-
Senior Member
Bài hịch "Tự Do" - Nguyễn Ðình Toàn:::
Bài hịch "Tự Do"
Nguyễn Ðình Toàn:::
Tháng 8/2005 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật đã từ Na Uy bay qua Cali, để giới thiệu mấy tác phẩm của ông và của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, do nhà xuất bản Anh Em ấn hành, gồm có các cuốn: Cỏ Bồng, Cuộc Chiến [Thơ Nguyễn Hữu Nhật], Les Chants Divins [Diệu Ca và Ai Ca, do Nguyễn Hữu Nhật chuyển sang Việt ngữ], Cỏ Bồng Lìa Gốc [Tạp Văn Nguyễn Thị Vinh]. Buổi ra mắt sách được tổ chức tại trụ sở Nhật Báo Người Việt [Tiểu Sài Gòn].
Khách tới dự các buổi ra mắt như thế tùy thuộc hai yếu tố: Uy tín của tác giả và sự hỗ trợ quảng bá của các cơ quan truyền thông.
Thường, những buổi ra mắt sách, nhất là các thi phẩm, không thể có được sức hấp dẫn của những cuộc trình diễn nhạc.
Thơ, tự nó, dường như đã chứa sẵn sự bơ vơ.
Thi sĩ cũng vậy.
Nguyễn Hữu Nhật, đội chiếc mũ casquette, không biết có phải đó là một cách trang điểm, hay thật sự chỉ để che mái tóc đã bạc, không những bạc còn rụng mất khá nhiều nữa.
Ông ngồi ký tặng sách cho người mua sách, cho bằng hữu, vốn gốc là người thích vẽ tranh [Ðộng Ðình Hồ] trước khi làm thơ, nên có thể nói, Nguyễn Hữu Nhật đã “vẽ những lời đề tặng và cả chữ ký” nữa. Ông nhận những đồng tiền của người mua sách, để trên bàn, bỏ vào túi, cử chỉ vụng về, hai mắt lim dim, nói năng nhỏ nhẹ, một nửa ngây thơ, một nửa tinh quái.
Một vài người bạn trẻ, chắc là những người ông đã làm quen từ khi ra khỏi nước, nhắc lại với ông, để ai lên giới thiệu ông, nói gì thì nói, nhưng người nói cuối trong buổi họp mặt này, phải là Nguyễn Hữu Nhật. Những người đó có vẻ gì đó thật tình khi yêu cầu như vậy. Họ đã được nghe Nguyễn Hữu Nhật nói chuyện ở đâu đó đôi ba lần rồi.
Có bao nhiêu người yêu thơ Nguyễn Hữu Nhật?
Không rõ.
Nhưng rõ ràng số người thích nghe Nguyễn Hữu Nhật nói về thơ rất nhiều.
Cứ thấy mấy bạn trẻ quanh quẩn bên Nguyễn Hữu Nhật tại hội trường báo Người Việt hôm ấy “thúc” ông ra nói chuyện, đủ biết.
Nhớ lại những ngày, “cùng một lứa” ở tù ra, gặp lại nhau tại Sài Gòn, tình cờ được nghe Nguyễn Hữu Nhật đọc thơ sáng tác trong tù và nghe TQL hát những ca khúc viết trước và sau biến cố 75, hát những bài thơ Nguyễn Hữu Nhật vừa đọc cho nghe hôm trước, hôm sau TQL đã phổ thành nhạc, trong đó, những bài như “Ðàn Trong Tay Người” hay “Áo Dài” chẳng hạn, phải được xếp vào hàng những “tác phẩm” quý của âm nhạc Việt Nam.
Dạo ấy, đám ngụy, người làm thơ, viết nhạc, người hát, người nghe, nhớ được gì của nhau thì nhớ, không ai dám viết ra giấy, vì bị công an khám nhà thường xuyên. Bất cứ cái gì “viết ra trên giấy đều là những chứng cớ.” Chứng cớ thì phải tra hỏi. Nếu đó lại dây dưa ít nhiều với những gì gọi là “sáng tác” thì mười phần hết chín đi tù rồi, bỏ vào tù điều tra cho tiện.
Xin chép lại theo trí nhớ ít câu trong bài “Ðàn Trong Tay Người”, vì cũng vào cái dạo ấy, người ta gặp được nhau lúc nào biết lúc bấy giờ thôi, ngày mai có thể kẻ vượt biên, người bị bắt, lưu lạc, chết... không gặp lại nữa.
Trong tay người hành khất mù
Tiếng đàn nung lửa ngục tù tối tăm
Ðàn buồn, đàn réo đầy vơi,
Búng giây nhỏ lệ, dâng đời thanh tân
Tiếng đàn trong tay ai
Mà tiếng đàn bật máu
Tiếng đàn thương bơ vơ
Thúc giục nỗi mong chờ
Tiếng đàn nuôi hương xưa
Làm nhớ mùi gỗ quý
Tiếng đàn thương đêm đen
Sao nghe lạnh đời thêm
Trong tay người hành khất mù
Tiếng đàn thôi ngủ mùa thu quên về
Cung đàn dạo khúc tử sinh
Búng dây oan nghiệt lặng thinh tiếng cười
Trong ngần ấy câu thơ, bao nhiêu câu thật sự là của Nguyễn Hữu Nhật, bao nhiêu câu [chữ] do TQL bịa ra cho hợp với nhạc, bao nhiêu cái sai vì bị nhớ bậy bạ, bây giờ đã có Nguyễn Hữu Nhật hiệu đính, chắc chắn sẽ có một bản đúng.
Bài hát này, nghe nói, Bùi Giáng có được nghe và ông tỏ ra rất thích, nhất là câu “Tiếng đàn thôi ngủ, mùa thu quên về”.
Cũng như “Ðàn Trong Tay Người” bài “Áo Dài” đến với mọi người như một ca khúc chứ không phải bài thơ. Ai nhớ sai, nhớ đúng cũng qua bài hát đó, dù cùng biết nó được phổ từ một bài thơ của Nguyễn Hữu Nhật.
Có lẽ cũng nên nói thêm một chi tiết có liên quan tới ca khúc này.
Ðó là một bài viết của nhà văn Hoàng Hải Thủy, kể rằng, xưa, ông có mua tặng vợ một xấp vải để may áo cưới. Nhưng đến ngày cưới lại không dùng tới, bà đã đem cất làm kỷ niệm. Sau 30 tháng 4/1975, vì cần tiền, hai vợ chồng đã phải mang xấp vải ra chợ trời bán.
Mấy câu cuối của bài hát, có lẽ TQL lấy ý từ cảnh bán áo đó thêm vào, chứ không có trong bài thơ của Nguyễn Hữu Nhật:
Ngày nào mới mặc áo dài
Em tay run quá chẳng cài nổi khuy
Chuyện giờ kể có khác đi
Tay run anh cởi hết khuy em cài
Ngày nào mới thở hương người
Em say ngây ngất rụng mười ngón tay
Chuyện giờ kể có khác đi
Tay em buông thõng mỗi khi nhớ người
Ngày nao anh cũng làm thơ
Dù em là chiếc gương mờ đã lâu
Trước khi đi ngủ, chải đầu
Ðể trong giấc ngủ gặp nhau [cho] “đàng hoàng”
Ngày nào mắt ngọc xanh tình
Ðêm mưa anh nhớ dịu dàng mắt em
Chuyện giờ kể có khác đi
My xanh mắt ngọc bút chì tô quanh
Ngày nào mới mặc áo dài
Soi gương trông bóng tự cài lấy khuy
Chuyện giờ kể có khác đi
Không đem bán áo lấy gì nuôi nhau
Kể từ sau 30/4/1975, bị bắt, được tha ra, bị bắt trở lại, lại được tha ra, chúng tôi đã trải qua những ngày thực sự đen tối, “không biết sống để làm gì và làm gì để sống”. Những buổi lén lút gặp nhau, nghe nhau như thế, là một niềm an ủi lớn. Nó chứng tỏ một điều, sự sống không dễ gì bị hủy diệt, dù người ta có cố tình làm việc đó. Cây cành bị chặt gẫy, nhưng mầm, nhánh vẫn cứ đâm ra.
Nguyễn Hữu Nhật có một câu thơ, không biết ở trong bài nào, đôi ba lần ông đã đọc cho chúng tôi nghe, nói về nhân cách một người tù, những người chung quanh chỉ cần “ngửng nhìn anh” để “thấy mình đỡ thấp”.
