Giai đoạn bốn

Xác định rõ mất mát của mình để đành nhận chịu mất mát




Tôi đã chịu một xúc phạm, nhưng tôi đã không bị xúc phạm ở thâm sâu hữu thể mình.

Vô danh

Trên con đường dài của tha thứ, bạn đã bắt đầu nhận ra thiệt hại mà sự xúc phạm đã gây ra nơi bạn và bạn đã nói về điều đó với một người nào rất có cảm tình. Hoàn cảnh của bạn đưọc làm sáng tỏ và gánh nặng xúc cảm của bạn được vơi đi. Vậy bây giờ bạn đang trên đường được chữa lành trọn vẹn. Trong suốt giai đoạn thứ tư nầy, tôi đề nghị với bạn làm một bản kiểm kê cụ thể những sự mất mát gây nên bởi sự xúc phạm đó. Sự ý thức nầy sẽ giúp bạn đành chịu những mất mát đó. Bởi vì nếu bạn không đành chịu những gì bạn đã mất, bạn sẽ không thực sự tha thứ được.



1. Xác định rõ sự mất mát của mình :

Chính là khởi đi từ một kinh nghiệm bản thân mà tôi đã hiểu được tầm quan trọng của việc xác định rõ thương tổn của mình trước khi có thể chữa lành nó. Hôm đó, tôi nhận được một lá thư của một thanh niên muốn ghi danh vào Đại học nơi tôi đang dạy. Cậu ta xin tôi cung cấp cho cậu những chỉ dẫn về một chương trình học mà tôi phụ trách. Thế mà anh chàng sinh viên đã quên không cho tôi địa chỉ. Tôi đoán chừng và nghĩ rằng anh ta đã đăng ký vào một phân khoa khác trong cùng Đại học nên anh ta không cần cung cấp những chỉ dẫn đó nữa. Thực sự tôi đã quyết định đến hỏi viên thư ký, công việc tôi cho là thông thường. Nhưng tôi vừa xin thì viên thư ký đã có vẻ gay cấn và sau khi bảo tôi "đưa câu hỏi" thì thẳng thừng từ chối cung cấp thông tin tôi xin. Còn tệ hơn, y cáo buộc tôi ăn trộm tài liệu học viện và tống tôi ra khỏi văn phòng.

Vừa bị va chạm, tôi không rõ cái gì xảy ra, rồi một cảm giác tức giận tràn ngập lấy tôi. Vậy tôi bắt đầu viết cho ông giám đốc để đưa viên công chức vô lễ và khinh người nầy vào khuôn phép. Tôi vừa viết xong lá thư với giọng điệu đầy chua cay thì một đồng nghiệp bước vào văn phòng của tôi. Tôi kể cho anh bạn nghe trường hợp khó xử của tôi. Anh ta chăm chú lắng nghe tôi rồi đột ngột hỏi: "Tôi thấy anh tức giận lắm. Nhưng tôi tự hỏi không biết điểm nhạy cảm nào mà viên thư ký đã có thể đụng đến ở anh ?" Ngay lúc đầu, tôi thấy câu hỏi của anh ta không hợp thời, cũng chẳng thích hợp nữa. Tuy nhiên khi suy nghĩ lại, câu hỏi đó đã làm tôi khám phá ra hai việc nầy : người thư ký đặt vấn đề về sự thẳng thắn nghề nghiệp của tôi. Y cũng đã đánh thức trong tôi một nỗi đau khổ cũ mà tôi tưởng đã quên đi. Sự ý thức nầy về các lý do sự phẩn nộ của tôi làm phát sinh trên tôi một hậu quả hết sức bất ngờ : tôi rất ngạc nhiên, cơn nóng nảy và cảm giác oán giận của tôi tan biến đi đến độ tôi không còn muốn gởi lá thư cho ông giám đốc nữa.

Làm sao một sự thay đổi bất thần như vậy đã có thể được thực hiện nơi tôi? Đây là giải thích tôi đã tự cho mình. Ngay khi sự việc khó chịu xảy ra, tôi đã có cảm giác rằng tất cả nhân cách của tôi đã bị đặt vấn đề. Rồi tiếp đó, tôi hiểu rằng viên thư ký đã nghi ngờ một phần của tôi, tức sự thẳng thắn nghề nghiệp của tôi. Khám phá nầy giúp tôi có một cái nhìn mới trên thương tổn của mình. Trước hết, tôi thấy nó không quá lớn. Thứ đến, tôi khám phá ra rằng sự giao động của tôi đến do cuộc cải vả với viên thư ký ít hơn là từ một hoàn cảnh nặng nề mà tôi đã chưa dàn xếp được.

