Duy Trác: Tiếng hát trở về vùng đất ấm
Tiếng hát ấm áp ấy tưởng chừng tắt lịm từ lâu. Sau 75. Còn chăng, chỉ là chuỗi âm hưởng bạt ngàn hàng hàng giây kẽm gai trong trại tù. Những đêm trăng sáng, dưới bóng tàn cây. Đâu đó, những khuôn mặt u uất, nhen nhúm những kỷ niệm phôi phai hồi lại. Bằng giọng hát kẻ cả, kiêu sang, có một khôg hai, tưởng như sáng mãi trên vòm trời ca nhạc quê nhà.
Ngồi bên nhau bằng tiếng hát đó, cuộc đời tưởng đã trôi xuôi. Kỳ diệu thay, vẫn có tình yêu đâu đó. Tình vợ chồng thủy chung trọn kiếp - Đời lính chiến vật vờ bão nổi; phút đầu sống lại, khí thế hiên ngang buổi đầu lên đường hành quân.
Đời người tưởng đã khuất lấp bao quanh bởi hàng rào kẽm gai. Họng súng oan khiên nã đạn chẳng từ. Cứ thế, chúng ta sống phom phom. Quên hết - quên đời. Quên chuyện tình yêu chăn gối. Ánh mắt vợ hiền cũng mặc. Giọng nói, tiếng cười con thơ đành quên trong tâm thức mịt mù.
Phải chăng, chúng ta đã có tiếng hát Duy Trác sừng sững trong bóng đêm năm nào. Ở trại tù Trảng lớn. Hay đâu đó trong lãnh thổ vùng III thân yêu. Giọng hát tù ngục thoát ra từ con tim thôi thúc. Chúng ta phải sống. Đòi quyền sống. Những món nợ cần phải trả thật sòng phẳng. Giữa bạn và thù, hai lằn ranh khác biệt rõ ràng.
Hôm nay chúng ta nằm đây. Ngày mai, biết đâu chừng? Phải bám lấy, và phải sống để còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời trên quê mẹ. Hãy cứ tạm nhái theo câu hát của họ Trịnh “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Dù “niềm vui” đó có vỡ vụn để chọn “một củ khoai”, âu cũng là số mệnh đã an bài... Biết sao đành?
***
Tôi được tin Duy Trác cùng gia đình, do cô con gái bảo lãnh, đã đến bến bờ bình yên vùng Houston (Hoa Kỳ) từ lâu.
Từ nay, chúng ta có Duy Trác, tiếng hát trở về vùng đất ấm. Ngồi viết những giòng chữ này, kỷ niệm giữa tôi và anh Duy Trác tưởng đã rong rêu bởi cuộc sống đẩy đưa một cách khốn kiếp, bỗng chan hòa một tình bạn nghệ sĩ không bao giờ phai nhòa. Biết sao tôi nói vậy?
Đây là sự thật! Khi anh hát, tiếng Tây ban cầm tôi hòa nhịp theo anh tưởng như bất tận. Giọng ca và tiếng đàn soắn sít bên nhau, ăn ý; Nếu tôi không lầm, chúng tôi là cặp bài trùng điệu nghệ nhất khi trình diễn trước mặt mọi người:
"Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?
Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò.
Còn đó, tiếng xe êm ru - còn đó, bóng đa hẹn hò.
Còn đó, những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu...."
(Hương xưa - nhạc và lời Cung Tiến)
Nét nhạc Cung Tiến đài các, đãi lọc bằng từng giòng âm thanh, không hẳn chiếu trên chiếu dưới, nhưng chắc chắn những nhà phê bình âm nhạc không thể đặt ông ngang hàng với thứ âm nhạc đặt hàng, chiều theo lỗ nhĩ người nghe. Cổ võ cho một thứ âm nhạc kêu đường, đứng chợ. Đừng mong!
Thứ âm nhạc ấy, qua tiếng hát Duy Trác, đã trau chuốt kể cả phần kỹ thuật trình diễn lẫn diễn tả nội tâm. Nếu ai đã từng nghe qua, sẽ nghe mãi mãi, không còn muốn nghe ai trình bày nữa.
Chưa hết, anh không những chỉ thành công qua một Hương Xưa mà còn dài dài. Các thể loại tình dìu dặt, đầm ấm - nhạc quê hương mộc mạc, chan hòa, nhạc khí thế qua khúc quân hành. Nhạc được phổ qua thơ Đinh Hùng, Nguyên Sa... Bất kỳ thể loại nào, anh đều đạt đến mức thượng thừa:
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và đem theo trăng sao đến với thời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi....
