát triển bình thường được".

    Với chúng tôi cũng vậy thôi. Vì hoàn cảnh kinh tế lúc bấy giờ, chúng tôi buộc phải ra đi. Nhưng, "tấm lòng" của chúng tôi thì vẫn để nguyên vẹn ở nhà. Vì ở đó còn mẹ và anh Sơn. Khi mẹ qua đời, mấy anh chị em chúng tôi hiểu rõ nỗi buồn đau vô hạn của anh Sơn, vì đối với mẹ, anh không một phút xa rời. Cho nên chúng tôi càng cố gắng làm sao để có mặt ở nhà như khi còn mẹ, có mặt nhiều hơn trước nữa để chăm sóc anh. Anh Sơn đã có lần viết: "Tôi có những người em gái yêu thương tôi hơn yêu chồng. Bởi lẽ tôi đã cố gắng mang đến trong cuộc sống ngắn ngủi của mình một tình cảm chân thật và nhân hậu".

    Riêng đối với tôi, ước ao của tôi là được sống hẳn tại quê nhà. Không ở đâu tôi thấy lòng mình yên tĩnh và ấm cúng như ở tại đất nước, quê hương mình. Vì hoàn cảnh riêng, có đôi chút trở ngại khiến cho ước ao đó của tôi chậm được thực hiện. Nhưng là chậm thôi, rồi tôi sẽ thực hiện được. Tôi tin như vậy và mong như vậy.

    - Khi anh Sơn mất, anh căn dặn lại chị điều gì?

    - Suốt thời gian anh bị mệt nặng kéo dài, mấy anh chị em chúng tôi luôn thay nhau túc trực bên giưòng bệnh. Thế rồi, bệnh thuyên giảm, anh tôi được về nhà, hàng ngày có bác sĩ đến thăm. Chính vào thời điểm này, anh hay tâm sự với tôi. Mà đã là tâm sự thì là chuyện riêng thôi!

    Điều có thể nói được thì đó chính là niềm yêu thương vô hạn của anh đối với mọi người, với các em, với bè bạn, với cuộc đời. Bây giờ đây nghĩ lại, tôi ân hận vì cứ lần lữa sợ anh mệt, không chịu cho anh kể vào máy ghi âm để lưu lại nhiều điều mà anh muốn viết. Thế nhưng, tôi tự an ủi, cái lớn nhất mà người nghệ sĩ để lại cho cuộc đời không phải là những chuyện chưa kịp kể mà là những tác phẩm đã và đang sống trong “tấm lòng” công chúng, sống giữa cuộc đời.

    - Những lúc nào chị cảm thấy nhớ anh Sơn nhất?

    - Anh Sơn đã trọn vẹn với sự nghiệp của một đời người. Và đó cũng là điều tôi luôn nghĩ và tự hào về anh. Vậy thì làm sao để cân phân được lúc nào là lúc nhớ nhất. Mà cân phân như thế chẳng để làm gì cả. "Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe". Từ những ngày thơ dại sống bên anh, cho đến nay tôi đã là người mẹ hai con đang cố gắng sống sao cho tốt đẹp trong cuộc đời này. Anh tôi luôn là nỗi nhớ bất tận trong trái tim tôi.



  2. #2
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trịnh Vĩnh Trinh

    Trịnh Vĩnh Trinh - đam mê thứ hai sau ca hát


    Trịnh Vĩnh Trinh

    Chị về nước từ trước Tết nhưng chờ qua ngày sinh nhật anh Sơn, rồi đến ngày giỗ, làm

    xong đĩa nhạc rồi mới về lại bên kia với chồng và con trai lớn. Những chuyến đi về với nhiều lý do như vậy đã níu chân Trịnh Vĩnh Trinh, đôi lúc chị thấy mệt, nhưng làm xong lại có được cảm giác hạnh phúc. Cứ thế, những “cuộc làm chơi ăn thiệt” ở nghề kinh doanh của cô em út nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bắt đầu như vậy.

