-
Moderator
L - Lễ Thánh Gia (Chính mắt tôi )
Lễ THÁNH GIA
CHÍNH MẮT TÔI...
Thưa quí vị. Hôm nay kỷ niệm cha mẹ Hài nhi Giêsu đem Ngài lên Đền thờ để được thanh tẩy theo lề luật Môsê và dâng Ngài cho Thiên Chúa. Thực ra luật thanh tẩy chỉ buộc các bà mẹ khi các bà sinh con. Còn hài nhi Giêsu vì là con đầu lòng nên phải chịu phép cắt bì để chứng tỏ thuộc dòng dõi Abraham và là sở hữu của Thiên Chúa. Lễ vật dâng hiến là con chiên một tuổi, trường hợp các người khó nghèo, thì một đôi chim gáy hay cặp bồ câu non. Cha mẹ Chúa Giêsu đã dâng tiến theo diện gia đình nghèo khổ. Cho nên nhưng gia đình thiếu thốn trong xứ đạo chúng ta không phải tự ty, mặc cảm khi dâng cúng ít ỏi, họ có thể yêu tâm đồng hoá mình với gia đình Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse. Ngay cả trong một đất nước giàu có như Hoa kỳ, người ta cũng thống kê được 41 triệu người không có khả năng mua bảo hiểm y tế, nói chi đến các quốc gia trong thế giới thứ ba. Lễ thánh Gia không phải là cơ hội để chúng ta khua múa tài hùng biện, ca ngợi cảnh giàu sang phú quý của những nhân vật quyền cao chức trọng, nhưng là nhìn đến các điều kiện sống của các tầng lớp thuộc diện xoá đói giảm nghèo. Đức Giêsu ngay từ những ngày đầu đời đã phải trải qua những kinh nghiệm cô đơn, giá rét, đói khát, bị loại trừ như phần đông nhân loại hiện nay. Nhìn vào những túp lều sơ sác, những đứa trẻ còm cõi thiếu ăn, chúng ta mới có thể hình dung được thánh Gia thất ngày xưa, còn những nhà cao tầng, các dinh thự lộng lẫy chẳng cho được một ý tưởng thánh thiện nào cả, nhiều khi ngược lại: nhung lụa và tội lỗi.
Chúng ta đang sống ở thời đại tôn thờ tuổi trẻ. Nhiều quý vị trung niên sành điệu nhiều tiền lắm của trả hàng triệu mỹ kim để bơm thuốc căng da mặt cho có được dáng vẻ tươi trẻ hơn. Người ta còn tổ chức những lễ hội căng da trong đó mọi người đua nhau bơm thuốc để được những giây phút tự hào vì mình trẻ đẹp trở lại. Thật tương phản với gương mặt của các cụ già Simêon và Anna trong Tin mừng hôm nay. Hai cụ đứng làm biểu tượng cho những gì khôn ngoan, tỉnh thức, mong đợi sự giải thoát cho Israel. Thực ra, Tin mừng khởi sự với những gương mặt như thế: Đức Maria, thánh Giuse, Simêon, Anna, toàn là những linh hồn Do thái đơn sơ, đạo đức, thánh thiện. Họ đều chờ đợi Thiên Chúa làm tròn lời hứa trong con trẻ Giêsu. Người đầu tiên đã nói lên điều đó là cụ Simêon. Cụ đã mạnh dạn và can đảm khai triển ý nghĩa Hài nhi được sinh ra cho thế gian. Đây cũng là một lời tiên tri vĩ đại, sẽ được thực hiện trung thực đến từng chữ. Khác với thánh Mathêo khi tường thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, thánh Luca viết cho dân ngoại, nói tiếng Hy Lạp, sống ngoài ranh giới Palestin, chẳng hiểu biết gì về các truyền thống Do thái, cho nên ngôn ngữ tiên tri của cụ Simêon bao gồm luôn mọi dân tộc. Thành thử con trẻ Giêsu sẽ là Đấng Cứu Thế của toàn thể loài người, chứ không riêng gì cho Israel mà thôi ( như Mathêo): "Vì chính mắt con được trông thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài." Vậy thì những tâm hồn ngoại giáo, các tổ chức kinh tế,chính trị, tôn giáo ngoại lai cũng đã được nghe loan báo và đón nhận Tin mừng về Chúa Giêsu. Ngài cũng được sinh hạ cho họ. Sau này đến thời kì rao giảng nước Trời, thánh Luca thường kể lại Chúa Giêsu ra khỏi ranh giới Palestin: Ngài là Chúa Cứu thế của muôn dân.
Câu chuyện của hai cụ Simêon và Anna là câu chuyện của ơn thánh. Tên Anna nghĩa đen là ân huệ. Một ám chỉ rất sớm của thánh Luca rằng: Phúc âm của ông thực chất là ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho chúng ta, những linh hồn ngoại giáo, qua Chúa Giêsu và Thánh linh. Cả hai cụ Anna và Simêon là những giáo dân tiểu tốt lúc ấy, chẳng ai biết tới. Nhưng Thiên Chúa đã nhận ra họ và đổ tràn đầy ân huệ trên họ! Chỉ có thể do ơn Chúa Thánh linh mà cụ già Simêon, sau một thời gian chờ đợi lâu dài và qua muôn vàn con trẻ được đưa đến đền thờ, mới nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Hài nhi Giêsu! Cụ thú nhận: qua Thánh thần cụ được nhìn thấy điều lòng mình mong ước: "Vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân" nghĩa là Thiên Chúa mở mắt cho cụ nhìn được, dưới bối cảnh bề mặt, công việc Ngài làm cho toàn thể nhân loại.
Tương tự như thế, chúng ta cũng cần ơn Chúa để nhìn ra ý nghĩa sâu xa trong các biến cố đời thường. Liệu Chúa Giêsu có hiện diện rõ nét hơn ở thánh đường, nơi các tín hữu tụ họp để thờ phượng hay trong gia đình với các công việc thường nhật? Liệu ngôi nhà thờ trang hoàng lộng lẫy với đèn sao Giáng Sinh có thần linh hơn những gian nhà chật hẹp, tối tăm chúng ta rời bỏ để kịp giờ lễ nửa đêm? Tốt hơn chúng ta nên đem tất cả những luộm thuộm, những lắng lo về cuộc sống, dâng lên Chúa Hài nhi. Trên bình diện rộng hơn, chúng ta cũng nên dâng lên Chúa các khắc khoải của cộng đoàn, của thế giới như chia rẽ nội bộ, đe doạ chiến tranh, xì ke, ma tuý, đổ vỡ kinh tế, buôn lậu.. .Mới đây, tờ thời báo Times bình chọn các nhân vật của mình trong năm. Họ chọn được ba phụ nữ "huýt còi" tố cáo những việc làm "bưng bít" của cơ quan điều tra liên bang FBI và hai công ty hợp doanh lớn của Mỹ. Nếu như họ bình chọn "gia đình" thì chắc hẳn gia đình chúng ta chẳng được vào vinh dự ấy. Chúng ta đang mừng lễ thánh gia trong nhà thờ giáo xứ, lấy lại kiểu làm của tờ báo Times thì phải thú nhận chẳng gia đình nào đến gần được hai từ "thánh thiện" ! Vậy xin hãy cầu xin thượng đế, ban cho chúng ta một món quà Giáng sinh "muộn", món quà tương tự của cụ Simêon: Mở mắt nhìn thấy ơn cứu độ muôn dân trong hài nhi Giêsu. Nhu cầu khẩn thiết của chúng ta hiện nay, không phải là nhìn thấy Chúa trong những nơi thánh thiêng, mà trong gia đình, trong cuộc sống hằng ngày với những khó khăn bận rộn, những tranh giành, cãi cọ, bỏ nhà ra đi, hút sách, rượu chè, cờ bạc, li dị... Thời buổi này, giữ được một gia đình êm ấm, mọi người thương yêu nhau, quả là một điều cực kì khó khăn. Nhưng như cụ Simeon hôm nay, suốt đời trông chờ niềm an ủi cho dân Israel, cuối cùng cụ được thoả lòng. Các gia đình chúng ta cũng mong đợi cơ hội hàn gắn những tan vỡ, tẩy sạch các đam mê, nết xấu. Thiên Chúa sẽ viếng thăm chúng ta trong phương thức không thể ngờ trước được. Chúng ta sẽ hoàn toàn ngỡ ngàng như cụ Simeon vậy. Chính cụ làm gương sáng về lòng kiên nhẫn, chờ đợi ơn Chúa. Sự thực, hầu hết mọi gia đình có đạo trên hoàn vũ đều rất cần đến ơn an ủi. Thiên Chúa đã không phụ lòng cụ Simêon thì cũng không nỡ từ chối chúng ta. Vậy xin hãy vững lòng và kiên nhẫn đợi trông. Hãy đặt trước bàn thờ Ngài những mảnh vụn vỡ của gia đình và thành khẩn xin Thánh thần thực hiện điều mà sức lực loài người không thể làm được. Giữa những khó khăn của cuộc sống, mọi tín hữu đều khát khao được trông thấy "Đấng Kitô của Đức Chúa" ngự đến và chữa lành các bệnh hoạn, tật nguyền trong các mối tương giao gia đình hằng ngày. Ước vọng chính đáng đó chắc chắn sẽ được Ngài lắng nghe. Ngày nay dưới chiêu bài văn minh, tiến bộ các cuộc tấn công của thế gian, xác thịt, ma quỉ vào gia đình càng trở nên ác nghiệt. Tiếng kêu cứu càng thống thiết không còn là giả vờ giả tảng như người ta tưởng tượng. Mới đây, tôi ngồi thảo luận bàn tròn với một nhóm gia trưởng, tất cả đều thú nhận nhiệm vụ của họ quá nặng nề, không biết xoay sở thế nào để giữ vững các truyền thống tốt lành thuở xưa. Các ông thêm : chẳng nhận được bao nhiêu trợ giúp từ hoàn cảnh chung quanh kể cả nhà thờ. Tôi đành phải đề nghị đường lối thánh Luca mô tả cụ già Simêon "công chính và sùng đạo". Xem chừng cũng không giúp đỡ được nhiều. Thôi thì phó mặc họ vào niềm an ủi của Đức Chúa Trời.
