Đỗ ..Miên (Bà Ba Cai Vàng)

Ông Đỗ Đình Liên ở vùng phụ cận tỉnh Bắc Giang là một nhà nho bất đắc chí: đèn sách chuyên cần mà thi hoài không đỗ trường Hương, khóa sinh lại hoàn ông khóa, nên ức lòng "xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung" vì nghĩ mình có chút sức vóc mà gặp buổi giặc cướp như ong, cũng nên có miếng võ thi thố với đời.

Ông góa vợ sớm, chỉ có mụn con gái, đặt là Miên, theo tên mình thành "Liên Miên" hòng dài nối cuộc đời Cô Miên lớn lên, ông kèm cho học thi thư, thấy con thông tuệ lại không ẻo lả nên cũng dạy thêm đôi chút võ nghệ.

Năm cô mười lăm, ông Liên bỗng từ trần sau một cơn bạo bệnh. Sống lần hồi nhờ cậy họ hàng cho đến xong tang, cô tuổi vừa mười tám, tính tự lập thúc đẩy ra dọn riêng một quán trầu nước làm phương độ nhật và nhất là để có cơ hội kén chọn nhân tài.

Mấy tháng qua, thanh niên trong làng và ngoài tỉnh, dập dìu đến quán, người nho nhã văn hoa, người lung lăng thô bạo, hay tâm ngẩm lù đù, cô bực mình thấy chẳng gặp ai vừa ý, bỗng nghĩ ra một cách chọn lọc mà không mất lòng ai: cô ngang nhiên viết ra một tấm bảng treo trước quán:

Vế đối sau đây dể kén chồng
Ai mà đối được chỉ theo không:

"CÔ MIÊN NGỦ MỘT MÌNH"

Bảng yết ra, quả nhiên khách hàng thưa thớt dần. Không phải vì cô hàng kém phần duyên dáng, mà vì không ai đối được, "hóc búa" quá:

Chữ "cô" là gái chưa chồng, đổi ra "cô" là cô đơn, một mình; chữ "Miên" là "dài" lại viết chữ "miên" là "ngủ" thành ra từ Hán Việt "cô miên" nghĩa nôm là "ngủ một mình".

Không đối được thì lẩn luôn cho khỏi bẽ mặt, còn ai dám léo hánh đến quán nữa. Thì một hôm bóng chiều sắp xế, một người trạc ba mươi, áo khăn đĩnh đạc đi cùng vài tùy tùng vào quán uống trà. Vài chén ngát hương, ông khách mỉm cười nói với cô chủ quán:

- Thưa cô, có lẽ từ nay cô không còn ngủ một mình nữa...

- Tại sao vậy, thưa ông?

- Là vì tôi đối được câu cô ra...

- Thế thì may quá, xin ông cho nghe...

- Tên tôi là "Thịnh" làm "cai tổng", thì "tổng" là "tóm", "Thịnh" là "nhiều"; vậy Tổng Thịnh tóm nhiều...

- Nhiều đoạn, nhiều nghĩa...

- "Đoạn" văn, "nghĩa" chữ, tôi sợ không đắt với chữ "mình" của cô. Vậy xin lỗi cô tôi dùng chữ hơi ngang: chữ "đứa". Như vậy "Cô Miên ngủ một mình" đối với "Tổng Thịnh tóm nhiều đứa" cô nghe được chăng?

- Thưa ông, không những tôi nghe được mà còn phục nữa: chữ "đứa" tỏ ra khí phách không phải tầm thường. Vậy thì số phận em coi như đã định...

- Chưa đâu cô ơi! Tôi đến đối là để mua vui chứ không có ý gì, vì nhà đã có hai rồi...

- Thì em là ba chứ sao! Một lời yết ra trên tấm bảng kia rồi "duyên ta mà cũng phúc trời, dẫu mòn bia đá dám sai khúc vàng!"

