CHÚT SUY TƯ VỀ TRUYỀN GIÁO

Tự bản chất Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo cho nên từ thuở ban sơ cho đến ngày tận thế Giáo Hội không thể nào đành mất bản chất của mình.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, trải qua bao nhiêu nổi trôi của lịch sử, sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội có lúc thành công và có những có không thành công, có lúc mỹ mãn nhưng cũng có lúc còn nhiều suy tư. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, sứ mạng truyền giáo cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của thời cuộc, của văn hoá, của kinh tế, của chính trị.

Tại Việt Nam, qua rồi những năm tháng bách hại đạo công khai. Hiện nay, Giáo Hội xem ra thoáng hơn một chút để rồi sứ mạng truyền giáo nó cũng khác đi một chút.

Tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến truyền giáo, có lẽ yếu tố kinh tế là yếu tố quan trọng nhất mà Giáo Hội muôn ngàn đời phải đối mặt.

“Có thực mới vực được đạo”, câu nói tự ngàn xưa mà ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó. Khi đời sống kinh tế bấp bênh bữa no bữa đói thì quả thật chuyện đạo nghĩa thường bị xem nhẹ. Làm sao mà có thể lê bước đến Nhà Thờ với cái bụng còn bữa cơm bữa cháo được. Làm sao có thể hân hoan đến Nhà Thờ trong khi thùng gạo ở nhà vơi mà chưa có tiền đong, hồ nước ở nhà cạn mà không có tiền bơm. Biết bao nhiêu vấn nạn về cuộc sống, về kinh tế cứ làm cho sứ mạng truyền giáo cứ ngã nghiêng.

Đã một thời sử sách còn ghi : Đạo ông Diệm ! Tìm hiểu kỹ một chút là vào cái thời đói khổ ấy, ai theo Đạo Công Giáo (Đạo mà ông Diệm và gia đình ông theo) thì được ông cấp gạo cho. Theo đạo kiểu đó ai mà không theo, cứ gật đầu theo đại đi để rồi ông Diệm cấp cho dăm ba lon gạo cứu khổ cứu nạn bữa đói bữa no. Với cái thói quen ấy, ít lâu người ta lại đồn đãi với nhau “theo đạo có gạo mà ăn” hay nói tắt đi một lời là “đạo gạo”. Nghe như thế để ta thấy thế nào là sự ảnh hưởng, tầm quan trọng của nền kinh tế trong sứ mạng truyền giáo.

Tâm lý hết sức thường tình của con người nói chung và nói riêng với đạo Kitô giáo là tình thương, tình người. Một nhà truyền giáo đến vùng truyền giáo mà không chia sẻ vật chất cho bà con dân nghèo ở đấy thì đừng nói gì đến truyền giáo. Hay nói khác đi một chút là không chia cơm sẻ áo thì đừng hòng tồn tại ở vùng truyền giáo.

Chuyện chia cơm sẻ áo cũng là chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống chứ đừng nói gì đến đạo Kitô giáo, đạo của tìh thương. Nhưng, nếu ta không tỉnh táo, không khéo một chút ta sẽ tạo ra một làn sóng “đạo gạo thời hiện đại”. Thôi thì ta tạm gọi những người theo đạo là vì gạo đi cũng được nhưng còn tệ hơn thế nữa, họ không theo đạo vì gạo mà họ chỉ đến với đạo để lấy gạo. Không cẩn thận, đạo mà ta truyền bá nó sẽ thành cái đạo, cái nơi mà người ta đến để hưởng một chút gì đó cho vui, cho qua ngày dẫu rằng dưới mắt nhiều người phần gạo, phần quà ấy chẳng đáng là bao.

Của đáng tội ! Người nghèo, người túng thì với họ bao nhiêu cũng quý cả. Các vị truyền giáo sẽ cố gắng hết sức của mình để gọi là chia sẻ với người nghèo. Với những vùng nghèo, miệng truyền miệng, tai truyền tai, chẳng hiểu sao danh sách hộ nghèo ngày càng tăng. Những người nghèo mà có quà thì ai chả mừng, khi được quà bảo cái gì cũng dạ cũng vâng chứ đừng nói là thưa 3 lần tin trong nghi thức Thanh Tẩy Kitô giáo.

