Hoa Xoan
Loài hoa quê ấy tự lúc nào đã dẫn dắt tôi, “hướng đạo” tôi tìm về một miền đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đi, như là để chuộc lỗi vì sự vô ý, vô tình của mình. Đi, để tìm thấy những chùm hoa quê, cũng là tìm lại tơ vương nguồn cội, vừa mơ hồ vừa hiện hữu.
Một giáo sư kinh tế bạn vong niên, sau chuyến đi giảng bài ở nước ngoài về, gửi tặng tôi hai bức ảnh ông mới chụp. Ông kể vừa ra khỏi sân bay, bất ngờ ông nhìn thấy dọc đường những chùm hoa tím ngát thật diệu kỳ. Không cầm lòng được, hệt như một chàng trai trẻ đang yêu, ông rủ mấy sinh viên đang được hướng dẫn luận văn tốt nghiệp hôm sau quay trở lại.
Mấy thầy trò loay hoay cả buổi, leo cả lên cây, chỉ để chụp được những bức ảnh này. Tôi mở ra. Một chùm hoa xoan tím nhẹ như gió thoảng, điểm chút nhị vàng, phía trên là chùm quả lắc lỉu nâu chín như mời gọi. Không hiểu sao tôi buột miệng: Hoa quê. Phải, phải gọi là hoa quê!
Tôi, từ tuổi thơ đã sống nơi thành phố. Những gì cảm nhận và hiểu về hoa xoan, lại chỉ là một nỗi...sợ. Ấy là do mẹ tôi. Khi xưa, cứ sau Tết âm lịch, đất trời mưa bụi ẩm ướt và lành lạnh, buổi tối đi ngủ, mẹ tôi vừa mắc màn vừa than: “ Mùa hoa xoan nở rồi đây. Sao mà lắm muỗi thế!”. Lũ trẻ chúng tôi rất ngại phải nằm màn. Mùa hoa xoan với tôi, từ đó cũng là mùa của những con muỗi li ti, đốt ngứa khó chịu.
Thỉnh thoảng, mẹ mua sắn cho chúng tôi ăn. Thứ quà dân dã trẻ con đứa nào cũng thích. Nhưng trước khi luộc mẹ bắt bóc vỏ, ngâm nước rất kỹ. Mẹ bảo: “Cẩn thận đấy các con. Cây sắn mà trồng cạnh cây xoan ăn vào dễ say, có khi chết người.”
Tôi chưa gặp người nào say sắn nhưng những lời mẹ dặn cứ khiến chị em tôi sờ sợ. Ghét ai, mẹ bảo: “Mặt nó dài như...quả xoan ấy!”. Tôi bật cười, nhưng không dám cãi. Vì tôi thấy ai xinh đẹp mới được khen là “mặt trái xoan”. Mà mặt quả xoan và mặt trái xoan có khác gì nhau đâu. Hay khác vì một bên là quả, một bên là trái. Đứa trẻ là tôi cứ tha hồ nghĩ ngợi và suy luận.
Nghe chuyện, vị giáo sư chỉ mỉm cười, lặng lẽ mở email cho tôi đọc. Có biết bao lá thư từ khắp các phương trời Đông, Tây của bè bạn ông là các nhà khoa học, nhà kinh tế đang làm việc hoặc sinh sống ở nước ngoài gửi về, chỉ để nói đến hai bức ảnh hoa xoan ông cũng gửi tặng họ.
Họ tranh cãi nhau, giở cả điển tích, cả thơ của cổ nhân luận bàn về hoa xoan thế nào, còn gọi là hoa sầu đông ra sao, hệt những cậu học trò hiếu thắng chẳng ai chịu ai. Tôi đọc mải miết... để rồi chợt nhận ra rằng, đó thực ra là nỗi nhớ quê, nhớ nhà da diết, sâu thẳm. Họ mượn chùm hoa xoan, mượn chùm hoa sầu đông, để che giấu nỗi lòng mình, che giấu nỗi cô đơn nơi xứ lạ mà thôi.
Chùm hoa xoan xa cách ấy tự lúc nào đã thành nỗi ám ảnh. Và tôi chỉ muốn gọi hoa bằng cái tên dung dị nhất: Hoa quê. Rồi tôi bỗng nhận ra, hoa quê của tôi thấm đẫm trong những áng văn, thơ của những thi sĩ đồng quê như Nguyễn Bính. Có lẽ ông là nhà thơ của các loài hoa?Giở tập "Lỡ bước sang ngang" (1940), gần ba chục loài hoa như cảm hứng bất tận: hoa chanh, hoa ngâu, hoa sói, hoa bưởi, hoa nhài, có cả “hoa tiên”... Nhưng chỉ riêng hoa xoan "nở" trong thơ ông tới bảy lần. Có cảm giác loài hoa quê ấy đã nhuộm tím cả hồn thơ, cả câu thơ:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ.
