Giai đoạn hai

Nhận biết thương tổn và sự nghèo nàn của mình




Sự Thật sẽ giải thoát các con.

Phúc Âm theo thánh Gioan

Một nhà tâm lý trị liệu già dặn kinh nghiệm tâm sự với tôi : "Tôi đã đi đến xác tín rằng đa số những bệnh tâm thần đều có nguồn gốc ở một sự phủ nhận hoặc không có khả năng chịu đau khổ". Quả thực, nếu sau khi bị một xúc phạm mà bạn không thuận tình nhận biết và thừa nhận nỗi đau của bạn thì bạn sẽ liều không bao giờ đạt tới sự tha thứ đích thực được. Sự tha thứ mà bạn tưởng cho đi đó cuối cùng sẽ là một hình thức tự vệ chống lại đau khổ.

Bạn sẽ không bao giờ thành công trong việc tha thứ được, nếu bạn vẫn cứ khăng khăng phủ nhận việc bạn đã bị xúc phạm và tổn thương, đồng thời sự nghèo nàn nội tâm của bạn đã bị bóc trần. Do đó, một trong những phận sự đầu tiên của bạn sẽ là sống biến cố bị xúc phạm. Nhưng lần nầy, bạn sống biến cố bị xúc phạm với một niềm tín nhiệm lớn lao ở bạn, nhất là nếu bạn được tháp tùng trong cuộc chinh phục nội tâm nầy. Nỗi đau gây nên bởi sự xúc phạm nầy, bạn sẽ học chấp nhận nó, chữa lành nó và biến đổi nó cho lợi ích của bạn. Phải xử sự với điều xúc phạm cũng giống như đối với một lưỡi câu đâm vào ngón tay : bạn không thể lấy lưỡi câu đi bằng cách lôi nó ra được, nhưng bạn phải đẩy lưỡi câu sâu vào trong thịt để rồi lôi cái đầu lưỡi câu ra bên kia.

Bài tập tập trung mà tôi đề nghị ở cuối chương nầy sẽ giúp bạn thực hiện việc trở về với chính bạn. Nó sẽ dạy bạn phải xử sự làm sao để tiến bộ trong pha xúc cảm nầy của sự tha thứ. Nhưng trước đó, điều quan trọng là bạn ý thức về hiện tượng các cơ chế tự vệ được sử dụng để chống lại đau khổ.



1. Hiện tượng các cơ chế tự vệ :

Tâm thần con người được tổ chức tốt để tự vệ chống lại sự xâm nhập của một đau khổ quá lớn lao. Khi nỗi đau trở thành không thể chịu đựng được thì tâm thần con người tìm cách làm giảm nhẹ sự va chạm của nó bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trên bình diện sinh học, nó điều động các hóc-môn tự nhiên chống lại đau đớn. Trên bình diện tâm lý, những cơ chế tự vệ hay kháng cự hành động theo cách thức các cầu chì chảy đi để ngăn cản một dòng điện quá mạnh làm cháy mạch điện. Một cách chính xác hơn, chúng làm tê liệt các hậu quả tác hại của những cảm giác quá mạnh ngõ hầu toàn bộ cơ thể có thể tồn tại.

Một số tác giả tâm lý học xem ra không tán dương đúng mức sự lợi ích của các cơ chế tự vệ. Theo ý họ thì phải loại bỏ chúng đi, sớm chừng nào có thể. Nhưng xem ra họ quên đi rằng có một sự khôn ngoan được ghi khắc trong những cơ chế tự vệ sinh lý và tâm lý. Những cơ chế tự vệ sinh lý và tâm lý nầy cho phép những người bị tổn thương được sống còn và rồi theo đuổi các hoạt động của họ mà không phải suy sụp hoàn toàn. Phải chăng là nhờ các cơ chế tự vệ nầy mà người lính bị thương tìm được sức mạnh vượt qua những đoạn đường dài đi bộ để được chăm sóc ? Mà người mẹ gia đình phải buồn phiền sâu xa vì cái chết của chồng sẽ nén lặng nỗi khổ đau của mình để tiếp tục chăm sóc con cái ? Mà nhà kinh doanh bị đe dọa một cuộc phá sản sắp xảy ra tìm được can đảm để theo đuổi những công việc thường ngày không để cho mình bị quật ngã ?