Vấn đề ở chỗ là sau khi hồ hởi đến để nhận gạo ấy, 3 lần thưa tin trong ngày lãnh bí tích Thanh Tẩy còn đâu.

Tâm lý hết sức bình thường là để làm vui nhà truyền giáo, những người nghèo ấy háo hức, hân hoan nhận Bí tích Thanh Tẩy. Và tâm lý hết sức bình thường của nhà truyền giáo là ta có trong sổ Rửa tội của ta càng nhiều càng tốt, càng đông càng vinh dự. Thế nhưng, thi thoảng ta cần nhìn lại con số mà ta Thanh Tẩy ấy, ta Thêm Sức ấy còn lui tới nhà thờ, còn kinh kệ, còn giữ đạo được bao nhiêu ?

Giả sử cho là người ta đi đạo vì gạo cũng còn tốt, nghĩa là sáng người ta nhận gạo, chiều người ta đến Nhà Thờ cũng tạm gọi là chút an ủi cho “cái ông Giêsu chịu chết treo đóng đinh trên thánh giá vì tội lỗi hân loại, tạm gọi là chút an ủi cho bao mồ hôi và nước mắt của nhà truyền giáo nhưng đôi khi lại là không. Sáng nhận gạo thật là đông nhưng chiều về ngôi nguyện đường khang trang đồ sộ ấy lại trở nên “vắng tanh như chùa bà đanh”.

Ta có thể mở rộng vòng tay để chia sẻ với người nghèo bất kỳ lương giáo nhưng vấn đề theo đạo nên chăng ta để “thủng thẳng”. Để đến một lúc nào đó chín muồi, đến một lúc nào đó tự lương tâm, tự đáy lòng cộng thêm kiến thức về Chúa, về Đạo tạm gọi là “ổn” ta mới “dội nước” cho họ. Ta có thể chia sẻ với họ với một tấm lòng thơm thảo, đừng bao giờ đặt vấn đề “dội nước” để ta và họ đều thanh thản. Vì lẽ, nếu vì chút quà của ta mà họ “dội nước” để sau này họ không giữ đạo được thì họ cũng ngại mà ta cũng ngẫn ngơ ! Ngẫn ngơ là vì số lượng “dội nước” quá lớn mà số người lui tới Đền Thờ quá vắn vỏi !

Nói tới gạo, nhắc tới kinh tế tôi lại nhớ đến lời của cha giáo môn Giáo Hội học thời còn mài ghế nhà trường : “Anh em nên nhớ rằng anh em là mục tử chứ anh em không phải là nhà kinh tế. Khi anh em ra trường, được sai đến một vùng nào đó, anh em nên nhớ sứ mạng của anh em là làm sao cho đời sống bà con giáo dân ngày càng yêu thương nhau hơn chứ không phải là làm cho đời sống bà con giáo dân ngày càng giàu hơn ! Anh em không phải là nhà kinh tế ! Kinh tế là chuyện của xã hội chứ không phải là chuyện của anh em !”.

Ngẫm nghĩ, lời của Cha giáo xem ra đúng lắm chứ ! Là mục tử, chuyện căn cốt, chuyện quan trọng là làm sao cho đời sống của con chiên ngày càng gắn kết với nhau, yêu thương nhau hơn chứ không phải là làm cho đời sống kinh tế của con chiên tăng lên.

Nhắc tới chuyện quà cáp, cũng không giấu được nỗi đau của nó.

Ở xứ nọ, vừa ôm quà ra khỏi nhà thờ là bà con cãi nhau ngay. Người thì bảo người này xứng đáng nhận, người thì bảo người kia không xứng đáng, người thì bảo ông cha dại vì cho nhà kia vì nhà đó giàu, người thì bảo ông cha không có mắt vì nhà kia nghèo mà không cho …

Ở xứ kia có hai cha, cha này cho nhóm này thì nhóm này phò cha này, cha kia cho nhóm kia thì nhóm kia phò chia kia. Bài sai đến, cha này đi, cha kia ở lại. Thế là cái nhóm của cha này bỏ nhà thờ và nói xấu cha kia đủ thứ đủ điều trên đời.

