Buổi Nhạc Thính Phòng "Một Thời Ðể Nhớ"
Phạm Văn Kỳ Thanh
"Nhắc lại những kỷ niệm văn nghệ của những nhạc sĩ xuất thân
từ trường Trung Học Nguyễn Trãi: Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên,
Ðức Huy, Nam Lộc, Võ Tá Hân, Phạm Mỹ Lộc... để tri ân Cố Giáo Sư Nhạc Sĩ Chung Quân."
Nếu muốn viết đầy đủ về sinh hoạt văn nghệ của trường trung học Nguyễn Trãi đáng nhẽ tôi phải tham khảo thêm những bậc đàn anh đã học trường này từ Hà Nội trước năm 54. Nhưng bài viết này giới hạn trong những kỷ niệm nhỏ bé riêng tư nên tôi nhớ và biết đến đâu viết đến đấy đề chia sẻ với những bậc trưởng thượng và bạn cùng trường. Như vậy nếu tôi không biết và không nhắc đến những nhân vật tài hoa một thời, xin các thầy các bạn bỏ qua cho.
Năm 54, lúc mới di cư vào Nam, những buổi chiều mưa ngập lụt ở xóm Bàn Cờ là những lúc cơn nhớ day dứt nhất về Hà Nội của người anh cả tôi (bác sĩ Phạm Văn Vận) dâng lên. Ông say sưa nhắc lại kỷ niệm sinh hoạt văn nghệ Nguyễn Trãi với các bạn hữu ngoài Bắc thời niên thiếu.
Tôi còn nhớ rất mơ hồ lời ông kể là trường Nguyễn Trãi Hà Nội rất to và nổi tiếng với nhiều giáo sư giỏi và sinh hoạt văn nghệ học sinh rất khởi sắc. Nơi đây, với sự hướng dẫn của các thầy như nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhạc sĩ Chung Quân (tôi sẽ kể nhiều hơn về thầy khi nói đến sinh hoạt văn nghệ Nguyễn Trãi Sài Gòn) ông anh cả tôi cùng bạn hữu như Dương Hồng Duyệt (tác giả ca khúc Ðường Chiều, điệu Blues, rất nổi tiếng cuối thập niên 50 tại Sài Gòn, và cũng là cháu nhạc sĩ Dương Thiệu Tước), Nguyễn Long Cương (về sau đi sang Ý học về đạo diễn điện ảnh)... tổ chức những buổi văn nghệ tại nhà Hát Lớn Hà Nội hoặc ở sân khấu Côn Sơn của trường. Bây giờ tôi nhắc lại chi tiết hơn về thầy Vũ Khắc Khoan và sân khấu Côn Sơn. Thầy Khoan không những là một nhà văn nổi tiếng cả nước biết đến với tác phẩm "Thần Tháp Rùa" và nhiều tác phẩm khác, thầy còn rất uyên bác về kịch nghệ. Tại sân khấu Côn Sơn thầy đã hướng dẫn học trò dựng vở kịch "Thành Cát Tư Hãn", (sau này ở trường Chu Văn An Sài Gòn, thầy cho dựng lại vở kịch này với Hồ Hải Trân đóng vai Sơn Ca; và tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ với Hà Bay đóng vai Sơn Ca). Vở kịch này đã mang lại cả không khí kịch cho người Hà Nội vào mùa thu nắng hanh vàng se lạnh. Sau di cư vào miền Nam năm 54, Thầy cũng đã có công ghi lại và cho xuất bản vở Chèo "Quan Âm Thị Kính", viết "Tìm Hiểu Sân Khấu Chèo" và phụ trách khoa kịch nghệ của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Trong những chương trình văn nghệ Nguyễn Trãi Hà Nội cũng không thể thiếu tiết mục vũ "Trấn Thủ Lưu Ðồn" (sau này các cựu học sinh Nguyễn Trãi Hà Nội đã dựng lại tiết mục này trong sinh hoạt văn nghệ của trường trung học Chu Văn An Sài Gòn). "Trấn Thủ Lưu Ðồn" là một điệu vũ lấy từ Chèo. Riêng phần hát thì lấy từ điệu "hát Dịp Ðuổi" của Chèo Cổ. Tiết mục vũ "Trấn Thủ Lưu Ðồn" thường đi đôi với "Lơ Thơ Tơ Liễu", một điệu "hát Hồi Tiếu" cũng lấy từ Chèo Cổ. Lúc dạy cho học trò Nguyễn Trãi thầy Khoan đã cải biên rất nhiều. So với điệu múa và hát nguyên thủy của Chèo, thì học trò Nguyễn Trãi Hà Nội (và học trò Chu Văn An Sài Gòn sau này) múa ít uyển chuyển hơn, hát với tiết điệu nhanh, mạnh hơn và bỏ hết phần luyến láy (trong một số Ðại Nhạc Hội ở miền Nam tôi thấy nghệ sĩ Hoàng Thư cũng múa "Trấn Thủ Lưu Ðồn", nhưng khác với những bước múa của thầy Khoan dạy cho học trò). Ða số những tiết mục văn nghệ của học sinh Nguyễn Trãi Hà Nội, lúc di cư vào Sài Gòn lại được dựng lại tại trường Chu Văn An Sài gòn, vì những học sinh này đã chuyển sang học đệ nhị cấp tại đây. Trong khi đó trường trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn chỉ có đến lớp Ðệ Tứ (về sau mới có đệ nhị cấp). Tuy nhiên sinh hoạt văn nghệ Nguyễn Trãi Sài Gòn vẫn còn đặc sắc dưới sự hướng dẫn của thầy Chung Quân.
