-
Moderator
DĐ - Đức Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh
Đức Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh
ĐỌC LỜI CHÚA
· 1Sm 16,1b.6-7.10-13a: (7) Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng. "
· Ep 5,8-14: (8) Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; (9) mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật
· TIN MỪNG: Ga 9,1.6-9.13-16.34-38
Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh
(1) Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. (6) Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, (7) rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa". Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
(8) Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?" (9) Có người nói: "Chính hắn đó!" Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây".
(13) Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. (14) Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. (15) Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy". (16)Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. (33) Anh ta nói: "Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì. (34)"Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" Rồi họ trục xuất anh.
(35) Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" (36) Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" (37) Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây. (38)"Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin". Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
SUY NIỆM
Câu hỏi gợi ý:
1. Luật Mô-sê - do Thiên Chúa ban hành - kết án rất nặng những người lỗi luật sa-bát. Tại sao Đức Giê-su lại dám chữa bệnh trong ngày lề luật cấm làm việc? Ngài không tuân hành luật lệ chính Chúa Cha ban hành sao? Ngài làm gương xấu chăng? Ngài hành động theo nguyên tắc nào?
2. Lề luật có phải là mục đích của con người không? Mục đích của lề luật là gì? Giữa mục đích của lề luật và chính lề luật, cái nào trọng hơn? Con người phải thực hiện cái nào?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giê-su xem ra không nghiêm chỉnh giữ luật Mô-sê.
Một trong những lý do khiến cho người ta không nhận ra các vị ngôn sứ trong thời đại của mình là các ngôn sứ ấy có vẻ như không sống đúng theo quan niệm triết học, thần học hay đạo đức của người đương thời. Người ta có lý của người ta. Lý của họ căn cứ trên sách vở đàng hoàng, họ cũng "nói có sách, mách có chứng" chứ không phải vô căn cứ. Thật vậy, một trong những điều khiến các kinh sư Do Thái không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà họ đang trông chờ, vì họ lý luận: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát".
Luật Mô-sê chỉ định rõ ràng phải thi hành thật nghiêm chỉnh luật nghỉ ngày sa-bát: "Ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi" (Xh 20,10). Vi phạm ngày sa-bát là một trọng tội đáng tử hình: "Các ngươi phải giữ ngày sa-bát, vì đó là ngày thánh đối với các ngươi. Kẻ nào vi phạm điều ấy, thì sẽ bị xử tử; phải, kẻ nào làm việc trong ngày ấy, sẽ bị khai trừ khỏi dân nó" (Xh 31,14; xem 35,2; Đnl 5,14). Như vậy, theo quan niệm của các kinh sư Do Thái, một người xuất phát từ Thiên Chúa ắt phải tuân giữ luật sa-bát thậm chí nghiêm chỉnh hơn họ. Nghĩ như thế xem ra rất hợp lý.
Thế mà Đức Giê-su lại chữa bệnh trong ngày sa-bát, là điều không được phép làm trong ngày ấy, mà câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình. Dưới mắt các kinh sư Do Thái, Ngài đã vi phạm luật này không phải chỉ có lần này, mà đã rất nhiều lần (xem Mt 12,1-2; 12,12-13; Lc 13,13; 14,3-4; Ga 5,8-11; 9,14). Nếu chiếu theo luật Mô-sê, Ngài đáng bị tử hình. Vì thế, rất nhiều lần họ tìm cách hãm hại và giết Ngài là để thi hành luật Mô-sê (xem Mt 12,14; Mc 3,6; 11,8; 12; v. v…). Để tránh hành động theo kiểu các kinh sư Do Thái, nhất là đối với những ngôn sứ của thời đại, chúng ta cần hiểu rõ hơn về lề luật.
2. Vai trò và giới hạn của lề luật.
Trong xã hội cũng như Giáo Hội, không thể không có lề luật. Lề luật làm cho xã hội có tôn ti trật tự, nhờ đó có an ninh, tính mạng, của cải của mọi người được tôn trọng và bảo đảm. Trong tôn giáo, lề luật giúp mọi người thực hiện được lý tưởng của tôn giáo, là bản đồ chỉ dẫn con người tiến bộ trong lãnh vực tâm linh. Nói chung, trong xã hội con người, dù nhỏ bé như gia đình, hội đoàn, hay lớn lao như quốc gia, thế giới, xã hội nào cũng cần có luật lệ.
Tuy nhiên, luật lệ không phải là một cái gì tuyệt đối mà tất cả mọi người phải tuân theo trong tất cả mọi trường hợp. Có những điều còn cao trọng hơn lề luật: đó là tình yêu được phản ánh nơi lương tâm. Theo luân lý Ki-tô giáo, người Ki-tô hữu phải coi mệnh lệnh của lương tâm đã được giáo dục của mình hơn cả luật của chính Giáo Hội, và đương nhiên cả luật đời nữa. Luật tối thượng là luật của Thiên Chúa, là Tình Yêu, được biểu hiện nơi lương tâm ngay thẳng của con người. Đối với cá nhân, lương tâm ngay thẳng là tiêu chuẩn cuối cùng mà con người phải theo khi có những xung đột giữa các tiêu chuẩn phải theo, trong đó có lề luật. Sách Giáo lý chung viết: "Con người luôn luôn phải vâng theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình" (số 1800).
3. Luật lệ vì con người, chứ không phải con người vì lề luật.
Trong Kitô giáo, luật lệ không phải là những nguyên lý tuyệt đối phải tuân theo, nó chỉ là một phương tiện bất toàn, vì trong nhiều trường hợp, phương tiện này lại đi ngược lại với mục đích.
Xin đan cử một trường hợp mà tôi đã từng gặp: Một buổi chiều Chúa nhật, một lương y ở một vùng quê rất hiếm thầy thuốc nọ đang chuẩn bị đi lễ vì sáng chưa đi, thì có một bệnh nhân sốt rét đến năn nỉ hết lời xin ông ta chữa bệnh, vì bệnh thì nặng mà nhà thì quá xa, vả lại trời sắp tối. Nhưng nghĩ tới luật Giáo Hội buộc nặng phải đi dự lễ, ông ta đã quyết liệt từ chối mặc cho người bệnh ra sao thì ra, sau khi đã giải thích rõ lý do. Trường hợp này, ông thầy thuốc tuy giữ đúng luật Giáo Hội, nhưng lại hành động ngược lại với cốt tủy và mục đích của lề luật là tinh thần yêu thương (mến Chúa và yêu người).
Một trường hợp khác: luật Chúa đòi hỏi người Kitô hữu phải luôn luôn nói sự thật, vì sự dối trá thường gây thiệt hại cho tha nhân hoặc cho chính mình. Mục đích của luật này là thực hiện đức ái. Nhưng trong một số trường hợp cá biệt (chẳng hạn bí mật quốc gia, hay khi bị kẻ địch điều tra về đồng bạn cùng chiến đấu cho lý tưởng, hay thầy thuốc với bệnh nhân ung thư), lời nói thật có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội, cho ích lợi chung, hay cho người vô tội, thì riêng trong trường hợp đó, việc nói sự thật đi ngược lại với mục đích của luật buộc nói sự thật. Những trường hợp tương tự như thế, người Kitô hữu không nên câu chấp vào lề luật: "Ngày sabát (hay lề luật) được làm ra vì con người, chứ không phải là con người được dựng nên vì ngày sabát (hay lề luật)" (Mc 2,27).
Theo Phaolô "Lề Luật là thánh và điều răn cũng là thánh, đều đúng và tốt" (Rm 7,12; 1Tm 1,8) vì nó diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng cũng theo Phao-lô, "lề luật không phải được lập ra cho những người công chính", mà cho những người còn yếu đuối, non nớt về trí huệ, về tâm linh (1Tm 1,9). Vì thế, không thể căn cứ vào việc giữ lề luật nghiêm chỉnh của một người mà cho rằng người ấy là công chính: "Sự công chính không hệ tại việc giữ luật pháp, vì nếu như vậy thì cái chết của Đức Kitô trở nên vô ích" (Gl 2,21). Sự công chính đòi hỏi một cái gì cao hơn nữa. Về vấn đề này, thánh Phao-lô nói rất rõ và rất nhiều: "Không ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ Lề Luật, đó là điều hiển nhiên, vì người công chính sống bởi đức tin" (Gl 3,11); "Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội" (Rm 3,20); "Người ta được nên công chính vì tin chứ không phải vì làm những gì luật dạy" (Rm 3,28), v.v…
