Phục Sinh Của Tử Đạo



Năm nay, ngày tưởng niệm các vị tử đạo truyền giáo trùng vào Thứ Hai Phục Sinh. Trong vẻ huy hoàng của mầu nhiệm vượt qua, ta nhớ đến tính nhất thiết của hy sinh, sự hy sinh của Chúa Kitô và sự hy sinh của những người bước chân theo Người, một dấu chỉ cho thấy sự thật và tình yêu chưa từ bỏ thế giới.

Rô-ma (AsiaNews) – Hàng năm, Giáo Hội Ý, nhất là Phong Trào Giới Trẻ Truyền Giáo, và Công Cuộc Truyền Giáo Giáo Hoàng, đã dành một ngày để tưởng niệm và cầu nguyện nhân danh các tử đạo truyền giáo. Biến cố này được cử hành khắp nơi với các buổi canh thức cầu nguyện và ăn chay, chầu Thánh Thể, và tiếp nhận dâng cúng cho các hoàn cảnh trong đó Giáo Hội đang bị bách hại.

Ngày được chỉ định để cử hành hàng năm là ngày 24 tháng Ba, ngày kỷ niệm vụ hạ sát Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám Mục San Salvador, chết năm 1980 đang khi cử hành Thánh Lễ. Năm nay, ngày ấy trùng vào việc cử hành Lễ Phục Sinh: thực vậy, 24 tháng Ba đúng là Thứ Hai Phục Sinh.

Việc trùng hợp này khá có ý nghĩa. Vì trước hết, trong cái độ huy hoàng rực rỡ toàn bộ của Phục Sinh, nó nhắc ta nhớ đến tính nhất thiết của hy sinh, trước nhất của Chúa Kitô và thứ đến của những ai bước chân theo Người. Trong một thế giới mà mộng mơ là điều gì cũng phải dễ dàng, không khó khăn, thì Thập Giá Chúa Kitô và của các tử đạo hẳn phải là cái giá “cần thiết” (Luca 24:26) để ánh sáng Phục Sinh có thể chiếu tỏa ra. Và mặt khác, trong một thế giới, và cả trong một Giáo Hội, trong đó người ta bị cám dỗ mạnh cứ phải “phù hợp theo”, cứ phải tương đối hóa, không được làm tình hình rối ren, cứ phải chán ngấy điều tốt đẹp, thì sự hy sinh của các tử đạo hẳn phải nhắc ta nhớ rằng sự Khôn Ngoan của Thập Giá cuối cùng thế nào cũng đụng độ với sự khôn ngoan của thế gian. Vì lý do đó, ơn tử đạo vẫn là một trong các đặc điểm yếu tính trong việc công bố Kitô giáo, song song với đối thoại, hội nhập văn hóa, tình thân hữu, và việc phục vụ.

Đức Bênêđictô XVI tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công bố và tử đạo đối với Giáo Hội và thế giới ngày nay. Ở đây, chỉ cần nhắc lại lòng biết ơn Ngài từng bày tỏ với các vị tử đạo của Giáo Hội tại Trung Hoa, trong thư gửi tín hữu Nước này (số 2) hay trong Thông Điệp Spe Salvi (số 37), khi Ngài trích dẫn Thánh Tử Đạo Việt Nam, Phaolô Lê Bảo Tịnh, để nhắc đến đau khổ như nẻo đường dẫn đến hy vọng.

Đó là một giá trị khác của việc trùng hợp Ngày Tử Đạo và Lễ Phục Sinh. Vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Phục Sinh, quả không nên ăn chay và sầu buồn. Năm nay, giới trẻ càng có lý do để nhấn mạnh đến niềm vui, một niềm vui vốn hiện diện trong ơn phúc tử đạo. Vì quà tặng cuộc sống ta, một cuộc sống được sống như một tình yêu biết ơn đối với Chúa Giêsu Kitô, quả là một hứa hẹn đem lại hoa quả tốt tươi cho thế giới. Sự hy sinh của tử đạo đem lại một dấu chỉ cho thấy sự thật và tình yêu, và cả Chúa Kitô nữa, chưa từ bỏ trần gian này, nhưng vẫn sống, vẫn tỏa chiếu ngay trong hố thẳm sự ác.

