Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh/B

Ai yêu thương, thì mới có thể hy sinh

(Ga 10,11-18)

Trong sách tiên tri Ê-dê-ki-en (đoạn 34) Thiên Chúa Gia-vê hứa sẽ ban cho một vị mục tử nhân hậu.

Ðức Giêsu coi lời hứa đó đã được ứng nghiệm nơi Người và tự nhận mình là người «Mục Tử Nhân Lành», người đã lo lắng chăm sóc và đã thí mạng sống mình cho đoàn chiên, bởi vì Người biết chúng. Lý do khiến Người hiến thân trọn vẹn cho đoàn chiên là vì Chủ Chăn và đoàn chiên gắn bó mật thiết với nhau qua việc thông cảm hiểu biết nhau. Trong Phúc Âm, Người đã nói: «Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta», tiếp đến Người đã nói đến một điều mong muốn đầy tính cách nhân bản sâu xa là mong sao có ai đó thực sự hiểu biết Người, can đảm hy sinh cho Người và Người có thể hoàn toàn tin tưởng được người đó. Chữ «biết» ở đây theo nghĩa Kinh Thánh thường dùng có nghĩa là tin tưởng lẫn nhau, lo lắng cho nhau, và «biết» có nghĩa là «yêu»!

Vậy, «biết» ai thực sự, có nghĩa là chấp nhận người đó trong toàn diện con người của anh ta, với sở trường sở đoản, với các ưu khuyết điểm của anh ta, với các giá trị nhân bản của anh ta cho chính anh ta cũng như cho người khác. Nếu tôi biết mình được công nhận và được yêu như thế, tôi sẽ có thể hy sinh vô điều kiện; bởi vì sự hiểu biết sâu xa lẫn nhau sẽ dẫn tới một tương quan sâu xa hơn trong tác động yêu và được yêu. Sự cảm nghiệm về điều đó làm cho chúng ta thêm sức mạnh để có thể đứng vững được trong những hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm, để trung thành với người mình yêu thương.

Ðiều gì đã có thể làm cho những người ở trong gia đình, trong các bệnh viện hay ở trong các trại tỵ nạn, v.v… đem hết sức lực mình để lo lắng giúp đỡ cho một người, cho một nhóm người đang trong cảnh bất hạnh, đau khổ, cùng quẫn? Tôi nghĩ rằng lý do hay động lực chính yếu đã tác động nơi đa số những con người có được những hành động quả cảm như thế là tình yêu, một tình yêu không hề đặt điều kiện là mình sẽ được lợi gì hay sẽ được bù trừ lại, nhưng hoàn toàn tự nguyện cho đi vì người khác đang trong cảnh cùng quẫn.

Một tình yêu như thế chính là nền tảng, là đặc điểm của sự tương quan giữa Ðức Giêsu và con người. «Ta biết các con chiên của Ta…», nghĩa là: Trước hết, Người yêu thương chúng ta; tiếp đến, khi cảm nhận được rằng mình thực sự được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta mới đáp lại bằng sự tín thác và yêu mến. Ðó cũng là đặc điểm của con người là luôn muốn được yêu trước đã, rồi mới yêu lại, thay vì tự mình yêu trước. Chúng ta mất rất nhiều sức lực để tự khẳng định mình đáng yêu. Còn tâm trạng lo sợ mình không được yêu thường sẽ ngăn cản chúng ta biết yêu người khác trước.

Hình ảnh Ðức Giêsu «Ðấng Chăn Chiên Lành» khẳng định cho chúng ta hay là khi liên kết với Ðức Giêsu, chúng ta không còn phải sợ hãi nữa. Ðức Giêsu không hề đòi hỏi điều kiện gì cả, không chờ đợi bất cứ một bằng chứng nào về khả năng của chúng ta. Người «biết» chúng ta, Người thấu rõ tâm trạng của chúng ta là sợ đánh mất tình yêu; qua nỗi khốn khổ của mình, Người thấu hiểu nỗi khốn khổ của chúng ta là khả năng yêu thương thường quá giới hạn.

Như người chăn chiên nhân hậu luôn hiện diện bên đoàn vật để bênh vực chúng, Ðức Giêsu cũng luôn hiện diện bên cạnh con người đến nỗi Người đã lột bỏ mọi vinh quang của mình. Người biết mình được sai đi, để loan báo và cho con người tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa bằng cuộc sống cụ thể đầy hy sinh của Người. Và qua cuộc sống đầy hy sinh của mình, Ðức Giêsu đã làm chứng cho Thiên Chúa, Cha của Người, một cách thực tiễn và đầy thuyết phục. Ðức Giêsu luôn ý thức rằng Người hằng hiệp nhất nên một với Chúa Cha trong một tình yêu thần thiêng tuyệt đối, và chính mối tương quan dạt dào yêu thương ấy giữa Người và Chúa Cha là nền tảng và là động lực cho tình yêu vô biên của Người dành cho nhân loại. Và tiếp đến, vì yêu thương nhân loại bằng tình yêu vô bờ bến của Chúa Cha, nên Đức Giêsu đã không ngại hy sinh tất cả và chính sự sống của mình cho sự hạnh phúc vĩnh cửu của cả nhân loại.

Nói tóm lại, nếu Đức Giêsu, Đấng Chăn Chiền Lành, đã sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ và cả cái chết đau thương nhục nhã trên thập tự giá cho nhân loại, vì Người yêu thương họ, vì Người muốn cho họ được hưởng hạnh phúc bất diệt; cũng vậy, chúng ta chỉ có thể hy sinh cho người khác, khi chúng ta biết yêu thương họ như những người anh chị em thực sự của mình. Như vậy, ai có lòng yêu thương kẻ khác, thì mới có thể hy sinh cho họ được. Vâng, ai yêu thương, thì mới có thể hy sinh.


LM. Nguyễn Hữu Thy