Tuy nhiên, những cơ chế tự vệ nầy sẽ tỏ ra vô ích và ngay cả nguy hại, nếu chúng cứ tiếp tục bảo vệ một người nào đó, một khi đã qua đi cơn nguy hiểm. Con người nầy sẽ giống như một cảnh sát viên cố chấp cứ mặc chiếc áo chống đạn sau khi thi hành công vụ, để được an toàn trong nhà ở của mình.

Chúng ta hãy đi thêm một bước và khảo sát gần hơn những hình thức khác nhau mà các sức kháng cự tâm lý nầy có thể mặc lấy. Như thế sẽ nhận diện chúng tốt hơn. Chúng thuộc về hai phạm trù lớn : những sức kháng cự do khả năng nhận thức và những sức kháng cự do cảm xúc.



2. Những sức kháng cự do khả năng nhận thức :

Tôi sẽ đụng đến một tí ở đây đề tài về những sức kháng cự do khả năng nhận thức, bởi vì tôi đã nói ở chương III. Chúng ta hãy nhớ lại rằng sự cự tuyệt có tính cách nhận thức hệ tại việc chối bỏ sự xúc phạm hoặc cố giảm nhẹ sự va chạm của xúc phạm. Những sức kháng cự nầy mặc lấy nhiều hình thức.

- Trước hết là hình thức của sự quên : lúc ấy người ta dám chắc rằng sự quên đi điều xúc phạm hoặc tác động của nó trên mình sẽ là lý tưởng để theo đuổi trong hành động tha thứ.

- Tiếp đến là hình thức của sự xin lỗi : lúc ấy người ta sẽ gắng sức phát minh ra đủ thứ lời xin lỗi giả trá nhằm gỡ bỏ trách nhiệm cho kẻ xúc phạm.

- Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ lại một cạm bẩy tương tự nhằm xoá đi một xung đột của một tha thứ nhanh chóng và bề ngoài.

Để biện minh cho sự cự tuyệt do khả năng nhận thức, các lý do không thiếu. Chúng còn cấp bách hơn nữa khi liên quan đến những sự phản bội hoặc là những bất công trầm trọng đến từ những người thân cận. Chúng được xem như là những xúc phạm hết sức đau đớn và đe dọa mà người ta muốn không biết đến chúng thì hơn. Như thế, nên, mặc dù có nhiều dấu hiệu, người chồng không chịu rằng vợ mình không trung thành với mình ; người mẹ không tin rằng con trai bà dùng ma túy, ngay cả khi bà nhận thấy nơi con bà tất cả những cách xử sự của một người nghiện ma túy ; ông chủ không nghĩ là người thợ của ông tận tụy như thế lại ăn trộm. Dĩ nhiên một chiến lược đà điểu không dám nhìn thẳng vào nguy hiểm như thế giảm nhẹ nỗi đau và thất vọng, nhưng về lâu về dài sẽ phải cay đắng nhiều khi ý thức.

Đôi khi, sự kháng cự do khả năng nhận thức dẫn đến việc quên đi trọn vẹn một biến cố. Nhưng biến cố đó vẫn làm phát sinh hậu quả tai hại của nó trên thái độ ứng xử, ngay cả sau nhiều năm. Đó là điều xảy ra cho một cán sự xã hội mà tôi đã kể cho bạn câu chuyện. Biến cố đau thương ở bệnh viện cũng như quyết định trẻ con không còn tín nhiệm vào người lớn đã bị quên đi hoàn toàn và chôn vùi trong vô thức. Làm sao ông ta có thể thực hiện một tiến trình tha thứ, nếu ông ta đã không phát hiện ra được nguồn gốc sự mất mát và xấu hổ đã dẫn ông đến chỗ không còn tín nhiệm vào các cấp trên thuộc phái nam của ông ?