    Ba mất khi Trịnh Vĩnh Trinh còn trong bụng mẹ nên chị không có diễm phúc ở gần người cha uyên bác, giỏi giang (theo lời kể của các anh chị). Tuy là út, nhút nhát nhất nhà nhưng từ bé, Trịnh Vĩnh Trinh đã say mê ca hát và thích nhạc của anh Sơn. Thích hát nhưng mỗi khi có bạn bè tới nhà chơi, anh Sơn bảo lên hát cho vui thì Trinh run như cầy sấy, sợ không dám hát nhưng vẫn cứ "dạ" chứ không dám từ chối, rồi vào trong phòng đóng cửa lại, tập…

    Vậy mà thời gian trôi qua, những giai điệu ngọt ngào ấy đã ngấm vào tâm hồn của Trịnh Vĩnh Trinh rồi chị trở thành giọng ca nhạc Trịnh thành công. Trinh không xuất hiện nhiều trên sân khấu, nhưng tài sản băng đĩa nhạc Trịnh của chị lên đến hơn chục cái, thực hiện cả trong nước lẫn nước ngoài: Đoá hoa vô thường, Sóng về đâu…

    Từ ngày theo chồng định cư ở Canada, chị vẫn đều đặn thực hiện những đĩa nhạc mình yêu thích. Cách đây mười bốn năm, người mẹ thân yêu ra đi, nỗi buồn và sự mất mát quá lớn đưa Trinh về lại quê hương để sống gần anh mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cơ duyên khiến chị từ một ca sĩ đã chuyển sang nghề làm đẹp cho phụ nữ. Cái nghiệp là chuyện phải giữ nhưng nghề này giúp chị và gia đình sống thoải mái, để được làm nghệ thuật mà không phải bận tâm chuyện lỗ lãi.

    Trước đây, dù thừa hưởng máu kinh doanh của cha, nhưng Trịnh Vĩnh Trinh chỉ phụ ông xã tính toán sổ sách chứ chưa bao giờ thử tự đứng ra làm việc gì. Một lần về Việt Nam, có người bạn gợi ý mở beauty salon, vừa nhàn vừa có tiền, nhưng Trinh không quan tâm lắm. Cũng lại từ một cơ duyên, nhà của chị ở phố Đông Du (Q.1-Tp.HCM) cho một người Nhật thuê. Sau khi hết hợp đồng làm việc ở Việt Nam, ông ta đã chuyển toàn bộ kinh nghiệm và đồ nghề làm beauty salon cho chị, thế là Trinh tận dụng cơ hội thử tài, không bỏ qua cơ hội có trong tay.

    Đam mê và quyết làm đến cùng thì sẽ thành công, đó là bí quyết của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh trong

    nghề mới này. Là người yêu cái đẹp, thích chăm chút dáng vóc, hơi điệu đà nên Trinh nhanh chóng sành nghề và càng ngày càng được khách hàng tín nhiệm. Hơn 1 năm sau khi mở địa chỉ thứ nhất thành công, chị đã được khách sạn Caravell mời mở thêm salon thứ 2 và đến bây giờ, ở Mỹ, chị còn có hai salon nữa.

    Ngày anh Sơn ra đi, Trinh cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời mình nên mỗi lần sinh nhật hay ngày giỗ của anh Sơn, chị đều có mặt ở quê hương để được tâm sự với người anh đã khuất những điều chẳng biết nói cùng ai. Nhiều năm rồi nhưng chị vẫn tin anh Sơn vẫn còn đi chơi đâu đó chứ không phải là mãi mãi rời xa. Trịnh Vĩnh Trinh có hai con trai sinh ở nước ngoài, một đã 20 tuổi còn út 6 tuổi. Nhiều người bảo cuộc sống nước ngoài đầy đủ, sung sướng hơn, nhưng chị vẫn quyết định nuôi và dạy con út của mình ở Việt Nam.

    Lần giỗ thứ 4 này của anh Sơn, Trịnh Vĩnh Trinh có thể sẽ ra kịp đĩa nhạc hát những tình khúc mới nhất của anh. Đĩa nhạc gồm 10 bài do hãng Phương Nam Film phát hành trong đó có 6 bài cũ, 4 bài chưa từng công bố, có bài anh Sơn còn chưa kịp đặt tên.