Vì tất cả các lý do trên, chúng tôi xin kính tặng các độc giả danh sách tất cả các tử đạo bị sát hại trong năm 2007. Đây là một danh sách đại kết, không phải chỉ gồm các tử đạo Công Giáo, mà cả các vị thuộc các tuyên xưng Kitô giáo khác. Ta nên nhớ rằng đại kết và cuộc chiến đấu tiến tới hiệp nhất giữa các Giáo Hội đã được hạ sinh và nuôi dưỡng chính là vì sự kiện tất cả cùng chịu chung một số phận, như lịch sử từng chứng minh và hiện vẫn còn rõ ràng trong nhiều quốc gia (Nga, Trung Hoa, Việt Nam, Kenya, Saudi Arabia, Ai Cập, Iran…). Đây cũng là danh sách không phải chỉ dành cho Á Châu, mà bao gồm toàn thế giới. Nhưng Á Châu chiếm vị trí trổi vượt: các xứ có con số sát hại lớn nhất người Kitô hữu trong năm 2007 là Iraq với 47 người bị sát hại, và Ấn Độ với 18 người. Với sự kiện ấy, ấn tượng cho rằng Á Châu là “lục địa tử đạo” quả đã được củng cố nhiều lắm. Và cũng chính vì lẽ đó, Á Châu phải được tập chú như là mảnh đất phúc âm hóa của thiên niên kỷ thứ ba.

Tưởng niệm các tử đạo có nghĩa là nhớ rằng niềm hy vọng phục sinh đã gần kề. Tại Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Ngoại Quốc, người ta vốn có một truyền thống: khi có tin ai trong Viện bị chết vì đạo, toàn thể cộng đoàn tụ họp tại Nhà Thờ để hát kinh Ngợi Khen (Magnigicat): Chúa đã làm những điều trọng đại bằng cách kết hiệp vào Thập Giá và Phục Sinh của Người quà phúc của một trong chính cuộc đời chúng con.

Danh sách này tuy dài nhưng không đầy đủ: nó chỉ bao gồm tên những người được người khác biết đến nhờ cái chết của họ được ít nhất hai nguồn xác nhận. Người ta có thể dùng nó như một ‘kinh cầu’ dài, xin các tử đạo này cầu bầu cùng Chúa của lịch sử ban nhiều xót thương cho thế giới, và trên hết, cho những người bách hại.

Cho Các Con Và Mọi Người…

Năm nay, chủ đề được Phong Trào Giới Trẻ Truyền Giáo và Công Cuộc Truyền Giáo Giáo Hoàng chọn để kỷ niệm lần thứ 16 Ngày Tưởng Niệm Tử Đạo Truyền Giáo là “…cho các con và mọi người”. Đây là những lời linh mục đọc lúc truyền Máu Thánh theo đúng lời Chúa Giêsu phán khi xưa ở Bữa Tiệc Ly.

Chúng tôi cho đăng danh sách đại kết các tử đạo dưới đây vì các vị tử đạo vừa Công Giáo vừa không Công Giáo này quả đã làm mới lại quà phúc của Chúa Giêsu ban tặng thế giới ngày nào qua câu nói bất hủ vừa trích.

Afghanistan

Bae Hyung-kyu, 42 tuổi, một người Thệ Phản Nam Hàn, bị Taliban sát hại tại quận Qarabagh, tỉnh Ghazni, sau khi bị bắt cóc cùng với 24 thành viên của Cộng Đoàn Giáo Hội Saemmul, mà ông là lãnh đạo. Ông bị giết vào đúng ngày sinh nhật.

Shim Sung-min, 29 tuổi, một thành viên của nhóm Kitô Hữu Nam Hàn bị bắt cóc hồi tháng Bẩy, được tìm thấy xác vào ngày 31 tháng Bẩy tại tỉnh Ghazni, do quân bắt cóc Taliban giết.

Brazil

Cha Wolfgang Hermann, 46 tuổi, một linh mục Công Giáo thuộc tổ chức Fidei Donum (Tặng Phẩm Đức Tin), bị giết ngày 10 tháng Tư tại Belém, phía bắc nước này, do một thanh niên đột nhập nhà để cướp bóc ngài.

Colombia

Cha Mario Bianco, một nhà truyền giáo Công Giáo thuộc tu hội Consolata, 90 tuổi, chết ngày 15 tháng Hai tại Manizales do vết thương ngài chịu bởi tay quân cướp đột nhập vào nhà ngài.

Cha José Luis Camacho Cepeda, 54 tuổi, một linh mục Công Giáo Peru, bị đâm trọng thương tai nhà ngài ở Bogotà vào ngày 11 tháng Ba.

Humberto Mendez, 63 tuổi và Joel Cruz Garcia, 27 tuổi, hai mục sư giáo phái Pentecostal, bị bắt cóc và bị giết ngày 6 tháng Bẩy dưới tay Lữ Đoàn 17 thuộc phong trào du kích FARC ở làng El Dorado, quận phía nam của Huila.

José Climaco Chocué Camayo, tuổi 44, một thiện nguyện viên với tổ chức Công Giáo không phải của chính phủ, tên là “Italia Solidale”, bị các tay sát nhân chuyên nghiệp giết ngày 25 tháng Chín tại thung lũng Cauca, sau khi nhận được nhiều thư đe doạ từ tổ chức “Chim Ưng Đen”, một tổ chức bán quân sự, vì ông đã bênh vực người thổ dân của Cauca.

Bắc Hàn

Một nhà truyền giáo tin lành chịu án tử hình đầu tháng Giêng vì đã tàng trữ và phân phối các bản Tân Ước.

Ai Cập

Sadak Jamak và Karam Andraus, hai Kitô hữu Coptic, bị giết đầu tháng Mười tại làng El Kosheh, cách nam Cairo 390 cây số. Các nhà cầm quyền xếp việc này vào loại “biến cố bạo lực”.

Eritrea

Magos Solomon Seemere, 30 tuổi, một Kitô hữu thuộc Giáo Hội Rema không được chính phủ nhìn nhận, sau 4 năm rưỡi ngồi tù, chết trong trại quân Adi-Nefase do hậu quả bị tra tấn nhân vụ bị bắt lần đầu năm 2001, vì các hoạt động truyền đạo.

Ethiopia

Ajja Delge, một tín hữu tin lành, bị giết ngày 5 tháng Giêng do những người vô danh tại thành phố Kofele, một khu vực đa số theo Hồi Giáo.

Teddese Tefera Akufo, một tín hữu tin lành quê ở Jimma, thuộc vùng Oromiya, bị ném đá cho đến chết ngày 26 tháng Ba do các người quá khích Hồi Giáo Wahhabi. Họ đã bắt cóc khi ông đang truyền đạo và cưỡng bức đưa ông tới một đền thờ Hồi Giáo. Ở đấy, họ đã giết ông để “cảnh cáo” các Kitô hữu khác.

Phi Luật Tân

Cha Franciskus Madhu, 30 tuổi, một nhà truyền giáo người Nam Dương thuộc Tu Hội Lời Chúa, bị ám sát ngày 1 tháng Tư tại làng Mabungtot, giáo phận Tabuk, thuộc đảo Luzon phía bắc. Ngài ở Phi Luật Tân từ năm 2005.

Julia Campbell, 44 tuổi, một người Công Giáo Mỹ và là thiện nguyện viên cho tổ chức Peace Corps của Liên Hiệp Quốc, xác được tìm thấy ngày 18 tháng Tư tại làng Batad, thuộc tỉnh Lagazpi City, nơi bà dạy Anh Văn tại một trường nội trú được mấy tháng. Là một nhà báo tự do, bà từng viết cho các tờ New York Times và People. Kẻ tình nghi sát nhân là Juan Donald Duntugan, đã thú tội và hiện đang bị xử.

Justin Daniel Bataclan, một chủng sinh Công Giáo 20 tuổi thuộc Hội Thánh Phaolô, bị bắn chết ngày 7 tháng Sáu do một tên cướp đột nhập vào nhà ông ở Cubao, Quezon City, một khu vực ngoại ô Manila.

Cha Florante Rigonan, 48 tuổi, cha xứ giáo xứ Công Giáo Thánh Isidore thuộc Pinili, tỉnh Llocos Norte phía bắc, là nạn nhân một vụ phục kích vào ngày 27 tháng Tám, sau khi cử hành Thánh Lễ ban chiều.

Martin Ambong, 48 tuổi mục sư nhà thờ Giáo Hội Chúa Giêsu Là Chúa, chết sau khi bị đâm 16 lần vào ngày 26 tháng Mười, tại khu vực Barangay Perez thuộc Kidapawan City, thuộc tỉnh North Cobato ở phía nam. Hung thủ là thành viên cộng đoàn của mục sư.

Anh Quốc

Cha Paul Bennett, 59 tuổi, một linh mục Anh Giáo, có gia đình và là cha 2 đứa con, bị giết ngày 14 tháng Ba tại Trecynon, gần Aberdare xứ Wales. Hung thủ là Geraint Evans 24 tuổi, một người thờ Xa-tan, đã thú nhận tội ác.

Guatemala

Enrique Alberto Olano Merino, một sư huynh Công Giáo dòng Marist, bị sát hại ngày 9 tháng Sáu tại Guatemala City, dưới tay những tên phạm thường tội.

Ấn Độ

Bansi Lal, 18 tuổi, một Kitô hữu thuộc giáo hội Pentecostal, bị liệng từ một toa xe lửa đang chạy ngày 9 tháng Giêng, trong khi cô từ nơi cầu nguyện trở về nhà tại tiểu bang Madhya Pradesh. Người ta tin chắc hung thủ thuộc nhóm Ấn Giáo Quá Khích gọi là Bajarang Dal.

S. Stanley, 58 tuổi, cựu nhân viên hành chánh công quyền và là chủ nhân một căn nhà được dùng làm nhà thờ địa phương, bị đâm chết ngày 10 tháng Hai tại Kalliyoor, gần Thiruvanandapuram, thủ đô bang Kerala phía nam. Tên sát nhân được một nhóm thanh niên say sưa thuê. Nhóm này từng la hét những khẩu hiệu chống Kitô giáo bên ngoài căn nhà nạn nhân.

Goda Israel, 29 tuổi, một mục sư Thệ Phản, tốt nghiệp Viện Thánh Kinh Emmanuel ở Rajasthan và là giám sự của 15 nhà thờ địa phương thuộc Sứ Bộ Truyền Giáo Quốc Tế Emmanuel. Xác ông được tìm thấy ngày 20 tháng Hai ở quận Krishna, thuộc bang Andra Pradesh. Ông từng bị các người cực đoan Ấn Giáo đe dọa vì các hoạt động truyền giáo của mình.

Manzoor Ahmad Chat, 29 tuổi, một Kitô hữu tin lành chưa được rửa tội nhưng đã được kết nạp vào Giáo Hội Thừa Tác Vụ Tiếng Nói tại Salem thuộc Kashmir, bị các người Hồi Giáo Cực Đoan loại trừ. Họ bắt cóc và chém đầu ông, và ngày 14 tháng Tư để chiếc đầu bị chặt trước một đền thờ Hồi Giáo. Người ta hoài nghi nhóm tranh đấu Hizbul, tức nhóm “chiến sĩ tự do”, một tổ chức Hồi Giáo quá khích hoạt động giữa Pakistan và Ấn Độ.

Hemanta Das, 29 tuổi, một người Ấn Giáo trở lại theo Giáo Phái Baptist, bị đánh cho đến chết vào ngày 28 tháng Sáu tại Chand Mari, gần Guwahati, thuộc bang Assam phía bắc. Theo Ngul Khan Pau, thư ký Hội Đồng Các Giáo Hội Baptist tại đông bắc Ấn Độ, Das là “vị tử đạo đầu hết của Assam”.

Ajay Topno, 38 tuổi, một người tin lành và là nhân viên của đài phát thanh Trans World Radio, bị giết ngày 19 tháng Chín gần làng Sahoda, thuộc quận Ranchi, bang Jharkhand. Các người cực đoan Ấn Giáo thuộc khu vực này, trước đó, từng đe doạ sẽ tấn công các Kitô hữu “có tội” dụ dỗ người theo Ấn Giáo. Báo chí địa phương gán vụ sát hại này cho nhóm Hổ Giải Phóng Của Jharkhand, một nhóm chủ trương ly khai, nhưng họ bác khước.

