Đi mua chứng chỉ ở trung tâm tin học “ma”
(Dân trí) - Nghe nhiều lời đồn về trung tâm tin học treo biển Đại học Bách khoa Hà Nội ở Quảng Bình có thể làm chứng chỉ tin học, Anh văn “siêu tốc”, PV đã sắm vai người mua chứng chỉ và không khỏi bàng hoàng: nộp tiền, 5-7 ngày sau có chứng chỉ giỏi trong tay.
Mua chứng chỉ như mua thịt, mua rau
Trung tâm tin học treo biển Đại học Bách khoa Hà Nội tọa lạc ở số nhà 168 Trần Hưng Đạo ở trung tâm TP Đồng Hới, Quảng Bình. Sử dụng mặt bằng khá hẹp, trung tâm chỉ dựng lên chừng hơn chục cái máy vi tính “đồ cổ” và một cái bàn có tên gọi mỹ miều là bàn giao dịch.
Chẳng hiểu trung tâm này đào tạo vào giờ giấc nào, nhưng trong 6 lần chúng tôi đến, trung tâm đều vắng hoe, chỉ có hai cô gái tên Hường và Thảo cùng vài người với gương mặt lấm lét, có lẽ cũng đi mua học vấn.
Giao dịch mua chứng chỉ tại Trung tâm tin học treo biển ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: H.K).
Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện nghe nhìn cần thiết, chúng tôi bước vào trung tâm và bắt đầu cuộc “giao dịch”. Khi PV “đặt vấn đề” về làm chứng chỉ tin học để xin việc ở xã, cô gái tên Hường không ngại ngần gật đầu, ra giá 300.000 đ/chứng chỉ. Hường nói thẳng: “Không cần học cũng được, chỉ cần nộp 2 ảnh 3x4, ghi tên, quê, ngày sinh và tiền rồi một tuần quay lại lấy bằng”.
Vờ như ngây ngô, PV liên tục đặt những hỏi như “Trung tâm mình của Đại học Bách khoa Hà Nội à?”, “Đại học Bách khoa cấp bằng à?” hay “Không cần học cũng có bằng à?”, cô gái tên Hường đều “Dạ” và gật đầu lia lịa. Để an lòng vị khách ngây thơ lo mua phải bằng giả, Hường trấn an: “Yên tâm đi, không đi học nhưng vẫn có đủ hồ sơ, bài thi hẳn hoi. Anh đi công chứng ở đâu cũng được, không được cứ mang trả trung tâm”. Tỏ vẻ kinh nghiệm, Hường (xưng mới vào làm) gật gù: “Làm phải thế chứ, không công an “nó” tóm chết”.
Để giải thích cho điều này, Hường cho biết đó là mánh “ghép lớp”, tức ghép tên vào một lớp đang đào tạo thật, nhờ người thi hộ rồi lấy chứng chỉ. Chẳng biết thực hư việc ghép lớp này thế nào, nhưng khi chúng tôi yêu cầu làm lùi thời gian tốt nghiệp cũng được trung tâm “chiều” dễ dàng. Ví như chúng tôi, trong biên lai “thu tiền học phí” (thực ra là tiền mua chứng chỉ) ghi ngày 29/4/2009 nhưng khi lấy chứng chỉ lại ghi tốt nghiệp từ… 16/3.
Một hồi câu chuyện, Hường hỏi han về lai lịch vị khách và tỏ ra yên tâm khi biết ông khách ở một huyện xa tít, lại đang cần chứng chỉ để xin việc. Vì vậy, Hường cởi mở: “Bây giờ làm chứng chỉ cho có hình thức thôi, chỗ em ai thích học thì đến học cho biết, còn lại đều làm cả”. Hường không ngừng “quảng cáo”, không chỉ chứng chỉ tin học, trung tâm tin học này còn “kiêm” luôn cả chứng chỉ tiếng Anh mọi trình độ. Hường dò sổ và đưa ra một con số choáng váng: trong tháng đã có 73 trường hợp đến làm chứng chỉ các loại, và thường hàng tháng đều có trên dưới 100 cái chứng chỉ giả được bán ra thông qua trung tâm này.
Thử một phép tính đơn giản, với trung tâm đã tồn tại 4 năm này, nếu mỗi tháng có 100 tấm chứng chỉ được phát ra, đã có tới 4.800 chứng chỉ “ma” tồn tại.
Cuộc “mặc cả học vấn” gian nan
Chứng chỉ ở đây có nhiều loại, với nhiều mức giá khác nhau cũng giống như rau muống mớ to mớ nhỏ vậy. Một chứng chỉ tin học ghi do Trung tâm tin học - Ngoại ngữ Công ty Cổ phần giáo dục Trường Công nghệ Kỹ thuật - Kinh tế đối ngoại cấp được “hét” giá 270.000 đồng, chứng chỉ tiếng Anh là 350.000 đồng.
Bằng ghi do Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY thuộc Tổng Cục Dạy nghề Việt Nam cấp có giá “chát” hơn: 320.000 đồng cho tin học và 520.000 cho tiếng Anh.
Mất 270.000 đ, bạn sẽ có ngay một tấm chứng chỉ được cam đoan "thật 100%" như thế này (Ảnh: H.K).
Sau một hồi hỏi han, chúng tôi quyết định chọn “gói dịch vụ” rẻ nhất, nộp 270.000 đồng để đổi lấy một biên lai thu tiền và lời hẹn quay lại nhận chứng chỉ tin học trình độ B, loại giỏi.
Chờ đợi gần một tuần với hàng chục cuộc điện thoại theo số 09150175xx cho người có tên Trần Thị Thảo, ghi trên danh thiếp là Phụ trách trung tâm, PV được cầm trong tay tấm chứng chỉ mà theo Thảo là “thật 100%”. Chứng chỉ do Trung tâm dạy nghề NGUYENDUY cấp, có dấu chìm dấu nổi “long lanh”, có cả chữ ký của giám đốc Nguyễn Duy Lý.
Đã là khách quen, PV lại đóng vai “cò” chứng chỉ với số lượng lên tới… 50 chứng chỉ. Tưởng gặp “khách hàng tiềm năng”, Thảo đon đả: “Một cặp chứng chỉ là 670.000, nếu cần giữ cả hồ sơ học tập để cơ quan kiểm tra thì nộp thêm 50.000 đồng. Anh cứ yên tâm, làm xong rồi bọn em sẽ trích lại cho anh một ít tiền xăng xe”. Chúng tôi cố gắng mặc cả thêm tí chút thì được hào phóng miễn 50.000 đồng tiền hồ sơ. Chúng tôi chào về với lời hẹn sẽ quay lại sớm.
Ít hôm sau, khi PV quay lại Thảo đon đả ra mặt, rót nước mời khách quý. Tuy nhiên, khi nghe xưng danh PV cần tìm hiểu về giấy phép và tư cách pháp nhân của Trung tâm, Thảo liền thay đổi sắc mặt, xua tay không trả lời. Từ chỗ xưng là Phụ trách trung tâm, Thảo quay ra nói “Em chỉ là người làm thuê cho anh Thành bên ai-ti-xi” (?). Nhưng khi PV yêu cầu gặp giám đốc Trung tâm, Thảo cương quyết không nói gì thêm rồi bước ra cửa dắt xe đi thẳng.
(Còn tiếp!)
Hồng Kỹ