Giáo xứ Đồng Chiêm ngập lụt - Đại Chủng Viện Hà Nội ngập lòng



HÀ NỘI - Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, cha phó giám đốc - đặc trách công tác mục vụ Đại Chủng Viện Hà Nội: Giuse Nguyễn Văn Diễm, với tinh thần tương thân tương ái: “lá lành đùm lá rách”. Sáng ngày 12/11/ 2008, anh em chủng sinh đại diện cho ba lớp (thần I, II và IV) của Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội đã đi thăm mục vụ tại giáo xứ Đồng Chiêm thuộc giáo phận Hà Nội, nơi đã gánh chịu ảnh hưởng lũ lụt nặng nề bởi đợt mưa to kéo dài đầu tháng 11 vừa qua.

Xem hình ảnh

Đoàn khởi hành lúc 6h 30, gồm 24 người, bằng phương tiện xe gắn máy, mang theo những thùng hàng đã quyên góp được trong những ngày qua. Thời tiết Miền Bắc những ngày gần đây đã chuyển sang mùa đông, tiết trời Hà Nội vào buổi sớm cũng khá lạnh. Tâm trạng mỗi chủng sinh có lẽ đang nóng lên và trào dâng những tình cảm dạt dào muốn đem đến để san sẻ cho anh chị em và bà con đang lũ lụt tại giáo xứ Đồng Chiêm. Đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mỗi người hăm hở lên đường và mong sao cho con đường đến Đồng Chiêm ngắn lại.



Tiếp cận càng gần Đồng Chiêm, đường đi càng trở nên khó khăn, vì có những đoạn đường ngập nước, những đoạn đê không ngập thì lầy lội, khó đi. vượt qua nhưng khó khăn, cuối cùng đoàn đã tới được đích. Lúc này khoảng 8h 30. Trước mặt, giáo xứ Đồng Chiêm như bị tách rời, cô lập và bao xung quanh là nước. Nổi bật nhất từ xa, ngọn tháp nhà thờ của giáo xứ vươn cao trên đỉnh một ngọn núi đá nhỏ, xung quanh chân núi là một vùng đất thấp, nơi là toàn bộ giáo dân ở, bốn bề còn ngập nước. Trên cao nhìn xuống, các ngôi nhà như bị ngăn tách bởi những khoảng nước trắng. Việc đi lại trong khu vực này rất khó khăn, chủ yếu bằng thuyền bè.

Giáo xứ Đồng Chiêm cách nhà thờ chính toà Hà Nội khoảng 60 km về hướng Tây – Nam. Nơi đây, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, mỗi năm chỉ trồng cấy được một vụ duy nhất vào vụ chiêm (từ khoảng tháng 1 - 5). Đây có lẽ là lý do tại sao nơi đây được gọi bằng cái tên “Đồng Chiêm”, còn vụ mùa (từ đầu tháng 6 - 10) là mùa nước lụt. Ngoài nông nghiệp, bà con nơi đây không có nghề phụ nào. Vào mùa mưa, thanh niên trai tráng trong làng đi làm ăn xa, hoặc đi vào rừng kiếm cây thuốc về bán. Đời sống nói chung rất khó khăn.

Tới đây, chúng tôi được quí vị trong Ban giáo xứ, quí Sơ Dòng Mến Thánh Giá sở tại và một số anh chị em nhiệt tâm tiếp đón và hộ tống đi thăm, tặng quà cho từng gia đình.



Người dân Đồng Chiêm cho biết: nước ngập lụt nhà cửa đã kéo dài gần nửa tháng nay. Nước tuy đã rút nhiều, nhưng việc đi thăm của đoàn vẫn phải dùng thuyền vì nước sâu. Trên thuyền chúng tôi quan sát: đường đi của làng, sân các gia đình đã biến thành hồ nước mênh mông. Nhiều căn hộ, nước vẫn còn ngập ngang cửa nhà. Có những gia đình đã phải căng lều bạt trên nóc nhà để ở hoặc chứa thóc lúa hoặc vật nuôi. Được biết: những ngày lụt cao điểm, mọi người, đồ đạc, vật nuôi… đã phải di tản lên khu vực nhà thờ, nhà xứ, những chỗ cao để ở. Có những gia đình không ngập lụt thì phải chứa từ bảy cho đến gần chục gia đình bao gồm cả vật nuôi dồn lại trong một không gian rất trật trội. Trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, tình đoàn kết, bác ái của bà con nơi đây càng được thể hiện một cách cụ thể hơn bao giờ. Tới thăm và trao những phần quà nhỏ bé được gom góp từ các thầy chủng sinh, cha giáo, quí vị ân nhân, bà con nơi đây tỏ ra thật vui và cảm động. Vui không phải vì những phần quà đem lại, nhưng có lẽ niềm vui được lan toả từ tấm lòng sang tấm lòng. Những không gian lạnh giá bao trùm của nước lụt như bị xua tan và thay thế bởi hơi ấm của tình người.

Gần trọn một ngày sống cùng và sống với giáo xứ Đồng Chiêm, anh em chủng sinh đã cảm nhận được một điều: đến đây, anh em nhận được hơn là cho đi. Một bài học thực tế của tinh thần mục vụ, liên đới, tinh thần hy sinh đồng lao cộng khổ và khiêm hạ của người dân nơi đây. Chính những lúc khó khăn nhất là lúc họ thể hiện tinh thần đức ái của Kitô giáo nhất.

Chia tay Đồng Chiêm ra về, khi ngọn tháp xa dần và khuất hẳn, đó là lúc hình ảnh những con người, những khuôn mặt, những bàn tay chai sạn, những bàn chân nhăn nheo vì lội nước lâu ngày như đang tái hiện cách sống động trong tâm trí tôi. Thật đúng như nhận xét của một Sơ trong cộng đoàn Dòng Mến Thánh Giá sở tại đã nhận định trong lúc chúng tôi đi thăm trở về: Đồng Chiêm ngập lụt vì nước, còn Đại Chủng Viện Hà Nội không ngập nước, nhưng ngập lòng. Vâng, đó có lẽ là tất cả tình cảm và tấm lòng của thầy và trò trường Đại Chủng Viện Hà Nội, luôn hướng về Đồng Chiêm trong những ngày này.


Dom. Thành Công