3. Những sức kháng cự do cảm xúc :

Những nghiên cứu mới đây về những sự lệ thuộc tạo nên do rượu và ma túy mạc khải rằng sự xấu hổ không được sống tốt đóng một vai trò quyết định trong sự cự tuyệt có tính cách cảm xúc. Vậy người ta khó nhọc bắt đầu khảo sát tỉ mỉ cảm giác xấu hổ và những cơ chế tự vệ dùng để che đậy nó. Cho đến đó, cảm giác xấu hổ thường bị lẫn lộn với cảm giác có lỗi. Nhưng cảm giác nầy không phải là cảm giác kia. Chúng không có cùng nguồn gốc, mà cũng không có cùng phận sự. Cảm giác có lỗi trổi dậy từ ý thức đã vi phạm một luật hoặc một nguyên tắc luân lý trình bày một lý tưởng cá nhân hoặc xã hội phải thực hiện. Sự xấu hổ là tình cảm mà cái ngã sâu thẳm bị bóc trần và phơi bày ra ánh sáng. Sự xấu hổ làm cho người ta khám phá thấy mình quá dễ bị tổn thương, bất lực, bất tài, không thích hợp và lệ thuộc. Người mắc phải cảm giác có lỗi sẽ nói : "Tôi đã làm điều xấu, tôi có lỗi và tôi cảm thấy mình là thủ phạm", trong khi người cảm nhận sự xấu hổ sẽ khẳng định : "Tôi là người xấu và chẳng đáng chi. Tôi rất sợ rằng người ta sẽ loại bỏ tôi".

Cảm giác có lỗi đến từ ý thức đã không đạt tới lý tưởng của mình, trong khi cảm giác xấu hổ sinh ra từ ý thức sâu sắc về những suy yếu và tính cách dễ bị tổn thương của cái ngã sâu thẳm. Người xấu hổ có cảm tưởng rằng những yếu đuối của mình bị trưng bày ra trước mắt mọi người. Y luôn luôn cảm thấy đe dọa bị người ta chê cười và loại bỏ.

Một số người sẽ tự hỏi : "Tại sao quá nhấn mạnh như thế đến mối tương quan giữa sự xấu hổ và sự tha thứ ?" Chính là vì có mối tương quan chặt chẻ giữa sự xấu hổ và sự cự tuyệt do cảm xúc, và do đó với sự tha thứ. Một cách chắc chắn, sự xúc phạm gây nên một cảm giác sĩ nhục và xấu hổ. Cảm giác nầy còn lớn lao hơn nếu sự xúc phạm phát xuất bởi một người được yêu mến hay kính trọng mà người ta lệ thuộc vào. Sự lệ thuộc của y đối với một người khác và những nhu cầu khác nhau ít nhiều ấu trĩ của y bấy giờ bị phát giác. Sự thất vọng còn thấm thía hơn nữa khi người ta cảm thấy bị lăng nhục bởi chính con người mà mình chờ đợi tình thương yêu và sự kính trọng.

Muốn tha thứ mà không ý thức đến sự sĩ nhục và xấu hổ đi theo sự xúc phạm nầy là tiến đi trên một con đường mìn bẩy và ngõ cụt. Ý muốn tha thứ, dù có quảng đại đi nữa, sẽ che đậy một nhu cầu tự bảo vệ chống lại sự xấu hổ cảm thấy mình "thấp kém".

Thách đố lớn hơn phải lấy đi trong suốt pha cảm xúc của tha thứ, chính thực là nhìn nhận tình cảm xấu hổ sâu xa của mình để chấp nhận nó, tương đối hóa nó, tiêu hóa nó và sáp nhập nó. Một khi được thuần hóa, tình cảm xấu hổ đó không những trở nên có thể chịu đựng được, mà nó còn làm cho con người ý thức hơn về sự bất lực và hữu hạn chung của tất cả mọi người. Nhưng tình cảm xấu hổ không tự để bị khám phá ra cách dễ dàng đâu. Chúng ta cần phải nhận ra các mặt nạ mà nó ẩn núp bên dưới : sự tức giận, ý muốn quyền lực, óc luân lý biệt phái, mặc cảm nạn nhân vĩnh viễn và chủ nghĩa cầu toàn.

