Chúa Nhật Lễ Lá Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 15,1-39

Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Ðồng. Sau đó, họ trói Ðức Giêsu lại và giải đi nộp cho ông Philatô.

Ông Philatô hỏi Người: "Ông là vua dân Dothái sao ?" Người trả lời: "Chính ngài nói đó". Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, nên ông Philatô lại hỏi Người: "Ông không trả lời gì sao ? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội !" Nhưng Ðức Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Philatô phải ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho họ một người tù, tuỳ ý họ xin. Khi ấy có một người tên là Baraba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy. Ðám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ. Ðáp lời họ yêu cầu, ông Philatô hỏi: "Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Dothái không?" Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người. Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ônbg Philatô phóng thích tên Baraba thì hơn. Ông Philatô lại hỏi: "Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Dothái ?" Họ la lên: "Ðóng đinh nó vào thập giá !" Ông Philatô lại hỏi: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác ?" Họ càng la to: "Ðóng đinh nó vào thập giá !" Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Ðức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

Lính điệu Ðức Giêsu vào bên trong dinh, tức là dinh tổng trấn và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng chào bái Người: "Vạn tuế đức vua dân Dothái !" Chúng dùng cây sậy đập đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều Người ra để đóng đinh vào thập giá.

Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Ðức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ.

Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua người Dothái". Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. [Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.]

Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Ê, mi là kẻ phá Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi !" Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Kitô vua Ítraen ấy, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin". Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: "Êlôi, Êlôi, lama sabácthani !" Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Kìa hắn kêu cứu ông Êlia". Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: "Ðể xem ông Êlia có đến đem hắn xuống không. Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Ðền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa".



Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Vác thập giá đỡ Ðức Giêsu hôm nay

Tại nước Camơrun ở Phi Châu, có một vùng đất hẻo lánh mất hút đi giữa rừng cây và rừng cỏ. Kinh khủng nhất là thời tiết với bầu khí nồng nực ẩm ướt vì mùa mưa thường kéo dài tới 9-10 tháng mỗi năm. Vùng đất ấy gọi là Phong Dinh (Fontem) có dân số chừng 20,000 người thuộc một bộ lạc đang bị đe dọa tuyệt chủng vì nhiều thứ bệnh, nhất là bệnh ngủ và bệnh dun chỉ.

Tộc trưởng bộ lạc Phong Dinh đã uổng công đi cầu cứu nhiều nước và nhiều Giáo hội. Cuối cùng ông đến đặt một số tiền vào tay một vị Giám mục Công giáo là Ðức Cha Pesters của giáo phận Buea ở Camơrun. Ông nói: "Bộ lạc chúng tôi biết chúng tôi chẳng tốt lành gì để đáng được Chúa thương nhậm lời. Vậy chúng tôi xin dâng Ðức Cha số tiền nhỏ này xin Ðức Cha vui lòng yêu cầu các tín hữu của Ðức Cha cầu cùng Chúa cho chúng tôi. Chúng tôi hy vọng Chúa sẽ nhậm lời họ thay chúng tôi."

Ba mươi mấy năm đã trôi qua kể từ biến cố nói trên. Có thể nói Thiên Chúa quả thật đã nhậm lời kêu cầu của những ai biết noi gương Ðức Giêsu để dấn thân phục vụ tha nhân ngay trong hoàn cảnh hầu như thất vọng của họ.

Ðiều đặc biệt là Ðức Cha Peeters và các thân hữu của ngài đã không chỉ cầu nguyện trên môi. Ðức Cha đã kêu gọi và nhiều anh chị em giáo dân đã là những người thiện nguyện đến kề vai sát cánh nhau để mang lại cho Phong Dinh những điều kiện sinh sống tốt đẹp hơn. Ðó là vào năm 1963. Ban đầu chỉ là 2 bác sĩ và một thú y cùng với 3 phụ nữ thuộc phong trào giáo dân hoạt động cho thế giới được hiệp nhất trong yêu thương.

Ngày nay người ta thấy bộ lạc Phong Dinh của Camơrun như đã chết mà được sống lại. Trung tâm của họ xưa là nơi khỉ ho cò gáy, nay trở nên một thành phố sầm uất. Ðiều đáng kể hơn nữa là chính thành phố ấy đã là khởi điểm khởi xuất cho cả một phong trào giáo dân thiện nguyện tới phục vụ ở rất nhiều nước tại Phi Châu. Ðời sống Tin Mừng của những người giáo dân ấy đã có một sức hút lạ thường, khiến cho rất đông người Phi Châu đến xin học đạo và gia nhập Giáo hội. Nhiều người khác tuy không thể sắp xếp để chịu phép rửa, nhưng đã trở nên những bạn thân của những anh chị em thiện nguyện tới phục vụ ở nhiều nước Phi Châu.

Câu chuyện hồi sinh của bộ lạc Phong Dinh tại Camơrun khởi đi từ thời điểm đen tối nhất, gợi ý cho thấy ý nghĩa của bài Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay. Chính từ thời điểm bi đát nhất của đời Ðức Giêsu, Tin Mừng được loan báo cho biết rằng "Quả thật Người này là Con Thiên Chúa" (Mc 15,39)

Sách Tin Mừng của Máccô khởi đi từ lời khẳng định làm nên đề tài cho toàn bộ cuốn sách. Tác giả giới thiệu với chúng ta nhân vật chính của tác phẩm là Ðức Giêsu Kitô. Con người xuất xứ từ Nadarét này đã từng lăn lộn trên địa bàn Phalệtinh trên ba mươi năm, rồi ba năm cuối cùng đã đi giảng dạy và chữa lành bệnh tật cho nhiều người dân, nhân vật ấy đã bị xử tử giữa những phạm nhân trộm cướp. Nhân vật ấy nay đã sống lại. Người quả thực là Con Thiên Chúa!

Các sách Tin Mừng khác như Mátthêu và Luca, nêu rõ gia phả của Ðức Giêsu và cho biết mẹ của Người là cô trinh nữ Maria làng Nadarét, đã đính hôn với chàng trai Giuse. Xảy ra khi trinh nữ Maria mang thai do sự can thiệp của Thần Linh của Thiên Chúa, thì Giuse định bụng từ bỏ Maria một cách lặng lẽ cho êm chuyện. Nhưng ông được sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông biết rằng: "Này ông Giuse, là con cháu Ðavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21).

Quả thật, Ðức Giêsu đã cứu dân mình khỏi các tội họ đã phạm và còn tiếp tục phạm. Người đã cứu họ bằng cách sống trọn kiếp người như được Thiên Chúa an bài giữa muôn người. Khi bước vào trần gian, Ðức Kitô nói: "Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con" (Dt 10,5-7).

Làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương

Nếu như ý nghĩa của mầu nhiệm nhập thể như được thư tín hữu Do thái trình bày ở trên chưa được người dân tộc ở Phong Dinh, Camơrun lãnh hội ngay được, thì trái lại, lời kế tiếp của thư đó mà đưa thực thi là: "Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt" (10,24), họ sẽ hiểu ngay nhờ sự hy sinh của những Kitô hữu đến cứu họ khỏi nạn diệt chủng. Nhưng thực ra những người thiện nguyện này cũng chỉ tham dự vào công trình hy sinh của vị Mục Tử nhân lành đã "đến để chiên được sống và được sống dồi dào" (Ga 10,10).


Một số câu hỏi gợi ý

1. So sánh câu chuyện hồi sinh của bộ lạc Phong Dinh tại Camơrun với biến cố Chúa Giêsu chết và ba ngày sau đã sống lại, bạn thấy chính bạn có thể tâm đắc được điều gì bổ ích chăng? Riêng bạn có kinh nghiệm gì về sự hy sinh của ai đó hoặc chính bạn đã giúp đỡ một người hoặc một nhóm người mà bạn biết?

2. Bạn tâm đắc được gì về ông Simon, gốc Kyrênê, vác thập giá đỡ Ðức Giêsu (Mc 15,21)? Chính bạn có kinh nghiệm gì về loại giúp đỡ đó? Bạn nghĩ có nhiều người trong xã hội ta đang sống cần sự giúp đỡ đó chăng?


Linh Mục Augustine, SJ