    Những kỷ niệm về người anh tài hoa, những chặng đường đã qua trong cuộc đời, những buồn vui được mất…, Trịnh Vĩnh Trinh một lần nữa tâm sự qua album nhạc này. Có lẽ chị không còn thích hát trên sân khấu nữa...

    Bài và ảnh: Thiên Ngân


  3. #3
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trịnh Vĩnh Trinh

    Trịnh Vĩnh Trinh



    Tôi may mắn vì được làm em anh Sơn



    "Tôi chỉ là một ca sĩ bán chuyên nghiệp nên chẳng dám nói rằng mình đã có thành công thực sự. Tôi yêu ca hát từ nhỏ nhưng tính tình khá nhút nhát. Nhờ có anh động viên nên tôi đã hát và thu âm thành công nhiều ca khúc của anh", chị tâm sự.

    - Như vậy là nhờ có anh mà khán giả cũng chú ý hơn đến một ca sĩ hát nhạc Trịnh là em gái của anh?

    - Nếu tôi không phải là em anh Sơn, hiểu được những uẩn khúc và tâm tư của anh thì có lẽ tôi cũng không thể hiện được một phần nào những điều ấy. Bất cứ một ca sĩ nào khi cất tiếng hát đều phải đối mặt với sự khắt khe của công chúng. Khán giả sẽ chỉ thực sự đón nhận ca sĩ khi tiếng hát đi được vào con tim khối óc của họ. Chứ không phải bởi vì ca sĩ này là người thân của một nhân vật tiếng tăm nào đó.

    - Cái tên Vĩnh Trinh của chị rất đặc biệt và đẹp. Đó có phải là một cái tên của anh Sơn đặt cho chị hay là một nghệ danh?

    - Lúc mẹ tôi mang thai 4 tháng, ba tôi mất. Đó cũng đúng là lúc anh Sơn phải chuyển học vô Sài Gòn. Trước khi đi, anh dặn mẹ tôi, ''Nếu sinh em gái thì đặt tên là Trinh'', mà không nói nếu sinh con trai đặt tên gì. Tôi có tên từ trước khi ra đời, Trịnh Vĩnh Trinh. Dòng bên nội nhà tôi con gái đều mang họ là Trịnh Vĩnh, còn con trai là Trịnh Xuân. Thực ra tên đầy đủ của anh Sơn là Trịnh Xuân Công Sơn.

    - Trong video "Ru tình" của chị, anh Sơn có nói chị là khúc đuôi của con rắn và anh là cái đầu. Tại sao đuôi ấy lại ngọ nguậy quá muộn khi cái đầu đã “ra khỏi hang”?

    - ''Ngứa cổ hát chơi'' muộn ư? Có lẽ là do số phận. Một hôm khi nghe tiếng hát của tôi, anh Sơn hiểu ra cô em út của mình đã lớn. Và bởi vì anh chia sẻ với tôi khá nhiều điều nên anh cho rằng, nếu tôi là người hát, tôi có thể hiểu anh nhiều nhất.

    - Chẳng lẽ anh Sơn không hề biết khi còn nhỏ, chị cũng yêu nhạc của anh?

    - Tôi mê hát từ nhỏ mà không được hát. Gia đình tôi người Huế, tôi là con gái út nên chẳng ai muốn tôi dấn thân vào nghề ca hát. Năm tôi 8 tuổi, bên Nhật mời anh Sơn và tôi sang hát, nhưng lúc đó anh không đi được. Gia đình vì thế cũng không cho tôi đi luôn. Tới năm 16 tuổi, tôi mới bắt đầu hát nhạc của anh chỉ trong phạm vi các trường học. Lớn hơn một chút anh Sơn mới cho phép tôi đi hát cùng anh cho khán giả học sinh, sinh viên mà thôi. Năm tôi 18 tuổi, chị Khánh Ly lúc đó có phòng trà Khánh Ly trên đường Đồng Khởi cũng có rủ tôi về hát. Dĩ nhiên gia đình không cho phép tôi đi hát như một ca sĩ.

    - Vậy bản thu âm đầu tiên của chị là vào lúc nào?

    - Năm 1981, lần đầu tiên tôi về Việt Nam thăm anh Sơn có gặp nhạc sĩ Thanh Tùng làm hoà âm bên Mỹ. Trong một buổi ngồi chơi, tôi có hát cho mọi người nghe. Sau đó anh Tùng giới thiệu tôi với Khánh Hà. Chị Khánh Hà sau đó mời tôi từ Canada sang Mỹ thu thanh. Lúc đó, tôi phải giấu gia đình chuyện được mời hát. Sau khi Trung tâm Diễm xưa mời tôi ký hợp đồng thu thanh thì gia đình và anh Sơn mới biết. Nhưng lúc đó thì chẳng còn ai cấm nữa vì có lẽ tôi đã đủ lớn.

    - Chị để lại ấn tượng với khán giả qua ba ca khúc "Môi hồng đào", "Muôn trùng biển ơi" và "Còn tuổi nào cho em" (bản phối jazz). Theo chị, người yêu nhạc Trịnh đón nhận chị vì điều gì?

    - Anh Sơn luôn nói với tôi rằng phải hát nhạc của anh thật giản dị như là những lời tâm sự thôi, tránh lên gân và lạm dụng kỹ thuật. Tôi đã cố gắng làm theo lời anh dặn. Có thể chính vì sự mộc mạc như vậy mà người nghe đã chấp nhận tôi chăng? Còn anh, có lẽ anh thích những bài hát trên là vì chúng thật là trẻ.

    - Khánh Ly, Hồng Nhung, Trịnh Vĩnh Trinh là ba giọng hát hiểu nhạc Trịnh. Trần Thu Hà, Quang Minh là 2 giọng hát làm đẹp nhạc Trịnh. Còn Thanh Lam luôn làm mới nhạc Trịnh… Theo chị đâu là lý do để có nhiều người hát nhạc của anh Sơn đến thế.

    - Tôi không thể đánh giá và xếp theo các tiêu chí nào cả. Chúng tôi hát nhạc của anh vì đơn giản chúng tôi giống như mọi người yêu những bài hát và tấm lòng của anh. Theo tôi, chỉ có thể nói rằng Khánh Ly là người hát nhạc Trịnh thành công nhất trong giai đoạn sáng tác đầu của anh. Những ca khúc anh Sơn viết sau này phù hợp hơn với những giọng ca trẻ. Cẩm Vân, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Quang Minh, Quang Dũng... đều gắn được tên tuổi của mình vào một số ca khúc của anh. Tôi xin được nhắc ưu ái đến một giọng hát ít tên tuổi hơn là ca sĩ Lô Thuỷ. Tôi thấy giọng hát này có sức mạnh tiềm ẩn. Nếu được đầu tư đúng hướng tôi nghĩ cô ấy sẽ thành công trong những ca khúc của anh tôi.

    - Đứng trên cương vị một người hát nhạc Trịnh, chị nghĩ sao khi có nhiều nhân vật - không chỉ ca sĩ - thường đem những câu chuyện giao tiếp hoặc những kỷ niệm với anh Sơn để làm phương tiện đánh bóng bản thân mình?

    - Thật buồn khi có những người như vậy. Sinh thời anh Sơn là người rất bao dung độ lượng. Anh biết hết những ai sống nhờ vào tên tuổi của anh, nhưng anh vẫn luôn rộng lượng đối với họ. Bởi anh thường nghĩ rằng nếu nhờ đó mà họ có cuộc sống tốt hơn thì anh cũng không áy náy. Cá nhân tôi thấy rằng, cứ vô tư thả hết hồn mình vào âm nhạc của anh, làm cầu nối giúp người nghe đón nhận những điều mà anh Sơn gửi trong đó, thì người nghệ sĩ đã tự đánh bóng được tên tuổi của mình rồi. Kỷ niệm thuộc về dĩ vãng, ta chỉ có thể gìn giữ kỷ niệm chứ không thể “ăn mày dĩ vãng”.