Lúc trường Nguyễn Trãi di chuyển vào Sài Gòn thì tôi vẫn học tiểu học, nhưng cũng đủ khôn lớn để ghi nhận những sinh hoạt văn nghệ của người anh thứ ba (Phạm Hữu Ðộ) học tại đây.
Tôi còn nhớ quãng năm 55, 56 gì đó, vào một ngày mưa như trút nước, tôi được đi xem đại nhạc nhạc hội đầu tiên ở miền Nam của học sinh Nguyễn Trãi tổ chức tại rạp Thanh Bình. Tiết mục đáng nhớ nhất là hợp xướng "Sông Bến Hải", thầy Chung Quân sáng tác và tập cho các học trò. Ðây là một trường ca rất có giá trị, nói về một dòng sông chia cắt đất nước và nỗi lòng bỏ quê hương của người di cư năm 54. Nhưng rất tiếc không thấy Thầy cho phổ biến về sau. Thật là bất công nếu nhắc đến Nhạc Sĩ Chung Quân mà chỉ biết có nhạc phẩm "Làng Tôi" và quên mất trường ca "Sông Bến Hải". Hợp xướng này Thầy viết hòa âm rất khó, nhưng có điều lạ là Thầy tập cho học trò với kiến thức âm nhạc thô thiển, nhưng hát không bao giờ lộn từ bè này sang bè khác. "Bí quyết" này của thầy tôi đã tìm ra khi học tại trường Nguyễn Trải sau này.
Thầy Chung Quân tên thật là thầy Tiến. Ngày xưa thầy học nhạc ở Chủng Viện nên Thầy rất giỏi về hòa âm và viết hợp xướng. Sở dĩ học sinh Nguyễn Trãi yêu kính Thầy là vì được học nhạc với Thầy suốt bốn năm từ đệ Thất đến đệ Tứ. Còn các giáo sư khác trong bốn năm học chỉ học một năm họa hoằn mới học hai năm nếu thầy đó dạy hai môn học khác nhau. Tính Thầy hòa nhã nhưng rất nghiêm khắc. Tôi còn nhớ Thầy viết chữ rất đẹp. Nhiều khi bản nhạc Thầy viết trên bảng học trò không nỡ xóa đi dù hết giờ học. Ðiều đặc biệt là Thầy "vung" phấn trên bảng đen, chỉ với một nét Thầy tạo được cả năm dòng kẻ nhạc và khóa son cùng một lúc (cũng như sự độc đáo của thầy Hạnh "gầy" dạy Hình Học có thể vẽ vòng tròn trên bảng bằng cả hai tay trái và phải, và có anh bạn "kháo" rằng, thầy vẽ tròn hơn compa!). Trở lại với Thầy Chung Quân, tuy lý thuyết âm nhạc rất khô khan, nhất là phần nhớ các bộ khóa đầu bản nhạc và làm sao để tìm ra âm giai chính của bản nhạc đó. Thầy Chung Quân đã nghĩ ra câu thơ lục bát 'bất hủ", để giúp học trò dễ nhớ lúc học thi. Ðó là:
"Nhất Sòn, Nhị Rế, Tam La,
Tứ Mi, Ngũ Sí, Lục Pha, Thất Ðồ."
Có nghĩa là nếu thấy ở đầu bản nhạc có một dấu thăng thì bài ấy có âm giai Sol là chính, nếu có hai dấu thăng thì là âm giai Rê v.v...
Thầy Chung Quân có lối tập hợp xướng thật độc đáo và rất công phu. Tôi nhớ năm ấy học Ðệ Ngũ, chúng tôi được thầy tập cho hợp xướng "Hè Về" của nhạc sĩ Hùng Lân để trình diễn trong buổi văn nghệ cuối niên học. Thầy tuyển chọn khoảng bốn mươi học sinh có giọng tốt từ trầm tới cao để hát bốn bè. Thầy chia mỗi bè thành một nhóm. Tôi còn nhớ thầy Chung Quân nhờ những thầy có giọng tốt hoặc giỏi đàn nhạc trong trường như thầy Ðặng Ðình Phùng (thầy có giọng ca tenor rất tốt và đánh tây ban cầm cổ điển cũng cừ khôi không kém); thầy Ðỗ Ðinh Tuân (tức ca sĩ Ðỗ Tuấn của ban Học Sinh, Sinh Viên Ðài Phát Thanh Sài Gòn, thập niên 50, thầy có giọng ca đầm ấm truyền cảm như Pat Boon, thầy lại giỏi Anh Văn, nên một thời nổi tiếng với bản "Bernadine" , "Technique"); thầy Cao Thanh Tùng (nhạc sĩ trung hồ cầm của Ðài Truyền Hình Sài Gòn, hiện nay thỉnh thoảng thấy thầy xuất hiện ở những cuốn Video giá trị, thầy là một nhà giáo đa tài, một thời phụ trách mục "Ðố Vui Ðể Học" và hiện nay giữ mục điểm phim cho báo Việt Mercury). Ba thầy này dạy ba bè cho học sinh còn thầy Chung Quân lo một bè. Có một điều trớ trêu là đa số anh có giọng tốt được tuyển chọn thì lại không có khiếu giữ bè, thường hay hát lộn sang bè của người khác. Vì thế giòng giã hơn một tháng chúng tôi tập hát bè của mình riêng rẽ một cách rất máy móc. Những anh tập bè phụ thì thấy thật chán vì thấy bè của mình lời ca chẳng ra câu cú gì cả, thỉnh thoảng lại phải ngừng dăm trường canh, rồi lai "giót" vào mấy câu vô ý nghĩa. Còn những anh hát bè trầm sự "biểu diễn" lại nhàn hạ hơn,ï giống mấy nhạc sĩ chơi kèn tuba trong ban đại hòa tấu, thường hay "ngủ gật", đến lúc tỉnh dậy cũng đủ kịp để "ồm ồm" vài tiếng góp phần kết thúc bài. Khốn nỗi, những anh hát bè phụ và bè trầm thầy lại chọn những anh khá nhạc hơn các bạn khác, để giữ bè cho vững. Nhưng, các anh này cũng không khỏi than là Thầy đã "ngược đãi" mình, tập hát kiểu này thì về sau bạn gái có yêu cầu hát "Hè Về" cũng không dám. Nhưng đến lúc tập đã nhuần nhuyễn, thầy Chung Quân cho bốn bè ghép lại, thì dù hát bè phụ hay bè chính, anh nào cũng khoái chí vì thấy mình "quan trọng" được tham dự vào một ban hợp xướng bốn bè trình diễn với một kỹ thuật không kém các ban hợp xướng khác của Sài Gòn.
Thầy Chung Quân viết nhạc rất ít, nhưng có bài "Làng Tôi" nổi tiếng cả nước. Theo giai thoại thì nhà sản xuất phim ở Hà Nội trước 54 (hình như phim "Kiếp Hoa") đã dùng bài "Làng Tôi" nhưng không xin phép, khiến thầy Chung Quân đưa họ ra tòa, thầy thắng kiện. Lúc vào Sài Gòn thầy có tiền "tậu" vespa rất sớm so với các thầy khác của trường Nguyễn Trãi.
Trước năm 75, tôi đang học ở San Francisco thì nghe thấy thầy Chung Quân đang học tiến sĩ Sử Học ở New York. Sau đó cho đến khi thầy mất tôi không nghe thêm gì tin tức về thầy nữa. Sở dĩ tôi phải dài dòng để nhắc đến thầy Chung Quân kính yêu là vì ít nhiều, với những dòng nhạc ngây thơ thầy dạy dỗ thời niên thiếu, đã ươm mơ thành những dòng nhạc tình bất hủ sau này của các nhạc sĩ Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Ðức Huy, Nam Lộc, Võ Tá Hân và Phạm Mỹ Lộc (cũng chính là người viết bài này, chưa có ca khúc nào nổi tiếng và trở thành bất hủ cả! Nhưng, vì say mê âm nhạc tôi đã bỏ rất nhiều thì giờ đi đến từng địa phương của quê hương để nghiên cứu dân ca, mong có dịp từ những giai điệu đó viết được những dòng nhạc để trả nợ đất nước, trả nợ những thầy âm nhạc ít nhiều đã hướng dẫn tôi trong quá khứ như Chung Quân, Trần Văn Khê, Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu. Và nhất là cống hiến cho các bạn Nguyễn Trãi hoặc khán thính giả bốn phương những âm điệu để quên đi những sự mệt nhọc trong cuộc sống hàng ngày.)
Hôm nay, trên đầu đã hai thứ tóc, nói như nhà văn Mai Thảo lúc sinh thời, tôi muốn trở về "Bến Ðậu Thần Tiên", đó là trường trung học Nguyễn Trãi, để ôn lại những sinh hoạt văn nghệ với bạn bè thân yêu, nhất là có dịp nhắc đến kỷ niệm với những nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Ðức Huy, Nam Lộc, Võ Tá Hân.
Có rất nhiều tài liệu, băng nhạc, video đã nói đến âm nhạc và cuộc đời của những nhạc sĩ Nguyễn Trãi nói trên, vì dòng nhạc của họ đã đến với tám chục triệu người trong và ngoài nước. Những gì tôi nhắc đến ở đây chỉ là kỷ niệm riêng tư góp nhặt ở thời trung học, nếu không đúng ý các bạn thì các bạn cũng nên bỏ qua vì những kỷ niệm này rất đẹp ở nét ngây thơ, vô tư của tuổi nhỏ.
Tôi học cùng với Ngô Thụy Miên (tên thật là Ngô Quang Bình) và Võ Tá Hân ba năm Thất, Lục, Ngũ (đều là B1) từ năm 60 đến 63. Thật ra Bình không học nhạc nhiều ở thầy Chung Quân. Vì, lúc bắt đầu học Nguyễn Trãi, anh đã học vĩ cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Trong lớp, ngoài môn nhạc, còn các môn khác anh học rất ít, nhưng lại thuộc loại khá. Sau này lúc học Hòa Âm ở trường Quốc Gia Âm Nhạc tôi mới thấy phục anh vì chương trình của trường để đào tạo nhạc sĩ chuyên nghiệp, nên nhạc sinh phải học rất nhiều môn ngoài nhạc khí đã chọn, làm sao anh có thể học song song cả hai bên mà vẫn khá đều. Ðó là chưa kể thì giờ đánh bi, đánh đáo với bạn hữu. Lúc lớn hơn thì la cà với bạn bè tìm cảm hứng sáng tác những ca khúc bất hủ. Tính anh rất hiền và tốt vói bạn bè. Tôi nhớ anh hay cho tôi mượn sách nhạc pháp của Hùng Lân để trau dồi thêm lý thuyết. Tôi rất mê tây ban cầm cổ điển, nhưng không có nhiều tài liệu để tập luyện, anh đã giới thiệu tôi với người anh của anh là Ngô Quang Thắng (tuy học vĩ cầm ở Quốc Gia Âm Nhạc nhưng cũng tập thêm tây ban cầm) để cho tôi mượn thêm tài liệu. Năm 68, trong một buổi tổ chức chung với Từ Công Phụng tại trường âm nhạc Bach Sài Gòn, tôi giới thiệu tập nhạc đầu tiên "Những Bài Hát Cho Tình Yêu", Ngô Thụy Miên và Hà Học Ngôn (cũng học vỹ cầm tại Quốc Gia Âm Nhạc) không quản ngại giúp phần nhạc đệm dương cầm, tuy lúc này anh đã bắt đầu có tiếng và tôi là một nhạc sĩ vô danh. Năm 1971, trước khi đi Mỹ học, tôi có tham dự buổi ra mắt tập nhạc "Ðông Quân Tình Khúc" của anh. Ðây là cơn gió mát đầu tiên thổi vào dòng nhạc tình yếm thế của miền Nam. Ðúng thế, lúc ấy tuổi trẻ miền Nam đã bắt đầu bớt "say sưa" với giòng nhạc u buồn của Trịnh Công Sơn, thì giòng nhạc tình Ngô Thụy Miên xuất hiện như xoa dịu nỗi đau của tuổi trẻ. Từ dạo ấy tôi mất liên lạc với anh nhưng vẫn nghe nhạc anh, vì ca khúc của anh được phổ biến rất rộng rãi khắp nơi. Lúc anh đoàn tụ với gia đình tại Mỹ thỉnh thoảng tôi liên lạc lại với anh để nói chuyện âm nhạc. Anh quả là một người bạn Nguyễn Trãi tài hoa và tử tế.
Như đã nói ở trên tôi học cùng với Võ Tá Hân ba năm Thất. Lục. Ngũ tại Nguyễn Trãi. Anh học rất giỏi và đứng đầu lớp nhiều môn. Cũng giống như Ngô Thụy Miên, từ Ðệ Ngũ anh đã bắt đầu học Tây Ban Cầm ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Gần đây anh đã bỏ ra nhiều công phu đểù soạn cho đàn Tây Ban Cầm và Dương Cầm những ca khúc nổi tiếng của nhạc Việt. Ngoài ra anh sáng tác ca khúc nhiều thể loại khác nhau và đã phổ biến hơn hai mươi CD. Ðặc sắc nhất là Nhạc Phật và những ca khúc viết về Huế. Vì tôi chuyển sang học ở trường Chu Văn An sau năm Ðệ Ngũ nên cũng it có dịp anh. Mãi gần đây, sau mấy chục năm xa cách nhân dịp anh có nhã ý và cho xuất bản ca khúc "Ảo Mơ" của tôi do Harold Mann trình tấu Dương Cầm trong CD "Half Moon Dream" của nhà sản xuất Gianna, nên bạn bè lại có dịp liên lạc, hàn huyên chuyện cũ ở Nguyễn Trãi ngày xưa.
Nhạc sĩ Ðức Huy (tên thật là Ðặng Ðức Huy) cũng là một học sinh Nguyễn Trãi tài hoa, thuộc thành phần có "nhan sắc". Ở Nguyễn Trãi anh học hơn tôi một lớp, nhưng sang Chu Văn An thì chúng tôi học cùng năm Ðệ Tam và Ðệ Nhị (vì tôi học nhảy một lớp). Tôi còn nhớ anh rất được thầy Tô Ðình Hiền, dạy Việt Văn, yêu mến. Ðã có lần anh được thầy Hiền cho đến lớp tôi (Ðệ Lục B1) để trần thuyết về chuyện "Nửa Chừng Xuân" của nhà văn Khái Hưng. Vì có thiên khiếu về Việt Văn từ thuở bé, nên khi trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp lúc sáng tác ca khúc, anh viết lời ca ý nghĩa rất súc tích và có tư tưởng. Ngay lúc đang học trung hoc đệ nhất cấp ở Nguyễn Trãi, Ðức Huy đã chơi kích động nhạc và cùng bạn bè lập ban nhạc "Crazy Boy", trình diễn trong dịp phát phần thưởng cuối năm. Ðiều đáng nhớ là tôi đã có dịp nghe anh chơi đàn guitar điện bài "Ðường Chiều" của Hồng Duyệt (một cựu học sinh Nguyễn Trãi tôi đã nói đến ở trên.). Tiện đây tôi cũng nên nhắc đến một số bạn Nguyễn Trãi cùng thời với anh Ðức Huy, đã lập và chơi nhạc trẻ rất nổi tiếng như ban The Forty Six (anh Diệu biết đàn Hạ Uy Cầm, Quyên chơi lead guitar, Phùng Thuận chơi trống...). Trong bài viết này, tôi tránh nói tới sự nghiệp âm nhạc của Ðức Huy và Ngô Thụy Miên sau này vì nhà báo Trường Kỳ đã nói khá kỹ trong các "Tuyển Tập Nghệ Sĩ" đã xuất bản.