Thế đấy, đôi khi vì muôn có những con số thật đông, thật nhiều mà ta không thể nào lường trước được hậu quả. Chắc chắn, chẳng vị mục tử nào muốn điều này điều kia xảy ra trong đám chiên mà mình chăn dắt nhưng thực tế, chiên tan tác sau những phần quà của mình. Với lương tâm, với cái nhìn của cha thì cha cho như thế là đúng, là chính đáng và phải đạo nhưng phần con chiên, con chiên nó có cách nghĩ và có cách làm của nó để rồi nó lại cấu xé nhau trước những phần quà thân thương của chủ chiên.

Đôi khi ta cứ chạy theo con số nhưng những con số ấy chỉ là “lượng” ảo. Đôi khi ta chạy theo con số nhưng số ấy chứa đầy “chất” ảo.

Đối diện với “chất” và “lượng” ảo ấy có khi ta biếu họ quà tặng vô điều kiện có lẽ hay hơn vì nếu ta cứ “dội nước” đại trà như thế thì sẽ rất khó khăn ! Với vốn giáo lý không đủ gọi là cơ sở để hiểu đạo làm sao mà sống đạo được ! Làm dấu thánh giá đôi khi làm ngược, khi vào toà xưng tội chẳng hề biết cách xưng tội. Khi hỏi Kinh Ăn Tội thì xin thưa “con chỉ biết có kinh Lạy Cha” !

Và vấn đề nữa là ta chạy theo địa hình, chạy theo không gian. Ta chưa lo cho chỗ này xong nhưng với máu và lửa truyền giáo rạo rực trong ta làm ra muốn dấn thân thêm nữa. Thế nhưng, sự dấn thân ấy không khéo lại là nỗi khổ cho bà con bởi lẽ nhà truyền giáo không kham nổi.

Nhớ lại cách đây vài năm, chân ướt chân ráo đặt chân lên Tây Nguyên. Lần đầu tiên với biết bao ngỡ ngàng, ngạc nhiên với mảnh đất đỏ bazan này nên tôi cứ mon men các bậc đàn anh. Lần ấy, một tuần, tôi và một bậc đàn anh “kinh lý” chưa xong 1 làng. Ấy vậy mà bậc đàn anh kia trong 1 tuần đi hết 5 làng ! Quả thật bậc đàn anh ấy quá tuyệt vời và được Ban Giám Đốc đánh giá cao về tinh thần truyền giáo của anh.

Đôi khi ta mãn nguyện về con số, về địa bàn hoạt động của ta nhưng tế con số và địa bàn ấy đượm một vẻ man mác buồn. Buồn là vì con số ấy chỉ là con số báo cáo, địa bàn ấy là địa bàn nằm trên mặt chữ.

Lẽ thường của cuộc đời, lẽ thường của con người, nhà truyền giáo luôn luôn mang trong mình những hoài bão, những ước mơ của mình nhưng “lực bất tòng tâm”. Chẳng ai mà không ham mình rửa tội được nhiều, chẳng ai mà không ham mình ghi dấu “tiên khởi” nhưng cần sự cộng tác của nhiều người ta mới thực hiện được ước mơ, được hoài bão ấy.

Hoài bão và mơ ước ở các vùng truyền giáo rất là chính đáng và hợp tình hợp lý nhưng cần có nhiều bàn tay nối dài, nhiều tấm lòng rộng mở để chia sẻ không chỉ là vật chất mà là tinh thần, mà là kiến thức giáo lý, mà là đời sống đức tin cho những người chưa biết Chúa mà nay tìm hiểu Chúa.

Nếu không thực tế, nếu không nhìn lại chặng đường đã qua ta sẽ sống trên những con số hoành tráng, những vùng đất mở rộng nhưng thực chất chẳng là bao.

Vùng truyền giáo còn mênh mông, sứ mạng truyền giáo còn bao la, thợ gặt còn thưa thớt. Nguyện xin Chủ ruộng ban nhiều và thật nhiều thợ để cùng chung tay ôm về cho Chủ những bó lúa vàng thơm ngát.


Anmai, CSsR