GIÁO HỘI DÀNH BIỆT KÍNH MẸ



THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ - 2009

Tháng Năm, Giáo Hội dành để biệt kính dâng Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ Giáo Hội hoàn vũ, Mẹ của mỗi Giáo Hội địa phương và là Mẹ của từng người tín hữu Kitô chúng ta.

Tháng Năm, người tín hữu Việt Nam vẫn quen gọi là tháng hoa, tháng dâng hoa kính Mẹ. Bắt nguồn từ một tập quán đạo đức lâu đời trong dân gian, tín hữu Việt Nam tại thôn quê đã thu hái những đoá hoa đồng nội ngát hương, thành kính dâng lên Mẹ hiền.

Từ những tấm lòng đơn thành với những đoá hoa riêng lẻ ấy, những người con của Mẹ Maria đã biết quy hội nhau lại trong tình yêu, lòng thảo hiếu với người mẹ hiền cao cả, vị từ mẫu của Con Thiên Chúa và là mẹ chung của tất cả mọi người. Những bài ca vãn, những tiết điệu dân gian, những diễn điệu dịu dàng tôn kính của những đoàn thiếu nhi bé nhỏ đơn sơ ở khắp các giáo xứ lần lượt nảy nở như cây đâm nụ trổ hoa mến Mẹ. Các hình thức nghệ thuật lồng trong tâm tình đạo đức, âm nhạc du dương thánh thót trầm bổng hoà với cử điệu nhịp nhàng, màu sắc rực rỡ, ngày một thêm phong phú. Thế nhưng, nghệ thuật thánh, tình cảm đạo đức yêu mến Mẹ được Giáo Hội nhắc nhở, dè chừng để con cái mình không đi lạc quá vào những tình cảm chóng qua và vô bổ:

Hiến chế tín lý về Giáo Hội trong Công đồng chung Vaticanô II đã nói rõ : “Các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (GH 67).
Thường thấy tại các giáo xứ, những buổi dâng hoa kính Mẹ mang một màu sắc đạo đức đứng đắn. Không nói đến những hình thức nghệ thuật ca múa. Ở đây chỉ xin đề cập đến nội dung của một buổi dâng hoa, tiến hoa:

1. Cùng với Mẹ ngợi khen chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa: thường được mở đầu bằng những bài ngũ bái, để giúp cho cộng đoàn hiểu và xác tín rằng “chỉ trong huyền nhiệm Đức Kitô, huyền nhiệm Đức Maria mới thật sự sáng tỏ” (TĐ. Mater Redemptoris).

2. Là một dịp học hỏi về Mẹ với Mẹ: bằng một bài giảng hay diễn giải ngắn về chân dung và vai trò Đức Mẹ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, học hỏi một nhân đức của Mẹ Maria, hướng ý trước bằng mỗi bài hát hoặc mỗi phân cảnh.

3. Qua Mẹ đến với Chúa: dâng Giáo Hội, giáo xứ, gia đình, bản thân cho Mẹ, những lời cầu nguyện ngắn, đơn sơ tạo dịp cho cộng đoàn cùng tham dự, cùng tiến dâng chứ không nên chỉ thụ động như những người đi xem một buổi văn nghệ.

Những tâm tình đạo đức chính đáng đặt nền tảng trên đức tin chân thật, dựa vào giáo huấn của Giáo Hội, nghệ thuật vũ nhạc thánh sẽ đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa Việt Nam.