Sự tức giận và nhu cầu trả thù thường được sử dụng để che đậy sự xấu hổ. Thay vì chấp nhận nó, người bị xúc phạm lấy làm xấu hổ và bị sĩ nhục phản ứng lại bằng cách muốn đến phiên mình sẽ hạ nhục kẻ xúc phạm. Trong nổ lực tự giải thoát khỏi sự xấu hổ của mình, người bị xúc phạm phóng chiếu sự xấu hổ đó lên kẻ xúc phạm, hầu thấy nó cũng phải đau khổ vì cùng một sự dữ. Nơi một số người, đôi khi sự tức giận và nhu cầu trừng trị có hậu quả "gậy ông đập lưng ông". Sau khi đã kiềm chế mọi tình cảm bạo lực, họ quây lại chính mình sự tức giận và ước muốn trả thù đó. Lúc ấy sự xấu hổ được che đậy ở đàng sau những tình cảm lo âu và có lỗi tự trừng phạt. Cái đó càng làm cho nó khó mà nhận ra được.

Trong chiều hướng đó, có thể nói là người ta thích cảm thấy mình có lỗi hơn là cảm thấy xấu hổ và bất lực. Một số sự tha thứ được ban ra sau khi tức giận đã đời được làm thành bởi những sự trả thù tinh vi. Điều đó giải thích tại sao người được hưởng một sự tha thứ như thế lại cảm thấy một sự khó chịu sâu xa : thay vì cảm thấy một tình cảm giải thoát thì lại cảm thấy xấu hổ và lắm khi bị sĩ nhục.

Dù xem ra thật mâu thuẫn, một số người bị sĩ nhục lại chấp nhận những thái độ quyền lực và kẻ cả. Do đó họ tìm cách tránh kinh nghiệm sự bất lực phát sinh do sự xấu hổ về chính mình. Để phản ứng lại, họ sẽ phóng đại tầm quan trọng của họ, họ xem người khác kém hơn họ về mặt hiểu biết, về phẩm chất luân lý và về quyền bính. Nói theo ngôn ngữ của phân tích thỏa hiệp, những người đó tự tuyên bố là mình "nghiêm túc" và cho những người khác là "không nghiêm túc". Trong cùng vết chân ấy, họ chấp nhận những cung cách ngạo nghễ của kẻ cả và hiểu biết mọi mặt. Tất cả những cái đó là vì sợ trực diện với sự nghèo nàn nội tâm mà chỉ nghĩ đến thôi họ đã cảm thấy lo âu rồi. Quan niệm của họ về tha thứ đã bị hỏng và họ sử dụng nó như một phương thế bảo đảm cho sự chế ngự vượt trội của họ.

Ý muốn quyền lực là một hình thức khác của sự che đậy xấu hổ. Nhìn trong một viễn tượng luân lý, nó mặc hình thức của một sự cao thượng luân lý giả dối mà người ta có thể gọi tên là não trạng biệt phái. Người bị xúc phạm, không có khả năng chấp nhận sự sĩ nhục của mình, sẽ sử dụng sự tha thứ như một phương tiện làm nhục kẻ đã gây ra thiệt hại cho mình. Người đó có vẻ như muốn nói : "Anh thấy đó, tôi trổi hơn anh và tôi sẽ chứng minh điều đó bằng cách tha thứ cho anh". Thật quá rõ ràng là thứ tha thứ nầy che đậy nhiều tự ái và lòng khinh bỉ kẻ khác.

