Ngày cầu cho ơn thiên triệu linh mục-tu sĩ

CHỌN VÀO CÁNH CỬA GIÊSU


Dẫn nhập đầu lễ:

Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành” lại trở về trong nhịp sống Phụng vụ của Dân Chúa. Mầu nhiệm Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành và là “cửa chuồng chiên” lại được Phụng vụ một lần nữa khơi gợi để cộng đoàn chúng ta cùng suy tư, chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Chúa Nhật Chúa Chiên lành năm nay lại trở về trong bối cảnh Hội Thánh tại Việt nam đang nỗ lực với định hướng mục vụ giáo dục Kitô giáo mà đối tượng chính yếu là các gia đình. Chính vì thế, trong ngày “Quốc tế thiên triệu linh mục và tu sĩ” nầy, chúng ta sốt sắng cầu nguyện cho các gia đình công giáo ý thức hơn vẽ đẹp và sự cao quý của chức linh mục và đời sống tu trì, đồng thời góp phần tích cực hơn trong việc cỗ võ và đào tạo ơn gọi thánh hiến từ trong các gia đình. Giờ đây, để xứng đáng cử hành Thánh lễ, xứng đáng sống trọn vẹn ơn gọi của Bí Tích Thánh Tẩy, là nhiệm tích đưa chúng ta vào đời sống siêu nhiên do chính Đức Kitô Vị Mục Tử Nhân Lành dẫn đưa và chăm sóc, chúng ta hãy (đón nhận Nước Thánh với tâm hồn sám hối).


Giảng Lời Chúa:

Từ xa xưa trong cựu ước, danh xưng “Mục tử” đã thấp thoáng trong ngôn ngữ Thánh kinh: Tổ phụ Giacóp đã chúc phúc cho các con trong một bài ca kinh thật dài, mà danh xưng Mục Tử được qui hướng cho Gia-vê Thiên Chúa toàn năng:

“Những cây cung của nó vẫn vững vàng,
Và những cánh tay của nó vẫn lanh lẹ,
Nhờ tay Đấng Vạn năng của Gia-cóp,
Nhờ danh Vị mục Tử, tảng Đá của Ít-ra-en.” (St 49, 24)

Nhưng các nhà Kinh Thánh học vẫn cho rằng: Danh xưng và hình ảnh Thiên Chúa - Mục tử được khắc họa rõ nét nhất qua những lời cầu nguyện nơi các thánh vịnh, đặc biệt với hai thánh vịnh 22 và 79:

“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 22,1)

“Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se,
Như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe !” (Tv 79,2)

Và chắc chắn danh xưng nầy, hình ảnh nầy đã được các sứ ngôn như Ê-dê-ki-en, Giê-rê-mi-a, I-sa-ia-a...tiếp tục sử dụng cách tự nhiên và triển khai thêm những ý nghĩa phong phú:

“Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt...” (Ez 34, 11-12)

Như Mục Tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
Tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
Bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11)

Và rồi, trên từng cây số của hành trình lịch sử cứu độ, Thiên Chúa, Vị Mục Tử nhân lành đó, lại sai nhiều “vị chăn chiên nhân loại” thay mặt Người chăn dẫn đoàn chiên, để cho “Dân Người không bao giờ vắng bóng mục tử” (Ds 27,15-20), như Mô-sê, Gio-suê, Đa-vít...

Và cũng từ khi xuất hiện các mục tử nhân loại đó, Thiên Chúa, qua miệng các ngôn sứ, không ngừng giáo dục, đào tạo, cảnh báo để làm sao Dân Chúa vẫn có được “những mục tử như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15; 23,3) và loại bỏ những mục tử xấu, phản bội Thiên Chúa và lý tưởng và sứ mệnh của mình (Gr 50,6; Ez 341-10...).

Và khi thời gian tới múc mãn kỳ, Thiên Chúa đã “sai Người Con Một”, “Mục Tử của mọi mục tử”, “Đấng Chăn Chiên Lành” phản ảnh trọn vẹn ảnh hình của Chúa Cha, Vị Mục Tử mà Dân Chúa bao ngàn năm mong ước ngóng chờ, đến giữa cánh đồng nhân loại để thi hành trọn vẹn sứ mệnh cứu độ và chăn dắt “Đoàn chiên mới của Thiên Chúa”, đoàn chiên được chính Ngài hy sinh và cứu chuộc bằng giá máu, như chính Ngài đã dõng dạc tuyên bố:

“Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11)... “Ta đến để cho chiên được sống và sống phong phú” (Ga 10,10). Những ngày Phục sinh vừa qua và trong những ngày nầy, phải chăng cộng đoàn Hội Thánh đang sống lại những biến cố, sự kiện và kỷ niệm liên quan mật thiết đến “Vị Mục Tử Nhân Lành” và công trình cứu độ của Ngài, một công trình mà “kỳ công thắng lợi” chính là một đoàn chiên đông đảo qui tụ muôn tiếng nói, mọi màu da, một Hội Thánh duy nhât, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Nhưng sứ điệp mà chúng ta dừng lại hôm nay lại chính là “Cánh cửa chuồng chiên”, hay tạm gọi bằng một tên khác “Cánh cửa Giêsu”, như đã được chính Đức Kitô phán dạy qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”.

