Bài diễn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong buổi tiếp kiến các Đại Biểu tham dự Tổng Hội 35 Dòng Tên ngày 21.02.2008

Quí Cha tham dự Tổng Hội Dòng Tên thân mến,



Tôi rất vui mừng được đón tiếp quí cha ngày hôm nay khi các công việc bận rộn của quí cha đang đi vào giai đoạn kết thúc. Tôi xin cám ơn cha Bề Trên Cả mới, cha Adolfo Nicolas, đã làm phát ngôn viên chuyển đạt tình cảm và sự dấn thân của quí cha, đáp ứng các mong đợi mà Giáo Hội đặt để nơi quí cha. Tôi đã nói về các mong đợi đó trong sứ điệp gởi cho cha Kolvenbach và – qua ngài – cho toàn thể quí cha khi Tổng Hội mới khai mạc. Một lần nữa, tôi xin cám ơn cha Peter-Hans Kolvenbach vì quá trình phục vụ quí báu của ngài trải dài gần một phần tư thế kỷ trong vai trò lãnh đạo Dòng. Tôi cũng gởi lời chào tới các thành viên mới của Ban Tổng Cố Vấn và các vị Phụ Tá, những người sẽ giúp đỡ cha Bề Trên Cả trong trách nhiệm hết sức tinh tế của ngài là định hướng đời tu và tông đồ của toàn Dòng.

Tổng Hội của quí cha diễn ra trong một giai đoạn có nhiều biến động lớn về xã hội, kinh tế, chính trị; nhiều vấn đề nổi cộm về luân lý, văn hoá và môi trường; nhiều loại xung đột; mà cũng có nhiều giao lưu truyền thông sâu rộng giữa các dân tộc; nhiều khả thể mới về tri thức và đối thoại; nhiều khát vọng sâu xa hướng về hoà bình. Những tình huống đó mời gọi toàn thể Giáo Hội Công Giáo vận dụng hết khả năng của mình để loan báo cho người đương thời Lời của hy vọng và cứu độ. Vì thế, tôi nhiệt liệt cầu chúc toàn thể Dòng Tên, nhờ các kết quả của Tổng Hội, có thể sống sứ mạng của mình với một sức bật và nhiệt huyết mới. Chính vì sứ mạng đó mà Thần Khí đã khơi dậy Dòng Tên trong Giáo Hội và trong suốt hơn bốn thế kỷ rưỡi, đã bảo tồn Dòng Tên với một sự phong phú lạ thường của các hoa trái tông đồ. Hôm nay, tôi muốn khuyến khích quí cha và các anh em của quí cha hãy tiếp tục bước đi trên con đường sứ mạng này, trung thành trọn vẹn với đặc sủng ban đầu, trong bối cảnh giáo hội và xã hội đặc thù của thời kỳ đầu thiên niên kỷ này. Như các vị tiền nhiệm của tôi đã nói với quí cha nhiều lần, Giáo Hội rất cần quí cha, trông chờ vào quí cha, và tiếp tục hướng về quí cha với lòng tin tưởng, đặt biệt là để vươn đến những lãnh vực thể lý và thiêng liêng, nơi mà những người khác không đến hoặc khó mà đến được. Những lời của ĐGH Phao-lô VI đã được khắc ghi vào tâm huyết của quí cha: “Ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội, ngay cả những nơi khó khăn và nhạy cảm nhất, ở những giao lộ của ý thức hệ, ở những tuyến đầu của xã hội, ở những nơi đã và đang có sự đối kháng giữa những nhu cầu bức thiết của con người và sứ điệp ngàn đời của Tin Mừng, ở đó đã và đang có các Giêsu-hữu” (3.12.1974, nói với Tổng Hội 32).

Như Bản Định Thức nói, Dòng Tên được thiết lập chủ yếu “là để bảo vệ và truyền bá đức tin”. Vào thời mà các chân trời địa lý mới đang được khám phá, các bạn đường đầu tiên của I-Nhã đã đặt mình dưới sự sai khiến của Đức Giáo Hoàng chính là để “Ngài sai họ đi đến bất cứ nơi nào Ngài xét thấy vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn nhiều hơn” (Tự Thuật, số 85). Như thế, họ đã được sai đi rao giảng về Chúa cho các dân tộc và các nền văn hoá chưa biết Ngài là ai. Họ làm điều đó với một lòng dũng cảm và nhiệt tâm vốn trở thành gương mẫu và hứng khởi suốt cho tới thời đại chúng ta: tên của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã trở thành tên tuổi lẫy lừng nhất, nhưng còn tất cả các vị khác, họ đã làm được biết bao nhiêu điều! Ngày nay, còn nhiều dân tộc chưa biết Chúa, hoặc biết Ngài cách sai lạc, nên không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế. Các dân tộc đó không ở xa chúng ta về mặt địa lý cho bằng về mặt văn hoá. Trở ngại và thách thức đối với người loan báo Tin Mừng ngày nay không còn là các đại dương hoặc các khoảng cách xa xôi, mà là các giới tuyến vốn vì một cái nhìn sai lạc hoặc hời hợt về Thiên Chúa và về con người mà tách biệt đức tin với tri thức nhân loại, đức tin với khoa học hiện đại, đức tin với sự dấn thân cho công bình.

Vì thế, Giáo Hội rất cần những con người có một đức tin vững chắc và sâu xa, một văn hoá nghiêm túc và một sự nhạy bén chân chính về nhân bản và xã hội. Giáo Hội cần những tu sĩ và linh mục hiến dâng đời mình, đứng vào chính những giới tuyến đó để làm chứng và giúp người ta hiểu rằng thực ra có một sự hài hoà sâu xa giữa đức tin và lý trí, giữa tinh thần Tin Mừng, khát vọng công lý và thực thi hoà bình. Chỉ như thế, khuôn mặt đích thực của Chúa, vốn còn bị ẩn giấu và chưa được nhiều người thời nay nhận ra, mới có thể được tỏ lộ cho họ. Vì thế, Dòng Tên cần phải dấn thân cách ưu tiên cho công việc này. Trung thành với truyền thống ưu việt của mình, Dòng cần phải tiếp tục chăm chú huấn luyện các thành viên của mình trong khoa học và trong nhân đức, không tự hài lòng với mức tầm thường nửa vời. Bởi lẽ nhiệm vụ giáp mặt và đối thoại với những bối cảnh xã hội văn hoá đa dạng và với những não trạng khác nhau của thế giới ngày nay là một trong những nhiệm vụ khó khăn và nặng nhọc nhất. Và việc đi tìm phẩm chất và sự vững chãi nhân bản, thiêng liêng và văn hoá này phải là đặc điểm nổi bật của toàn hoạt động huấn luyện và giáo dục đa dạng của các tu sĩ Dòng Tên, hướng đến những loại người khác nhau mà họ gặp gỡ.

Trong lịch sử của mình, Dòng Tên đã sống những kinh nghiệm xuất chúng trong việc loan báo và nối kết Tin Mừng với các nền văn hoá của thế giới – chỉ cần nghĩ đến Matthêô Ricci ở Trung Quốc, Roberto De Nobili ở Ấn độ, hay những “khu dân cư tự trị” ở Châu Mỹ La-tinh – quí cha thật đáng tự hào về những điều đó. Hôm nay, tôi cảm thấy cần khuyến khích quí cha tiếp tục bước theo dấu chân của các bậc tiền nhân, với cùng một lòng dũng cảm và trí thông minh như thế, nhưng cũng với cùng một động lực đức tin sâu xa và nhiệt tâm phục vụ Chúa và Giáo Hội của Ngài như thế. Tuy nhiên, trong khi quí cha tìm cách nhận ra các dấu chỉ của sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa ở mọi nơi trên thế giới, ngay cả bên ngoài ranh giới của Giáo Hội hữu hình, trong khi quí cha nỗ lực xây những cầu nối của cảm thông và đối thoại với những người không thuộc về Giáo Hội hay cảm thấy khó có thể chấp nhận được các quan điểm và sứ điệp của Giáo Hội, thì đồng thời quí cha cũng cần phải nhận lấy trách nhiệm nền tảng của Giáo Hội là trung thành với lệnh truyền phải hoàn toàn phục tùng Lời Chúa, quí cha cũng phải nhận lấy bổn phận của Huấn Quyền là bảo tồn chân lý và tính nhất quán của toàn bộ đạo lý công giáo. Đây không chỉ là trách nhiệm cá nhân của mỗi Giêsu-hữu: bởi vì khi quí cha hoạt động với tư cách là thành viên của một thân thể tông đồ, quí cha cũng phải lưu tâm làm sao cho các công việc và thể chế của quí cha luôn bảo toàn một căn tính sáng sủa và rõ ràng, sao cho mục đích của hoạt động tông đồ của quí cha không trở nên hàm hồ hoặc mờ tối, và sao cho nhiều người có thể chia sẻ cùng một lý tưởng với quí cha và cùng cộng tác với quí cha một cách hiệu quả và đầy nhiệt huyết vào công cuộc phục vụ Thiên Chúa và con người.