Bài viết của Trotter về kết quả các nghiên cứu của chuyên gia tâm lý Martin Saligman soi sáng cho tôi hơn nữa về những gì đã xảy ra cho tôi. Chuyên gia tâm lý nầy chủ trương rằng người ta bị tổn thương nhiều do sự giải thích của chính mình về một biến cố khó chịu hơn là do chính biến cố đó. Theo ý kiến của ông, người nào tự cho mình là nguyên nhân trọn vẹn, duy nhất và thường trực của một biến cố bất hạnh thì kẻ đó tự kết án đánh giá thấp về mình, và tức khắc bị rơi vào sự bất lực để phản ứng lại. Để nắm bắt tốt hơn ý nghĩa của những chữ "trọn vẹn, duy nhất và thường trực", chúng ta chỉ cần lắng nghe cuộc đối thoại nội tâm mà một cá nhân nói về sự thiệt thòi của y, hầu giải thích những nỗi cay đắng của mình. Y có khuynh hướng tự chê trách mình một cách trọn vẹn và triệt để, dường như đó là một khuyết điểm bẩm sinh vậy. Y nói "từ lúc nào, tôi luôn luôn sai trái và bất lực" thay vì tự khích lệ mình bằng cách sau đây : "Tôi đã làm một điều lỗi, nhưng hoàn toàn có thể sửa chữa được". Tiếp đến, y tự nhận về mình tất cả trách nhiệm của lầm lỗi. Y nghĩ rằng "tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về nỗi bất hạnh của tôi", trong khi nhận định rằng y không phải là người duy nhất có trách nhiệm về hoàn cảnh và còn có những người chủ chốt khác trong thử thách nầy. Sau cùng, y tự coi mình như nạn nhân vĩnh viễn của số phận. Y than phiền "cái đó luôn luôn xảy đến với tôi" thay vì tự nhủ "đó là hậu quả của một thời cơ chóng qua".



2. Để thôi tự chê trách mình :

Sự kiện lấy làm thích thú trong tình trạng nạn nhân chỉ có thể phá hoại ngầm các nghị lực của mình. "Tự đánh đòn" mình luôn luôn là một lời khuyên xấu và cản ngăn tiến bộ trên con đường tha thứ. Để ra khỏi sự trì trệ đó, tôi đề nghị những tập luyện sau đây :

a) Bạn hãy tự hỏi xem phần nào của bạn đã bị đụng tới. Bạn đã bị mất mát cái gì ? Bạn cảm thấy bị tấn công hay bị nhạo báng trong những giá trị nào ? Những chờ đợi nào hay những mộng ước gì đã bất thần bị hủy hoại ?

Đây là vài giá trị có thể phải chịu thiệt hại : sự tự trọng của bạn, thanh danh của bạn, lòng tín nhiệm ở chính mình, lòng tin vào tha nhân, sự gắn bó của bạn với người thân, lý tưởng của bạn, mộng ước hạnh phúc của bạn, những của cải vật chất của bạn, sức khoẻ của bạn, sắc đẹp của bạn, hình ảnh của bạn trong xã hội, những chờ đợi của bạn đối với quyền bính, nhu cầu cẩn mật đối với các bí mật của bạn, sự ngưỡng vọng của bạn đối với những người bạn yêu thương, tính ngay thẳng của bạn, v.v…

Sau khi đã nêu lên và gọi tên sự mất mát của bạn, bạn hãy ý thức rằng đó không phải là tất cả hữu thể của bạn đã bị xúc phạm, nhưng chỉ một phần của bạn mà thôi. Thật sinh phúc cho bạn khi lặp đi lặp lại : "Không phải tất cả con người tôi đã bị đụng tới, nhưng đó là (ví dụ) thanh danh của tôi đã bị thiệt hại". Cách đây ít lâu, tôi đã nghe trên truyền hình chứng tá của một người đàn bà nạn nhân của một cuộc cưỡng hiếp. Bà ta khẳng định : "Tôi bị cưỡng hiếp, nhưng tôi không không đáng khinh". Bằng những từ ngữ khác, bà nói : "Quả tim của tôi vẫn an lành và trọn vẹn, bất chấp sự cưỡng hiếp, và tôi đã không mất đi khả năng tự chữa lành".

Khi nói đến những tai ương xảy đến cho tôi, tôi dùng động từ "có" hoặc tất cả các thì kép khác của trợ động từ nầy, chẳng hạn "tôi đã có nhận một sự lăng nhục", tôi không diễn tả cùng một việc nếu tôi dùng động từ "là", ví dụ "tôi bị lăng nhục". Có một sự khác biệt rất lớn trong quan niệm về sự xúc phạm. Khi tôi nói "tôi có một tổn thương", tôi để người ta hiểu rằng có một khoảng cách giữa tôi và vết thương, điều nầy cho phép tôi phản ứng và tự chữa lành. Trái lại, khi tôi khẳng định "tôi bị tổn thương" là tôi đồng hóa mình trọn vẹn với sự tổn thương và như vậy tôi bất lực phản ứng lại.

b) Cần thiết bạn nên nhắc lại cho bạn rằng bạn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về biến cố nặng nề hoặc về sự xúc phạm. Trong một buổi thuyết trình cho những người ly thân hoặc ly dị, tôi nói với họ rằng họ không phải là những tác nhân duy nhất của sự thất bại về hôn nhân của họ. Người phối ngẫu, cha mẹ, xã hội, v.v… cũng có một phần trách nhiệm. Nghe những lời nầy, một nữ thính giả đầm đìa nước mắt. Tôi hỏi nàng cái gì đã xảy ra, và nàng đã trả lời tôi rằng lần đầu tiên nàng ý thức mình không phải là "con mụ độc ác" duy nhất có trách nhiệm về sự thất bại hôn nhân của nàng.

c) Sau cùng, điều quan trọng là bạn phải xác tín rằng một lầm lỗi không bao giờ là không thể sửa chữa được. Bạn không bị kết án phải sống lại không ngừng lỗi lầm đó mãi hoặc bị kết án phải luôn luôn gánh chịu những hậu quả của nó. Nếu bạn cứ tưởng tượng bạn luôn luôn bị theo đuổi bởi rủi ro hoặc bởi số phận xấu, bạn sẽ tự vạch chương trình cho những thất bại mới một cách không sai chạy đâu cả.

Vậy thay vì tự dằn vặt mình trước một thất bại, bạn hãy tìm khám phá ra tất cả bài học mà bạn có thể rút ra từ thất bại đó. Biết bao nhiêu thất bại là cơ hội cho những kinh nghiệm phong phú, những khởi hành mới và những thành công trong cuộc sống. Cuối cùng đây là một khía cạnh tích cực khác của những sai lầm của bạn : chúng sẽ làm cho bạn trở nên bao dung hơn đối với những người khác.



3. Chữa lành những tổn thương thời thơ ấu :

Những thương tổn khó nhận biết và xác định rõ nhất là những thương tổn lần lên trong quá khứ xa xăm của thời thơ ấu. Người ta không còn nhớ đến những thương tổn đó, cũng như các hoàn cảnh đã gây nên những thương tổn ấy. Cái còn lại từ những thương tổn đó thường chính là những sự cứng cỏi trong ứng xử và những phản ứng tự vệ, phản ánh các chấn thương cũ của tâm hồn mà một xúc phạm nhỏ đã đủ để khơi dậy.

Những mối thất vọng của thời thơ ấu vẫn tiếp tục làm cho người ta cảm nhận được hậu quả của chúng một cách vô thức nhiều năm sau. Tôi thường gặp những con người, dù rất thiện chí, bảo rằng họ không thể tha thứ được cả những lỗi lầm rất nhỏ. Sự bất lực của họ trong việc tha thứ sĩ nhục họ và thường làm cho họ cảm thấy rất có lỗi. Một người vợ trẻ thổ lộ với tôi rằng chị không thể tha thứ được cho bố chồng của chị. Cái lỗi "kinh khủng" của ông là đã ở lại hai ngày tại nhà con dâu, trong khi ông chỉ được mời ăn bửa cơm tối gia đình thôi. Chỉ với ý nghĩ tha thứ cho ông, chị đã vấp phải sự từ chối nội tâm dai dẵng. Chị cũng tự trách mình đã làm lớn lầm lỗi một cách quá mức. Chị tự nhủ "đó là một việc tầm phào, ta phải thôi không nghĩ đến nữa". Thất vọng không biết làm sao, Chị xin gặp tôi. Tôi mời chị định nghĩa thật chính xác, chừng nào có thể được, bản chất của thương tổn. Chị trả lời tôi : "Con có cảm giác rằng con chẳng quan trọng gì trước mắt ông, bởi vì ông đã chẳng thèm biết đến lời con ghi trong giấy mời". Lúc ấy, tôi đề nghị chị cứ ở vậy với cái tình cảm "không có gì quan trọng", rồi đem tâm trí về lại trong quá khứ, để trổi lên trong chị cái gì đã tự phát liên kết với cái tình cảm ấy. Chị ta bị xúc động đến phát khóc, vì nhớ lại một biến cố trong thời thơ ấu, và chị thuật lại cho tôi rằng lúc lên tám tuổi, mẹ chị đã hứa với chị trong suốt cả một năm trời là sẽ dẫn chị đi tham dự thánh lễ nửa đêm. Thế mà khi chị thức dậy thì đã là buổi sáng lễ Giáng Sinh ! Chị đã khóc và mẹ chị bảo là chị còn bé quá để tham dự thánh lễ nửa đêm ! Sự chán nản trẻ con nầy, dù chị đã hoàn toàn quên đi rồi, nay lại đến, như một tiếng vọng xa xăm, làm ách tắc ước muốn tha thứ cho bố chồng của chị. Như thế, chính sau khi đã họa lại dấu vết nguồn gốc của tình cảm "không quan trọng" mà chị đã đạt tới được việc tha thứ, trước hết là cho mẹ chị, rồi sau đó cho bố chồng của chị.



4. Để chữa lành một tổn thương thời thơ ấu :

Kinh nghiệm tâm lý trị liệu của tôi dạy cho tôi biết rằng một sự ách tắc "ngoại lý" của một dự tính tha thứ thường đến từ một tổn thương cũ hãy còn linh hoạt, dù vô thức. Chính vì thế, tôi đề nghị thực hiện một cuộc suy niệm về ách tắc làm cản trở tha thứ.

Bạn hãy lấy một tư thế thoải mái. Hãy gạt xa bạn mọi thứ có thể làm bạn chia trí trong vòng hai mươi phút.


Bạn hãy để thời gian đi vào nội tâm bạn, như bạn đã làm trong các thực tập suy niệm khác.


Bạn hãy đặt mình lại trong tình trạng gây nên bởi sự xúc phạm và hãy để bạn sống lại những gì đã xảy ra cho bạn. Bạn hãy để thời gian xác định và gọi tên cách rõ ràng tổn thương.


Cứ giữ liên lạc với cảm xúc hoặc toàn bộ những cảm xúc hiện đang trào ra nơi bạn.


Rồi, khởi đi từ cảm xúc được nhận diện hoặc khởi đi từ sự phức tạp của các cảm xúc của bạn, bạn hãy lùi lại trong quá khứ, dường như bạn lật lại từng trang tập ảnh kỷ niệm. Luôn được hướng dẫn bởi cùng cảm xúc đó, bạn hãy để trổi lên trong bạn những hình ảnh, những kỷ niệm, những lời nói gắn chặt với những thời kỳ khác nhau của cuộc sống quá khứ của bạn.


Khi bạn bắt gặp lại kỷ niệm xa xưa nhất, bạn hãy để một ít thời gian xem lại và sống lại quang cảnh đã diễn ra. Bạn bao nhiêu tuổi ? Ai ở với bạn ? Cái gì xảy ra ? Bạn phản ứng lại thế nào ? Bạn quyết định gì theo sau biến cố đau thương đó ?


Hãy xem lại đứa trẻ là bạn lúc đó. Nó ăn mặc thế nào ? Nó ở đâu ? Bạn có thể vẽ nó ra thế nào ? Bạn hãy quan sát cái gì nó nhìn thấy, dường như nó đang có đó, hiện diện ở trước mặt bạn.


Bây giờ, vận dụng tới tất cả kinh nghiệm người lớn của bạn, sự từng trải của bạn, sự hiểu biết của bạn về tâm lý trẻ con, bạn hãy bắt đầu nói với nó, trấn an nó, xin lỗi nó vì đã bỏ quên nó quá lâu như thế. Bạn hãy giải thích cho nó tất cả những gì đã xảy ra. Bạn hãy làm cho nó yên lòng bằng cách hứa với nó rằng bạn sẽ không quên nó nữa.


Khi bạn chắc chắn đã thuần hóa được đứa trẻ của bạn và nó chấp nhận để bạn tiếp cận nó, bạn hãy đứng lên, rộng tay ôm lấy nó, đặt nó ngồi lên đầu gối bạn, rồi siết nó thật chặt bằng cách quàng tay bạn trước ngực nó.


Bạn hãy để thời giờ cảm nhận sự hiện diện của nó, để nó tự trấn tĩnh và giúp nó tự chữa lành. Nếu bạn nghĩ rằng nó đã sẵn sàng, bạn có thể gợi ý với nó bắt đầu tha thứ cho người đã xúc phạm nó. Nếu bạn cảm thấy nó kháng cự lại, thì bạn đừng thúc ép nó. Bạn tiếp tục đơn giản có mặt và an ủi nó. Bạn biết lòng quảng đại của đứa trẻ của bạn. Bạn hãy tín nhiệm nó. Khi nó sẵn sàng, nó sẽ tha thứ.


Trước khi từ giả đứa trẻ của bạn, bạn hãy trấn an nó bằng cách nói với nó rằng bạn sẽ không bỏ rơi nó nữa, rằng bạn sẽ trở lại nói chuyện với nó và săn sóc nó.

Hoan hô ! Bạn vừa đi một bước lớn trên con đường chữa lành và tha thứ có tính cách cảm xúc.


Giaiđoạn 1 - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Tám - Chín - Mười - MườiMột - MườiHai