MC Elias, 47 tuổi, một Kitô hữu làm cảnh sát viên thuộc Giáo Hội Thừa Tác Vụ Tiếng Nói Salem, bị giết ngày 26 tháng Mười trong khuôn viên đại học Changanassery thuộc quận Kottayam, bang Kerala. Ông từng có công giảng hòa hai nhóm sinh viên bất đồng. Theo ông bộ trưởng nội vụ của Kerala, thì nhóm “chiến sĩ BJP”, một đảng cực đoan gốc Ấn Giáo, đứng đàng sau vụ sát hại này.

Sudroo, một mục sư Kitô giáo, thuộc quận Jagdalpur, bang Chhattisgarh, là nạn nhân một vụ tấn công của người Ấn Giáo cực đoan vào ngày 20 tháng Mười Một.

Vipin Mandloli, 27 tuổi, một tín hữu tin lành từ Ấn Giáo trở lại. Ông bị bắn chết ngày 14 tháng Mười. Người ta tin rằng ba tư tế Ấn Giáo đã trừ khử ông và dâng mạng sống ông cho nữ thần Kali.

Chín Kitô hữu bị giết nhân cuộc bạo động xẩy ra tại bang Orissa trong mùa Giáng Sinh: bẩy người bị ám sát ngày 27 tháng Mười Hai, trong số ấy năm người chết khi các người Ấn Giáo cực đoan tấn công nhà cửa của các Kitô hữu thuộc làng Barakhama, quận Kandhamal; hai cái chết còn lại do cảnh sát gây nên. Họ bắn xả vào các Kitô hữu biểu tình chống các cuộc tấn công trên. Hai Kitô hữu nữa chết nhân các cuộc đụng độ trước đó.

Iraq

Một thư ký trẻ thuộc một y viện tại Mosul, bị giết ngày 9 tháng Giêng khi cô trở về thành phố Bartella.

Một Kitô hữu thuộc giáo xứ Thánh Phaolô ở Mosul, bị ám sát ngày 10 tháng Giêng ngay tại cửa nhà ông, khi ông đang cố gắng chống cự lại một mưu toan đánh cướp.

Isaac Esho Alhelani, 64 tuổi, một Kitô hữu người Át-xi-ri và là nguyên phó giám đốc Công Ty Hàng Không Iraq, bị các người cực đoan Hồi Giáo bắn chết ngày 8 tháng Hai tại Mekanik, gần Baghdad, khi đang lái chiếc xe của ông cùng với vợ.

Fawzeiyah và Margaret Naoum, hai nữ tu Kitô giáo Can-đê cao niên tại Kirkuk. Các vị bị giết tại nhà vào ngày 26 tháng Ba, bởi những người vô danh: không có dấu hiệu gì là cướp bóc xẩy ra cho căn nhà.

Cha Ragheed Ganni, 32 tuổi, một linh mục Can-đê tại Mosul, bị ám sát ngay tại cửa Nhà Thờ Chúa Thánh Thần sau khi cử hành Thánh Lễ.

Basman Youssef Daoud, Ghasan Bidawid, và Wahid Hanna, cả ba đều là phó tế trong Giáo Hội Can-đê, cùng bị giết với Cha Ganni. Cả ba đều là hộ vệ viên của Cha Ganni, do tình hình an ninh tại Mosul xấu đi vì hoạt động của nhóm khủng bố Hồi Giáo chống lại thiểu số Kitô giáo.

Hai Kitô hữu, bị ám sát ngày 19 tháng sáu, tại khu vực Nour ở Mosul.

Zuhair Youssef Astavo Kermles, 49 tuổi, và Luay Solomon Numan, 21 tuổi, đều là Kitô hữu tại Mosul, bị giết trong một vụ phục kích của nhóm khủng bố vào ngày 27 tháng sáu. Cả hai đều là thành viên của tổ chức Đoàn Kết Quốc Gia Bet-Nahrin.

Samir Estephan Mikkha Duda, một Kitô hữu người Át-xi-ri ở Baghdad, bị ám sát bởi những người đàn ông vô danh có súng ống vào ngày 3 tháng Mười.

Franco Ishak, Một Kitô hữu người Át-xi-ri ở Baghdad, bị ám sát tại thủ đô ngày 7 tháng Mười.

Bassam Yousif Elias, một Kitô hữu tại Mosul, bị giết sau phụng vụ Chúa Nhật ngày 7 tháng Mười mà ông tham dự tại nhà thờ al-Tahira.

Maro Awanis, 48 tuổi, mẹ ba người con gái và là thành viên Giáo Hội Ác-mê-ni, bị giết ngày 9 tháng Mười tại Baghdad trong một cuộc phục kích do những người đàn ông bịt mặt tiến hành.

Geneva Jalal, một Kitô hữu thuộc Giáo Hội Ác-mê-ni, bị ám sát tại Baghdad ngày 9 tháng Mười.

Một cặp vợ chồng Công Giáo người Iraq quê ở Mosul, bị giết ngày 23 tháng Mười, sau khi chủ sự một buổi cầu nguyện tại nhà họ. Hai mươi bẩy Kitô hữu bị thanh toán trong hai tháng Chín và Mười tại Mosul và Kirkuk: tin tức này do Lucas Barini, phát ngôn viên của Hiệp Hội Hoà Bình Kitô Giáo, cung cấp, theo các phúc trình của Văn Phòng Liên Hiệp Quốc Phối Hợp Nhân Đạo Sự Vụ.

Kenya

Cha Martin Addai, 46 tuổi, nhà truyền giáo Công Giáo thuộc dòng Các Cha Trắng, bị bọn cướp sát hại ngày 10 tháng Ba tại Nairobi.

Mễ Tây Cơ

Cha Humberto Macias Rosales, 52 tuổi, một linh mục Công Giáo tại Aguascalientes, bị giết chiều ngày 1 tháng Năm. Ngài từng bị đe doạ giết chết trước đó, và có lần đã bị đâm vì cố gắng giúp các thanh thiếu niên từ bỏ ma túy.

Cha Fernando Sanchez Duran, một mục tử tại Santiago Tlaltepoxco, bắc Mexico City, bị bắt cóc và tìm thấy xác ngày 22 tháng Bẩy; ngài từng nổi tiếng trong các công việc giúp đỡ các thanh thiếu niên ghiền ma túy trong vùng.

Cha Ricardo Junoius, 70 tuổi, một linh mục Công Giáo thuộc Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, sinh tại Chicago, Mỹ, nhưng đã sống nhiều năm tại Mexico City. Tìm thấy xác ngày 29 tháng Bẩy trong nhà xứ Nhà Thờ Đức Mẹ Guadalupe, thuộc khu vực San Rafael, với nhiều dấu hiệu bị tra tấn và xiết cổ. Ngài rất tận tụy trong công tác giúp thanh thiếu niên thoát nạn rượu chè và ma túy.

Nigeria

Christianah Oluwatoyin Olusase, một thầy giáo Kitô giáo tại một trường ở Abuja, bang Gombe phía bắc, bị một nhóm học sinh Hồi Giáo đánh đến chết, chúng tố cáo bà bôi bác Kinh Kô-răng. Biến cố này xẩy ra từ giữa tháng Ba.

Chín Kitô hữu bị giết giữa cuối tháng Chín và bắt đầu tháng Mười tại bang Kano phía bắc. Một nhóm Hồi Giáo cực đoan tấn công một trường trung học tại Tudun Wada, và thi hành một vụ tàn sát dựa vào tin đồn một số học sinh Kitô giáo “phạm thượng”. Một cảnh sát viên địa phương cho hay có “nhiều thân thể bị chém què cụt đáng sợ”.

Pakistan

Sadiq Masih, 45 tuổi, một người Thệ Phản, bị đánh cho chết ngay tại nhà ông ngày 30 tháng Bẩy, do các người thuộc gia đình Chaudri mà ông từng làm việc cho. Bị nhục mạ vì đức tin Kitô giáo, ông đã phải từ bỏ công việc canh nông của mình để làm việc cho gia đình Chaudri.

Arif Khan, 50 tuổi, một giám mục thuộc Giáo Hội Baptist ở Rawalpindi, và vợ là Kathleen, 45 tuổi, cả hai đều là công dân Mỹ, bị ám sát ngày 9 tháng Tám tại Islamabad. Một cặp vợ chồng Kitô giáo ở thành phố Wana bị bắt vì vụ sát hại này, bị truy tố về tội đã ra lệnh giết hai người ví lý do “danh dự”: nhưng theo các nguồn tin Kitô giáo tại địa phương, đó chỉ là tạo hoẹt mà thôi. Thủ phạm đích thực là Said Alam, một người Hồi Giáo.

Bo Brekke, 50 tuổi, một Kitô hữu người Na Uy và đứng đầu phái bộ Cứu Tế Quân tại xứ này, bị hạ sát ngày 27 tháng Chín, tại văn phòng ông ở Lahore. Ông có mặt tại Pakistan một năm; hình như vụ giết người có liên quan đến một vụ cướp.

Cộng Hòa Dân Chủ Congo

Cha Richard Bimeriki, một linh mục Công Giáo tại giáo xứ Jomba, bắc Kivu, chết ngày 7 tháng Tư, Chúa Nhật Phục Sinh, do các vết thương gây ra trong một vụ tấn công xẩy ra tại giáo xứ của ngài vào ngày 12 tháng Ba, bởi những người mang quân phục.

Nga

Oleg Stupichkin, 41 tuổi, một linh mục Chính Thống, bị giết ngày 5 tháng Giêng, vọng Lễ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo, tại nhà thờ của ông ở Neivo-Shaitansky, gần Yekaterinburg. Các hung thủ là hai tên đánh trộm tượng ảnh; vị linh mục này để lại vợ và bốn đứa con.

Cha Pyotr, một linh mục Chính Thống, bị đâm chết ngày 4 tháng Ba, trước khi chủ tọa buổi phụng vụ ban chiều tại nhà thờ của ông ở Voronezh.

Đan Sĩ Chính Thống Avenir Smolin, 29 tuổi, cha sở nhà thờ Chúa Thăng Thiên ở Furmanov, vùng Ivanovo, bị tên trộm sát hại ngày 21 tháng Tám.

Tây Ban Nha

Cha Salvador Herandez Seller, 75 tuổi, một linh mục Công Giáo, chết ngày 11 tháng Tư do các vết thương ngài chịu nhân cuộc phục kích tại nhà của ngài ở Murcia. Ngài là tuyên úy cho các di dân.

Cha Tomas Perez, 75 tuổi, một mục tử Công Giáo tại Villafranca de Cordoba, được tìm thấy xác ngay tại nhà ngày 16 tháng Bẩy. Thân thể ngài có nhiều dấu hiệu rõ ràng bị bạo hành.

Sri Lanka

Nallathamby Gnanaseelan, 38 tuổi, mục sư thuộc Giáo Hội Truyền Giáo Tamil tại Jaffna, bị lực lượng an ninh của chính phủ sát hại ngày 13 tháng Giêng. Theo lục quân, ông chuyên chở chất nổ và không tuân lệnh ngừng lại giữa đường; các tín hữu thuộc nhà thờ ông bác bỏ điều cáo buộc ấy.

Cha Thiruchelvam Nihal Jim Brow, 35 tuổi, một linh mục Công Giáo, xác bị chặt xé thảm thương của ngài đã được tìm thấy ngày 14 tháng Ba tại Pungudetheevu, một vùng duyên hải gần thành phố Jaffna. Ngài bị mất tích năm 2005 sau khi tố cáo vụ tàn sát do lục quân thi hành tại một trường học, trong một cuộc tấn công chống các loạn quân ly khai của tổ chức Hổ Tamil.

Cha Nicholaspillai Packiyaranjith, 40 tuổi, một linh mục Công Giáo và là điều hợp viên Dịch Vụ Tỵ Nạn của Dòng Tên tại Mannar, là nạn nhân của vụ đánh bom dọc đường vào ngày 26 tháng Chín, gần trại tỵ nạn Vidathalvu.

Nam Phi

Cha Allard Msheyene, 42 tuổi, một linh mục Công Giáo thuộc Dòng Tận Hiến Truyền Giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm, chết ngày 6 tháng Mười sau một cuộc tấn công trong vùng Msogwaba.

Su-đăng

Daniel Girgis, 37 tuổi người Ai Cập, Markous Tiya, RihabKafi Jadeen, người Su-đăng, và một thanh niên khác (không được nhận dạng), đều là tín hữu tin lành, bị những người vô danh sát hại ngày 27 tháng Tư, sau khi tổ chức buổi họp huấn luyện Kitô hữu tại Torogoi, vùng cao nguyên Nuba. Cả bốn người đều là thành viên của Giáo Hội Tin Lành Bahry tại Khartoum. Theo các nguồn tin Kitô giáo địa phương, người ta tập trung hoài nghi vào những người cực đoan Hồi Giáo, khó chịu vì các hoạt động truyền giáo của nhóm Kitô hữu này.

Adam Adam, một nhân viên nhân đạo của tổ chức phi chính phủ Cùng Hành Động Bên Các Giáo Hội, một tổ chức đồng hành với Caritas, bị ba người đàn ông có vũ trang giết ngày 17 tháng Sáu. Ông là một trong các giám đốc của trại tỵ nạn tại Khamsa Degaig, gần Zalingei, tây Darfur, nơi 100,000 người rời cư đang trú ngụ.

Ngày 27 tháng Chín, năm thanh thiếu niên bị giết bởi một kháng chiến quân thuộc Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng Su-đăng (SPLA), người đã tự sát bằng lựu đạn sau khi đột nhập vào một nhà thờ tại Khorfulus, cách tây nam Malakal, thuộc bang Thượng Sông Nin, 40 cây số. Tên họ là Donguei Matok Chan, 8 tuổi, Dhieu Nyandual, 20, Nyaniok Ryak Chol Ayoum, 11, Nyawyly Kon Rwaj, 11, Simon Chol Charles Thon Arob, 17.

Lãnh Thổ Palestine

Rami Khader Ayyad, 32 tuổi, một tín hữu Thệ Phản người Palestine, bị giết ngày 7 tháng Mười ở Gaza; xác ông cho thấy rõ những dấu hiệu bị tra tấn. Khader quản lý tiệm sách Kitô giáo duy nhất tại Gaza, có liên hệ với Hội Thánh Kinh Palestine. Tiệm sách này bị tấn công tháng Tư năm trước, và người ta nhận được nhiều lời đe dọa bị giết. Cha David Maria Jeager, cựu phát ngôn viên của ban Trông Coi Đất Thánh, gọi Ayyad là một vị “tử đạo”.

Trinidad và Tobago

Kelvin Austin, 34 tuổi, lãnh đạo một nhà thờ độc lập, bị bắn chết ngày 21 tháng Ba tại khu vực Moruga. Vị mục sư này thường cảm thấy bị đe doạ và đã từng xin nhà cầm quyền che chở.

Thổ Nhĩ Kỳ

Necati Aydin, 35 tuổi, Ugur Yuksel, 32 tuổi, cả hai là người Thổ, và Tilmann Geske, 46 tuổi, công dân Đức, tất cả đều là Kitô hữu tin lành, bị cắt cổ ngày 18 tháng Tư tại cơ sở chính của nhà xuất bản Zirve thuộc thành phố Malatya, nơi phát hành các sách thánh và sách đạo khác bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Các nghi phạm hiện đang bị xét xử: họ là bẩy thanh niên thuộc phe duy dân tộc, những người được tin là có móc nối với phe Hồi Giáo cực đoan.

Việt Nam

Vin Y Het, mới 20 tuổi, một Kitô hữu thuộc dân tộc thiểu số Hroi, chết ngày 20 tháng Tư tại Sơn Hòa, thuộc tỉnh duyên hải Phú Yên, vì bị cảnh sát đánh trong một cuộc tra tấn. Cảnh sát muốn anh từ bỏ đức tin. Anh để lại người vợ đang mang thai và hai con nhỏ.

Tất cả là 123 nạn nhân. Các quốc gia có liên hệ: 126.

Vũ Văn An

chuyển ngữ theo Bernardo Cervella và Lorenzo Fazzini, AsiaNews 21-03-2008
Vũ Văn An