(Ngày đó chúng mình - Phạm Duy)
Hoặc:
Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Anh đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu chớm bao dư vị
Của chút hương thừa vương tóc quen...
(Mái tóc dạ hương - Thơ: Đinh Hùng, nhạc: Nguyễn Hiền)
Đặc biệt, qua một ca khúc Ngô Thụy Miên, phổ thơ Nguyên Sa:
Em chợt đến, chợt đi em anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Sao em đi lại chẳng bảo gì nhau
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại...
(Áo lụa Hà Đông)
Lần đầu tôi gặp anh quả là sự kỳ diệu. Nhờ âm nhạc chúng tôi kết giao tình. Nhờ âm nhạc, chúng tôi quên đi những năm tháng tù đày, vui sống lại. Nhờ âm nhạc, về phần tôi, một tên dở ông, dở thằng, dám vươn lên ngạo nghễ giữa đám lau sậy che mất tầm nhìn cuộc đời.
Với anh, cũng nhờ âm nhạc, mãi mãi là ca sĩ Duy Trác in sâu vào tiềm thức giới yêu nhạc, hơn là ông luật sư cố vấn pháp luật phủ Tổng thống năm nào.
Còn nhớ đêm đó, tôi ôm đại-hồ-cầm múa may ở một quán nhạc đường Trần Quang Khải vào những tối cuối tuần. Những ngày đầu thập niên 81, các quán nhạc còn sống nhờ sự thả lỏng “khó hiểu” của cớm Cộng. Nhờ vậy, giới trình diễn ca nhạc còn cầm hơi sống được qua ngày.
Cớm Cộng giăng bẫy, thừa cơ đàn áp. Nhiều quán nhạc sập tiệm. Vụ án bà chủ quán nhạc Hạ Trắng còn rành rành ra đó. Thợ đàn, thợ hát nằm nhà, túa ra chợ trời buôn bán, mánh mung cho qua cơn bĩ cực.
Thời điểm này, nhà ca sĩ chúng ta bỗng trở thành tên mối lái thuốc tây tung hoành khu vực chợ trời An Đông, Bà Chiểu. Tôi làm thầy dạy nhạc bất đắc dĩ ở các tư gia một số gia đình còn có máu mặt. Hôm nay còn dạy các con của họ. Ngày mai thầy đến, gia đình trò vượt biên hết trơn. Thầy cám cảnh sôi hỏng, bỏng không. Nếu không nhờ nghề dạy nhạc câu cơm này, thầy “còn khuya” mới gặp cơ may run rủi để có ngày vượt biên theo trò.
Tôi với anh bù khú bên nhau những tối rảnh rang ở quán thịt chó đường Trần Quốc Toản. Những đêm trăng đẹp ở vỉa hè đường Phan Thanh Giản, bên quán nhậu ngoài trời của anh chị Vũ Đức Duy. Nhờ vậy, tôi được nghe giọng ngâm thơ sang sảng của Thành Cát Tư Hãn Lê Cung Bắc - Hắn uống rượu như hũ chìm. Vừa uống vừa chưởi rủa Hồ Chí Minh không còn manh giáp.
Tôi trêu Bắc:
-Ghê nhỉ! Coi chừng gương của nhạc sĩ Châu Kỳ đó!
Bắc càng bốc hứng:
-Mẹ kiếp! Mời Bác đi chỗ khác chơi! Chớ dọa ta chớ bạn!
Một thực khách ngồi bàn trên, thấy Duy Trác tán gẫu:
-Ông “Đại tá”! Ông về hồi nào vậy?
Duy Trác hốc hác đính chính liền:
-Tôi không phải “Đại tá”. Ông bạn gọi vậy kẹt tôi quá! Chúng tôi cười ầm. Anh Duy Trác đẩy nhẹ Duy Trác:
-Khai man lý lịch - chết chưa!
Duy Trác bỏ nhỏ:
-Coi chừng chó vàng để ý kẹt tôi lắm!
Cần nói thêm, vì tôi dạy nhạc các con của ảnh, nên tôi và anh thường có nhiều dịp ôn lại quãng đời ca hát ở chế độ cũ. Anh thường tâm sự coi nghề đi hát là phụ, nhưng vẫn phải dính liền với nó như một thứ nghiệp chướng.
-Mọi người còn quý mình đến giờ này là nhờ bản thân là ca sĩ Duy Trác đấy ông ạ! Anh thêm
Hồi còn học Chu Văn An ở Hà Nội khoảng giữa năm 1953, phong trào ca nhạc đang lên như thác nguồn. Thanh Hiếu, Thanh Hằng là thần tượng của giới trẻ đất ngàn năm văn vật. Kế Kim Tước là giọng oanh vàng tuyệt vời làm nhiều chàng thất điên bát đảo.
Tôi cũng thấy cõi lòng phơi phới, muốn dự thi cho biết mùi vị cuộc đời đi hát. Nhưng phải cái tôi hơi nhát khi hát trước đám đông, nên còn ngần ngại lắm. Ông chú Quách Đàm đoán được tài năng thiên phú của cháu, ghi tên cho tôi thi bừa. Ai ngờ tôi túng tuyển “Khôi nguyên”. Nghiệp dĩ bắt đầu đeo đẳng tôi cho đến bây giờ
Anh hỏi lại tôi:
-Còn ông thì sao?
Tôi thành khẩn khai báo:
-Trước năm 75 tôi mù trớt âm nhạc. Biết ca lai rai dăm sợi. Khi bị luộc trong lò cải tạo, tôi bắt đầu học nhạc. Tôi dồn hết tâm trí miệt mài tự học, tự sáng tác. Có gì bí quá, học thêm các sư phụ chỉ giáo cho mấy đường tơ vi vút. Tôi trở thành nhạc sĩ từ năm 1976.
-Tôi còn nghe ông biết làm thơ? Ém tài kỹ quá!
-Thơ tôi là thơ con cóc, làm gì nổi.
-Thì chính “lương y” Vũ Dương Hoa nói chứ ai vào đấ nữa!
-Cùng làm lai rai vậy mà!
Tôi tả oán:
-Bài thơ đầu tiên tôi làm có tên Khước Từ. Bài thơ ghê gớm quá. Các đấng thi sĩ thứ thiệt nghe qua đều dựng tóc gáy. Đọc cho Phạm Thiên Thư nghe, hắn chửi um thiên địa. Thứ thơ khước từ tình yêu kinh bỏ xừ. Nhờ anh tý! Có ai thèm yêu anh kia chứ!
Tôi kiên trì làm tiếp bài thơ thứ hai có cái tên Hoa Khế (Xin chớ lầm với hoa mào gà!). Ai ngờ bà xã tôi lầm thật. Bả nạo quá xá cỡ. Viết lại, bả cho nằm chèo queo. Thôi, xin chừa! Bỏ làm thơ luôn từ dạo đó.
Đối với anh Duy Trác, tôi có một niềm ân hận khôn nguôi - Chả là anh đưa cho tôi hai bản nhạc do chính anh sáng tác. Hai nhạc khúc đó có tên gọi “Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về” và “Lời Nguyện Cầu Nửa Đêm”. Tôi dấu nhẹm chờ có dịp viết các hợp âm thật phong phú - theo lời yêu cầu của anh - để gởi qua Hoa Kỳ nhờ bạn bè phổ biến hộ.
Tôi rét vì giữ “đồ quốc cấm”. Hơn nữa, nhà tôi ban đêm thường bị công an khu vực, công an phường hỏi thăm sức khỏe. Tôi ngủ chui, thập thò như loài chuột cống - Hai nhạc phẩm của anh tự dưng không cánh mà bay. Tôi đâm hoảng và bối rối ra mặt. Mỗi lần anh hỏi “xong chưa” tôi cứ nói dối quanh.
Một ngày đẹp trời, lựa lúc uống cà phê, tôi lại thành khẩn khai báo với anh một lần nữa.
- Anh ơi! Em lỡ dại để chúng thất lạc mất rồi. Mong anh tha lỗi cho.
Anh có vẻ buồn, và cũng có vẻ không tin tôi nữa. Tôi tự trách mình “cà chớn”, và tự phạt bằng cách “cấm cung”, không dám gặp anh.
Những ngày cuối năm 81, dịp may đang đến với tôi. Cũng bởi âm nhạc đưa tôi góp mặt với đời ngày hôm nay. Cũng chính âm nhạc, tôi ru ngủ tấm lòng từ thiện của ông chủ tàu tên T...
Ông thấy tôi “đàn hay, hát ngọt”, chẳng tiếc chi một chỗ ngồi dưới hầm ghe vượt biên. Đem hắn qua Mỹ (ổng lầm, tôi đi Úc), biết đâu chừng, hắn thành tài. Làm nên cơm cháo cho mình nhờ.
Tôi đành phụ lòng ông chủ tàu tốt bụng. Tôi chọn đất Úc làm chỗ dung thân
Tôi ca bài “Thôi là hết chia ly từ đây”, tưởng rằng không bao giờ còn gặp anh nữa. Đâu ngờ? Phải, ai ngờ?
Vào tháng 11/1982 lá thư đầu tôi viết thăm anh chị và các cháu.
Tháng 1/1983 tôi nhận thư anh hồi âm - tôi còn nhớ như in những giòng tâm sự của một người anh gửi đứa em cầu bơ, cầu bất: “Mừng Ngọc đã thoát cảnh khổ ải ở quê nhà. Kỷ niệm đã qua không bao giờ tôi quên được - hãy giữ lấy và chắt chiu. Vì đó là thứ tình hiếm hoi ở đời này. Cho tôi một lời khuyên thành thật. Hãy chịu khó học thêm để bồi bổ mớ kiến thức đã dâng trọn cuộc đời binh nghiệp mười mấy năm qua. Hãy lo cho H... và các cháu thật chu đáo. Cuối cùng, tạm ngưng mọi sáng tác. Bốc hứng vừa thôi, và đừng tin ai nhiều... Duy Trác.
Tôi đọc thư anh những lời “giáo huấn” của một thứ tình... nếu mất đi sẽ ân hận mãi mãi.
Tôi đã làm theo những điều anh dặn dò. Nhưng duy nhất từ ngày qua đây, tôi chưa bao giờ cắp sách đến các lớp học Anh văn vỡ lòng. Nếu có, chỉ một vài tuần là tôi thoái thác ở nhà nằm lì chết dí. Tôi vẫn là anh chàng dốt đặc cán mai, nhưng thích múa gậy vườn hoang. Tôi viết bừa Thơ Văn thả dàn. Tôi sáng tác thứ âm nhạc ngang phè, nhạt như nước ốc - nghe qua một lần rồi bỏ.
Anh có biết, xin đừng giận tôi. Từ lâu, tôi đã xem nhẹ trò đời. Ngay chính bản thân, tôi tự đem mình ra diễu cợt. Tôi đã chán tôi. Một ngày nào đó, biết đâu chừng, đi giữa đường, tôi đã thấy hư vô trước mặt. Có thể nổi cơn điên bất tử lắm chứ!
Có điều, đêm nằm tự vấn lương tâm tôi không có điều gì lấn cấn xấu hỗ với chính mình.
Ít nhất, tôi đã giữ cõi lòng thanh thản trong hơn hai mươi năm định cư ở Úc. Tôi chẳng ăn thua, chọc ghẹo ai. Xin đừng ai bỉ thử tôi. Ai múa võ gì, tôi múa võ nấy.
Toi tâm niệm: Tổ quốc trên hết. Còn lại là thứ yếu. Quốc - Cộng phân ranh rõ ràng. Gà cùng một mẹ không bôi mặt đá nhau.
Thế đấy! Anh Duy Trác thân, thân lắm của tôi!!!
Giờ đây, ở phương trời nắng ấm Texas, giọng hát anh vốn đã tồn tại, bất tử từ bao năm qua, sẽ lại một lần, làm ấm áp cõi lòng ly xứ.
Tiếng hát đó tưởng đã chết lịm. Đâu ngờ, vẫn hồi sinh, bay bổng mãi mãi, vượt thời gian. Dù anh còn cất tiếng hát nữa hay không, điều đó không cần thiết. Điều đáng nói là giọng ca Duy Trác vẫn là giọng ca ấm áp, truyền cảm, chính cống “Hà Nội 100%” nghe qua một lần là muốn nghe nữa, không bao giờ chán.
Tiếng hát rót mật cho tình yêu. Ru ngủ trong nỗi trở trăn ngậm ngùi. Làm chất ngất, rung động những con tim còn biết hòa nhịp đồng điệu giữa thực và mộng. Giữa khổ đau và hạnh phúc. Tiếng hát đó vẫn đời đời...
Phạm Quang Ngọc