Như quí cha đã biết rất rõ, vì đã chiêm niệm nhiều lần bài “Hai Cờ Hiệu” trong Linh Thao của Thánh I-Nhã, thế giới của chúng ta là sân khấu của một cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu. Có những thế lực tiêu cực đang hoạt động, gây ra những tình huống bi kịch, đẩy đưa anh chị em chúng ta vào vòng nô lệ thiêng liêng và vật chất. Quí cha đã nhiều lần tuyên chiến chống lại các thế lực đó bằng cách dấn thân vào hoạt động phục vụ đức tin và thăng tiến công bình. Ngày nay, các thế lực đó thể hiện dưới nhiều hình thức, mà đặc biệt là ngang qua những khuynh hướng văn hoá đang ngày càng thống lĩnh: duy chủ quan, chủ nghĩa tương đối, duy khoái lạc, duy vật thực hành. Vì thế, tôi đã xin quí cha hãy tiếp tục dấn thân vào việc thăng tiến và bảo vệ đạo lý công giáo “đặc biệt là những điểm nhức nhối ngày nay đang bị văn hoá thế tục công kích mạnh mẽ”. Tôi đã nêu ra vài điểm nhức nhối đó trong Lá Thư tôi gởi Tổng Hội. Những chủ đề như ơn cứu độ của tất cả mọi người nơi Đức Kitô, luân lý tính dục, hôn nhân và gia đình vẫn đang tiếp tục được tranh cãi và đặt thành vấn đề. Những chủ đề đó cần phải được đào sâu và soi sáng trong bối cảnh thực tại đương thời, nhưng luôn giữ được sự hài hoà với Giáo Quyền, tránh gây ra xáo trộn và bối rối trong cộng đồng Dân Chúa.

Tôi biết và hiểu rằng đây là một điểm đặc biệt tế nhị và khó khăn đối với quí cha và anh em của quí cha, đặc biệt là những hoạt động trong nghiên cứu thần học, đối thoại liên tôn và đối thoại với các nền văn hoá đương thời. Nhưng chính vì sứ mạng đặc thù này mà tôi đã mời gọi và đang mời gọi quí cha ngày hôm nay, hãy suy nghĩ để tìm ra ý nghĩa trọn vẹn hơn của “lời khấn thứ tư” đặc thù của quí cha là vâng phục Đấng Kế Vị Phê-rô. Lời khấn đó không chỉ liên quan đến việc sẵn sàng được sai đi trong sứ mạng tại những miền đất xa xôi, mà còn – trong tinh thần chính thực của thánh I-Nhã “đồng cảm với Giáo Hội và trong Giáo Hội” – liên quan đến việc “yêu mến và phục vụ” Đấng Đại Diện Đức Kitô trên trần gian với một lòng quý trọng “thiết thực và trìu mến”. Lòng quý trọng đó làm cho quí cha trở thành những cộng tác viên quí giá và không thể thay thế được của Đấng Đại Diện Đức Kitô trong sứ mạng phục vụ Giáo Hội hoàn vũ của Ngài.