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”
(Mưa xuân)
Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng
Bời bời ngõ cũ tím hoa xoan
(Trở về quê cũ)
Đường thơm hoa bưởi trắng ngần
Hoa xoan tím nhạt vân vân rụng đều
Làng quê dìu dịu sương chiều.
Tưởng đâu khói pháo hạ nêu hôm nào.
(Tiếng trống đêm xuân).
.....
Loài hoa quê ấy tự lúc nào đã dẫn dắt tôi, “hướng đạo” tôi tìm về một miền đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đi, như là để chuộc lỗi vì sự vô ý, vô tình của mình. Đi, để tìm thấy những chùm hoa quê, cũng là tìm lại tơ vương nguồn cội, vừa mơ hồ vừa hiện hữu. Ở cái làng ven sông, xanh mướt những luống cải mới trồng, tôi hỏi một lão nông: “Sao làng mình con ít thấy cây xoan?”. Ông lão buồn bã: “Còn đâu, có cây nào là người ta hạ xuống làm nhà cả rồi”.
Tôi tản bộ ra cánh đồng. Gió lồng lộng, vi vút. Trời rất oi và nắng rất vàng. Không, hình như cả tôi và ông lão đều nhầm. Dọc đường làng, bến sông, bờ ruộng, hay ở bất cứ đâu, có khi ngay bên một cây rơm vàng rộm, dù chỉ có một ụ đất nhỏ, vẫn có thể bắt gặp những cây xoan non với chùm lá phơ phất. Thỉnh thoảng, có một cây kết quả. Những chùm hoa xoan - hoa quê của tôi đã rụng vào quá khứ. Chỉ còn những trái xoan khô tóp đong đưa, như kiêu hãnh nuôi dưỡng trong cái vỏ xác xơ ấy hạt mầm của tương lai.
Sầu đông bên bến sông chiều... Ảnh: TL
Dọc đường trở lại thành phố, xe băng qua những làng, những xóm. Tôi đã thầm reo lên như đứa trẻ. Cơ man nào là xoan. Xoan có thể mọc lên ở bất cứ đâu, dãi dầu, chịu thương chịu khó. Dường như xoan cũng đã độ lượng nhận ra tôi, đứa con ở thành phố. Những cây xoan xanh mướt, non tơ, tin cậy song hàng bên những gốc xoan già gân guốc, vững chãi đầy vẻ bình thản. Như sự sống của miền quê này, của xứ sở này, của non sông này, thích ứng dẻo dai nhưng cũng ngoan cường đầy bản lĩnh.
Tôi tìm về với hoa quê, còn là để nói, để viết cho một em gái không biết mặt sống ở một miền quê nghèo, có email dễ thương: phaletinhyêu_0211@... đã viết thư cho tôi khi em đọc bài “Cúc vàng mùa thu” trên Thư Hà Nội : “Chị đừng bao giờ viết riêng về người Hà Nội. Đâu chỉ có người Hà Nội mới có được những cảm xúc ấy. Em thấy chạnh lòng và hơi ghen nếu ai đó chỉ nói đến hoa Hà Nội mà thôi...”.
Tôi bỗng thấy thương em quá, và chỉ muốn nói với em rằng, hãy biết mở lòng với cuộc sống em ạ. Hãy biết nhìn đời sống này bằng cái nhìn bao dung và rộng dài hơn, em sẽ thấy còn bao điều đẹp đẽ, thiện lương. Tôi nghĩ thế bởi mới đây thôi, một buổi trưa nào đó, trên VTV, tôi đã lặng người khi bất ngờ được nghe một thầy giáo người Anh hát những ca khúc tuyệt vời của Trịnh Công Sơn.
Ông giáo ngoại quốc ngồi đó, như mê, như đắm say những ca từ từng lay động hàng triệu con tim dân Việt. Cái đẹp, cái thiện đâu có biên giới, có vùng miền. Vậy thì “Cúc vàng mùa thu” Hà Nội hay chùm “Hoa quê” dân dã nhuần nhị cũng đều đáng yêu đáng nâng niu, đều là tinh túy, là cốt cách là hồn Việt cả, phải không em?
Kim Dung