Thơ Nguyễn Hữu Nhật, nhạc Trần Quang Lộc đã cho tôi cảm tưởng ấy.
Không biết từ ngày ra được nước ngoài này, ông đã bao lần đọc nó cho mọi người nghe, đọc trong trường hợp nào, hay cho in trong tuyển tập nào. Hai hai lần được gặp lại ông, không thấy ông nhắc tới. Hai tập thơ được ông ký tặng, sự thật chỉ có một, tập thứ hai bị xếp lộn bìa. Ðọc không thấy có bài “Người Tù Già”. Thành thử không biết Nguyễn Hữu Nhật có cho in trong tập nào khác không. Hỏi, không ai biết.
Nói đến thơ Nguyễn Hữu Nhật mà không nhắc đến bài “Người Tù Già”, thật vô lý. Vì, có thể coi như đây là một trong những bài thơ hay nhất của chúng ta, kể từ sau 30 tháng 4/1975.
Xin ghi lại sau đây, vì chỉ được nghe Nguyễn Hữu Nhật đọc [nhiều lần] không có bản in hay chữ viết, chắp nối lại theo trí nhớ, không thể không chỗ sai, thiếu sót, [cũng không hiểu tại sao nhớ được, trong khi chính những cái mình làm ra mình cũng quên]. Âu đây cũng là một cách nhắc Nguyễn Hữu Nhật sửa chữa lại, phổ biến lại. Tôi mang ơn bài thơ [hay mắc nợ bài thơ] nên phải viết lại ra đây để đền ơn [trả nợ]:
NGƯỜI TÙ GIÀ KỂ CHUYỆN MÌNH
Anh chị em ơi
Năm nay tôi gần bảy chục
Bị tù vì yêu tự do
Tự do
Tự do
Tự do
Nhắc mãi trở thành nhàm chán
Nhưng lòng vẫn muốn hô to
Tự do
Tự do
Tự do
Anh chị em ơi
Ðừng hỏi vì sao tôi gầy
Ðôi mắt vẫn là cửa sổ
Mở ra một hồn đắng cay
Cơm ăn mỗi bữa đếm từng hạt
Mộng lớn đêm nào cũng gối tay
Không có ăn thì người ta ngắc ngoải
Không có không khí người ta chết ngay
Không có tự do người ta vẫn sống
Nhưng đời ngựa kéo trâu cầy
Tôi không phải là con tắc kè đổi sắc
Ở gần cây lá thì xanh
Bò trên mặt đất lại đỏ
Giống y như cỏ đuôi chó
Gió chiều nào ngả theo chiều ấy
Còng lưng uốn lưỡi
Sao cho người gật đầu khen ngoan
Tôi cũng chẳng phải là giò lan
Chịu dãi dầu gió sương để thơm ngát hương
Tôi chỉ là người thích ăn cơm
Tôi chỉ là người thích mặc áo
Cơm áo do mình làm ra
Không quỳ không lạy người ta
Ðể áo cơm mình no ấm
Hạnh phúc không phải là người
Cúi hôn chân người
Ðể được một chút cơm thừa canh cặn
Tôi chỉ muốn làm một ông già
Muốn ho lúc nào thì ho
Tôi không muốn được ăn no
Mà thấy người ta mình chẳng dám ho
Tự do
Tự do
Tự do
Anh chị em ơi
Không hiểu vì sao
Tự nhiên tôi muốn sống
Sống cho ra sống
Còn bây giờ chỉ là tồn tại
Sống mà như chết chưa chôn mỗi ngày
Tuổi già sức yếu
Run chân tay
Ði đứng không ngay
Nhưng tôi hiểu thế nào là sự thẳng thắn
Tự do
Tự do
Tự do
Cái quyền không ai có quyền chiếm đoạt
Cần hơn cả hơi thở
Cần hơn cả hột cơm
Nếu không
Tôi chỉ là con vật
Anh chị em ơi
Tôi xin nói thật
Ðâu phải vì già quá mà tôi không sợ chết
Bất cần đời
Tôi thương nhà tôi lắm
Nước mắt chỉ muốn rơi
Tôi yêu căn phòng
Ở đấy
Nhà tôi thường nằm khóc
Rồi những tiếng khóc khác vang lên
Tiếng khóc giận hờn của người đàn bà
Ðành yên lặng
Nhường chỗ cho con cháu khóc
Khóc chào đời
Khóc nhớ người
Thương Chúa bị đóng đinh vì người
Anh chị em ơi
Tôi không đủ chữ nghĩa
Nên thư nào gửi nhà tôi cũng ngắn
Mình cứ tin tôi
Nơi nào có thể đứng được thì không ngồi
Nơi nào có thể đi được thì không đứng
Hãy đứng dậy anh chị em ơi
Làm việc tốt không bao giờ muộn cả
Hãy bay đi về phía mặt trời
Bằng trái tim ta rực lửa
Vấn đề không phải là can đảm
Mà vì mục đích làm cho ta can đảm
Nếu mục đích không xứng đáng
Thì sự can đảm chỉ làm cho người ta kinh ngạc
Thay vì khâm phục
Anh chị em ơi
Làm sao chúng ta có thể trả lời cho con cháu
Ngày mai
Về một câu hỏi rất giản dị
Sống để làm gì?
Nếu chính chúng ta hôm nay
Không biết làm gì để sống
Tôi với họ như hai kẻ đấu súng
Sau khi bắn trượt
Tôi không thể quay lại van xin kẻ thù
Cái đất nước mà người ta không hiểu
Cứ cúi đầu nhắm mắt tuân theo
Là đất nước tồi
Ðất nước chúng ta vốn là một chiếc nôi
Nơi mà mọi lòng hòa thuận đều vui sống
Tại sao hôm nay chúng ta không được sống
Khóc hay cười
Câm hay nói
Ðều theo lệnh một người
Anh chị em ơi
Im lặng lâu dần hóa ra ngu
Gần bảy chục năm nay tôi đã im lặng
Tưởng im lặng là khinh bỉ
Có biết đâu vì sợ hãi nên câm
Vì cầu an tôi đã xây lưng lại sự thật
Làm ra vẻ đạo đức khinh đời
Giữa lúc người ta cố tình gieo sương mù vào
Trí tuệ con người
Ðang bị cảnh túng thiếu cô đơn đè nén
Trùm lên đầu con người những mắt xích
Của sự dốt nát
Sống bằng sợ hãi
Ðể phục tùng tội ác
Anh chị em ơi
Có đêm anh bạn kể chuyện
Nói về ông Ma-ki-a-ven, a - viết gì đó
Bảo: Khi người ta chặt đầu người
Cái đầu còn quay lại cám ơn mãi không thôi
Thế mới là làm chính trị
Tôi ít học quá nên không kịp suy nghĩ
Lòng bỗng đau như người cha nghe tin con gái
Phải làm đĩ để nuôi em
Ðã có bao nhiêu người như thế nhỉ?
Cám ơn ma quỷ đời đời
Có thể không bao giờ tôi mở
Nhưng căn phòng của tôi phải có cửa sổ
Có thể tôi không dùng đến
Nhưng đời tôi phải có tự do
Tự do
Tự do
Tự do
Hãy bắt đầu bằng việc
Không để ai suy nghĩ giùm mình
Anh chị em ơi
Xin nghe tôi một điều nữa thôi
Chúng ta bực mình khi thấy người khác
Lục lọi đồ đạc của mình
Có lý nào chúng ta lại làm thinh
Khi người ta lục lọi một thứ
Quý hơn cả đồ đạc
Quý hơn cả tự do
Ðó là tâm hồn con người!
Tự do
Tự do
Tự do
Tại sao tôi lại khóc
Có phải vì củ sắn nướng chiều nay
Chưa kịp chín
Mà lòng đói quá cứ bâng khuâng
Hay nỗi nhớ thương bạn bè
Ðã làm khổ tôi cả buổi chiều nay
Khi đi qua vũng lội
Thấy bóng tóc mình mây trắng bay
Phải nói cho con cháu biết
Phải nói cho con cháu hay
Tự do hay là chết
Chết hay là tự do
NGUYỄN HỮU NHẬT
Nguyễn Ðình Toàn
[Chép theo trí nhớ]
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules