Lễ Hội Tuần Thánh trong Văn hoá Dân tộc Việt Nam

Lễ hội Tuần Thánh là một lễ hội mang nét đặc thù của người công giáo Việt Nam, có nguồn gốc từ nền văn hoá dân tộc, được thích ứng với Đức Tin công giáo.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống tín ngưỡng từ lâu đời, thờ kính thần linh một cách rất sùng mộ. Nền văn minh Lạc Việt vẫn luôn trân quý, tôn trọng những sinh hoạt tập thể, nét hợp quần vui hội vẫn luôn được thể hiện trong đời sống. Xuân thu nhị kỳ cầu an, kính vía vị Thần thành hoàng thường biến thành những ngày lễ hội. Tại các làng giầu có, to lớn, lễ hội có thể kéo dài hàng tuần, linh đình rực rỡ, vui nhộn náo nhiệt. Làng nhỏ không mấy dư giả, lễ hội cũng vẫn trang trọng, đầy mầu sắc. Đỉnh cao của ngày lễ hội bao giờ cũng là ngày “vào hèm”, tức là ngày diễn lại sự tích của vị Thần thành hoàng.

Dựa vào truyền thống đó, ngay từ khi đạo Công Giáo được rao giảng tại Việt nam, các linh mục thừa sai Dòng Tên cũng đã biến những nghi thức Tuần Thánh thành những ngày hội, vừa để giáo dân biết thêm về mầu nhiệm trong Đạo, vừa thoả mãn được nhu cầu lễ hội của giáo dân, ngăn cản được giáo hữu đi xem lễ hội ngoài làng mà các ngài cẩn thận sợ đức tin có thể bị lung lạc. Tuần Thánh là dịp thuận tiện để tổ chức lễ hội, vì thường diễn ra vào mùa Xuân. Công việc đồng áng của nhà nông miền Bắc trước đây đã vãn. Nó cũng còn trùng vào các dịp lễ hội ở ngoài làng:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà,

Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè.


Nhưng với người công giáo thì:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà,

Tháng hai Ngắm đứng, tháng ba ra Mùa.


“Ra Mùa” ở đây có nghĩa là hết Mùa Chay của công giáo, tức là Tuần Thánh và lễ Phục Sinh. Vào dịp này, các xứ Đạo miền Bắc ngày xưa thường tổ chức “tống lễ”, mừng lễ một cách rất long trọng, biến thành những ngày hội. Giáo dân khắp các họ lẻ tuốn về họ nhà xứ để tham gia lễ hội.

Lễ hội Tuần Thánh kéo dài ba bốn ngày. Chính thức vào hội là chiều Thứ Năm. Ta cần nhớ là các nghi thức Tuần Thánh theo sách lễ Rôma xưa đều được cử hành vào ban sáng. Sau cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô thứ 2, các lễ nghi mới cử hành vào buổi chiều như ngày nay. Vì thế thời đó, buổi chiều có thì giờ dành cho tổ chức lễ hội theo lễ nghi dân tộc. Chúng tôi dùng câu “theo lễ nghi dân tộc” ở đây, vì những nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa không làm theo nghi thức của Hội Thánh (theo sách chữ đỏ), mà diễn tả Tin Mừng theo tình cảm của dân tộc Việt Nam, để trình bầy Mầu nhiệm Cứu chuộc một cách sống động, qua các diễn biến như sau:

Rước Tiệc Chiên

Chiều Thứ Năm Tuần Thánh, tín hữu xưa diễn lại việc Chúa chủ tọa bữa tiệc ly ăn lễ Chiên vượt qua theo với nếp sống của văn hoá người Việt. Vì có đông người tham dự, không kể giáo dân mà còn có rất đông lương dân kéo đến xem, nên lễ hội thường được tổ chức tại sân cuối nhà thờ. Người ta trang hoàng một cái rạp trên bục cao để làm “nhà tiệc ly”. Ở xứ tôi nghe các cụ kể lại, có năm rạp ăn tiệc ly được cất toàn bằng mía, và lợp bằng bánh đa (bánh tráng nướng).

Những bàn tiệc được trang hoàng bằng những món ăn cao lương mỹ vị, những quả lạ trái mùa… Nhưng toàn là được đẽo gọt, sơn phết, bằng củ sắn, củ khoai lang, khoai sọ hay quả đu đủ…Chúng ta nhớ rằng mùa Chay xưa phải kiêng thịt đủ 40 ngày, nên mới có “Thứ Ba béo” trước Thứ Tư lễ Tro, để người ta ăn thịt cho thỏa mãn, hầu bước vào mùa Chay với những ngày dài kiêng thịt. Chính vì thế mà các món ăn trên bàn tiệc được làm chỉ để cho đẹp mắt. Trên bàn tiệc bao giờ cũng phải có mấy cây rau diếp, loại cây đã lên ngồng, trổ hoa vàng li ti như cánh bèo tấm, được bứng trồng vào cái tô men sứ làm tăng phần trang trọng. Việc này nhớ lại xưa dân Do Thái ăn chiên vượt qua họ cũng được lệnh phải ăn thịt chiên với rau diếp đắng (Xh 12,8).

Con chiên được đắp bằng cơm nếp mật. Bên ngoài dán bông làm lông, điểm thêm đôi mắt… và thế nào cũng phải có một lá cờ đỏ nhỏ, có thánh giá ở giữa, cắm trên lưng con chiên đó.

Cuộc rước tiệc chiên rất long trọng. Khởi hành từ một nơi có đặt tượng Đức Mẹ sầu bi, để đọc Đoạn “Đức Chúa Giêsu giã Đức Mẹ mà đi thành Giêrusalem”. Chiêng đổng trống cái vang vọng, phường kèn, phường trống râm ran. Những bàn tiệc được khiêng rước đi. Đi trước bàn tiệc là mười hai chức sắc đóng vai 12 tông đồ, mặc áo thụng lam có bối tử, đầu đội mũ quan viên, tay chống gậy tông đồ thếp vàng óng ánh. Mỗi vị có anh thanh niên mặc áo nậu cầm lọng đen che hầu. Rồi đến án thư rước con chiên, có che hai cây tàn đỏ, Vị linh mục chủ sự mặc áo capha đội mũ ba múi theo sau, có hai cây lọng xanh hộ tống.

Đến “nhà tiệc ly”, các vị ngổi vào vị trí hành lễ chung quanh bàn tiệc. Một thầy già trang trọng đọc bài “giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu” đoạn nói về việc Chúa ăn lễ Vượt qua. Đọc đến đâu, các viên chấp sự làm theo đến đó.

Nghi thức Rửa chân cho các môn đệ tiếp nối. Vị linh mục thay mặt Chúa Giêsu cử hành theo bài “giảng sự thương khó…”. Trước tiên là rửa chân cho Phêrô, trình thuật khúc này hơi dài vì Phêrô không đồng ý việc sư phụ lại rửa chân cho môn đồ, Chúa phải giải thích gương phục vụ của Ngài. Người được rửa chân kế là Giuda, rồi mới tới các tông đồ khác. Vì thế các chức việc được chọn làm tông đồ, ông nào cũng cố né ngồi chỗ thứ hai…

Nghi thức chấm dứt. Giáo dân vào nhà thờ để thông công Ngắm Đứng. Trong khi đó ngoài khuôn viên thánh đường, người ta đã thấy thấp thoáng “đám lính của các Thượng tế” mặc áo đỏ có nẹp, đội nón dấu, chân quấn xà cạp, tay mang gươm hay vác giáo, do “một quan cưỡi ngựa” chỉ huy, chuẩn bị hùng hổ đi lùng bắt Chúa. (ngựa này được đan bằng tre, phất giấy, người cưỡi cột chặt vào thắt lưng để mang ngựa theo, khi phi ngựa ông phải chạy).

Rước Kiệu Bắt

Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh là cao điểm của lễ hội. Hôm nay đúng là ngày “vào hèm” để diễn lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu Cứu Thế: “chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác” …

Mở đầu là cuộc rước Kiệu bắt, gọi là Kiệu bắt vì trong đó diễn lại việc Đức Giêsu bị quân dữ bắt đem đi hành hình. Cuộc rước này có tới ba kiệu: Kiệu bắt rước Tượng Chúa Giêsu vác Thánh Giá trên đường lên Núi Sọ, được khởi hành từ một nơi gọi là “Dinh Trấn Thủ”. Kiệu thứ hai rước Tượng Đức Mẹ sầu bi, có trái tim bị bảy cây kiếm đâm thâu, đặt tại một nơi khác gọi là thành Giêrusalem. Kiệu thứ ba là Tượng Thánh Gioan tông đồ, sắp tại nơi gần Dinh quan Trấn Thủ.

Kiệu Thánh Gioan về Giêrusalem báo tin cho Đức Mẹ: Chúa đã bị lên án tử và đang vác Thánh Giá ra pháp trường. Đức Mẹ vội vã theo Thánh Gioan đi đón để gặp mặt Chúa. Cứ thế, lộ trình của hai đoàn rước cùng tiến về nhà thờ. Khi hai đoàn kiệu gặp nhau, mỗi bên kiệu có một người “đọc đoạn” diễn lại những lời tâm tình của hai mẹ con khi gặp nhau trong cảnh bi thương ấy. Đức Giêsu yên ủi Đức Mẹ và xin Đức Mẹ trở về để khỏi chứng kiến cảnh Chúa bị hành hình. Nhưng Đức Mẹ nhất quyết đi theo đến tận nơi Chúa chịu đóng đanh để được góp phần đồng công cứu chuộc !… Khi người đọc đoạn bên kiệu Đức Mẹ đọc đến câu: “Con tôi đi đâu thì Mẹ theo đi đấy” … Trống chiêng lại lên hồi, hai đoàn rước nhập làm một, tiến vào nhà thờ, nơi đã dọn sẵn “đẳng ngắm” tượng trưng cho đồi Can-vê, pháp trường xử Chúa.

Đóng Đanh

Vào trong nhà thờ, cả ba kiệu cùng tiến lên gần cung thánh. Kiệu Chúa vác Thánh Giá được đưa vào hẳn trong cung thánh, sau bức màn ngăn cung thánh đã được buông sẵn. Kiệu Đức Mẹ đặt phía bên trái đẳng ngắm. Kiệu Thánh Gioan đặt phía bên phải, đối diên với kiệu Đức Mẹ.

Một vị “đọc đoạn” lão luyện, thường là một thầy già, có khi là một linh mục có giọng đọc diễn cảm, trang trọng đứng trên một bục cao để “giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu” qua đoạn quân Giudêu đóng đanh Chúa. Tiếng đọc đoạn thảm thương não nuột khi bổng khi trầm, lúc cao lúc dịu, diễn cảm tùy theo tình tiết mô tả cuộc hành hình. Thêm vào đó, khi đọc đến tình tiết nào thì từ cung thánh vọng ra những âm thanh đúng như được diễn đọc mô tả, như tiếng xé áo Chúa, tiếng xô vật Chúa trên Thánh giá, tiếng búa đóng đanh nghe chan chát chói tai rùng rợn… tiếng reo hò của quân dữ khi dựng Thánh giá lên…Quang cảnh ấy, âm thanh ấy làm nhiều người cảm động bật khóc thương Chúa…

Khi Thánh giá đã được dựng lên cũng là lúc bắt đầu ngắm 15 sự thương khó Chúa một cách trọng thể. Người ngắm mặc áo tang, được trống phách rước lên. Trong khi ngắm, được thầy già cầm trịch thưởng bằng những “lèo“ mèn, trống từ loại nhỏ đến loại lớn, lần lượt đánh nối theo nhau, thành một chuỗi âm thanh tiến cấp ! Những người ngắm giỏi thường được hưởng nhiều lèo, có khi lèo kép đôi, kép ba…

Cứ hết 5 ngắm, lại có một tốp thiếu nữ lên “dâng hạt” (ở xứ lớn có thể hai, ba dâu dâng hạt). Trong khi dâng hạt cũng có lèo thưởng.

Tháo Đanh, Táng Xác

Khi ngắm đến khoảng ngắm thứ 12, 13, ngoài nhà thờ có cuộc “tập đòn”. Người ta chuẩn bị cho việc tháo đanh, táng xác Chúa. Kiệu táng Xác là kiệu đặc biệt, phần chính kiệu là một “cái săng” lộng kính, được trang trí bằng những dây nả (lúa được rang lên cho nổ gạo ra như cái hoa, rồi dùng chỉ xâu lại).Các nhân viên phù giá kiệu táng xác (không gọi là đô tùy hay chân đòn đám ma) mặc đồ tang, tay cầm bộ “sênh”, tập khiêng kiệu cho có quy cách. Tiếng lệnh, tiếng sênh phải ăn khớp với bước đi cho đều, bày tỏ được sự cung kính cẩn trọng.

