-
Moderator
C - Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm A
Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm A
Ðọc Tin Mừng Mt 21,33-43
Khi ấy Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục rằng: 33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta". 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" 39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. 40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" 41 Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông". 42 Ðức Giêsu bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường. Ðó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. 43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Tiến thoái lưỡng nan
Dụ ngôn những người tá điền sát nhân (Mt 21,33-43) là một trong ba dụ ngôn Ðức Giêsu dùng để đối đáp với nhóm người tới hạch hỏi Người trong khi Người đang giảng dạy dân chúng nơi Ðền Thờ. Ðó là nhóm thượng tế và kỳ mục trong dân. Họ đòi Ðức Giêsu phải cho họ biết Người dựa vào quyền lực nào để giảng dạy cũng như xua đuổi người buôn bán ra khỏi khuôn viên Ðền Thờ. Ðức Giêsu nêu điều kiện là họ phải trả lời Người trước đã, thì Người mới trả lời họ về câu hỏi vừa nêu. Câu hỏi mà Người buộc họ phải trả lời là "Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?" (Mt 21,25). Ta biết nhóm thượng tế và kỳ mục rơi vào thế bí, tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ trả lời rằng phép rửa ấy do Thiên Chúa, họ sẽ bị Ðức Giêsu vặn hỏi: "sao các ông không tin?" Còn, ngược lại, nếu họ nói "phép rửa ấy do loài người," thì họ lại sợ đi ngược lại với niềm tin của dân chúng, vì ai nấy đều kể ông Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ. Cho nên nhóm thượng tế và kỳ mục cùng chẳng đã, phải trả lời rằng "chúng tôi không biết" (c.27).
Thế là Ðức Giêsu liên tiếp nói với họ qua ba dụ ngôn: Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (cc. 33-46) và dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,1-14). Dụ ngôn thứ nhất nhắm thẳng nhóm thượng tế và kỳ mục. Dụ ngôn thứ hai và thứ ba có thêm cả một số người pharisêu trong đám thính giả. Vì hiểu rõ Ðức Giêsu có ý lên án họ, nên họ tìm cách bắt Người. Ðó là điều họ không dám thực hiện trước đám đông vì đám đông kể Người là một ngôn sứ (x. Mt 22,45-46). Vậy nội dung dụ ngôn những tá điền sát nhân là gì khiến đối phương phật ý muốn sai người đi bắt Ðức Giêsu?
Những tá điền sát nhân (Mt 21,33-46)
Dụ ngôn những tá điền sát nhân nói về hình phạt dành cho giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Ítraen. Dụ ngôn này rõ ràng sử dụng hình ảnh vườn nho trong Isaia 5,1-7 để áp dụng với Ítraen.
Dụ ngôn cho thấy Giavê Thiên Chúa là chủ vườn nho. Chính Ngài cho tá điền, tức giới lãnh đạo cả hai phía đạo đời, khai thác vườn nho của Ngài là Ítraen. Các ngôn sứ (bầy tôi của Thiên Chúa) từng được phái đến để "thu gom hoa trái" của vườn nho nhưng họ đã bị đối xử cách tàn tệ (cc. 34-36). Chủ vườn nho cứ tưởng con ông (Ðức Giêsu) mà được phái đến, các tá điền sẽ kiêng nể chăng. Ai ngờ thấy con ông chủ xuất hiện, các tá điền liền nảy ra ác ý là muốn thủ tiêu kẻ thừa kế để chiếm lấy vườn nho! Vậy họ đã quăng con ông chủ ra ngoài tường rào và giết chết con ông (cc.37-39). Khi ông chủ tới hiện trường, ông sẽ trừng phạt bọn tá điền sát nhân như thế nào cho xứng hợp với tội ác tày đình họ đã phạm, là giết con ông. Chính nhóm thượng tế và kỳ mục đang lắng nghe dụ ngôn này trả lời rằng: "Ông sẽ tru diệt bọn chúng" (c.41) thay vì ưu đãi chúng như ông vẫn thường làm (c.43).
Vườn nho trong dụ ngôn sẽ được dành cho người khác (tức Giáo Hội của Ðức Kitô) khai thác; dân mới này của Thiên Chúa sẽ mang lai dồi dào hoa trái.
Lý do của án phạt dành cho giới lãnh đạo Do Thái chính vì họ từ khước Ðức Giêsu là "Ðá Tảng" như thánh vịnh 118,22 (c.42) đã loan báo. Cộng đoàn Kitô hữu của tác giả Matthêu đọc thấy trong dụ ngôn những tá điền sát nhân này, lời cắt nghĩa về cuộc tàn phá Giêrusalem do quân đội Rôma thực hiện năm 70. Họ tìm thấy ở dụ ngôn này lý do để Giáo Hội của Ðức Giêsu khẳng định mình thực sự là dân đích thực của Thiên Chúa.
Qua ba dụ ngôn trong Mátthêu chương 21 và 22, Ðức Giêsu đều nói với thính giả về Nước của Thiên Chúa trong hiện tại, mà chính họ có thể thay lòng đổi dạ để gia nhập. Nước Thiên Chúa luôn là lãnh vực nơi Ngài hiển trị. Ðó là lý do tại sao các môn đệ được Ðức Giêsu dạy phải cầu nguyện để ý của Thiên Chúa là Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời (Mt 6,10). Các môn đệ không phải chờ đợi tới khi tắt thở mới gia nhập Nước Thiên Chúa. Các thính giả đang nghe Ðức Giêsu cũng vậy, họ được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa ngay, chứ họ không bị Người từ khước.
Hai người con (Mt 21,28-32)
Ðó là cốt lõi của dụ ngôn thứ nhất về hai người con (Mt 21,28-32). Hai người con này của ông chủ vườn nho đều được bố kêu gọi đi làm vườn nho như nhau. Và lời kêu gọi đó luôn có giá trị. Bằng chứng là người con thứ nhất thưa "không" nhưng sau đổi ý vẫn được cha chấp nhận. Thực ra, tin là điều mà Ðức Giêsu nhắm. Chữ tin được nhắc đi nhắc lại 3 lần ngay trong câu 32. Ðức Giêsu có ý nói với thính giả rằng: Chỉ cần các ông tin là các ông đã bắt đầu bước vào Nước Thiên Chúa; những người thu thuế và các cô gái điếm đã bước vào trước các ông, nhưng nay các ông thay lòng đổi dạ để tin như họ thì Nước Thiên Chúa đã thuộc về các ông rồi!
Các dụ ngôn kế tiếp, tức dụ ngôn những tá điền sát nhân (Mt 21,33-40) cũng là lời mời gọi các thính giả gia nhập Nước Thiên Chúa ngay trong hiện tại. Ở đây phán quyết khắt khe nhất đến từ cửa miệng của các thượng tế và kỳ mục. Họ chủ trương phải trừng trị bọn tá điền sát nhân khi họ nói: "Ác giả, ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng." (c.41). Riêng Ðức Giêsu, Người không chủ trương lập trường ác giả ác báo như vậy. Người đặt người ta đối diện với chính Lời của Thiên Chúa là Lời có sức thay đổi mọi sự để trở nên công trình kỳ diệu trước mắt mọi người. Trong tương lai, chính Thiên Chúa sẽ làm cho Ðấng Mêsia bị giới lãnh đạo Do Thái loại bỏ, trở nên đá tảng góc tường đối với toà nhà mới của Thiên Chúa (là Hội Thánh của Ðức Kitô). Ðiều đó sẽ được thể hiện vào đúng thời đúng buổi. Trong hiện tại các thính giả đang nghe Ðức Giêsu nói, phải ý thức rằng Nước Thiên Chúa hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Ngài, Ngài muốn giao Nước đó cho ai quản lý, tùy ý Ngài.
Tốt nhất các thính giả đang nghe Ðức Giêsu nói, nên thay lòng đổi dạ để làm theo ý của Thiên Chúa, theo gương người con thứ nhất trong dụ ngôn hai người con, là hơn cả.
Dụ ngôn thứ ba (22,1-14) còn phóng tới một tương lai đen tối hơn.
Tiệc cưới (Mt 22,1-14)
Dụ ngôn cho thấy chuyện một vua kia (là Thiên Chúa) mở tiệc cưới cho con (Con Thiên Chúa làm người) và sai đầy tớ đi thỉnh khách đã được mời tới dự tiệc. Khách không những không đếm xỉa tới lời mời, một số còn nhục mạ và giết chết đầy tớ của vua (là các ngôn sứ). Dụ ngôn nói đến nhà vua nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn ác nhân và thiêu hủy thành phố của chúng (c.7). Ðộc giả Tin Mừng Matthêu nghĩ ngay tới cuộc tàn phá Giêrusalem do quân đội Rôma vào năm 70. Có tới 600,000 người Do Thái bị sát hại. Tức là Thiên Chúa cho phép chiến tranh xảy ra tuy Ngài giàu lòng thương xót vẫn biến sự dữ trở nên điều lành. Ðó là lúc theo ngôn ngữ của dụ ngôn, bầy tôi của vua "đi ra các nẻo đường gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách" (c.10).
Như vậy trong thời đại Mêxia là thời đại Con Thiên Chúa làm người để cứu độ trần gian, sẽ không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, hễ đã là người đều được mời tham dự bữa tiệc cứu độ. Chỉ có một điều duy nhất mà thực khách phải đáp ứng, đó là y phục lễ cưới. Nói theo tông đồ Phaolô: "Phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa, là Ðấng nhờ Ðức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người." (2Co 5,17-18). Cái mới ấy chẳng phải là điều xa với nhưng gắn liền với bí tích thánh tẩy, mà mọi Kitô hữu đều nhận lãnh: "Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Ðức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?" (Rm 6,3). Vấn đề thiết yếu là chọn thuộc về Ðức Kitô hay chọn điều ngược lại là tăm tối, theo ngôn ngữ của dụ ngôn (c.13)
Một số câu hỏi gợi ý
1. Bạn thích dụ ngôn nào: Hai người con (Mt 21,28-32)? Những người tá điền sát nhân (cc.33-46)? Tiệc cưới (Mt 22,1-14)? Vì sao?
2. Bạn hiểu gì về bí tích Rửa Tội bạn đã lãnh nhận theo lời dạy của tông đồ Phaolô trong 2Co 5,17-18 ?, trong Rm 6,3?
Linh Mục Augustine, SJ.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules