-
Moderator
OƠ -Ơn gọi phục vụ
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH năm B
ƠN GỌI PHỤC VỤ
Bài đọc 1: Cv 4,8-12: Là lời chứng hùng hồn của Phêrô trước Thượng Hội đồng Do Thái gồm các thủ lãnh và kỳ mục trong dân. Phêrô quả quyết chính nhờ Danh Đức Giêsu Nadarét mà ngài đã chữa lành người què. Đấng mà Phêrô nhân danh để làm phép lạ chính là Đức Giêsu Nadarét mà giới lãnh đạo Đền thờ đã giết hại bằng cách kết án trên cây thập tự. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết để minh oan cho Người, để siêu tôn Người và trả lại cho Người tất cả quyền năng mà Người đã tự ý khước từ khi nhập thể làm người. Cái chết hy sinh trên thập giá của Đức Giêsu chứng tỏ Người là Vị Mục tử nhân lành trong Tin Mừng Gioan.
Bài đọc 2: 1 Ga 3,1-2: Gioan muốn các tín hữu tin vào Lòng Yêu Thương vô bờ vô bến của Chúa Cha. Bằng chứng Thiên Chúa Cha đã làm cho mọi người nên con của Người, trong và nhờ Đức Giêsu Kitô Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng: Ga 10,11-18: Là lời khẳng định long trọng của Đức Giêsu với người Do Thái: “Chính tôi là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Mối liên hệ giữa Mục tử và đoàn chiên là gắn bó, mật thiết, sống động: đoàn chiên thuộc về Người, biết Người, nghe tiếng Người. Còn Người, Người biết rõ từng con chiên một và Người hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Người tự nguyện, tự ý hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, nên càng được Chúa Cha yêu thương quí mến. Người còn có rất nhiều chiên khác chưa tập trung cùng đàn mà còn tản mác khắp chốn khắp nơi, nên trong lòng Người còn nặng nỗi bức xúc phải tập hợp tất cả mọi con chiên thành một đàn duy nhất.
Chúa nhật IV Phục Sinh, Lễ Chúa Chăn Chiên Lành, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Chúa Giêsu Mục tử nhân lành chính là mẫu gương tuyệt hảo cho mọi Ơn Gọi Phục Vụ.
1. Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành
Từ Abraham cho đến Môisen, Đavit, biết bao Tổ Phụ Do thái đã từng là những người chăn chiên. Từ kinh nghiệm của nghề chăn chiên, họ đứng ra lãnh đạo dân tộc. Quan niệm của họ về Thiên Chúa cũng dựa trên kinh nghiệm đó nên họ gọi Thiên Chúa là Mục tử và coi mình là đoàn chiên của Ngài.
Các Ngôn sứ thường dùng hình ảnh này để nói về tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và dân của Người. Nhất là trong Ed 34, Sách Giôna chương cuối và TV 23. Đặc biệt chương 10 Phúc âm Thánh Gioan: Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành.
Mục tử và đàn chiên là một hình ảnh rất đẹp gắn liền với dân du mục. Khác với hình ảnh những đứa trẻ chăn trâu, chăn bò ở làng quê Việt nam, chúng đi sau đàn vật. Người mục tử đi trước đàn chiên, dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, tìm suối mát cho chiên, dẫn về đàn những con chiên lạc, bảo vệ chiên khỏi thú dữ, biết từng con chiên một.
Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu mô tả những đức tính tốt của những Mục Tử Nhân Lành, mà chính Thiên Chúa là mô hình gương mẫu nhất:
- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" ( Is 40, 11 ).
- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" ( Mt 18, 12-13 ).
- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" ( Ed 34, 14 ).
- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" ( Tv 23, 1 ); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" ( 23, 4 ).
- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" ( Ed 34, 16 ).
- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" ( Dc 9, 16 ).
Người Mục Tử tốt thật sự yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho sự an nguy và hạnh phúc của đàn chiên.
Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, mọi Kitô hữu là đàn chiên của Chúa. Chúa ban cho đàn chiên sự sống cách dồi dào, đó là sự sống đời đời. Mỗi con chiên đều quý giá vô ngần đối với Chúa.
Chúa Giêsu là người Mục Tử tuyệt vời nhất: "hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên", "tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi... chúng sẽ nghe tiếng tôi".
Biết chiên:
Khi dùng từ “biết” ở đây, Chúa Giêsu muốn nói cái biết theo nghĩa Kinh Thánh, nghĩa là cái biết tận bên trong, thân mật, thắm thiết. “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha”. Ðó là “Cái biết” khiến cho Ba Ngôi trở nên Một.
Là Mục Tử tốt lành, Chúa Giêsu thấu rõ mỗi con người như lời tác giả Thánh vịnh: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, … Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con... Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?” (Tv 139, 1-7).
Thí mạng vì chiên:
Người Mục Tử tốt lành sẵn sàng “thí mạng sống vì chiên”. Chúa Giêsu đã hết lòng yêu thương, chăm sóc đàn chiên, sẵn sàng thí mạng mình cho đàn chiên. Chúa Giêsu Mục Tử đã chết và Phục Sinh để cho tất cả chúng ta, những kẻ đã cùng chết với Ngài nhờ bí tích Rửa tội, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi!” (x. Rm 8, 15-17)
2. Chúa Giêsu vị Mục tử hết mình phục vụ đoàn chiên
Cả cuộc đời Chúa Giêsu từ khi nhập thể làm người đến Tử Nạn Phục Sinh có thể tóm tắt cách đơn giản là phục vụ đoàn chiên vì yêu thương. Đỉnh cao phục vụ là thí mạng vì đoàn chiên. Việc gặp gỡ Người, kết hợp với Người sẽ dần dần biến đổi chúng ta trở nên những người phục vụ. Mỗi người Kitô hữu đều có trách nhiệm phục vụ anh chị em mình trong tư cách tham dự vào trách nhiệm Mục tử của Chúa Giêsu.
Trong sứ điệp “ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu” năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn chủ đề Ơn Gọi Phục Vụ. Khởi đi từ Đức Kitô: Người không đến để phục vụ,” nhưng để phục vụ và trao ban mạng sống để cứu chuộc nhiều người” ( Mt 20,28). Người đã rửa chân cho các môn đệ và tuân phục chương trình của Chúa Cha cho đến chết, chết trên thánh giá ( x.Pl 2,8). Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu mới và đặt Người làm Chúa trên trời dưới đất ( x Pl 2,9-11). Đức Thánh Cha xác định: Một cách huyền nhiệm, ơn gọi phục vụ luôn là một ơn gọi thông phần một cách rất riêng tư vào trong sứ vụ cứu độ” ( số 2). ”Ơn gọi linh mục hoặc ơn gọi tu trì, bởi chính bản chất của nó, luôn là những ơn gọi để quãng đại phục vụ Thiên Chúa và người lân cận”(số 3).
Đức Thánh Cha đã từng nói rằng ”Trong thời đại chúng ta, một thời đại tuy đã bị tục hoá, giải thiêng nhưng vẫn được thúc đẩy đi tìm sự thánh thiện;một thời đại rất cần có những vị thánh làm sáng tỏ sự hiện diện đầy yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa.Nhân loại đang cần có những linh mục thánh thiện và những tâm hồn được thánh hiến,họ là những người ngày ngày sống hết mình cho Thiên Chúa, cho tha nhân,họ là những bậc cha mẹ sống chứng nhân ngay trong bầu khí gia đình nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân,họ là những người trẻ có kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô và được Người thu hút để hướng dẫn anh chị em đồng loại tới cội nguồn tin mừng”( Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu lần thứ 36).
Ngài gởi lời mời gọi thiết tha đến các bạn trẻ “ cha hy vọng các con có thể biết cách lắng nghe tiếng Thiên Chúa mời gọi các con phục vụ.Đó là con đường mở ra biết bao hình thức của sứ vụ vì lợi ích của cộng đoàn: từ các tác vụ được phong cho đến các tác vụ khác nhau được thiết lập và được nhìn nhận là những thừa tác vụ,như dạy giáo lý,linh hoạt phụng vụ,giáo dục giới trẻ và những diễn tả khác nhau về đức ái” ( Số 4)
3. Ai phục vụ Thầy, người ấy phải theo Thầy
Một xã hội thiếu bóng dáng những người sống đời tận hiến là một xã hội thiếu lòng quãng đại,một xã hội bị khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống.Chính sự có mặt của những người sống đời tận hiến phục vụ như là một nhắc nhở rằng, con người có khả năng sống yêu thương, phục vụ như Đức Kitô và sống quãng đại hy sinh dấn thân cho người khác.
Những người trẻ lớn lên thường lập gia đình,điều đó thật tốt đẹp.Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số người trẻ dâng hiến đời mình cho Chúa,ở bên Chúa cách đặc biệt để được sai đi.Vì thế Đức Thánh Cha nhắn nhủ những người trẻ ”Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng ngày hôm nay “Nếu ai phục vụ Thầy,người ấy phải theo Thầy” (Ga 12,26).Đừng e ngại đón nhận lời mời gọi này.Chắc chắn các con sẽ gặp phải những khó khăn hy sinh,nhưng các con sẽ hạnh phúc khi phục vụ,các con sẽ là chứng nhân của niềm vui mà thế gian không thể ban tặng.Các con sẽ là những ngọn lửa sống động của một tình yêu vô biên và vĩnh cửu.Các con sẽ nhận biết những phong phú thiêng liêng của chức vụ linh mục, quà tặng và mầu nhiệm thần linh” (Số 5).
Người sống đời tận hiến chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm.Họ dâng tình yêu lứa đôi cho một tình yêu cao hơn trong ơn gọi tu trì để có thể yêu mãnh liệt và bao la hơn. Đức Thánh Cha khẳng định “Họ không tìm kiếm những lợi lộc vị kỷ,nhưng hiến mình cho kẻ khác,khi cảm nghiệm niềm vui của tính nhưng không qua việc hiến tặng bản thân” (số 4).
Người đi tu là người muốn nên trọn lành,muốn đạt đến đỉnh cao của sự toàn thiện. Đó cũng tựa như người leo núi.Muốn có ánh sáng thì phải lên cao.Để lên cao phải vất vả, nhiều khi phải leo lên những sườn dốc cheo leo.Leo núi là một cuộc mạo hiểm. Đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ.Nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo và nhất là sự can đảm.Đời sống tu trì cũng vậy.Nó đòi hỏi một sức khoẻ tinh thần, thể xác,sự khôn ngoan, nhẫn nại, lòng can đảm, sức chịu đựng bền bỉ.Nếu không người ta sẽ sợ hãi chóng mặt, dừng lại và rút lui. Đổi lại,người leo núi được hưởng những niềm vui mà người khác không biết đến. Đó là, được ở trong ánh sáng không bao giờ tắt, được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ, cảnh mây bay lững lờ tận dưới xa chân mình, càng leo những núi cao càng khám phá ra muôn vàn những đỉnh núi khác.
4. Cầu nguyện cho những người Mẹ
Ơn gọi tu trì là ân huệ đến từ Thiên Chúa. Gia đình là chủng viện đầu tiên, dòng tu đầu tiên ươm mầm ơn gọi phát triển. Các bậc cha mẹ là những người phát hiện và vun trồng cho ơn gọi lớn lên, trổ sinh hoa trái.
Hôm nay giáo hội cũng cầu nguyện đặc biệt cho các người Mẹ.Giống như người mục tử, giống như Chúa Giêsu, một bà mẹ luôn có mối tương giao gần gũi sâu sắc với đàn con cái.Người Mẹ yêu thương chăm sóc từng đứa con, tuỳ tính tình mỗi đứa để có cach giáo dục thích hợp. Không gì mà người Mẹ không làm để bảo vệ con khỏi nguy hiểm. Bà sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để tìm kiếm đứa con lầm đường lạc lối trở về.
Ơn gọi tu trì thường do người Mẹ phát hiện và dìu dắt từng bước.Hầu như linh mục nào cũng giống Mẹ và rất kính yêu Mẹ của mình.Tấm lòng người Mẹ bao la như biển cả. Trái tim người Mẹ nhân hậu bao dung như đất trời. Bởi vậy ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu cũng cần dành lời cầu nguyện đặc biệt cho mọi người Mẹ trên thế giới. Xin cho mọi người Mẹ luôn sống vai trò mục tử nhân lành với con cái và luôn biết quãng đại dâng con mình cho Chúa, cho Giáo hội trong Ơn Gọi Phục Vụ.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules