[Em gioidinhhue nếu chỉ copy và paste thì gãy links các kinh sách và audio, muốn copy trọn thì vào quote để lấy code, hoặc là mở ra từng đường link rồi copy lại nhé.]
Grow your lotus by IrenaS
THE SUTRA IN FORTY TWO SECTIONS SPOKEN BY THE BUDDHA
PHẬT THUYẾT TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH
HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA Lược Giảng
(Giảng năm 1974 tại Kim Sơn Tự, San Francisco, California, Hoa Kỳ)
Đọc @ http://www.dharmasite.net/Kinh42chuong.htm
Nghe @ http://www.bodehai2.com/42CK.html
Một phần từ sách:
ĐOẠN TÂM, ĐOẠN DÂM
Chương thứ ba mươi mốt nói rõ rằng việc đoạn trừ dục vọng phải được tiến hành từ tự tâm. Muốn biết về phương pháp đoạn tâm, quý vị cần phải nhận thức được rằng dục vọng vốn nảy sanh từ tâm ý, mà tâm ý thì do tư tưởng mà có.
Theo quý vị thì tư tưởng của chúng ta là tự chúng nảy sinh ra, do thứ khác sanh ra, cùng nhau nảy sanh ra, hoặc không do một nhân tố nào cả mà nảy sanh ra? Quý vị cần phải tìm hiểu xem tư tưởng là ở trong, ở ngoài, hay là ở giữa trong và ngoài; và chúng thuộc về quá khứ, hiện tại, hay vị lai.
Quý vị tìm tư tưởng theo cách này, thì tư tưởng sẽ dần dần trở nên tịch tĩnh, vắng lặng, không có tự thể. Một khi tư tưởng đã vắng lặng thì tâm ý của quý vị cũng trở nên vắng lặng. Tâm ý đã vắng lặng thì dục vọng cũng lắng đọng theo. Khi dục vọng đã vắng lặng rồi, thì quý vị sẽ thấy hết thảy sắc và pháp đều giống như bóng dáng trong gương. Nếu giống như hình ảnh phản chiếu trong gương tức là không phải thật, mọi hành vi tựa hồ như bọt nổi trên mặt nước, mà bọt nước thì cũng là hư huyễn. Cho nên, chư Phật đều triển chuyển quán sát, triển chuyển truyền thọ pháp môn phương tiện điều tâm này để mọi người đều có thể theo đó mà điều phục tâm mình trước.
Đức Phật dạy: Có người lo lòng dâm dục chẳng dứt được, muốn tự đoạn âm. Có người mắc bệnh dâm dục, không thể nào ngừng được cái tâm dâm dục dù chỉ trong một khoảnh khắc. Vì thấy dục niệm của mình nặng nề, lợi hại như thế, người ấy bèn nghĩ cách giải quyết. Người ấy nghĩ ra cách gì? Người ấy muốn cắt bỏ nam căn của mình!
Phật bèn bảo rằng: Đoạn âm không bằng đoạn tâm. Đức Phật nói với người ấy: Ông nói ông muốn cắt bỏ nam căn của mình, nhưng như thế vẫn không bằng cắt đứt cái tâm vọng tưởng của chính ông.
Tâm như vị công-tào, nếu công-tào nghỉ thì kẻ tòng sự đều nghỉ. Tâm ví như một kẻ cầm đầu các công nhân, một vị công-tào vậy. Công tào là người mà bất luận làm việc gì thì y cũng làm kẻ cầm đầu như một ông Ềsupervisor vậy. Nếu người cầm đầu mà thôi làm, thì những kẻ theo ông ta làm việc cũng đều ngưng công việc cả.
Tà tâm chẳng dứt, đoạn âm ích gì? Vì trong lòng dấy khởi vọng tưởng về vấn đề này, nên mới có hành vi như vậy. Nếu trong lòng không khởi vọng tưởng, tức là không có trợ duyên, thì thứ hành vi này sẽ chấm dứt. Do đó, kẻ tòng-sự đều nghỉ ngụ ý rằng tất cả vọng tưởng đều chấm dứt. Đức Phật chất vấn: Nếu ông không ngăn đứt cái tâm dâm dục này, thì cắt bỏ nam căn có tác dụng gì chứ? Biện pháp ấy hoàn toàn vô dụng!
Phật vì đó nói kệ. Đức Phật cũng nhân đó mà nói cho người ấy nghe một bài kệ như sau: Dục sanh từ ý ông. Các ý nghĩ dâm dục vốn bắt nguồn từ tâm ý của ông, do tâm ý của ông sanh ra. Ý do tư tưởng sanh. Còn ý thì từ đâu mà ra? Ý là do tư tưởng sanh ra. Cả hai tâm vắng lặng. Phi sắc cũng phi hành. Khi cả hai tâm của ông đều vắng lặng, tâm dục vọng đã lắng đọng và tâm chứa đựng đủ thứ tà tri tà kiến cũng đã ngừng dứt, thì sẽ không có thứ hành vi sắc dục và cũng không có thứ hành vi sắc tâm, các hành vi dục niệm đều không còn.
Phật dạy: Bài kệ này là do Đức Phật Ca-Diếp nói. Chính Đức Phật Ca-Diếp đã nói bài kệ này.