Tiên tri Anna là một trong sáu phụ nữ ngôn sứ được nói đến đích danh trong Tân ước. Theo Tin mừng thánh Luca, ngôn sứ là một nhân vật quan trọng có ân huệ thiêng liêng đặc biệt và duy nhất, có sứ vụ truyền đạt ý muốn của Thượng đế cho nhân loại. Lúc này, Luca kể đến hai câu chuyện sinh nở. Một của bà Elizabeth sinh thánh Gioan, một của Đức Maria hạ sinh Chúa Giêsu. Bà Anna xuất hiện ở cuối câu chuyện thứ hai. Bà giữ vai trò độc đáo: tiên báo số phận của Đức Mẹ và Chúa Hài nhi cho những người hiện diện. Bà là một goá phụ đạo đức. Bà sống với chồng được bảy năm. Nay bà đã 84 tuổi. Thường thường trong Tin mừng đàn bà được nhắc đến là bởi gắn liền với đàn ông. Nhưng trường hợp bà Anna được kể ra một mình, độc lập với phái nam trong cuộc sống. Thánh Luca có cảm tình với các bà goá, nên thường nêu các bà như gương mẫu đức tin, kiên trì và tỉnh thức cho chúng ta. "Bà không dời bỏ đền thờ, nhưng ăn chay, cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa."
Ông Phanuel cũng được nói đến trong Tin mừng hôm nay. Ông là thân phụ của tiên tri Anna. Tên ông có nghĩa là nghịch cảnh hay địa điểm vật lôn, ông thuộc chi tộc Ase, một trong mười hai bộ lạc Israel. Như vậy, bà Anna sống trong nghịch cảnh của thân phận goá bụa, bà đợi chờ đến mòn mỏi đôi mắt ơn cứu độ của Israel. Mùa vọng đã qua, nhưng chúng ta còn được dạy bảo cho biết chờ đợi. Chờ đợi để làm sắc bén khả năng nhận biết Thiên Chúa và lượng giá lại các kì vọng của nhân loại vào lời Thượng đế hứa. Xem ra Thiên Chúa không dễ gì lắng nghe các ước mong của chúng ta. Có nhiều mong ước vô lý, phải được thanh lọc. Suốt thời gian đợi chờ dài, bà Anna đã phải điều chỉnh nhiều lần các mơ ước của mình. Bà cầu nguyện ăn chay là với mục tiêu đó. Nếu như bà đã gặp được Đức Kitô sớm hơn trong cuộc đời, liệu bà có thể nhận ra Ngài không? Nếu như bà không phải mong đợi lâu như thế, liệu tâm thần bà có đủ sáng suốt để xác định ơn Chúa đến với loài người bằng đường lối đặc biệt khó nghèo như vậy? Cho nên, bà đã chỉ cho nhân loại con đường tỉnh thức, ăn chay, cầu nguyện để có thể nhận thấy Chúa Hài đồng khi Ngài đến với linh hồn mỗi người!
Tóm lại, câu chuyện của hai nhân vật Simêon và Anna là câu chuyện Đức Chúa Trời trung tín làm tròn lời hứa của Ngài. giữa một thế giới băng hoại về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, luân lý. Cộng đoàn bé nhỏ của chúng ta nên noi gương hai vị tiên tri trên, trông chờ ơn "an ủi" cho các gia đình giáo xứ trong ngày lễ kính thánh Gia thất hôm nay. Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules