YẾU TỐ MỚI PHÁ HOẠI HÔN NHÂN

Trong Mùa Chay, ta không nên chỉ nghĩ đến chay tịnh về phương diện ăn uống mà thôi, mà còn phải chay tịnh cả về hình ảnh nữa. Đó là lời khuyên chí tình của Đức Bênêđictô XVI, nhân buổi tọa đàm với các linh mục Rô-ma ngày 7 tháng Hai vừa qua.

Để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để phúc âm hóa con người về cái đẹp thực sự trong bối cảnh văn hóa hiện đại, Đức Thánh Cha đã bàn đến việc sử dụng hình ảnh và các vấn đề do các lý tưởng lầm lẫn về cái đẹp gây ra. Đức Thánh Cha bình luận rằng, trong Mùa Chay, “ta cần một không gian không bị các hình ảnh thường xuyên oanh kích”.

Một áp dụng vào lời khuyên của Đức Thánh Cha là chay tịnh, không phải chỉ trong Mùa Chay, mà là thường xuyên, đối với sự hiện hữu càng ngày càng gia tăng của văn hóa khiêu dâm. Một bài đăng trên Trang Mạng ABC News ngày 12 tháng Hai vừa qua đã trích dẫn các dữ kiện của một ấn phẩm thương mãi, cho biết tại Mỹ hàng năm các sản phẩm liên quan cách này hay cách khác tới khiêu dâm đã được bán ra với số lượng 14 tỷ dollars. Bài này cũng tường trình rằng hiện có tới 4.2 triệu trang mạng khiêu dâm với khoảng 40 triệu lượt người viếng thăm hàng ngày.

Chính phủ Mỹ đang cố gắng kiểm soát kỹ nghệ phồn thịnh này, nhưng xem ra không mấy thành công. Ngày 19 tháng Chín năm ngoái, hãng Reuters tường trình rằng các cuộc điều tra của FBI về tính công xúc tu sỉ của nền văn hóa khiêu dâm dành cho người lớn đã giảm đi do có những vấn đề khác ưu tiên hơn như khủng bố chẳng hạn. Dù sao, hiện nay FBI chú tâm nhiều hơn tới vấn đề bài trừ nạn khiêu dâm trẻ em.

Mặt khác, các cố gắng ngăn ngừa kỹ nghệ khiêu dâm trên internet gặp nhiều trở ngại do các thất bại liên tiếp về phương diện luật pháp. Tờ Washington Post, ngày 23 tháng Ba năm ngoái, tường trình rằng: Một chánh án liên bang Mỹ đã duy trì các quy định có trước từng bất hiệu lực hóa Đạo Luật Bảo Vệ Trẻ Em Trên Mạng, viện cớ là nó phản lại quyền tự do ngôn luận.

Luật lệ hiện hành cho là có tội những ai trong khi điều hành một trang mạng trên internet đã để một người dưới 17 tuổi đọc được các tài liệu dâm dục. Tuy nhiên, đạo luật được ban hành năm 1998 ấy chưa bao giờ có hiệu lực thực sự vì bị ngăn chặn bởi hàng loạt những hành vi hợp pháp.

Các hậu quả nguy hiểm

Việc gia tăng sử dụng văn hóa khiêu dâm đang tạo ra một số vấn nạn. Cuối năm ngoái, theo tường trình của tờ The Age, ngày 3 tháng Giêng vừa qua, một chánh án ở Melbourne, Australia, kết án một người đàn ông 11 năm tù vì tội hiếp dâm. Chánh án Damian Murphy tuyên bố rằng bị cáo Andrew Bowen hành động như thế vì chịu huyễn hoặc bởi các tài liệu truy cập từ internet. Hai tác giả của bài báo là Maree Crabbe và David Corlett, đã bình luận rằng một hậu quả của văn hóa khiêu dâm trên mạng là việc chuyển dịch qua một thứ ảnh tượng cực đoan và bạo lực hơn. Những cảnh tượng quá hạ thấp và nhục mạ nhân phẩm đến độ đã bi ngăn cấm khỏi phim ảnh và truyền hình thì nay đang được tự do trưng bày cho bất cứ ai vào được các trang mạng.

Crabbe và Corlett cho rằng các nghiên cứu hiện nay cho thấy có mối liên kết giữa việc tiêu thụ văn hóa khiêu dâm và tính gây hấn tình dục nơi nam giới. Cho dù văn hóa khiêu dâm không bạo lực đi chăng nữa, thì việc ‘phó mình’ cho nó cũng có khuynh hướng gia tăng nơi người thưởng ngoạn một khoan dung nào đó đối với bạo lực tính dục.

Đầu năm ngoái, một tường trình công bố tại Úc tiết lộ các con số kỷ lục người vào các trang mạng khiêu dâm. Theo một bài báo ngày 26 tháng Năm trên tờ Sydney Morning Herald, một cuộc thăm dò cho thấy 35% người sử dụng internet đã vào thăm một trang ‘dành cho người lớn’ ít nhất một lần trong ba tháng trước đó.

Theo bài báo trên, các nhà tâm lý và huấn đạo cho biết văn hóa khiêu dâm trên internet là nguyên nhân càng ngày càng gia tăng gây ra các khủng hoảng hôn nhân chỉ vì con số những người đàn ông trở thành ghiền những thứ ấy mỗi ngày một đông hơn. Một bài dài hơn nói về cùng vấn đề ấy đã được đăng trên tờ The Age ngày 26 tháng Năm 2007. Bài này cho hay “tác động của khiêu dâm trên internet đối với thái độ, thực hành và liên hệ tính dục tỏ ra cũng sâu sắc y như việc dẫn nhập thuốc viên ngừa thai năm 1961”. Khi gọi nó là “yếu tố mới phá hoại hôn nhân”, bài báo này đã bình luận rằng không những số đông đàn ông đã trở nên những người dùng nó thường xuyên, mà nó còn khiến nhiều phụ nữ trở nên bất hạnh và tự hoài nghi chính mình.

Những hình ảnh di động

Sau internet, bây giờ đến điện thoại di động đang trở máng chuyển văn hóa khiêu dâm. Theo tường trình của hãng Reuters ngày 30 tháng Giêng năm nay, sau khi đã phổ thông tại Âu Châu, việc sử dụng điện thoại di động cho mục đích này nay đang bắt đầu nở rộ tại Mỹ.

Theo hãng này, tại Âu Châu, qua hệ thống điện thoại di động, việc mua bán văn hóa khiêu dâm đã thu hái được 775 triệu mỹ kim vào năm 2007, so với 26 triệu mỹ kim tại Mỹ. Một bản nghiên cứu được hãng này trích dẫn ước lượng rằng đến năm 2010, trên toàn thế giới, kỹ nghệ khiêu dâm có thể đem lại một lời tức lên đến 3.5 tỷ mỹ kim. Các công ty điện thoại tại Mỹ đang đặt kế hoạch nới lỏng việc kiểm soát đối với các hệ thống của họ, để đưa vào nhiều dụng cụ tinh vi và nhiều dịch vụ hơn. Nhiều kiểu điện thoại mới hơn với phẩm chất cao hơn về hình ảnh và khả năng tìm kiếm các trang mạng sẽ được đưa vào. Các trang mạng chia sẻ video cũng sẽ được phát triển để cung cấp các dịch vụ cho những ai có những máy điện thoại di động tối tân hơn.

Tờ Times ngày 17 tháng Ba năm 2007 tường trình rằng việc quảng bá sử dụng văn hóa khiêu dâm qua điện thoại lưu động đã tạo nên một chống đối vào năm ngoái trong Giáo Hội Anh Giáo, khi một toà án giáo hội quyết định chống lại việc sử dụng các tháp ăng-ten điện thoại trên đỉnh và tháp chuông nhà thờ. Bài báo này cho hay các nhà thờ hàng năm có thể thu về hơn 10,000 bảng ($19,621) tiền các công ty điện thoại thuê. Việc ấy liều mình không còn nữa khi một chánh án giáo hội tại Chelmsford, Essex, ra phán quyết chống lại đơn xin đặt cột ăng-ten trên tháp nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô ở Chingford. Chánh án George Pulman kết luận rằng một số tư liệu được phát sóng “đã không nhất quán với việc sử dụng nhà thờ theo quan điểm Kitô giáo”.