Đối ngược lại não trạng biệt phái với thứ luân lý ngạo nghễ là người đóng vai nạn nhân vĩnh viển. Đảo ngược lại chiến lược, người đó học được cách rút phần lợi của sự xấu hổ về mình để lôi kéo lòng thương hại của những người khác : người đóng vai nạn nhân vĩnh viển biết cách khai thác những lầm lỗi của kẻ bách hại cho lợi ích của mình. Y luôn than phiền về kẻ bách hại và những hành động xấu của kẻ bách hại, y nói về nỗi đau khổ của mình cho người nào muốn nghe, y khéo léo trưng bày những hành động tàn nhẫn y phải chịu đựng. Đồng thời y khêu gợi lên sự tức giận nơi các thính giả đối với kẻ bách hại. Cũng vậy, khi người phải chịu đau khổ triền miên đó khẳng định bỏ qua những lầm lỗi người ta đã phạm đối với y, thì y chỉ tìm cách tỏ ra là mình xứng đáng được ngưỡng vọng và ca tụng.

Cuối cùng, chúng ta hãy xem cái mặt nạ hoàn hảo mà người tha thứ có thể mặc cho mình. Lúc là con trẻ, người cầu toàn thường đã phải chường mặt ra với nhiều xấu hổ. Sự giáo dục gia đình đã khắc sâu vào lòng y bằng những lời quở trách khiến y phải xấu hổ. Hoặc có lẽ y đã phải sống nhiều xấu hổ đối mặt với những ứng xử thất thường của một người cha say rượu. Còn là trẻ con, y đã có thể thề rằng sẽ không bao giờ làm điều chi sai lỗi để không phải xấu hổ nữa. Để được như vậy, y cố gắng trở nên không gì chê trách được trong mọi sự và ở khắp mọi nơi. Là gương mẫu về nhân đức, y tự bắt buộc mình phải tha thứ. Sự tha thứ giúp y bảo vệ cái bề mặt mỏng dòn mà y muốn cho nó không thể bị tấn công được.

Đó là vài cái bẩy tâm lý có thể gây trở ngại cho việc mổ xẻ cõi lòng con người, là thành phần của động lực tha thứ. Những cái bẩy tâm lý nầy thường nhằm che đậy cảm giác sĩ nhục và xấu hổ bởi một sự tha thứ giả dối. Và như thế chúng sẽ ngăn cản sự tha thứ trở thành một cử chỉ giải thoát và triển nở. Do đó mà có nhu cầu trước hết phải tẩy rửa lãnh vực cảm xúc của mình trước khi đạt tới sự tha thứ đích thực.



4. (Bài tập)

Để nhận biết thương tổn và sự nghèo nàn của mình:

Mục đích bài tập nầy là để loại bỏ những sức kháng cự đau khổ và xấu hổ đã trở nên vô ích và ngay cả tác hại. Nó giúp thực hiện chân lý và chuẫn bị cho giai đoạn kế tiếp hệ tại việc chia sẻ với một người khác.

Như chúng ta vừa thấy, tâm thần con người không dễ để lộ ra ý thức trọn vẹn những kinh nghiệm đau thương. Nó tự bảo vệ chống lại đau khổ và nhất là sự xấu hổ. Vậy vấn đề không phải là cày sâu những sức kháng cự tâm lý nầy hoặc ngay cả tháo gỡ chúng đi, nhưng trái lại, trước hết phải ý thức chúng, chấp nhận chúng và để chúng tự tan rả đi.

Phương thế tốt nhất để đạt được điều đó là đi đón gặp chúng ở bất cứ đâu mà chúng đang phục kích, nghĩa là trong thân thể mình. Thân thể đã ghi lại tất cả và giữ như in trong ký ức sự xúc phạm và những hậu quả vật lý và tâm lý của chúng. Những sự căng thẳng, xơ cứng, đau đớn, ngay cả một số bệnh tật thể xác phản ánh sự đau khổ tâm lý đã không được bộc lộ ra. Chúng báo hiệu có một vết thương cần được chữa lành.

Nếu bạn sẵn sàng bắt đầu bài tập luyện, bạn hãy chú tâm tạo một bầu khí thật yên tĩnh chung quanh bạn. Hãy liệu đừng để bị quấy rầy trong chừng hai mươi phút. Hãy giữ một tư thế thoải mái. Tránh đừng mặc những quần áo quá chật.

Hãy để một lúc để đi vào nội tâm bạn.



Hãy đặt mình bạn trước sự hiện diện của Chúa hay suối nguồn thiêng liêng khác quan trọng đối với bạn. Nhờ đó bạn sẽ có can đảm hơn để bắt liên lạc với thương tổn và sự nghèo nàn nội tâm của bạn.



Bạn hãy bắt đầu bằng việc nhắc lại kinh nghiệm về sự xúc phạm, trong khi vẫn chăm chú vào các phản ứng cơ thể của bạn. Nếu bạn không nhớ ra, bạn hãy ý thức về những căng thẳng, xơ cứng và cả những triệu chứng cơ thể của bạn. Hãy chú ý đặc biệt những gì diễn ra trong con tim vật lý của bạn.



Nếu có nhiều phản ứng cơ thể xảy đến trong cùng lúc, bạn hãy chấp nhận tất cả những phản ứng ấy trong vài chốc lát. Rồi bạn hãy cố tập trung tinh thần trên phản ứng nào xem ra quan trọng nhất, trung tâm nhất đối với bạn.



Bạn hãy hiện diện với sự căng thẳng hay nỗi đau của bạn mà không muốn thay đổi gì hết, cũng chẳng tìm một lời giải thích. Bạn hãy tiếp đón với nhiều tế nhị và thiện cảm cái phần đau khổ đó của bạn.



Vẫn luôn luôn với sự tử tế đó, bạn hãy hỏi sự căng thẳng của bạn : "Mầy đang duy trì ẩn giấu cái gì đó ? Cái gì đang diễn ra ? Tao sẵn sàng lắng nghe mầy đây". Bạn cũng có thể nói thẳng với lòng bạn : "Mầy đang giữ cái gì của sự xúc phạm để nó ngăn cản mầy sống một cách trọn vẹn ?"



Bạn hãy tiếp tục giữ liên lạc với sự căng thẳng và nỗi đau của bạn. Bạn hãy chuẫn bị đón tiếp những gì sắp lộ ra mà không phê phán gì cả. Bạn hãy để cho các hình ảnh, các lời nói và ngay cả những cảm giác khác trổi dậy mà không tìm giải thích, thay đổi hay loại bỏ chúng đi.


Bạn cũng có thể nói lại trong ngôn ngữ của bạn những sứ điệp chảy dồn tới dưới hình thức những hình ảnh, những lời nói hoặc những cảm giác. Hãy hỏi cái phần đó của bạn : "Tao có hiểu rõ cái kỷ niệm hay hình ảnh nầy mà mầy giao cho tao không ? Đó có phải là những lời mầy muốn nói với tao không ? Cái cảm giác kia đến từ mầy hay từ một nguồn nào khác ?" Chính như vậy mà bạn tỏ cho nó thấy sự chấp nhận thuần túy và đơn giản những gì xảy đến ở trong bạn mà không phê phán, không cắt nghĩa và cũng không muốn thay đổi.


Nếu không có gì vươn lên ý thức, bạn hãy tiếp tục nhẫn nại giữ liên lạc với thân xác bạn. Nếu bạn sốt ruột, bạn hãy tập trung vào sự mất nhẫn nại đó và để nổi bật lên sứ điệp mà cái lúc sốt ruột nầy mang lại cho bạn.


Khi bạn bằng lòng với cái bạn vừa học được, bạn hãy cám ơn cái phần đau khổ của bạn vì đã muốn thông hiệp với bạn. Bạn hãy cho nó một cuộc hẹn khác và chuẫn bị để từ giả nó.

Khen ngợi bạn vì đã can đảm trở lại gặp gỡ cái phần bị tổn thương của bạn và đã có thể nhìn thẳng mặt sự nghèo nàn nội tâm của bạn. Bạn nên bắt đầu lại cuộc tập luyện. Hiếm khi vô thức mạc khải tất cả mọi sự trong một lúc. Nó sẽ để bạn tiêu hóa vài nhúm nhỏ mà nó đã cho bạn.

Cuối cùng, điều quan trọng là bạn ghi lại trong nhật ký những mạc khải đã nhận được trong buổi tập luyện.