Kết thúc mười lăm ngắm và các dâu dâng hạt, đoàn người “tập đòn” ấy biến thành đoàn rước vào nhà thờ để tháo đanh, táng Xác Chúa. Đi trước kiệu là hai người đóng vai Giuse Amarithia và Nicôđêmô, mặc bộ đại tang, mỗi người mang theo một cái thang nhỏ, đầu thang có treo một cái búa và tấm khăn liệm trắng.

Khi hiệu lệnh đặt kiệu xong giữa lòng nhà thờ, bài giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu, đoạn tháo đanh, táng Xác được diễn đọc, hai vị đóng vai môn đệ tháo đanh Chúa cứ làm đúng theo diễn tiến của người đọc đoạn. Tượng Chuộc Tội được tháo xuống đặt trước kiệu Đức Mẹ, người ta cũng được nghe những tiếng than khóc thảm thiết của Đức Mẹ và Thánh Gioan qua sự diễn tả của những người nhập vai đọc đoạn. Cuối cùng thì Thánh Gioan cũng xin Đức Mẹ bớt sự phiền mà để cho môn đệ lo việc an táng.

Xác Chúa được liệm vào “săng”, vì “săng” được lộng kính nên mọi người có thể nhìn thấu. Kiệu táng Xác khởi hành. Mọi tín hữu tham dự đều mặc đồ trắng, đầu chít khăn tang, tay cầm nến sáng. Tiếng chiêng đồng, trống cái, tiếng lệnh, tiếng sênh cái, sênh con cứ tuần tự theo nhịp gióng ba vang lên. Khi tiếng sênh con vừa dứt là mọi người đồng loạt đưa cao cây nến và cất lên, cung điệu thảm thương chậm rãi, câu từ trong Kinh Cầu chịu nạn: “Chúa Giêsu đầy tớ táng trong hang đá - Thương xót chúng tôi” . Đoàn kiệu táng Xác cứ trang nghiêm lặp lại thứ tự những âm thanh ấy, cho đến hang đá.

Hang đá là mấy gian nhà đã được trang hoàng bằng cây tươi, cột lại thành đường vòm, chỉ có thể quỳ, nếu đứng phải lom khom, để mọi người vào kính viếng, hôn chân Chúa phải đi bằng hai đầu gối.

Khi kiệu táng Xác được đặt vào vị trí, linh mục chủ sự tiến vào hôn chân tượng Chúa đầu tiên. Ngài có xức dầu thơm để mọi người cảm nhận như hương thánh ân tràn vào tâm hồn qua việc tôn kính mồ Chúa. Người ta cũng đổ nả và hoa xoan vào “săng” khiến hang đá phảng phất một mùi thơm đặc biệt.

Đám ma Giuđa

Trong khi nhiều người còn đang chờ đến lượt lên hôn chân Chúa, thì ngoài kia lại có một đám tang nữa. Đó là đám ma Giuda. Tông đồ Giuda đã nhận 30 đồng bạc để nạp Chúa. Khi thấy Chúa bị án tử, y đem tiền trả lại các Thượng tế, họ không nhận mà còn tỏ vẻ khinh bỉ y, “và y đã ném bạc vào thánh điện, đoạn lui về mà ra đi thắt cổ” (Mt 27,5). Trong lễ hội có nơi còn làm một hình nộm Giuda, cho mặc quần áo xốc xếch, đem treo hình nộm ấy toòng teng trên một cây cao nào đó. Lại có một người đóng vai vợ Giuda đi tìm chồng, khi thấy Giuda treo cổ tự vẫn, nàng mới tri hô lên, người ta tuốn đến… Nàng khóc bù lu bù loa thảm thiết kề lể các tội của Giuda, và tiếc thay cho con người đã theo Chúa mấy năm trời mà vẫn bị tiền của che mất chân lý, lại thêm yếu lòng tin, thiếu lòng trông cậy và không có tình yêu mến, nên mới ra nông nỗi…

Người ta xúm lại xem đám ma Giuda không kèn không trống, ít người tham dự. Một vài người khiêng xác Giuda trên tấm ván thô sơ. Vợ y theo sau lẽo đẽo than khóc… Đám ma đi mất hút vào bóng đêm tăm tối.

Phá Lâm-bô

Theo phụng vụ của Hội Thánh, Thứ bảy Tuần Thánh là ngày âm thầm lặng lẽ, không cử hành lễ nghi nào. Thời gian này tượng trưng cho những giờ phút Chúa nghỉ yên trong mồ. Lễ hội Tuần Thánh hôm nay kỷ niệm Chúa chịu “chết và táng Xác, xuồng ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại.” Sáng Thứ Bảy xưa dùng để các đoàn thể và các họ trong xứ thay nhau viếng hang đá. Họ tổ chức những cuộc rước nhỏ, đem nả và nến đến viếng mồ và hôn chân Chúa. Buổi chiều có tổ chức rước kiệu đi Đàng Thánh Giá trọng thể ngoài trời, để cùng với Đức Mẹ ôn lại chặng đường khổ nạn Chúa đã đi qua. Kiệu ngắm Đàng Thánh Giá rước tượng Đức Mẹ sầu bi đứng dưới chân Thánh Giá có vắt tấm khăn trắng, hai cái thang dùng tháo đanh bắc hai bên.

Sau khi ngắm 14 nơi Đàng Thánh Giá, kiệu vào nhà thờ để tiếp tục Ngắm Dấu Đanh, suy niệm về Năm Dấu Thánh Chúa, đã bị đanh sắt, lưỡi đòng gây thương tích. Nguời ngắm cũng được trống phách rước lên và lèo thưởng như Ngắm Đứng.

Xong Ngắm Dấu Đanh là chuẩn bị cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Trong Thánh Lễ, các bài Sách Thánh diễn tả những biến cố quan trọng từ ngày Sáng thế, nhất là biến cố Vượt qua trong Sách Xuất Hành để chuyển sang cuộc Vượt Qua của Chúa Cứu Thế từ cõi chết bước qua Phục Sinh vinh hiển. Chủ tế long trọng hát mở đầu Kinh Gloria Vinh Danh Thiên Chúa…Chuông nhà thờ, sau ba ngày im bặt, lại vang ngân âm điệu hân hoan mừng Chúa sống lại khải hoàn. Từ mồ thánh, người ta rước tượng Chúa Phục Sinh uy nghi lẫm liệt lên bàn thờ. Ngay sau khi kiệu Chúa Phục Sinh ra khỏi mồ, đám thanh niên trai tráng hò reo phá Lâm-bô.

Lâm-bô hay còn gọi là Ngục Tổ tông như trong ngắm thứ 14 đã gẫm: “khi Linh hồn Đức Chúa Giêsu ra khỏi Xác xuống Ngục Tổ tông cứu những linh hồn Các Thánh xưa ở đấy…” nói lên ý nghĩa “Đức Giêsu đã xuống chỗ sâu thẳm của cõi chết, để những người chết được nghe tiếng Con Thiên Chúa, và những ai nghe tiếng Ngài thì được sống” (Ga 5,25) “vì Tin Mừng cũng đã được loan báo cho những người đã chết” (1Pr 4,6). Phá Lâm-bô ở đây là đám trai tráng vui đùa dỡ bỏ hang đá nơi đã đặt tượng Xác Chúa. Việc làm đó có mục đích nhấn mạnh cho mọi người: ý nghĩa cao trọng của Mầu nhiệm Cứu Chuộc, Chúa Phục sinh đã chiến thắng sự chết, phá tan xiềng xích tội lỗi của Satan, mở ra cho nhân loại một sinh lộ, dẫn đến Vương quốc Tình Yêu Thiên Chúa.

Kiệu Mừng

Để kết thúc cho những ngày Lễ Hội Tuần Thánh, chiều Chúa Nhật Phục Sinh là cuộc rước Kiệu Mừng. Gọi chung là Kiệu Mừng, nhưng thật ra cuộc rước này có hai kiệu. Kiệu Tượng Chúa Phục Sinh, và kiệu Tượng Đức Mẹ. Hai kiệu xuất phát từ hai địa điểm khác nhau, cùng tiến về nhà thờ, để rồi hai đoàn kiệu gặp nhau tại cuối nhà thờ. Ở đó có cuộc “bái kiệu”. Bái kiệu là các người chân kiệu vai vẫn khiêng kiêu, nhưng nghe theo hiệu lệnh phải bái gối. Để nghi thức bái kiệu được nhịp nhàng, cung kính nên đã có sự tập dượt kỹ. Bên kiệu Đức Mẹ có bốn cô thiếu nữ được tuyển chọn có giọng ca tốt, học câu Đức Mẹ chào mừng Chúa theo cung Ngắm Lễ Mùa Mừng, các thiếu nữ này đứng trong gầm kiệu, cũng phải bái theo tám người chân kiệu. Bên kiệu Chúa Phục Sinh bốn anh thanh niên cũng được tập hát cung Evan câu Chúa đáp lại.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Mẹ và Chúa Phục Sinh khi hai kiệu đứng đối diện nhau. Hiệu lệnh được ban ra, các đoàn thể đi kiệu dàn ra hai bên, cung chiêm cuộc bái kiệu. Kèn trống ngưng biểu diễn. Bầu khí trang nghiêm thinh lặng. Trống mèn chấp hiệu bên kiệu Đức Mẹ lên hiệu bắt đầu “bái kiệu”. Tám người khiêng kiệu và bốn thiếu nữ đều bái gối sao cho kiệu không rung, không nghiêng lệch. Khi kiệu đứng lên, tiếng chào bên kiệu Đức Mẹ được cất lên:

- “Mừng Con Tôi rầy đã được sống lại sáng láng vui vẻ vô cùng, i i i”


Kiệu Đức Mẹ bái Chúa ba lần, trịnh trọng và trang nghiêm. Đến bên kiệu Chúa Phục sinh bái đáp lễ một lần, tiếng chào đáp cũng được ngân lên:

- “Con mừng Mẹ cùng các Đầy tớ rầy được bình an, i i i”

Tiếng chào đáp vừa dứt, kèn trống lại nổi lên, hai đoàn rước nhập làm một tiến vào nhà thờ. Kiệu Chúa đi trước, kiệu Đức Mẹ theo sau. Khi các kiệu an vị hai bên cung thánh, là cuộc ngắm 5 sự Mừng của Kinh Mân côi, theo bản ngắm dài mà người ngắm đọc theo cung giọng Evan. Y phục của người lên ngắm là khăn đóng, áo thụng lam, họ cũng được rước lên bằng trống phách…

Giầu thêm văn hoá

Chúng tôi vừa trình bầy một số nét về cách diễn tả cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu, mà người công giáo Việt Nam trước đây đã cử hành theo tình cảm dân tộc, như một lễ hội. Chúng tôi chỉ viết theo những gì đã cảm nhận được từ thời thơ ấu mà năm nào cũng háo hức được đi xem. Mấy trang này chắc chắn không diễn tả hết được cái phong phú, cũng như ý nghĩa mà cha ông chúng ta muốn bày tỏ trong lễ hội. Chúng tôi ước mong sưu tầm được những tài liệu về đời sống đạo của người xưa, cũng như sự quan tâm góp ý của quý vị, để có thể viết được nhiều chi tiết về lễ hội này. Chúng tôi cũng đồng ý với nhiều người đã nhận ra đời sống đạo của người công giáo Việt Nam luôn thích ứng vào nét đẹp văn hoá và truyền thống dân tộc. Điều đó chứng tỏ rằng Đạo Công Giáo khi đến Việt Nam đã làm phong phú thêm cho nếp sống văn hoá Lạc Việt, chứ không phải người công giáo Việt Nam quên mất cội nguồn.

Dám mong một số nét tiêu biểu của Lễ Hội Tuần Thánh chúng tôi ghi lại trên, như một gợi ý cho các vị cao minh khai triển, đồng thời cũng giúp các bạn trẻ có một khái niệm về nếp sống đạo của cha ông chúng ta thuở trước.

(Tuần Thánh 2008)
Hoàng Đức Trinh