Cây Chuối Buồn

Linh Bảo


(Trích trong tuyển tập Mây Tần)
Ông Hải thức dậy lúc 9 giờ sáng, ngày nào đúng giờ ấy, nắng cũng như mưa. Đáng lẽ ông còn ngủ nữa, nhưng tiếng hát của ai ở phòng tắm bên cạnh, lẫn tiếng nước chảy rào rào, làm mất yên tĩnh buổi sáng, mất giấc ngủ nướng của ông. Ông Hải rất ghét mấy anh chàng lúc nào khác không hát, chỉ đợi vào buồng tắm mới hát, ý hẳn hát dở quá, không dám để ai nghe, phải đợi có tiếng nước chảy át đi, “ ca sĩ” mới dám mở miệng.
Ngủ không được nữa, ông dậy thay áo để đi ăn sáng. Bắt đầu cuộc sống “Một ngày như mọi ngày” như lời ca sĩ diễn tả.
Ông Hải đã sống ở đây gần ba muơi năm nay, từ ngày cái phố Tàu của Cựu Kim Sơn còn thưa thớt vắng vẻ, cho đến bây giờ nhà cửa sát vách nhau, chen lấn chồng chất lên nhau, cả đến không khí cũng có vẻ khan hiếm. Một đám đông ngồi gần nhau tưởng như mình hít vào cái hơi của anh chàng bên cạnh vừa thở ra. Thế nhưng ông không muốn dời đi đâu hết. Thành phố này bây giờ là quê hương làng xóm, căn phòng trọ là nhà của ông, những người bán rau quả, các tiệm đồ chơi, đồ ăn, các chủ phòng trà, khách sạn, ông đều quen mặt biết tiếng hết. Trừ một ít du khách qua lại, những người sống lẩn quẩn ở Phố Tàu nhiều năm như ông có thể gọi tên nhau thân mật như bà con.
Cùng một lứa với ông, có những ông già bạn thân khác. Những A Wòng, A Lỵ, A Txần, A Yuun, mỗi ngày gặp mặt nhau nói chuyện gẫu. Nơi hội họp của các ông là phòng đợi của bất cứ khách sạn Tàu nào. Những khách sạn này phần nhiều mở cửa suốt ngày đêm. Ở phòng đợi ngay từng dưới, ngoài vài thứ báo hằng ngày, còn có cả Ti vi cho mọi người xem. Các ông cứ đến ngồi đấy đọc báo, hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác. Sau khi nghiến đến tả tơi báo của một khách sạn rồi, để thay đổi cảnh vật, các ông kéo nhau đến một nơi mới mở xem có gì lạ không. Lắm lúc chán báo các ông ngồi xem tướng tất cả những ai qua lại trên đường. Có người vội vàng, có người chậm rãi, có người đầy vẻ lo âu, có người vui vẻ thỏa mãn trào ra trên khóe mắt, nụ cười . . . Các ông xem tướng giầu sang, tướng vất vả rồi đánh cuộc với nhau, đếm xem có bao nhiêu bộ mặt quen . . .
Các vũ nữ thoát y, các nữ chiêu đãi đồng phục bikini, các diễn viên “ một mảnh”, “nửa mảnh” của thành phố Tàu ban đêm, dưới ánh mặt trời, các cô nương này cũng qua lại trên đường phố , cũng đi chợ mua rau mua cá về nấu cơm cho gia đình, trông họ lương thiện và quen thuộc như những bà vợ hiền.
Các ông ngồi đếm hết người lạ đến người quen không hề chán. Những hôm trời mưa, các ông chơi trò đánh cuộc xem ngoài cửa sổ có bao nhiêu giọt mưa rơi thẳng và bao nhiêu giọt rơi vương vào cửa kính.
Các ông cần cái phố Tàu này để làm quê hương, cũng như phố Tàu cần có các ông để làm cảnh vậy. Ông tưởng tượng giá phố Tàu không có các hàng hoa quả rau cải bày lan ra trên vĩa hè như các đường phố bên Tàu, cũng như không có những ông già rảnh việc như các ông, mũ ni che kín tai kẻo sợ gió, hai tay ủ vào nhau, bàn tay này thọc vào tay áo kia, đi thơ thẩn hết phố này sang phố khác, ngồi đọc báo hết phòng này đến phòng khác, đi uống trà hết tiệm trà này đến tiệm trà khác. Tất cả đều rất quan trọng, nếu thiếu bất cứ một thứ thì còn gì là phố Tàu nữa!