    - Anh Sơn để lại một gia tài lớn là các ca khúc. Trong số đó chị thích nhất bài hát nào?

    - Khó có thể nói tôi thích nhất bài nào, bởi mỗi bài hát đều là một kỷ niệm nào đó của anh tôi. Tất cả những kỷ niệm đó đối với tôi giờ đây đều là vô giá.

    - Ai là người hưởng bản quyền những ca khúc của anh. Có lẽ chị là ca sĩ duy nhất có trong tay những tác phẩm chưa công bố của anh. Chị có muốn độc quyền các ca khúc đó?

    - Đại gia đình của tôi còn lại 7 anh em là những người thừa hưởng bản quyền ca khúc của anh Sơn. Nhưng trong tình trạng bảo vệ bản quyền kém như hiện nay thì khó mà có thể nói đến việc sử dụng những khoảng tiền thu được từ tác quyền như thế nào. Còn những tác phẩm chưa được biết đến cũng như các ca khúc chưa được hát trong các tập sách nhạc của anh, tôi sẽ cố gắng thu âm dần dần. Còn những bài đã công bố rồi thì ai cũng có thể hát.

    - Nhiều ca khúc trong tập "Ca khúc da vàng" của Trịnh Công Sơn vì nhiều lý do mà chưa được phép công bố. Chị có hy vọng sau khi Giải thưởng âm nhạc vì hoà bình thế giới được trao cho anh, những bài hát này sẽ được nhìn nhận lại?

    - Tôi không hy vọng gì hơn thế. Lúc anh Sơn còn sống, hai anh em đã chọn lựa rất kỹ khoảng 20 bài hát với khát vọng hoà bình rất phù hợp hoàn cảnh bây giờ và xin phép được phát hành. Nhưng đã hơn 5 năm anh em tôi chưa nhận được hồi âm.

    - Đã gần 4 năm, chị im lặng không xuất hiện như một ca sĩ. Cuộc trở về làm album lần này sẽ níu chân chị lâu hơn và nhiều hơn?

    - Đã 3 năm sau khi anh ra đi, gia đình tôi vẫn bàng hoàng. Mọi người cũng thay nhau trở về Việt Nam để trông nom căn nhà của anh. Còn bản thân tôi, ngoài một số công việc ở Việt Nam tôi cũng thường xuyên trở về. Hiện nay đứa con trai thứ hai của tôi mới 5 tuổi vẫn đang ở cùng ông bà nội ở Sài Gòn. Tôi muốn con học hết phổ thông ở mảnh đất đã gắn bó nuôi dưỡng cả gia đình. Thời gian trước đây, tôi nhận được nhiều lời đề nghị làm CD Trịnh Công Sơn. Nhưng phải đến năm nay, sau lần giỗ thứ 3 của anh, tôi mới bình tĩnh hơn để có thể làm được những việc có ý nghĩa. Ngoài hai album đang thực hiện tôi sẽ cố gắng biến ngôi nhà của anh thành nhà lưu niệm và hoàn thành một cuốn sách, chỉnh sửa những chi tiết chưa chính xác về anh Sơn trong những tập sách gần đây.

    - Chị sẽ chăm sóc hơn vai trò ca sĩ hát nhạc Trịnh chứ?

    - Tôi thật sự sợ và không muốn được gọi là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Tôi chỉ muốn hát thôi chứ chưa sống hết cuộc sống của một ca sĩ. Chữ ca sĩ này đòi hỏi mình phải sống nhiều hơn với nghề. Còn tôi sống bằng nhiều nghề, sống vì nhiều đời sống. Mà mỗi người chỉ nên có một nghề mà thôi.

    - Cuộc sống của chị hiện nay?

    - Hiện nay tôi đã chuyển qua Mỹ định cư. Cuộc sống cũng bình thường. Cháu lớn năm nay đã 19 tuổi sống tự lập ở Canada và đang học Luật tại Đại học Toronto.

