Làm Thế Nào Để Nhận Biết
Một Vị Minh Sư Chân Chánh
Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng bằng tiếng Anh tại trường
đại học Georgetown , Washington , ngày 14 tháng 4 , 1993
Vấn :Làm thế nào để phân biệt Minh Sư thật với Minh Sư giả ?
Đáp : Điều này Sư Phụ không biết . Sư Phụ chưa gặp Minh Sư nào giả hết . Sư Phụ chỉ gặp Minh Sư thật thôi . Thật hay giả còn tùy nơi quý vị . Có nhiều cách để nhận biết một vị Minh Sư thật . Khi một người được gọi là Minh Sư chỉ bám víu vào một phần của Chân Lý , quên những phần còn lại , rồi chỉ dạy đệ tử một phần đó của Chân Lý , thì chúng ta gọi đó là Minh Sư giả . Nhưng thật ra gọi vậy không đúng lắm . Có lẽ đó là một loại "Minh Sư nửa chừng", ngắn hạn , Minh Sư ngắn hạn chứ không phải giả .
Khi một vị thầy dạy quý vị toàn bộ Chân Lý có sẵn trong quý vị và đánh thức những gì sẵn có trong quý vị thì người đó là Minh Sư thật , bởi vì người ấy đánh thức được vị Chân Sư bên trong quý vị . Đó là Minh Sư thật .
Chân tánh của quý vị là gì ? Ông thầy thật sự ở trong quý vị là ai ? Đó là Thượng Đế ! Đó là đức thánh linh ngự trị trong ngôi giáo đường của quý vị , ngôi chùa của quý vị . Và khi Thượng Đế xuất hiện , chúng ta nghe được những giáo điều của Ngài qua âm nhạc thiên đàng , chúng ta có thể thấy Ngài , qua hình ảnh , qua nhiều hào quang rực rỡ , có khi sáng như hàng ngàn mặt trời hợp lại . Đó chính là chân tánh của chúng ta khi được thức tỉnh .
Cho nên , nếu bất cứ một vị thầy nào có thể đánh thức được trí huệ , âm thanh và ánh sáng thiên đàng này ở trong quý vị , con người thật của quý vị , chủ nhân của quý vị , thì người đó là chân sư . Chỉ có Minh Sư mới biết được Minh Sư .
Vấn : Làm thế nào để bảo vệ cho chúng ta khỏi bạo lực của thiên nhiên và của con người ?
Đáp : Chúng ta không cần phải bảo vệ cho mình . Chúng ta đâu có gì mà phải bảo vệ ? Trước khi sinh ra quý vị có gì ? Sau khi chết quý vị mang theo được gì ? Có gì quý giá đến nỗi chúng ta phải bảo vệ ? Bỏ hết đi . Mặc kệ nó ! Chuyện gì đến thì sẽ đến . Nếu quý vị chết đi , thân xác bị hủy diệt , thì còn hàng ngàn hàng tỷ thân xác khác . Đừng lo gì hết . Nếu quyền sở hữu là thuộc về quý vị , thì quý vị sẽ không sao bỏ được . Nếu cô gái đó là hôn thê của quý vị , thì không ai có thể lấy được . Nếu việc làm đó là của quý vị , thì không ai thay thế được . Đừng có lo , cứ yên tâm . Khai ngộ trước đã (mọi người vỗ tay). Những sự lo sợ này làm đời sống hiện tại của chúng ta không được vui vẻ .
Quý vị thấy đó , cho nên những tội lỗi , xung đột , giả nhân nghĩa , tất cả đều phát xuất ra từ sự sợ hãi của cái ta , của ngã chấp . Nghĩ rằng ta có cái này , có cái kia . Ta có danh tiếng , có thể diện , ta không thể mất mặt . Ta không thể làm như vậy vì ta ở địa vị này . Ta không thể la mắng người vì ta là Minh Sư , ta cần phải duyên dáng , mềm mỏng , nói chuyện nhẹ nhàng v.v...
Hãy vứt bỏ hết đi và sống trong hiện tại . Những gì cần phải làm lúc đó thì cứ làm hết mình , với lòng tin nơi Thượng Đế và kế hoạch an bài của vũ trụ .
Vấn :Khi một người trở thành Minh Sư thì có còn sợ hãi , còn nghi ngờ , hay giận dữ không ? Chúng ta gọi Chúa Giê Sư là Minh Sư , nhưng theo Kinh Thánh thì đêm hôm trước khi bị đóng đinh Ngài rất sợ hãi . Và trước khi chết , Chúa Giê Su đã khóc : "Tại sao Thượng Đế lại bỏ rơi con ?" Xin Sư Phụ giải thích , nếu Chúa Giê Su cũng sợ hãi và có lòng nghi ngờ , thì làm sao chúng con lại không có ?
Đáp : Đúng vậy , có lẽ Ngài sợ và nghi ngờ . Nhưng sự sợ hãi và nghi ngờ đó không sâu đậm như chúng ta . Nếu Chúa Giê Su không sợ bị đóng đinh thì sự hy sinh của Ngài không còn vĩ đại nữa . Ngài sợ nhưng Ngài chấp nhận , trong khi chúng ta sợ và chúng ta bỏ chạy . Chúng ta đổ thừa cho kẻ khác , hoặc chúng ta chạy trốn . Chúng ta ráng đẩy cây thánh giá đó sang người khác . Khác nhau là ở chỗ đó .
Chúng ta có sự lo sợ , có cảm xúc , nhưng chúng ta vẫn có thể rút nó lại bất cứ lúc nào , hoặc chúng ta dùng sự lo sợ hay cảm xúc đó vào chuyện lợi ích cho chúng sanh . Sau khi khai ngộ , tất cả những cảm giác , những tình cảm đó vẫn còn , bởi vì chúng ta được tạo ra như vậy để thông cảm với những anh chị em khác . Nếu quý vị không có cảm giác , không xúc động , thì làm sao có thể hiểu được con người , làm sao giúp họ được ?
Nhưng những cái sợ của Minh Sư thì khác . Cái sợ của Minh Sư đôi khi bị ảnh hưởng bởi cái sợ của đệ tử . Ngài lấy đi sự sợ hãi của đệ tử để đệ tử không còn sợ nữa . Những vị Minh Sư đó sẽ chịu một phần nào cái sợ đó . Những nỗi sợ đó rất cạn , không sâu đậm , mà chỉ là ảo tưởng thôi . Minh sư một bên có nỗi sợ , nhưng một bên hoàn toàn không có . Ngài biết rằng Ngài phải có sự sợ hãi , nhưng Ngài không sợ sự sợ hãi đó .
42