1. Cánh cửa Giêsu mở ra chiều thứ Sáu !

“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9). Đức Kitô nói những lời nầy hình như vào thời điểm khi cuộc hành trình dưới thế trong tư cách một “phàm nhân” của Ngài sắp sửa kết thúc, khi Người thấy trước “hầu hết các môn đồ” sắp sửa “sẻ đàn tan nghé” vì đối diện với thập giá, khi trong lòng của Giuđa đang trỗi dậy một mưu đồ bội phản để khước từ “lời chân lý của thầy Giêsu và quyết chọn những đồng bạc của mấy ông tư tế...”.

Và như thế, cho dù không phải là một dự báo tiêu cực, thì chắc chắn, trong cái nhìn xuyên suốt thời gian và không gian của một Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự sống, Đức Kitô phải thấy có quá nhiều người sẽ không thèm chọn “cánh cửa Giêsu”, cũng như Ađam, Eva thay vì chọn Lời Thiên Chúa đã “vươn tay chọn trái cấm ngon lành” !

Mà có sai đâu ! Khi buổi chiều thê lương trên đồi Sọ gần tắt nắng, khi những ồn ào của âm thanh sĩ nhục và cuồng nộ vẫn còn vang vọng lưng đồi, khi các người tử tội đang quằn quoại chiến đấu với tử thần trong những phút giây hiếm hoi sau hết...thì chỉ duy có một người duy nhất đã chọn “cánh cửa Giêsu”: “Ông Giêsu ơi ! Khi Ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,32)...

Nếu “cánh cửa Giêsu” mà cử mở riết theo đúng cái “qui trình” như buổi chiều Thứ Sáu Can-Vê, và sau đó thì tuyệt nhiên không có gì xảy ra, không còn gì để nói... thì e rằng, kể từ sau buổi chiều thê lương “thứ Sáu can Vê”, chắc chẳng có con ma nào lại đi theo cái nẻo của “người trộm bên tay hữu”, cái nẻo dẫn về một “Nước Chúa” mông lung và đâu đó vời vợi xa xôi.

2. Có nhiều đấy !

Nhưng, Ngày Thứ Nhất trong tuần đã đổi thay tất cả. Con đường dẫn cô gái làng chơi hoàn lương Maria Mađalêna về “Mộ trống” đã dần dần dẫn đưa Phêrô, Gioan, Tôma, hai môn đệ Emmau...đi tới cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh từ trong cõi chết; và rồi dẫn dắt bao la bạt ngàn nhân loại muôn tiếng nói, mọi màu da lũ lượt cùng nhau ngang qua “cánh cửa Giêsu” để tiến về quê hương hằng sống.

Mà cũng thật lạ lùng ! Nhút nhát, bốc đồng như Phêrô, đã từng khiếp nhược chối Thầy trước một con đàn bà đầy tớ. Thế mà, chỉ 50 ngày sau “Biến cố Phục Sinh”, một nghị lực thần linh đã chỗi dậy trong ông, đến độ, chỉ trong một “bài làm chứng” súc tích, vắn gọn, ông đã chinh phục được một lần một “mẽ cá với 3.000 người rửa tội”. (BĐ 1: Cv 2, 41). Và rồi cũng chính với nghị lực thần linh ấy, “thay vì vâng phục loài người” để được an thân thoải mái, ông đã chọn “cánh cửa Giêsu” để phải một đời lao đao lận đận với cuộc bách hại dữ dội của Nêrô và cuối cùng chết thảm với hình khổ đóng đinh ngược đầu xuống đất.

Chính Phêrô đã cảm nghiệm sâu sắc chân lý nầy, nên Ngài đã sẻ chia như một lời di chúc mà chúng ta nghe công bố trong bài đọc 2 hôm nay:

Anh em thân mến, nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế...

Mà có phải chỉ mình Phêrô đâu ! Suốt hai ngàn năm nay đã có hàng hàng lớp những con người quyết chọn “cánh cửa Giêsu” cho dù phải trả giá, nhẹ nhất thì cũng bằng một cuộc đời “nghèo khó với hành trang Tám Mối phúc Thật”, như cuộc đời của bao nhiêu linh mục, tu sĩ nam nữ, những anh chị em tông đồ giáo dân, những người thiện nguyện...và cao nhất là bằng chính mạng sống như Anrê Phú Yên và 117 Thánh Tử đạo Việt nam, như bao chứng nhân anh hùng tử đạo hữu danh hay vô danh trên khắp cùng trái đất.

3. Ngày nay, có còn không những người chọn “cánh cửa Giêsu ?”


Sau hai ngàn năm, xem ra “Cánh cửa Giêsu” vẫn chưa phải là “đồ cỗ” để phải bị vất vào sọt rác của thời gian ! Bằng chứng là mới đây, khi vừa thôi chức vụ thủ tướng vương quốc Anh, Ngài Tony Blair đã quyết chọn “cánh cử Giêsu” để đi hết những ngày còn lại với người bạn đời. Trong khi đó, cự tổng thống Liên bang Sô Viết, Gorbacheb mới vừa “mặc khải cuộc hành trình niềm tin Kitô của chính mình”.

Nhưng phải công nhận rằng: thế giới hôm nay có quá nhiều cánh cửa hấp dẫn và bắt mắt lạ kỳ đang mở toang để cám dỗ, chào mời, khiến sự chọn lựa của bao người luôn bị đặt trước một thử thách không nhỏ. Mà tâm lý nhân loại hôm nay lại thích “fastfood – mì ăn liền – mốt thời thượng”. Chính vì thế, những giá trị đạo đức truyền thống của Á Đông như “Tam cương, Ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tin, công dung, ngôn, hạnh, cần kiệm, liêm, chính...hay của nền tu đức Kitô giáo như: Tin, Cậy, Mến, hảm mình, ăn chay, làm phúc, khó nghèo, trong sạch, vâng phục, bác ái, vị tha, phục vụ...gần như đang “lạc lõng giữa phố chợ đông người”. mà một khi gia đình, xã hội không còn “đeo bám” các giá trị nhân bản và luân lý, đạo đức nền tảng nầy một cách anh hùng và sinh động, thì sẽ có nhiều người xa dần “cánh cửa Giêsu” để ào ạt chọn vào “cánh cửa của Satan”, được khéo ngụy trang dưới bao nhiêu hình thức dễ thương bắt mắt.

Dù sao, ở giữa lòng Hội Thánh, thời nào Chúa cũng cho mọc lên những vì sao lấp lánh. Cuối thế kỷ 20, ngôi sao “Têrêsa Calcutta” rực sáng giữa bầu trời thế giới để chiếu dọi muôn người tìm đến “Cánh cửa Giêsu” qua con đường khiêm tốn, khó nghèo để phục vụ những người dưới đáy cùng xã hội. Đầu thế kỷ 21, Đức Gioan-Phaolô II, rồi mới đây chị Chiara Lubich, người khai sinh “Phong trào Folcolare – Tổ ấm”, đã qua đời, nhưng đã để lại những di sản tinh thần quý giá giúp cho bao nhiêu con người tìm thấy “cánh cửa Giêsu” và mạnh mẽ can đảm chọn vào cánh cửa khó khăn nầy.

Mà không phải chỉ có những người mang niềm tin Kitô mới độc quyền chọn “cánh cửa Giêsu” đâu nhé. Tất cả những ai chấp nhận sống yêu thương, phục vụ, sẵn sàng xã thân vì chính nghĩa của tự do, công bình, bác ái, sẵn sàng đứng về phía của người cùng khổ để yêu thương và binh vực họ, để đồng cảm và sẻ chia như Lê thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài, Trần Khải Thanh Thủy, cố giáo sư Hoàng Minh Chính...tất cả những người ấy, cho dù là tín đồ Phật giáo hay Cao đài, người lương, Tin Lành hay Hồi giáo...họ đang “chọn vào cánh cửa Giêsu đó nhé.” Đúng như bài thơ của một ai đó với những câu thơ viếng nhà thơ hoạn nạn Nhân văn-Giai phẩm Trần Dần mất hơn chục năm trước (1997):

Những con người
chọn những đường đi hẹp
sẽ dẫn tới bao la …
Về bên Chúa
có nhiều điều để nói …
Những lời ấy
âm vang dội lại …
Cho thế gian
bừng nở hoa hồng.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau và cho những ai đang dấn thân sống trong chức linh mục và đời thánh hiến mãi mãi trung thành chọn “cánh cửa nhỏ - con đường hẹp” của Chúa Giêsu, của Tin Mừng” để cho dù có phải mất mát thiệt thòi hay lao đao lận đận một cách nào đó, thì luôn hãy nhớ rằng: cánh cửa nhỏ đó, con đường hẹp đó sẽ “dẫn tới bao la...về bên Chúa...và sẽ “cho thế gian bừng nỡ hoa hồng”.

LM Giuse Trương Đình Hiền