4. Sự lợi hại của lề luật.
Lề luật có thể là một con dao hai lưỡi: một đằng rất cần thiết và có lợi cho tâm linh, nhưng đằng khác có những bất lợi. Chẳng hạn khi người ta giữ luật một cách hoàn hảo thì họ lại dễ ỷ vào đó để tự hào, kiêu căng, tự cho mình là công chính, như trường hợp người Pharisiêu vào đền thờ cầu nguyện cùng với người thu thuế (xem Lc 18,9-14). Chính sự tự hào đó đã phá đổ tất cả mọi công trình giữ luật của ông.
Một nhược điểm khác của lề luật là: tuy soi sáng cho tâm trí, nhưng lại không đem lại sức mạnh nội tâm để sống theo sự soi sáng đó. Người ta có thể biết rất rõ lề luật dạy phải làm thế này thế kia, nhưng không vì biết rõ luật mà người ta có động lực thúc đẩy để làm những điều luật đòi buộc, mà lắm khi lại bị thúc đẩy làm những điều trái với Lề Luật: "Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm" (Rm 7,14). Chính vì thế mà người Do Thái, tuy có Lề Luật của Thiên Chúa - tức Luật Môsê - nhưng họ cũng tội lỗi không kém gì dân ngoại (xem Rm 2,17-18.21-24).
Điều quan trọng mà người Ki-tô hữu phải củng cố chính là tình yêu. Trong Ki-tô giáo, tình yêu chính là mục đích của lề luật: lề luật giúp người ta thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu làm cho người ta nên giống Thiên Chúa, hay nên công chính. Do đó, lề luật chỉ là phương tiện, còn tình yêu mới chính là mục đích. Đang khi lề luật không phải là một động lực thúc đẩy người ta làm điều thiện, thì tình yêu chính là một động lực rất mạnh.
Nếu theo như Phao-lô, "lề luật không phải được lập ra cho những người công chính" (1Tm 1,9), điều đó có nghĩa là lề luật không được lập nên cho những người có tình yêu đích thực. Người có tình yêu đích thực - đối với Thiên Chúa và mọi người - thì chỉ cần hành động theo sự đòi hỏi hay thúc đẩy của tình yêu. Chính Đức Giê-su hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu chứ không theo sự soi sáng của lề luật (xem Mt 12,11-12). Thánh Âu Tinh cũng nói: "Cứ yêu đi đã rồi muốn làm gì thì làm" (Ama et fac quod vis). Người có tình yêu đích thực tự nhiên sẽ làm đúng với lề luật. Và nếu họ có làm gì khác với lề luật, thì trường hợp đó, họ đã làm đúng hơn và cao hơn mức lề luật đòi hỏi.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, chúng con đang sống trong một thế giới đầy bất công. Tình yêu thúc đẩy chúng con phải làm một cái gì. Nhưng có biết bao nhiêu nguyên tắc của luân lý, của xã hội, của Giáo Hội ngăn cản chúng con: nào là không được bạo động, không nên dùng sức mạnh, không nên làm chính trị, v.v… Nhưng người cha hay người mẹ sẽ làm gì khi đứa con nhỏ của mình gặp nguy hiểm, đang bị hãm hiếp? Họ sẽ làm theo tình yêu thúc đẩy, hay sẽ theo luật lệ của xã hội? Lạy Cha, chúng con phải làm theo cái gì, theo sự thúc đẩy của tình yêu, của lương tâm, hay theo những nguyên tắc của con người, của xã hội, thậm chí của Giáo Hội đặt ra? Xin Cha hãy soi sáng cho chúng con. Ý Cha muốn thế nào?
John Nguyễn
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules