Chất có đồng với lượng?



Tuyết nhiệt đới- bộ phim có phần nhạc được khán giả yêu thích


Có thể nói, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong một bộ phim, và phần nào ảnh hưởng đến sự thành công của một tác phẩm điện ảnh.

Trước hết, cần khẳng định rằng sự hiện diện của nhạc đã góp phần làm tăng hiệu quả nghệ thuật, giúp tăng khả năng cảm thụ của khán giả hơn với bộ phim. Kéo theo với sự phát triển về số lượng của phim Việt Nam hiện nay thì lượng bài hát trong phim cũng tăng, thế nhưng chất lượng của những ca khúc này có hay không lại là điều cần nhìn lại.

Thời quá khứ đã xa

Có thời gian nhạc phim Việt Nam đã tạo nên những cơn “sốt” trong nền âm nhạc lẫn trên màn ảnh nhỏ. Nhiều bộ phim, đặc biệt là phim truyền hình mặc dù nội dung không mấy hấp dẫn nhưng vẫn được khán giả chú ý nhờ vào chính ca khúc của phim. Có những ca khúc đã góp phần nâng tuổi thọ của bộ phim trong lòng khán giả bên cạnh yếu tố nội dung hay. Không dừng lại ở đó, có nhiều bài hát đã vượt qua khuôn khổ của phim và có thể tự đứng vững trong đời sống âm nhạc cho đến nay. Có lẽ cũng nhờ những tác phẩm âm nhạc ra đời trong phim mà tạo được một lớp những tên tuổi của nhạc sĩ lẫn ca sĩ.

Vào thập niên 90, nhiều nhạc sĩ như Bảo Phúc, Nguyễn Quốc Trung, Trọng Đài, Ngọc Châu… được biết đến là những tác giả chuyên viết nhạc phim thành công. Những ca khúc như Bài ca đất Phương Nam, Những nẻo đường phù sa, Giã từ dĩ vãng, Thiên đường mong manh, Dòng sông không trở lại, Trên mảnh đất tình người, Chị tôi … đã tạo nên tên tuổi của các nhạc sĩ trên, cũng như gắn với các bộ phim : Những nẻo đường phù sa, Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Đất khách, Người Hà Nội… mà đến nay công chúng vẫn còn nhớ đến.

Do đặc điểm của phim truyền hình là không chỉ phát một lần, nhưng bên cạnh đó chính nhờ giai điệu, lời ca mượn mà, ấn tựợng mà nhiều bài hát vẫn khắc sâu trong lòng người xem một thời gian dài. Nhiều ca khúc trong phim đã đưa tên tuổi ca sĩ trình bày lên một một tầm cao, chẳng hạn như : Tô Thanh Phương với Đất phương Nam, Phương Thanh với Giã từ dĩ vãng, Thanh Thuý với Trên mãnh đất tình người, Mỹ Linh với Chị tôi…. Và cũng chính từ đây, giọng hát của các ca sĩ đã đến gần với công chúng nghe nhạc hơn.

Thế nhưng sau đó bẵng đi một thời gian, âm nhạc trong phim dường như ít được khán giả quan tâm mặc dù số lượng phim trên màn ảnh lớn lẫn nhỏ ngày càng tăng. Tìm những ca khúc hay trên phim thật sự chẳng khác “đãi cát tìm vàng”.

Nhạc phim “thức giấc”?

Âm nhạc trong phim bị chững lại và không được khán giả quan tâm, có lẽ vì lí do chất lượng ca khúc cứ nhàn nhạt, vô vị và na ná giống nhau. Nhiều đoạn nhạc vụn vặt về ý đồ, không gắn với nội dung phim và ngôn ngữ bài hát lại quá tuỳ tiện. Chính vì vậy mà gây tác dụng ngược từ phía khán giả.

Nhưng gần đây, thị trường âm nhạc dường như sôi động trở lại với “cú hích” đầu tiên của soundtrack phim “Những cô gái chân dài” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Quang Dũng đã làm một cú liều khi sẵn sàng bỏ ra 50 triệu đồng để làm nhạc phim này và nhận được những e ngại từ giới làm nhạc. Nhưng sau đó, 6000 album nhạc này đã được bán hết veo.

Sau thành công của nhạc sĩ trẻ Quang Dũng, các nhà làm phim và cả các nhạc sĩ trẻ bắt đầu chú ý đến việc đầu tư nhiều hơn cho nhạc phim. Hãng TFS tiếp tục đặt hàng cho các nhạc sĩ trẻ và nổi tiếng để viết nhạc cho phim. Hãng Thiên Ngân bỏ ra 100 triệu mời Đức Trí viết nhạc và hoà âm cho bộ phim Nữ tướng cướp. Hãng phim Phước Sang thì mời NS Lê Quang làm phần nhạc cho Khi đàn ông có bầu với giá 50 triệu đồng. Trong phim 39 độ yêu của hãng phim Việt hợp tác với TFS thì đầu tư cho bộ phim khá bài bản khi có sự góp mặt của 4 nhạc sĩ trẻ : Quốc Bảo, Anh Quân, Huy Tuấn và Nguyễn Quang Dũng.

Còn với phim truyền hình, nổi bật gần đây nhất là bộ phim “Tuyết nhiệt đới” của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng. Nhạc trong phim này được nhạc sĩ Quốc Bảo thực hiện khá quy mô và sẽ đưa ra công chúng 9 bài hát ấn tượng. Và đúng như mong muốn của những người thực hiện, đến nay ca khúc trong phim này đã trở nên “hít” trong khán giả yêu nhạc trẻ.

Bên cạnh những yếu tố được xem là những khởi sắc trong nhạc phim thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong vô số nhạc phim hiện nay, tìm được ca khúc hay và ấn tượng vẫn là chuyện hiếm. Vẫn còn những ca khúc chỉ chạy theo mục đích minh hoạ cho bộ phim hay đoạn cảnh nào đó, không sâu sắc và hơi khiện cưỡng, chất văn chương còn nghèo nàn và ngôn từ đôi khi quá đời thường gây phản cảm. Chính vì vậy mà giảm đi vai trò của âm nhạc do nó không tạo ra cảm xúc và hướng gợi mở cho khán giả. Yếu tố làm ảnh hưởng điều này một phần là do người sáng tác, theo như nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung- người thành công trong sáng tác nhạc phim – thì “hiện nay có quá nhiều phim na ná nhau về đề tài, hiếm khi có nội dung ấn tượng, nên nhạc sĩ sáng tác khó có cảm hứng sâu sắc để viết hay”.

Đạo diễn Lê Hoàng đã từng nói rằng “âm nhạc có thể không cần đến phim, nhưng phim nhất thiết phải cần đến nhạc”, điều này một lần nữa khẳng định vai trò của âm nhạc trong phim. Và để có một tác phẩm được coi là tốt, có giá trị thì phải có sự kết hợp hài hoà với nội dung phim. Chỉ có những kịch bản sâu sắc và giàu tính văn chương thì mới khuyến khích được sự sáng tạo ở phần âm nhạc. Mong rằng trong tương lai sẽ có được nhiều ca khúc gắn với điện ảnh tạo được ấn tượng tốt và đáp ứng những mong mỏi của khán giả trong nước.


Thanh Nhàn