Đức Tin của ''Con Chó''
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm A (Mt 15:21-28)


Người Do Thái thời Chúa Giêsu coi mình là Dân Riêng của Thiên Chúa cùng coi Dân Ngoại là những người tội lỗi và nhơ bẩn nên gọi họ bằng những tên khinh miệt, mà trong đó “con chó” là một tên thông dụng nhất. Ngày nay nhiều người Hồi Giáo cũng dùng tên “con chó” để gọi các Kitô hữu. Một số người Công Giáo Việt Nam cũng có thái độ coi thường lương dân chẳng khác gì người Do Thái thời đó.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng dùng từ “con chó” để ám chỉ dân Canaan. Không phải vì Chúa kinh thường người phụ nữ Canaan mà để thử đức tin của bà, và để cho người Do Thái đương thời của Người thấy rằng đức tin của họ còn yếu kém hơn đức tin của một “con chó” Nhưng có lẽ Chúa còn một ngụ ý khác là dạy cho chúng ta bài học về “đức tin của con chó.”

Trong chương trình Cứu Độ của Ngài, Thiên Chúa đã gọi ông Abraham làm tổ phụ của nhiều dân tộc (x. Rom 4:17-16). Trong con cháu ông Abraham, Ngài chọn dân Israel làm nghĩa tử để thiết lập một vương quốc riêng theo giao ước (x. Đnl 7:6-8; Is 41:8). Ngài gọi họ là con đầu lòng (x. Xh 4:22) trong gia đình của Ngài trên thế gian, là một gia đình bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Kitô như người phụ nữ Canaan tuyên xưng hôm nay (Rom 4:13-25). Đức Kitô đến thế gian làm người Do Thái trước hết để khôi phục vương quốc cho dân Israel (x. Cv 1:6-7), nên Người đã rao giảng Nước Trời cho dân Do Thái trước (Mt 10:6; 15:24), và các Tông Đồ cũng làm thế (Cv 13:46). Nhưng sứ vụ tối hậu của Người là giao hòa thế gian với Thiên Chúa (Rom 11:15). Đó là lý do tại sao Dân Ngoại mới thật sự là mục tiêu của công trình cứu độ.

Tất cả chúng ta đều là gốc Dân Ngoại mà ngôn sứ Isaia nói đến trong Bài Đọc I hôm nay. Chúng ta nghe lời mời gọi của Chúa đến để thờ kính Thiên Chúa của dân Israel. Như người phụ nữ Canaan hôm nay, chúng ta cũng đi theo Chúa và kêu lên: “Lạy Con Vua Đavid, xin thương đến con con.” Người phụ nữ này đã bày tỏ một đức tin mãnh liệt vào Chúa Giêsu, và tin rằng Người là Đấng Kitô, còn dân Israel thì lại chối bỏ Người như Thánh Phaolô nói trong Bài Đọc II.

Chúa thử đức tin của bà ba lần. Lần thứ nhất Người làm như không nghe thấy tiếng kêu vàn của bà. Lần thứ nhì Người bảo rằng Người “chỉ được sai đến với những chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15:24), và lần thứ ba Người trả lời bà, “Không nên lấy bánh của con cái mà quẳng cho chó” (Mt 15:26). Nhưng bà đã nhất định nài van Người vì tin rằng chỉ một mình Người là có quyền phép để trừ quỷ cho con bà mà thôi. Thay vì tự ái vì bị gọi là “chó” bà lại hạ mình xuống nhận mình là “chó” và xin Chúa ít ra là vất cho bà chút đồ thừa: “Lạy Chúa, đúng vậy, nhưng chó cũng được ăn những mẩu bánh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15:27). Và sau cùng bà đã được toại nguyện.

Thực ra Chúa gọi bà là “con chó” cũng chẳng oan uổng gì cho bà là mấy. Vì có bao nhiêu người đối xử với Chúa được như “Con chó” đối với chủ nó. “Con chó” là con vật trung thành nhất trong các loài vật. Một khi đã làm tôi một ai thì nó nhất lòng yêu mến, trung thành và ngoan ngoãn vâng lời người ấy. Thấy chủ về là nhảy lên vẫy đuôi mừng rỡ. Khi thấy chủ gặp nguy hiểm thì liều thân bảo vệ dù có phải chết cũng đành. Chủ bảo gì cũng cúi đầu làm, cho gì cũng ăn và không bao giờ than phiền cả. Sở dĩ con chó làm thế vì nó tuyệt đối tin tưởng và yêu mến chủ nó.

Vì yêu thương Thiên Chúa đã cho chúng ta thành con cái Ngài. Sự liên hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa còn hơn một “con chóv“Con chó” đối với chủ. Dù chủ và chó có thương yêu nhau thế nào đi nữa thì chủ vẫn là chủ và chó vẫn là chó. Còn Thiên Chúa thì khác. Ngài yêu chúng ta “đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để ai tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16). Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để cho chúng ta “không còn phải là tôi tớ nữa, nhưng là con, mà nếu là con thì cũng là người thừa tự nhờ ơn Thiên Chúa” (Gal 4:7). Như thế đối với Thiên Chúa chúng ta còn hơn một “con chó” đối với chủ rất nhiều. Giờ đây nhờ đức tin vào Con Thiên Chúa, chúng ta được cùng người phụ nữ Canaan trở thành con cái trong Nước Chúa như dân Israel, và được thừa hưởng cùng một gia nghiệp mà Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ.

Nhưng tôi có thật sự đối xử với Thiên Chúa như một con thảo chưa? Chắc chắn là tôi chưa làm được điều đó!

Chẳng lẽ tôi lại không đối xử với Ngài bằng một “con chó” đối với chủ nó sao? Phải thành thật mà thú nhận rằng tôi cũng chưa yêu mến, vâng phục và tin tưởng vào Thiên Chúa như một “con chó” yêu mến, vâng lời và tin tưởng hoàn toàn vào chủ nó! “Con chó” thấy chủ đi vắng thì luôn ngong ngóng mong chờ, gặp chủ thì vẫy đuôi mừng rỡ. Còn tôi, một ngày nghĩ đến Chúa được mấy lần? Mỗi tuần phải miễn cưỡng đến nhà thờ một lần, mà thân xác thì ở đó còn lòng trí thì toan tính những chuyện đâu đâu. “Con chó” tin tưởng tuyệt đối vào chủ, còn tôi thì còn quá yếu tin. “Con chó” liều thân cho chủ, còn tôi thì hổ thẹn khi nhận mình là Công Giáo. Chủ vất cho cái gì thì “con chó” cũng ăn và nhớ ơn, còn tôi thì đòi hỏi đủ thứ và vô ơn.…. Còn bào nhiêu chuyện khác, càng nghĩ thì càng thấy hổ thẹn vì tôi đã đối xử với Thiên Chúa thua xa “con chó” với chủ minh!

Ôi khốn nạn cho con vì con chưa biết tin tưởng và yêu mến Chúa bằng một con chó! Lạy Chúa xin thương xót con. Xin ban ơn cho con để ít ra là con có thể yêu Chúa, vâng nghe Lời Chúa, trung thành với Chúa và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa như một con chó đối với chủ mình. Amen.

Phaolô Phạm Xuân Khôi