Ngày xưa, đã có một dạo, ông luôn luôn mơ ước ngày về nước, nhưng bây giờ . . . hết rồi. Ông cúi nhận số phận, ngao ngán đến nỗi không còn muốn thở nữa! Lắm lúc ông Hải cũng thấy nhớ quê hương một cách lạ lùng. Những lúc ấy, ông vội vàng mặc áo khoác, chống gậy đi tìm mấy ông bạn già, để khỏi chìm đắm trong nhớ nhung.
Quê ông Hải ở một làng nhỏ thuộc tỉnh Hàng Châu, nơi nổi tiếng gấm vóc, tơ lụa đẹp nhất nước Tàu, nơi có phong cảnh tuyệt vời như tranh vẽ, nơi có cái hồ to hai bờ trồng toàn liễu rũ, trong hồ hàng trăm du thuyền, bên hồ người dạo cảnh đông như hội, mộ thi sĩ Tô Đông Pha nằm ngay bên cạnh, tăng thêm giá trị lịch sử. Hồ là nơi gặp gỡ của giai nhân tài tử, nơi thề hẹn của những đôi tình nhân, nơi giải trí của cả gia đình, nơi thu hút du khách từ nghìn dặm xa xôi . . . Một nơi như thế, mà ông phải rời bỏ từ gần ba mươi năm nay rồi !
Người Tàu rất chịu khó đi làm ăn xa và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu công việc khá hơn, thì dù có phải đến một nơi non cao nước độc, khỉ ho cò gáy, họ cũng không từ chối. Nếu thấy người bản xứ chất phác luơng thiện, buôn bán có lời, là họ chịu khó đem bà con bạn bè đến lập nghiệp ngay.
Ba mươi năm trước, ông theo một số bạn bè đến Cựu Kim Sơn mở tiệm ăn. Ông ra đi với giấc mộng sẽ trở về với một túi vàng cho vợ con sung sướng. Nhưng ông không ngờ là có những giấc mơ chỉ để mà mơ thôi.
Ở Mỹ được vài năm, Trung Hoa đổi chủ. Đối với ông, nước Tàu vẫn còn đó là được, chính thể nào, ông không cần biết. Ông tưởng cứ lo làm việc để dành tiền, thì một ngày kia, nếu ông không về, vợ con ông sang Mỹ cũng vui. Ông đã bảo vợ ông nhiều lần nhưng bà không chịu đi, nhất định xin ông để bà ở lại lo tậu ruộng đất, sửa sang nhà cửa, xây lăng đắp mã thay cho ông. Ông muốn dưỡng già và chết ở quê hương nên tin bà, tháng tháng làm được bao nhiêu đều nộp cho bà hết. Những số tiền này, ông nhờ một ngân hàng trung gian tại Hongkong chuyển. Thỉnh thoảng họ đưa tin giúp ông. Ông muốn về nước, nhưng vợ ông cũng không chịu, một hai bắt ông ở Mỹ, cứ cố kiếm thực nhiều tiền gửi về đều đều mà thôi.
Ông sống sung sướng với giấc mơ hồi hương đoàn tụ gia đình vợ con, cho đến khi một người bạn thân từ lục địa trốn ra được HongKong cho biết sự thực: vợ ông đã thành một cán bộ xã, và với số tiền ông gửi về hàng tháng suốt bao nhiêu năm, bà tậu được một ông chồng cán bộ huyện từ lâu.
Ông nghe chuyện, rầu rĩ bỏ hẳn ý định hồi hương. Giấc mộng mua nhà, mở tiệm ở Hongkong để vợ chồng tái hợp lập nghiệp dưỡng già, thế là tiêu tan theo mây theo khói.
