Nghệ sĩ Tấn Tài từ thầy giáo trở thành tài tử


Có một giọng hát trời phú nhưng cha mẹ không cho theo nghiệp "xướng ca", nên ông đã phải trốn nhà lên Sài Gòn để theo đuổi niềm đam mê của mình. Chỉ 3 năm sau, năm 1963, Tấn Tài đã đoạt giải Thanh Tâm và được mệnh danh là "hoàng đế đĩa nhựa" bởi số lượng ra đĩa hát kỷ lục. Dưới đây là cuộc trò chuyện với ông.

Sau khi trốn nhà, ông làm cách nào để có được thành công sớm như vậy?

- Nhiều người tưởng rằng, con đường công danh sau đó của tôi suôn sẻ nhưng đâu phải vậy, cũng trầy trật lắm đấy! Khi đến Sài Gòn rồi, má còn lên bắt về mấy lần. Nghiệp ca của tôi cũng chẳng qua học hành mà chỉ nhờ vào giọng trời phú. Bởi vậy, tôi phải cố gắng rất nhiều để tự khẳng định mình.

- Vào cuối thập niên 60, mỗi ngày ông thu 5-6 đĩa hát và mỗi đĩa định giá là 12.000 đồng, tương đương với 1 lượng vàng lúc đó. Danh hiệu “ông hoàng đĩa nhựa” của ông có phải bắt nguồn từ đây?

- Tôi cũng không hiểu danh hiệu này có từ lúc nào. Hồi đó, bên Mỹ có ông vua nhạc rock Elvis Presley thì bên này cũng có ông hoàng đĩa nhựa chăng? Năm 1963, lương công chức của tôi là 1.800 đồng/tháng, sau khi đoạt giải tôi được trả cát-xê 1.700 đồng/đêm. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng đi hát là để thành danh và kiếm được nhiều tiền, mà chỉ đơn giản là để thỏa mãn niềm đam mê mà thôi.

- Hơn 10 năm nay không thấy ông xuất hiện trên sân khấu cải lương, trong khi các bạn đồng lứa như Bạch Tuyết, Diệp Lang vẫn diễn đều, ông làm gì trong thời gian đó?

- Tôi tập trung vào viết hồi ký, hôm nào cũng viết đến 4-5 giờ sáng, bữa nào đang vào mạch cảm xúc thì viết đến 8-9 giờ sáng hôm sau. Bên cạnh đó, tôi cũng tính làm một album sân khấu nói về cuộc đời và sự nghiệp của mình. Bây giờ già nhưng chưa xấu nên tranh thủ làm và cũng có cái để con cháu sau này coi cho biết.

- Ông nghĩ gì về lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay?

- Các bạn trẻ bây giờ tôi thấy sao mà đặt tên tùm lum, diễn thì uốn qua vặn lại, giọng ca cứ nhại lẫn nhau. Họ quên rằng muốn nổi tiếng thì phải có cái đặc trưng. Phải làm sao như nghệ sĩ Minh Phụng, Minh Vương, Mỹ Châu... nghe tiếng là biết chứ không cần thấy mặt.

- Theo ông thì yếu tố nào làm cho cải lương hiện nay không còn thu hút khán giả như trước?

- Hiện nay, các vở diễn không có nội dung mới, không súc tích nên không có khách. Tôi mong có một ông tỷ phú hay một ai đó rót tiền làm một sân khấu quy mô. Lúc đó, soạn giả phải viết mới chứ không xào đi, nấu lại, nghệ sĩ phải được mời đúng chỗ. Có như vậy, mời đóng một vai lính quèn, tôi cũng nhận lời.

(Theo Thanh Niên)