Tuy nhiên, theo tường trình của nhật báo Telegraph ngày 25 tháng Bẩy, phán quyết của ông chẳng bao lâu sau đã bị Toà Án ở Arches, là toà án cao nhất của Giáo Hội Anh Giáo, đánh đổ. Tòa này phán rằng ta cần phải nhớ con người là “bất toàn” và do đó từ khước cột ăng-ten trên căn bản trên là một “phương thức bất thăng bằng”.

May mắn thay, một quan điểm lành mạnh hơn đã trổi vượt ở nơi khác. Ấn bản ngày 10-16 tháng Hai của tờ The National Catholic Register tường trình về hành động của một số trường cao đẳng Công Giáo ở Mỹ trong việc ngăn chặn các trang mạng khiêu dâm và cờ bạc. Bắt đầu từ năm 2006, trường Cao Đẳng Thánh Vincent ở Latrobe, Pennsylvania, đã đặt hệ thống lọc để ngăn chặn không cho các trang mạng trên xuất hiện trong các máy vi tính tại các phòng lớn nơi công cộng và tư gia. Chủ tịch trường là Jim Towey, người đã đưa ra chính sách này ngay sau khi nhậm chức, bình luận rằng “là phụ huynh của 5 đứa con, tôi cho rằng tại một trường Cao Đẳng Công Giáo, bạn không thể cho văn hóa khiêu dâm xuất hiện tràn lan vào phòng ngủ của bạn được”.

Sống Khiết Tịnh

Quan tâm đối với văn hóa khiêu dâm đã được phát biểu trong một ấn phẩm có sự phê chuẩn của Hội Đồng Giám Mục Mỹ, trong phiên họp tháng Mười Một năm 2007, tựa là “Đào Tạo Giáo Lý Đối Với Việc Sống Khiết Tịnh: Các Chỉ Dẫn Để Soạn Giáo Trình và Ấn Phẩm”. Tài liệu này giải thích rằng khiết tịnh “không phải là vấn đề ức chế cảm quan và cám dỗ tính dục nhưng là việc hội nhập thành công ơn phúc tính dục bên trong con người toàn diện”.

Một trong các bẫy được tài liệu trên nhận diện là việc lạm dụng internet vốn khiến cho việc tiếp cận thứ văn hóa khiêu dâm gần như thật (virtual ____ography) trở nên dễ dàng. Các nội dung minh nhiên có tính tính dục trên các blogs, các lời nhắn lập tức cũng như các hình ảnh đăng tải trên các trang mạng thuộc hệ thống xã giao cũng là những máng chuyển khác chống lại khiết tịnh.

Tài liệu hướng dẫn trên nhận định “Văn hóa khiêu dâm hạ nhục tình thân mật của hành vi vợ chồng và làm tổn thương phẩm giá người xem và người tham dự… Các Kitô hữu cần phải tránh không tham gia văn hóa khiêu dâm trong tư cách nhà sản xuất, kịch sĩ, người tiêu thụ hay buôn bán”. Tài liệu này cũng cho rằng cần có nhiều hơn các giáo huấn cũng như giáo dục giáo lý giúp ta đánh giá đúng giá trị của khiết tịnh. Nhớ lại các điều Đức Bênêđictô dạy trong nhận xét ngày 7 tháng Hai vừa qua về hình ảnh và cái đẹp cũng là điều hữu ích. Ngài nói rằng Thiên Chúa có thể giải phóng ta khỏi “tình trạng lạm phát về hình ảnh”. Thực vậy, ngài tiếp, qua việc nhập thể của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã mạc khải cho ta hình ảnh của Người. Thuyết phục thế giới tin vào cái đẹp của chân lý đã được mạc khải nơi Chúa Kitô sẽ là chìa khóa khắc phục được sự lôi cuốn của những hình ảnh nghèo nàn chỉ tổ hạ thấp nhân phẩm ta.

(Viết theo Cha John Flynn, LC, Zenit.org ngày 24 tháng Hai năm 2007)
Vũ Văn An