Giờ đây, ông đã thành một ông già lẩm cẩm. Nhà hàng đã cho ông nghỉ để thuê những người giúp việc khác, trẻ trung nhanh nhẹn hơn. Có như thế, không khí trong nhà bếp mới hoạt động. Các cô nữ chiêu đãi mặc áo trắng ra vào tấp nập, gọi tên món ăn, treo mảnh giấy lên cái đinh trước mặt người bếp chính. Anh bếp phụ cất tiếng nhắc lại thực đơn. Tiếng hô tiếng đáp vang lên, thỉnh thoảng lẫn đôi tiếng cười, mắt liếc. Đó là cách giữ các anh bếp chính, vốn là nguồn sống của tiệm, và để giữ các cô nữ chiêu đãi viên, cũng là nguồn sống quan trọng hơn. Rồi thỉnh thoảng lại thấy một cặp nữ chiêu đãi và bếp chính từ giã chủ nhân để thành chủ nhân của một tiệm nhỏ ở một thành phố hẻo lánh khác.
Ông cũng đã từng mơ ước như thế, nhưng bây giờ già rồi, mộng tàn trước khi thành hình. Ông ở trong một khách sạn nhỏ, chuyên cho thuê dài hạn ngay tại trung tâm thành phố Tàu này. Căn phòng ông đã thuê từ ngày xửa ngày xưa, nên giá tiền không lên nhiều, so với các nơi khác đã tăng hàng chục lần theo với giá sinh hoạt. Phòng ông không lớn, chỉ vừa để một cái giường, Ông đóng một mảnh ván mỏng ngăn đôi gian phòng, bên kia có một bàn ăn nhỏ, lò điện để nấu nướng và một cái tủ thấp đựng chén bát, đồ làm bếp. Muốn dùng phòng tắm hay rửa tay, phải ra ngoài hành lang, có phòng chung cho tất cả mọi người cùng một từng lầu.
Những khách trọ khác phần nhiều có việc làm quanh quẩn ngay trong thành phố. Suốt ngày đi vắng, họ chỉ cần một chỗ đặt lưng từ đêm khuya đến sáng, nên không thuê nơi có phòng tắm riêng đối với họ không cần thiết.
Đồ đạc của ông Hải rất giản dị. Ông không có gì ngoài hai cái va li, vài bộ quần áo cũ, vài món đồ dùng nhà bếp. Vì thế, gian phòng tuy nhỏ mà đối với ông vẫn rất rộng và tạm gọi là đủ tiện nghi. Ông thích nhất xuống đến đường là phố, đi thêm vài trăm bước có thể gọi là chợ . Tất cả các hàng thực phẩm, quà bánh, hoa quả gì cũng có, mọi thứ bày la liệt, tràn cả ra ngoài hè phố, giống hệt một thành phố Tàu ở Tàu. Mỗi ngày, ông mua vài hào rau, vài hào thịt, thế là đủ lương thực tươi ngon trong một ngày. Nếu lười nấu, ông mua đồ ăn chín như thịt xa xíu, gà vịt quay, hay bất cứ món gì đã xào nấu sẵn, ăn tạm qua loa cho xong bữa.
Mỗi ngày ông dậy lúc 9 giờ sáng cùng tiếng hát . Nhưng có một hôm không phải là “ Một ngày như mọi ngày” . . . . . .
Hôm ấy trở trời, mưa lâm dâm và âm u, không có nắng đẹp như những ngày trước. Ông thấy người ê ẩm, đau nhức từng lóng tay lóng chân, đang ngần ngại không biết nên ở nhà nằm lì trong chăn hay dậy đi đọc báo với mấy ông bạn già, thì bà Thu gõ cửa. Thu đến tìm ông với một bức thư của một bà bạn cũ, quen với chị dâu Thu. Sợi giây liên lạc tuy có hơi lỏng lẻo nhưng khi người ta đến một xứ lạ, muốn tìm một chỗ đặt chân, sợi giây lắm khi còn vô lý và mong manh hơn nữa.
Sau khi đọc xong thư giới thiệu Thu mang đến. Ông Hải thấy khỏe hẳn lại. Ông nhanh nhẹn mặc áo tơi, đội mũ, chống gậy dẫn Thu đến khách sạn Bách Lạc.
Ông được biết Thu vừa mới góa chồng, nàng vốn ở một tiểu bang khác, bây giờ dắt đứa con trai độc nhất xuống miền Nam tìm nắng ấm và tìm việc làm.