Nói về sinh hoạt âm nhạc của Vũ Thành An tại Nguyễn Trãi thì tôi không có nhiều kỷ niệm với anh. Tuy nhiên, tôi nhớ gặp anh trong một buổi họp văn nghệ của trường do thầy Tô Ðình Hiền hướng dẫn, có cả nhà báo Ngọc Hoài Phương tham dự. Sau này lên đại học anh mới sáng tác nhạc và nổi tiếng. Khi học ở trường Luật Sài Gòn tôi gặp lại anh và đã có dịp sinh hoạt chung với anh và nhạc sĩ Từ Công Phụng ở một trại thanh niên tổ chức tại Vũng Tàu (đặc biệt ở trại thanh niên này có sự tham dự của các nhân vật nổi tiếng sau này như Ðỗ Ngọc Yến, Hà Tường Cát, Lê Ðình Ðiểu, Bùi Bảo Trúc, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Tường Quí, Ðào Trường Phúc, Nguyễn Lương Bằng, Lê Hoài Quỳnh, Lê Công Chính, Tống Hoằng và một nhân vật Nguyễn Trãi Phạm Phúc Hưng, người anh thứ tư của tôi). Lúc đánh đàn cho ban "Tinh Hoa Ðọc Chuyện" của nhạc sĩ Nguyễn Hiền tại Ðài Phát Thanh Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp Vũ Thành An, nhưng không có dịp nói chuyện lâu. Sau đó, tôi đi du học ở Hoa Kỳ, từ giã sinh hoạt âm nhạc với các bạn bè trong nước, chuyển sang sinh hoạt văn nghệ sinh viên hải ngoại vùng Bay Area, đã gặp nhà thơ Cao Ðồng Khánh, và nhạc sĩ Ðặng Xuân Thìn trong dịp thực hiện chương trình phát thanh "Tiếng Vọng Quê Hương" trên đài phát thanh KQED tại San Francisco năm 72. Khi Vũ Thành An đến Mỹ đoàn tụ gia đình, tôi có dịp hỏi thăm anh qua điện thoại, và gửi anh một số bài viết về nhạc của tôi trên các báo Văn Học, Nhân Văn và Hợp Lưu. Từ dạo đó tôi chưa có dịp gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Trãi tài hoa Vũ Thành An, nhưng sắp tới đây ở Nhạc Hội "Một Thời Ðể Nhớ" tôi hy vọng sẽ được gặp lại anh để hàn huyên chuyện cũ.
Người đa tài nữa của Nguyễn Trãi tôi muốn nhắc đến là Nhạc Sĩ Nam Lộc. Tôi không được quen trực tiếp anh, nhưng mỗi lần tôi cùng anh bạn Phạm Ðức Tiến đến "Hầm Gió" của anh uống cà phê, anh Nam Lộc thường không lấy tiền (có lẽ vì thế tôi nhớ đến tấm lòng hào hiệp của anh mãi chăng!). Ngoài tài viết nhạc và làm M.C. sau này, lúc đi học ở Chu Văn An anh cũng làm trưởng ban báo chí một năm và có ra được một đặc san do chính anh vẽ bìa. Anh cũng là nhạc sĩ di tản đầu tiên sáng tác ca khúc về Sài Gòn để nhớ đến thành phố đã đổi tên. Sau này và bây giờ ngoài sinh hoạt âm nhạc, anh còn hoat động rất hăng say và hữu hiệu trong lãnh vực di trú để bênh vực quyền lợi người tị nạn Ðông Dương.
Người cuối cùng là một nhạc sĩ rất có công với trường Nguyễn Trãi, nhưng bị lãng quên. Ðó là anh Phạm Ngọc Cung. anh đã sáng tác ra đoàn ca của trường Nguyễn Trãi Sài Gòn. (Tôi nhớ bắt đầu bài này là câu "Anh em ta là học sinh của trường Nguyễn Trãi...") Sau chuyển sang học trường Chu Văn An anh cùng một số bạn Nguyễn Trãi cũ (như Hùng clarinette, Tộ trống...), lập ra ban nhạc Chu Văn An, anh làm trưởng ban nhạc và chơi kèn saxophone. Ban nhạc này rất nổi tiếng trong giới học sinh (và cả sinh viên) Sài Gòn, và hầu như là ban nhạc học sinh đầu tiên chơi nhạc Zazz. Tôi được nghe ban nhạc của anh trình diễn rất đặc sắc trong một Ðại Nhạc Hội của Tổng Liên Ðoàn Học Sinh, Sinh Viên Sài Gòn do các cựu học sinh Nguyễn Trãi, (nhưng lúc ấy đã là sinh viên tổ chức) tổ chức (trong đó có sự tham dự của nhạc sỉ Nguyễn Trãi Hồng Duyệt, ca sĩ Nguyễn Trãi Phạm Vận, các nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Ðỗ Tuấn, Duy Trác, Võ Anh Tuấn...). Sau đó tôi nghe bạn bè nói anh ra nhập quân đội rồi không thấy anh sinh hoạt âm nhạc nữa. Theo ý tôi, các bạn Nguyễn Trãi nếu có dịp cũng nên tri ân anh Phạm Ngọc Cung người bạn Nguyễn Trãi, tuy ở tuổi học sinh ngây thơ nhưng đã có công viết đoàn ca cho bạn mình hát và trả ơn ngôi trường thân yêu của mình và ông thầy nhạc đáng kính nhạc sĩ Chung Quân.
Ngày 28 tháng Bảy trong hè này anh Phạm Duy Quang, anh Mai Ðông Thành cùng một số bạn bè Nguyễn Trãi sẽ tổ chức một buổi âm nhạc thính phòng "Một Thời Ðể Nhớ", trình bày nhạc phẩm "Làng Tôi" của thầy Tiến (tức nhạc sĩ Chung Quân) và những sáng tác của các nhạc sĩ xuất thân Nguyễn Trãi như Vũ Thành An, Nam Lộc, Ðức Huy, Ngô Thụy Miên và Phạm Mỹ Lộc. Ðây cũng là dịp để ít nhiều các môn sinh của thầy Chung Quân đốt nén hương lòng tri ân thầy đã gieo âm thanh Việt Nam vào những trái tim thơ ngây của thời niên thiếu tại ngôi trường thân yêu Nguyễn Trãi, để sau này họ cống hiến cho đời những dòng nhạc tình bất hủ cho nền tân nhạc Việt Nam. Cũng nhân dịp này, tôi muốn nhắc đến một chút sử liệu để các bạn nhạc sĩ xuất thân từ trường Nguyễn Trãi đã thành danh trong nền tân nhạc Việt Nam, hãnh diện về ngôi trường của mình. Cụ Nguyễn Trãi không những là một khai quốc công thần của nhà hậu Lê về phần võ, văn chương của cụ cũng ngút ngàn nghĩa khí, còn về âm nhạc, cụ cũng là một nhà nhạc học sớm nhất của Việt Nam. Với kiến thức uyên bác về âm nhạc, cụ nhất quyết phản đối hoạn quan Lương Ðăng trong việc phỏng theo âm nhạc nhà Minh để san định lại nền âm nhạc Việt Nam sau khi đất nước thoát khỏi ách thống trị của Minh triều.
Sau cùng, còn rất nhiều cựu học sinh Nguyễn Trãi khác rất giỏi nhạc và nổi tiếng nhưng tôi chưa có dịp sinh hoạt chung nên xin lỗi các bạn (thí dụ như anh Ðỗ Bảo San cựu học sinh Nguyễn Trãi, tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, sau đi du học về sáng tác (composition) tại đại học Hawaii. Anh rất giỏi nhạc, qua anh Nguyễn Văn Ðính ở San Francisco năm 73, tôi có nhận được nhạc kịch "Trầu Cau" của anh. Sau lần trình diễn tại Ðại Học Hawaii, rồi sau không thấy phổ biến nữa.). Dù sao độc giả cũng miễn chấp cho người viết những chi tiết có thể không chính xác, hoặc thiếu sót, vì đây chỉ là dịp tôi muốn nhắc lại và chia sẻ với những bạn văn nghệ Nguyễn Trãi, trong nhưng năm qua tôi đã có duyên sinh hoạt với họ. Và bây giờ họ là những nhạc sĩ đã thành danh làm say mê hàng triệu con tim. Và nhất là ngày 28 tháng 7 năm nay tôi hy vọng gặp lại họ ở nhạc hội thính phòng tổ chức ở thủ đô của người tị nạn Little Sài Gòn (Orange County, California).
Phạm Văn Kỳ Thanh
Los Gatos 7/2002