Thế là ngay hôm sau, cô Hai cùng dăm người theo hầu, trịnh trọng đến đón cô Ba. Ông Nguyễn Văn Thịnh, quán làng Sơn Đình, tổng Hoàng Vân, tục gọi là tổng Vàng, thuộc huyện Phượng Nhỡn, tỉnh Bắc Ninh. Vốn nhà hào phú, nhưng dòng dõi khoa danh, lại tinh thông văn võ, ưa kết nạp nhân tài, nên khi được cử làm cai tổng (cũng như chánh tổng sau này) người ta tránh nêu tên húy, thường gọi là ông Cai Vàng, danh tiếng khắp vùng. Những tay văn tài hay võ dõng mà hất mãn với thế tình hay với thời cục theo về rất đông.

Từ ngày ông Cai gặp cô Ba, bên thương vì nết bên trọng vì tài, nên tuy đã hai "kẻ lớn trong nhà" mà vẫn giữ được hòa thuận yên vui. Sau đó hơn một năm, thiên hạ đói kém vì mất mùa, tiền thuế trong tổng Hoàng vân thu chậm, quan sai lính về đốc thúc. Những dân nghèo khổ ăn không còn đủ lấy đâu ra đóng thuế, bị lính đánh đập, bắt lợn bắt gà rất là tàn nhẫn. Ông Cai động lòng trắc ẩn đứng ra ngăn cản không được, nổi xung hô gia nhân ra đánh bọn lính tơi bời. Bọn lính chạy rồi, Cai Vàng lui vào nhà trong, nói với ba vợ:

- Bây giờ mình như cưỡi trên lưng hổ rồi, sớm muộn chúng nó ắt không để yên. Vậy tôi muốn chọc trời khuấy nước một phen, diệt hết lũ vua quan tàn ác ba nàng nghĩ sao?

Người vợ cả đáp:

- Trời ơi, châu chấu đá xe, xin chàng nghĩ lại. Nếu quyết chống đối, thiếp xin trở về phụng dưỡng mẹ già.

Cô vợ hai tiếp luôn:

- Chàng ơi, nghe thiếp đừng đi, cửa nhà cơ nghiệp thiếu gì ăn chơi!

Cô Ba đùng đùng nổi giận, lớn tiếng:

- Lúc này là lúc nào, hai chị không thấy à? Vua quan toàn lũ ăn hại đái nát, ức hiếp bàn dân thiên hạ, làm cho khổ cực mọi bề, cứ cúi đầu chịu mãi một bề thế này ư? Nay chàng đứng ra đánh dẹp là phải rồi, thiếp xin tiếp tay ngay lập tức! Được cô Ba nhiệt liệt hưởng ứng, lìên triệu tập bạn bè hội họp ngày đêm để chia cắt công việc: đào hào đắp lũy xếp đặt canh phòng tại đại bản doanh ở làng Đại Đào huyện Phượng Nhỡn.

Nhân dịp có người tên Lê Duy Ôn tới gia nhập, xưng là dòng dõi nhà Lê, Cai Vàng tôn ngay làm minh chủ để lấy danh nghĩa "Phù Lê" mà xuất quân. Duy Ôn phong Cai Vàng làm "Bắc kỳ Nguyên súy" và làm lễ tế cờ Cai Vàng tự xưng là Thượng công. Thế là bốn phương sôi nổi, những hào kiệt bấy lâu ẩn nhẫn đợi thời, những tay lục lâm cương ngạnh, đều tìm về qui tụ hùng khí ngất trời.

Những khi tập trận, cô Ba mỗi tay một thanh gươm, tế ngựa như bay, thét loa hô hào, thật là oanh liệt. Bắt đầu, nghĩa quân đánh phủ Lạng Giang, giết lãnh binh và nhiều quân sĩ. Chiếm được thành, cô Ba giao cho chồng đóng giữ, còn mình chia quân tiến đánh luôn huyện Văn Giang. Ninh Thái tổng đốc Nguyễn Văn Phong cho quân vây phủ Lạng. Cô Ba đang uy hiếp Văn Giang được tin Phủ Lạng lâm nguy, quát hỏi:

- Đứa nào to gan như thế? Bà mà diệt cho thì không còn một mống!

Lập tức kéo quân về đốc chiến, làm cho các quan phủ huyện Lục Ngạn, Quế Dương, Gia Bình, đều chạy thua tứ tán. Dân gian hát:

Cô Ba xông xáo như chơi
Đón gươm bắt mác coi trời bằng vung

Cai Vàng chia quân, một toán đánh phủ Thuận An, một toán đánh thành Bắc Ninh. Vua sai Trương Quốc Dụng chỉ huy đại quân dẹp loạn. Dân ca:

Lệnh từ Hà Nội Sơn Tây
Các quan phải tiếp quân rày hộ nhau
Quan tỉnh Hà Nội dứng dầu
Ba nghìn quân sĩ hộ nhau phen này

Hai bên cầm cự luôn mấy tháng, không phân thắng bại.

Mỗi lần giáp chiến, Cai Vàng đều xông lên trước, quân triều bắn tên đạn như mưa mà không hạ được, họ đồn rằng nhờ có đeo ngọc kị đạn nên không việc gì. Vì thế quân triều nản lòng đào ngũ ngày một nhiều.

Sau, một thủ hạ thân tín của Cai Vàng lỡ phạm lỗi, sợ bị mất đầu, ban đêm lẻn sang đầu hàng bên Triều, thổ lộ:

- Thày tôi mình mang giáp sắt, bắn sao thủng được. Phải chĩa bắn vào đầu họa may mới công hiệu.

Biết vậy, bên Triều cho quân khêu chiến, nhục mạ Cai Vàng. Ông nổi xung, giục ngựa tiến ra, gươm vung đến đâu máu rơi đến đấy, nhưng rồi ông bị trúng đạn đ?t tai bên phải, liền ôm đầu phi ngựa chạy về bản trận. Cô Ba cùng mấy tùy tùng xúm lại nâng đỡ, nhưng vết thương quá nặng ông Cai chỉ trối lại được mấy câu:

- Ta giao tất cả ba quân cho nàng, gắng trả thù cho ta...

Cô Ba cảm thương vô cùng, song vẫn tĩnh trí, ra lệnh cho mọi người không được tung tin nguyên súy từ trần, cho đem xác ông Cai vượt vòng vây về chôn ở quê nhà, rồi lẫm lẫm liệt liệt ra chỉ huy đội ngũ.

Nàng chọn 300 quân quyết tử cho theo mình ra trận, giao chiến cùng bên triều.

Viên thống lĩnh quân triều ra ứng chiến, dương dương tự đắc vì đã bắn trúng Cai Vàng. Cô Ba múa gươm tung hoành một hồi rồi giả đò thua chạy. Thống lĩnh thúc ngựa đuổi theo, thình lình nàng quay ngược lại bắt sống kẻ thù, cắp nách đem lại trung quân, bỏ cũi giải về làng, đốt làm nến để tế chồng.

Người vợ cả đã về nhà mẹ, cô Ba cùng cô Hai đứng chủ lễ, cô Ba có câu đối khóc:

Chị, thưa chị, một tiếng đùng, kiếp phù sinh ông lớn đã xong rồi, Trị mà chi, loạn mà chi, ngơ ngẩn sống thừa em với chị.

Con ơi con, ba dời dõi, gương thế phiệt chúng bay coi lấy dó, vinh là thế, nhục là thê, ngậm ngùi chết điếng mẹ cùng con.

Từ đó, tướng sĩ càng phấn khởi, hết đánh huyện Yên Dũng, lại sang vây hãm thành Bắc Ninh. Trong một trận giao phong cô Ba lại bắt sống được một tướng trẻ, không nỡ giết, chỉ cho giam lại và đối đãi tử tế.

Bấy giờ, triều đình biết Cai Vàng đã chết, tung thêm quân cố đánh. Chống giữ lâu quá, thiếu hụt lương thảo, cô Ba phải hội tướng sĩ lại, ôn tồn phân giải:

- Nay thượng công không còn mà chúng ta chưa có thời cơ thuận tiện, vậy anh em hãy về nhà làm ăn, chờ dịp khác sẽ lại tiếp tục.

Tướng sĩ gạt nước mắt chia tay. Cô cho giải viên tướng trẻ trả lại triều đình với điều kiện để cho quân mình được tự nguyện giải tán, không bị truy nã. Triều đình cũng chấp thuận cho yên.

Rồi cô Ba đem hết của cải phân phát cho mọi người, và một mình một bóng, bỏ đi, không ai biết là đi đâu...

Lãng Nhân