Ông vừa đi bộ vừa cắt nghĩa cho Thu tình hình và cuộc sống ở phố Tàu. Lần đầu tiên ông cảm thấy mình quan trọng đối với một người, nhất là một người đàn bà trẻ và đẹp. Hơn nữa, người ấy đang cô đơn ở một thành phố xa lạ, với đứa con lên năm. Nàng cần chỗ ở, cần việc làm, cần sự giúp đỡ của rất nhiều người. Thế mà nàng chỉ biết có một mình ông, chỉ có thể hy vọng nhờ cậy được vào ông thôi. Ông thấy hãnh diện như một người hùng sắp xắn tay áo lên che chở giai nhân
Ông tưởng tượng ông sẽ giúp Thu tìm khách sạn ở tạm, rồi tìm nhà, tìm việc. Thu sẽ giữ cho Thu không bị ai lừa dối làm khổ nàng ở cái thành phố xa lạ đầy cạm bẫy và quyến rũ này.
Ông đưa Thu đến khách sạn Bách Lạc vì đó là một khách sạn gần nơi ông ở nhất và cũng là nơi ông thích ngày ngày đến đọc báo chùa nhất. Ông nói cho Thu biết khách sạn tuy cũ nhưng to lắm, giá tiền lại rẻ. Ngoài ra, có một điều đặc biệt, là phần nhiều du học sinh Đông Nam Á đều trọ ở đây khi họ phải chờ máy bay để đến nơi được huấn luyện hay về nước.
Trong khi ngày ngày Thu đọc báo tìm nhà, đi xem nhà và tìm việc, ông tự nguyện trông con cho Thu. Thấy Thu và con phải đi ăn tiệm tốn nhiều, ông đề nghị Thu mua đồ ăn đem về nhà ông nấu, như thế vừa rẻ vừa ngon hơn. Ông Hải nói đúng: cơm nhà nấu ngon thực. Ngày xưa ông Hải đã từng làm đầu bếp nên biết xào nấu rất khéo. Ông không cho Thu làm gì hết, bảo nàng cứ ngồi nghỉ, để ông nấu một mình, vì ông thích được trổ tài như thế.
Một hôm, bé Tân vào phòng ông phá phách một lúc, chạy ra bảo mẹ:
• Bác Hải thế mà hư mẹ ạ.
• Sao thế con?
• Con thấy bao nhiêu là báo “ người ta không có áo quần “ trong phòng của bác.
Thu mắng con:
• Lần sau không được tò mò lục đồ của người khác, nghe không.
Thằng bé còn không chịu, phụng phịu:
• Tại sao con lượm báo có hình đó chơi thì không được, người khác thì được?
Thu phải dỗ dành con:
• Con lớn lên mới xem báo ấy được. Ai lại mùa đông mà không mặc quần áo, lạnh chết. Con có nhớ cái hình ba treo trong phòng ngủ ngày xưa không. Cô đó không mặc áo, me sợ cô ấy lạnh bị cảm, nên phải quàng thêm một cái khăn voan bên ngoài.
Bé Tân nghe có lý nên thôi không cãi nữa, tìm trò chơi khác.
Trong khi Thu ngồi chờ cơm, nàng nhận thấy có một sự thay đổi trong phòng.
Mấy hôm trước, nhà cửa trông bẩn thỉu, bây giờ được quét dọn sạch sẽ. Nồi xoong được đánh bóng sáng loáng hẳn lên. Cả cái bàn ăn xiêu vẹo, cũ kỹ, long chân, hôm qua còn nham nhở mốc meo, bây giờ được trải một tấm khăn ny lông mới. Thu mỉm cười nhìn ông già đang lụm cụm nấu ăn. Nét mặt răn rúm đau khổ già nua, cách đây ba hôm, nàng còn thấy những nét bơ vơ lạc lõng trong ánh mắt, thì giờ đây, hình như có một niềm tin vui tỏa ra.
Trong góc phòng, một cây chuối con trồng trong chậu cảnh. Cây chuối của xóm làng Trung Hoa là một thứ cây mọc tràn đồng, một trong những loại không cần săn sóc và có thể mọc ở bất cứ bờ bụi nào. Nhưng ở đây, cây chuối được cưng chiều, được nằm trong chậu sứ, được nâng niu như cành vàng lá ngọc. Cây chuối của ông Hải gầy gầy, lá nhỏ mong manh, trông thanh cảnh như một cô gái cấm cung. Ngày ngày, ông Hải tưới cho cây chuối một chén nước, mỗi tháng, ông cho bột chất bổ của cây vào nước một lần.
Những hôm trời âm u, nắng không xuyên qua cửa sổ vào phòng được, ông bưng cả chậu lên sân thượng sưởi, đến tối phải nhớ đem vào kẻo sợ sương lạnh ban đêm làm hại loại cây nhiệt đới. Cây chuối tuy bé nhỏ nhưng trông già dặn như một cây lớn. Nó cũng có những bẹ khô xơ xác, như tà áo nâu tơi bời bao quanh những bẹ tươi non. Trong góc phòng, cây chuối chiếm một chỗ to rộng nhất, vì nó tượng trưng cho một bầu trời quê hương của ông. Cây chuối này, mấy hôm trước, lá đục mờ vì bụi, hôm nay, lá cũng được lau chùi sacïh sẽ, bóng hẳn lên và trong sáng một màu lục như cẩm thạch.
Trong chốc lát, Thu thấy tội nghiệp ông già. Những hôm trời mưa, không đi xem nhà được, Thu ngồi yên lặng nghe ông kể chuyện . Hình như ai cũng có một chuyện đời bất công, uất ức để kể, miễn có người chịu nghe và có không khí thuận tiện để tâm tình. Bên chén trà nóng trong phòng trọï, ông già kể và nhỏ từng giọt nước mắt vào chén trà thơm mà không biết.
Chiều hôm sau, trong lúc Thu và ông Hải đang xem báo tìm nhà,tìm việc ở phòng khách của khách sạn, thì có một nhóm sĩ quan đi vào. Trông thấy Thu, họ dừng lại chào hỏi rất niềm nở. Thu vui vẻ nói chuyện với họ, và hình như quên ông vẫn còn đang chăm chú xem báo trong một góc phòng.
Tối hôm ấy, Thu và con đi ăn cơm nhà hàng với các bạn mới của nàng. Ông biết bọn họ là sĩ quan ở Đài Loan mới sang, đang đợi máy bay để đi các khu huấn luyện. Ngồi một mình với các món xào nấu ở nhà, ông thấy nuốt không xuống. Cuộc đời niên thiếu của ông chỉ biết làm việc. Cuộc đời già nua ông đã quen sống với chua chát cô đơn. Trong mấy ngày gần đây, bỗng dưng xáo trộn hẳn lên. Căn phòng lạnh lẽo hiện ra bóng dáng của một người đàn bà đi ra đi vào. Bên bàn ăn nổi lên tiếng cười đùa, câu hỏi ngây thơ của trẻ con. Tất cả những thứ này đem hạnh phúc cho đời ông, và cũng những thứ này, thiếu nó, sóng gió nổi lên trong lòng ông.
Mấy người sĩ quan trẻ tuổi kia, mới quen Thu đã đưa mẹ con nàng đi đâu mất. Ông thấy lo sợ cho Thu. Không biết cái bọn đàn ông tinh ranh quỉ quyệt kia quyến rũ nàng đến chốn nào, nàng có bị dỗ dành, có bị lợi dụng không? Ông muốn nói cho Thu biết đàn ông là giống đáng sợ lắm. Họ nhìn đàn bà với cặp mắt ngưỡng mộ bên ngoài, với ý nghĩ chiếm đoạt bên trong, cùng một lúc sắp sẵn chương trình xa chạy cao bay . . . . Ông cảm thấy cần phải giúp đỡ bảo vệ Thu như một đứa con gái của ông. Ừ, con gái của ông cũng trạc tuổi Thu, nếu nó lưu lạc sang đây, nó cũng có thể ở trong một khách sạn, và cũng có thể bị những chàng trai mặt mày sáng sủa nhưng tâm hồn âm u quyến rủ. Ai sẽ bảo bọc, che chở cho con gái ông?
Ông Hải nghẹn ngào trước bát cơm còn nguyên, bỏ đũa, mặc áo khoác xuống phố tìm . Biết bọn Thu đi ăn, ông chỉ quanh quẩn mấy tiệm lớn có tiếng. Ông Hải đảo qua hai ba nhà hàng, nơi nào ông cũng bước vào nhìn khắp các phòng, nhưng không thấy Thu đâu cả. Đến tiệm trước kia Thu vẫn thích ăn cũng không thấy ông đâm lo. Mắt ông dáo dác nhìn quanh, chân này đá lẫn chân kia, cứ thế ông đi suốt mấy con đường bán thực phẩm và đồ chơi, quần áo. Lúc đi qua một tiệm rượu, ông chợt trông thấy bé Tân đứng chơi ngoài cửa. Mừng quá, ông chạy vội đến hỏi:
• Me đâu ?
• Me trong kia, đang mua đồ.
• Tối nay cháu ăn có no không, có ngon không?
• No, ngon lắm. Bác đi đâu đấy ?
Ông Hải lúng túng:
• Bác đi dạo một lúc trước khi đi ngủ.
Ông Hải đã định gặp Thu sẽ mắng Thu một trận. Sẽ nói cho Thu biết những cái nguy hiểm ở thị thành. Ai lại mới quen mấy người này, mà đã dám đi ăn, đi chơi phố la cà như vậy. Ông có nhiều điều cần phải khuyên bảo Thu lắm, thế nhưng bây giờ trông thấy Thu đứng trong tiệm, ông không dám vào gặp Thu, và ông cũng không nghĩ đến chuyện dạy bảo gì cả.
Ông tự hỏi ông là ai ? Ông là gì của Thu mà được dạy bảo và mắng nàng ?
Nếu ông là một đồng hương, thì những người kia cũng là đồng hương của Thu như ông vậy. Họ có thể trò chuyện hay mời Thu đi chơi, đi ăn. Thu muốn đi đâu hay làm gì, ông không có quyền cấm đoán can thiệp vào việc riêng của nàng.
Ông Hải đứng lui vào một góc, giả vờ xem các món hàng, để nhìn vào bên trong. Thu cầm hai chai rượu Mai Quế Lộ, đang cười cười nói nói với các bạn mới.
Ông Hải kinh ngạc đến cực điểm:
• Thu uống rượu ? Thu mà cũng uống rượu ? Thế này thì hỏng! Mấy hôm nay, mỗi bữa ăn, ông đều uống một cốc nhỏ để khai vị, hay nói cho đúng hơn, ông muốn tận hưởng hoàn toàn cái hạnh phúc đến bất ngờ với ông: cái hình ảnh mà suốt đời ông không bao giờ dám ngờ sẽ xảy ra – cái hình ảnh của một người đàn bà và một đứa trẻ con ở trong nhà. Vì thế, ông tự khao một cốc rượu nhỏ trước mỗi bữa cơm. Ông đã mời ép Thu nhiều lần, nhưng bao giờ nàng cũng từ chối. Giờ đây chính Thu mua rượu. Thu sẽ uống với ai? Bọn thanh niên chăng? Ông thấy uất hờn dâng lên tận cổ, không biết những thằng ranh con kia, đứa nào đã xui giục Thu mua rượu, để rồi đêm nay sẽ chuốc cho nàng say ?
Ông theo bọn Thu về đến khách sạn, thấy Thu lấy chìa khóa ở bàn người thư ký, rồi bế con lên gác. Các sĩ quan mang xách hộ nàng những gói lớn, gói con. Họ theo nàng vào đến tận phòng. Ông Hải thấy chân tay bủn rủn, ông ngồi xệp xuống cầu thang, giả vờ mở một tờ báo ra đọc để chờ xem bọn kia bao giờ mới về.
Ông nhìn vào tờ báo mà không trông thấy chữ. Tiếng cười, tiếng nói vọng ra như những mũi kim đâm nhói vào tim ông. Bỗng dưng ông Hải thấy giận dỗi. Ông đang sống yên tĩnh với cái làng xóm Phố Tàu của ông. Nguồn sống của ông là tiền già, cộng với chút vốn còn sót lại, ông giao cho một nguời bạn thân buôn bán chia lời. Mỗi tháng, người ấy đưa cho ông một số tiền nhỏ, đủ ăn tiêu và trả tiền phòng. Ông đã tưởng đời thế là hết sóng gió rồi. Không ngờ, chỉ trong mấy ngày, một người đàn bà xa lạ và một đứa bé con đã làm sống dậy tất cả ham muốn và dục vọng ông chôn chặt từ lâu. Oâng thấy ông có quyền được sống như mọi người, có quyền được sung sướng như mọi người. . .
Những cô nương, thái thái Trung Hoa ở đây, ai cũng sang trọng quá, kiêu kỳ quá. Ông nhìn họ như nhìn những nàng tiên hay những bà công chúa ở một thế giới khác. Một cô gái, dù không phải là dòng dõi thượng lưu, cũng vẫn kiêu kỳ. Dù chỉ là một cô hầu bàn, cô cũng có giấc mơ của một bà công chúa. Trong giấc mơ ấy, chàng Hoàng Tử đẹp trai là anh đầu bếp chính, nấu ăn khéo, khỏe mạnh, để một ngày kia cô cũng sẽ trở thành bà chủ tiệm như ai. Nếu là một cô thư ký, thì giấc mơ của cô cũng cao hơn các đồng sự bạn trai của cô nữa. Thứ “ đại trượng phu” như ông, chỉ được coi ngang hàng với rơm rác.
Đời ông Hải chưa từng được nói chuyện lâu với một nguời đàn bà nào bao giờ. Dù lạ dù quen chẳng có ai rảnh rang để liên lạc với một ông già nghèo nàn, lẩm cẩm, ốm yếu như ông. Thế mà người đàn bà này đã ngồi nghe ông kể chuyện hàng giờ, hết giờ này sang giờ khác. Nàng không kiếm cớ bỏ đi lảng, không ngáp vặt, không nhìn trời nhìn đất, không lo ra. Người này nghe bằng tai, bằng mắt, bằng óc và cả bằng tim nữa.
Nhớ đến lúc ông đem từng bức thư của vợ ra đọc. Ông quá cảm động tim đập mạnh từng hồi. Thu im lặng và lắng nghe ông, như uống những lời tâm sự. Ông tưởng Trời Phật sai người đàn bà này xuống làm cho cuộc đời ông sáng lại, để đền bù những nỗi bất công ông đã phải chịu trong mấy chục năm trường.
Thế mà . . . nghĩ đến mất Thu, đêm ấy ông Hải ngủ một giấc ngủ chập chờn hốt hoảng và đầy ước mơ lẫn với lo sợ.
Sáng hôm sau, khi ông Hải dậy thì đã mười giờ. Ông vội vàng thay quần áo đi tìm Thu. Đến trước khách sạn, ông thấy Thu đang đứng chờ tắc xi với một đống hành lý ngổn ngang. Trông thấy ông, Thu chạy vội đến gần, mừng rỡ:
• Kìa bác đã đến. Cháu tưởng bác còn ngủ, không muốn làm phiền bác. Định để giấy lại cho bác hay, rồi hôm khác sẽ trở lại thăm bác.
Ông Hải run rẩy hỏi:
• Các người định dọn đi đâu đấy?
• Cháu thuê được một từng lầu ở dưới phố rồi. Hôm nay cháu phải đi sớm, kẻo chốc nữa quá giờ, khách sạn sẽ tính thêm một ngày tiền phòng.
• Bà có cần tôi giúp gì không ?
Thu chỉ các sĩ quan:
• Thôi, không dám phiền bác. Có các bạn cháu đây nhân tiện sắp đi trình diện, mạnh tay, mỗi người giúp cháu mang vài món được rồi.
Ông Hải ngước mắt nhìn bọn con trai. Bọn họ trông khỏe mạnh thực. Người nào cũng cao lớn khôi ngô, mặc quân phục chỉ vàng, chỉ bạc lủng lẳng đầy người.
Thu đưa cho ông một cái gói bảo:
• Cháu không biết mua gì biếu bác, có thứ này chắc bác thích.
Ông Hải đỡ lấy cái gói, không nói gì. Mắt ông nhìn quanh, đầy vẻ hờn oán và kinh ngạc, vì mọi việc xảy ra mau chóng ngoài sức tưởng tượng của ông.
Thu chia đồ đạc ra hai phần, các sĩ quan cùng đi ngồi hai xe. Trông họ mang xách gọn gàng và nói tiếng Anh nhanh như gió, ông Hải thấy tủi thân. Ông không được như họ, thì còn mong gì giúp Thu, dù chỉ xin đi theo để dọn đồ.
Một lần nữa, ông cảm thấy đời thực vô nghĩa. Sống vật vờ không gia đình, không tình yêu, không bà con họ hàng, không thạo tiếng nói bản xứ. Có quê hương nhưng sẽ không bao giờ được về. Ông chỉ còn cách thu nhỏ mình lại, như một vật để làm cảnh cho phòng đọc sách của các khách sạn cũ kỹ, bám chặt lấy cái thành phố Tàu trên đất Mỹ này.
Thu đã lên xe, mọi người cùng đưa tay vẫy chào ông. Ông vẫy chào lại, mắt mờ đi. Chân ông run run, đầu gối mỏi như muốn gẫy gập. Ông ngồi bệt xuống vỉa hè, mở cái gói của Thu tặng ra xem. Bên trong có hai chai rượu Mai Quế Lộ, một cái áo len dày, một tá bít tất và một cái khăn quàng. Ông cầm chai rượu dằn mạnh xuống đất, giận dữ:
• Hừ, người ta trả công cho tôi như thế này sao?
Món quà đáng giá, đền công ông giúp đỡ, được rồi. Nhưng còn trái tim của ông, tấm lòng của ông, thì giá nào mà đền cho được!
Ngồi thẫn thờ một lúc, ông nhặt gói quà, ôm chặt vào lòng một cách âu yếm, đi về phía chợ. Ông định mua đồ nhắm, về nhà uống một bữa cho thực say.
Không làm khác được, ông muốn tự làm khổ mình để trả thù, mà cũng không biết bằng cách nào, trả thù gì và trả thù ai.
Về đến nhà, ông ngồi vội xuống bàn, lấy hai cái cốc đổ đầy hai cốc rượu, ông uống một cốc, còn một cốc tưới vào gốc cây chuối, thì thầm:
• Tao chỉ có mày thôi. Uống với tao một cốc cho vui.
Uống hết, ông lại rót ra hai cốc rượu khác, nhấm nháp dần dần, và cũng đổ từ từ vào gốc cây chuối.
• Mày biết không ? Ai cũng bỏ tao cả. Tao không còn gì ở trên đời này nữa, trừ mày ra. Mày đừng đi đâu hết nghe không? Uống đi! Uống thêm vài cốc nữa với tao mới là bạn tốt chớ.
Cứ thế, từng cốc, từng cốc, ông vừa nhấm nháp vừa đổ cho cây chuối.
Khi ông Hải tỉnh dậy, thấy gian phòng mờ mờ tối. Ông không biết rõ là ngày hay đêm, mà cũng không muốn biết. Ông Hải thấy mình nằm vắt trên bàn, chung quanh, chai cốc ngổn ngang, dưới chân ông, cây chuối cũng bị ngã nghiêng. Cây chuối bây giờ không còn màu lục non xanh tươi nữa, lá nó xàu và thân cây mềm hẳn đi.
Ông Hải dựng cây chuối dậy, vỗ về:
• Chết chưa, mày uống nhiều rượu quá! Mày say đấy à? Tại sao mày héo thế này? Mày buồn phải không? Ừ phải, mày buồn cho tao cũng được, nhưng nhớ đừng có chết nghe không! Mày buồn thôi, chứ đừng bỏ tao mà chết!
Những tiếng cuối cùng, ông vừa nói lầm thầm, vừa nhổ cây chuối, bước vào phòng trong nằm vật xuống giường ngủ lại. Cây chuối, ông đặt nằm gối lên cánh tay ông, khe khẽ bảo:
• Đừng buồn nghe không! Thôi đừng buồn nữa, tao sẽ săn sóc mầy . . Đừng buồn nữa . . . nghe cưng… . . .
Tiếng ông lẫn với tiếng ú ớ, rồi im hẳn.

Giọng hát của ca sĩ trong phòng tắm mỗi 9 giờ sáng nhự đồng hồ báo thức lại văng vẳng vang lên. Nhưng không biết giọng ai đó có còn ma lực hấp dẫn dục ông Hải thức dậy để tiếp tục cuộc sống ” Một ngày nhự mọi ngày “ nữa không.

Linh Bảo - 1962