Đồng thời tôi cũng khuyến khích quí cha tiếp tục và canh tân sứ mạng của quí cha giữa người nghèo và với người nghèo. Đáng tiếc là vẫn không thiếu những nguyên nhân mới xuất hiện, gây ra đói nghèo và tha hoá trong một thế giới mang nặng những bất bình đẳng sâu xa về kinh tế và môi trường, những tiến trình toàn cầu hoá được thúc đẩy bởi lòng ích kỷ hơn là bởi tình liên đới, những xung đột vũ trang khốc liệt và vô lý. Như tôi đã khẳng định với các Giám Mục Châu Mỹ La-tinh họp mặt tại Đền thánh Aparecida, “việc lựa chọn ưu tiên cho người nghèo có sẵn trong niềm tin kitô giáo vào một Thiên Chúa, Đấng đã vì ta mà trở nên nghèo khó, để làm cho ta trở nên giàu có nờ sự nghèo khó của Ngài (2Cor 8,9)”. Vì thế, điều dễ hiểu là ai muốn trở nên bạn đường đích thực của Đức Giêsu thì cũng chia sẻ thực sự tình yêu thương người nghèo của Ngài. Đối với chúng ta, lựa chọn người nghèo không phải là một ý thức hệ, mà phát sinh từ Tin Mừng. Trong thế giới ngày nay, còn vô số tình huống bi thảm của bất công và nghèo khổ. Và nếu chúng ta cần phải dấn thân để hiểu và chống lại các cơ cấu gây ra chúng, thì chúng ta cũng cần phải biết đi vào tận trái tim của con người để chống lại các gốc rễ thâm sâu của sự ác và của tội lỗi là cái tách lìa con người khỏi Thiên Chúa. Chúng ta cần làm điều đó trong khi không quên đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết nhất của anh chị em trong tinh thần bác ái của Đức Kitô. Tiếp nhận và phát huy một trong những trực giác sâu rộng vào lúc cuối đời của cha Arrupe, Dòng của quí cha tiếp tục dấn thấn một cách xứng đáng vào việc phục vụ người tị nạn. Họ thường là những người nghèo nhất giữa những người nghèo, họ không chỉ cần những viện trợ khẩn cấp về vật chất, mà còn cần sự đồng hành gần gũi và sâu xa về mặt thiêng liêng, nhân bản và tâm lý vốn là những công việc đặc thù chuyên môn của quí cha.

Cuối cùng tôi xin quí cha chú ý đặc biệt đến sứ vụ giúp Linh Thao vốn từ ban đầu đã là đặc điểm của Hội Dòng. Những bài Linh Thao là nguồn của linh đạo và là khung sườn của Hiến Luật của quí cha, nhưng cũng là quà tặng của Thần Khí Chúa ban cho toàn thể Giáo Hội: quí cha phải tiếp tục làm cho Linh Thao trở thành khí cụ quí báu và hiệu quả cho việc thăng tiến thiêng liêng của các linh hồn, cho việc đưa dẫn họ vào cầu nguyện và chiêm niệm trong thế giới trần tục hoá này, nơi mà Thiên Chúa dường như vắng mặt. Mới tuần trước đây thôi, chính tôi đã được làm Linh Thao, cùng với những cộng sự viên gần gũi nhất của tôi trong Giáo Triều Rô-ma, dưới sự hướng dẫn của một người anh em đáng kính của quí cha, Hồng Y Albert Vanhoye. Vào thời buổi này, sự mông lung rối loạn, việc người nói thế này người nói thế kia, và các thay đổi nhanh chóng đã làm cho anh chị em đương thời của chúng ta rất khó có thể thiết lập một trật tự cho đời sống của mình và đáp trả một cách xác quyết và vui vẻ lời mời gọi của Chúa. Chính Linh Thao đã vạch ra một con đường và một phương pháp đặc biệt quí báu để tìm kiếm Thiên Chúa, ngay trong ta, xung quanh ta và trong mọi sự để nhận ra ý Ngài và đem ra thực hành.

Cũng trong tinh thần này, tinh thần của sự vâng phục ý Chúa, vâng phục Đức Kitô, vốn cũng là sự vâng phục khiêm tốn đối với Giáo Hội, tôi mời gọi quí cha hãy tiếp tục và hãy hoàn thành các công việc của Tổng Hội. Và tôi xin hiệp thông với quí cha trong lời kinh mà thánh I-Nhã đã dạy chúng ta ở cuối các bài Linh Thao – lời kinh này đối với tôi luôn quá lớn lao, đến nỗi dường như tôi không dám đọc, nhưng tuy nhiên, chúng ta luôn phải lấy lại can đảm mà đọc: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và toàn thể ý muốn của con, cùng tất cả những gì thuộc về con; mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, Lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa; tất cả là của Chúa, xin hãy sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa; chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa; thế là đủ cho con” (LT 234).

(Bản dịch Việt Ngữ từ nguyên bản tiếng Ý của Linh mục Nguyễn Hai Tính, S.J.)
LM Nguyễn Hai Tính, S.J