    - Nghe nói, con trai chị trước đây được coi là một tài năng về âm nhạc?

    - Cháu lớn của tôi, tên là Nhất Thể. Đây là tên của anh Sơn đặt với ý nghĩa là ''Vạn vật trong vũ trụ đều đồng nhất''. Năm cháu 2 tuổi đã tham gia chương trình dành cho trẻ em chưa biết chữ và học nhạc bằng cảm âm. Và đến 3 tuổi rưỡi cháu đã được biểu diễn violon cổ điển trong trường nhạc. Năm 6 tuổi thì cháu được đặc cách nhận học bổng trước tuổi của một trường nhạc ở New York mà tôi không nhớ tên. Lúc đó tôi đã rất lo lắng và hỏi ý kiến anh Sơn về việc quyết định tương lai cho Nhất Thể. Tôi nghĩ ngành âm nhạc thật sự hấp dẫn nhưng quá nguy hiểm cho cháu. Nếu cháu trở thành một tài năng thì thật tốt, nhưng làm sao biết trước tương lai. Mà nếu cháu chỉ đi được nửa đường rồi dừng lại thì tôi rất khổ tâm. Cháu mới 6 tuổi, tôi không muốn để nó đi học xa. Sợ bị mất con nên tôi đã quyết định không cho cháu đi học, đó là quyết định của một người mẹ yêu con bình thường và anh Sơn rất ủng hộ tôi.

    - Bây giờ thì con trai chị đã chuẩn bị thành một luật sư không còn liên quan đến âm nhạc?

    - Không. Lúc đó, Nhất Thể muốn chuyển qua học guitar và tôi đã để cháu học trong Nhạc viện và song song với việc học phổ thông. Cháu vẫn học nhạc và chơi nhạc như một sự đam mê. Nhất Thể cũng như các anh em họ khác đều tự hào về cậu Sơn. Cháu cũng tự sáng tác nhưng chủ yếu là nghe và hát nhạc Tây, viết nhạc tiếng Anh. Cháu chỉ nói được tiếng Việt giỏi mà tiếc là không đọc và viết được. Đây cũng là lý do tôi muốn cậu em Thể Thiên của cháu được học phổ thông tại Việt Nam.


  4. #4
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Trịnh Vĩnh Trinh





    Bấm Vào Nghe Nhạc

    Download

    Bay Đi Thầm Lặng
    Sáng Tác: Trịnh Công Sơn
    Trình Bày : Trịnh Vĩnh Trinh


    Có chút bồi hồi trong phút chia ly.
    Có những mặt người không yêu là vì.
    Có những cuộc đời hết sức ngây ngô.
    Đi trong tình dài có người đã tới.
    Sao trong hồn này tiếng lời hấp hối.
    Tôi không là người u mê khờ dại.
    Đã hết thật rồi tiếng nói vui tươi.
    Có tiếng thở dài dưới gió thu đông.
    Có nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng.
    Có những mặt người giữa phố hoang mang.

    Có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau.
    Có những vực bờ chôn theo tình đầu.
    Có vẫy chào về giữa chốn binh đao.
    Đi sao nặng nề kiếp người nhỏ bé.
    Xa xăm ngọn cờ quê nhà vắng gió.
    Tôi không kẻ thù nên đau từ độ.
    Tóc úa là nhờ những tháng âu lo.
    Có nắng vàng nghèo trên lối đi xa.
    Có tối thật đều trong linh hồn nhỏ.
    Có mắt thật chiều dưới trán ngây thơ.

    Có chén rượu chờ trong quán đêm đêm.
    Có những bạn bè xanh như người bệnh.
    Có tiếng cười và tiếng khóc mênh mông.
    Tôi như mọi người mong ngày sẽ tới.
    Nhưng khi về lại thu mình góc tối.
    Trong tôi rụng đầy bao nhiêu nụ cười.
    Có nói được gì những tiếng bi ai.
    Có tiếng tù và hối thúc trong tim.
    Có đếm từng giờ trong khi nằm bệnh.
    Có nhớ vài lần những má môi xinh.




Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts