Cập nhật lúc 09h08" , ngày 08/06/2009
Điện ảnh Việt còn vô danh trên bản đồ?
(VnMedia) - “Nói ra có nhiều người buồn, nhưng thực ra phim nước mình còn vô danh với khu vực chứ chưa nói đến thế giới. Tới giờ đa phần người ta chỉ biết về điện ảnh Việt Nam qua phim của Trần Anh Hùng, mà phim Trần Anh Hùng thực ra không phải phim Việt mà là mình vơ vào” - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhận xét.
Khán giả nước ngoài xa lạ với điện ảnh Việt
Lớn lên và hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ, diễn viên Johnny Trí Nguyễn cho biết, ở đất nước này, khán giả đại chúng hầu như không hề biết gì về điện ảnh Việt Nam. Những đối tượng làm nghề và báo chí có quan tâm hơn nhưng cũng chỉ trên phương diện nhìn hình ảnh đất nước và con người Việt thông qua những bộ phim về chiến tranh Việt Nam của các đạo diễn Mỹ, như Apocalypse Now (Francis Ford Coppela), Full Metal Jacket (Stanley Kubrick), Heaven and Earth (Oliver Stone)...
Khái niệm “điện ảnh Việt Nam” chỉ được biết đến trong một bộ phận nhỏ khán giả ưa thích phim nghệ thuật và được gắn với một số bộ phim gây tiếng vang ở các giải thưởng quốc tế của các đạo diễn Việt kiều, như các phim Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng hay Ba mùa của Tony Bùi. Tuy nhiên, nếu phân định chính xác thì những bộ phim ấy không hẳn là phim Việt, vì do nước ngoài sản xuất.
Khán giả nước ngoài hiện nay biết đến điện ảnh Việt chủ yếu qua một số phim Việt kiều do nước ngoài sản xuất như Mùi đu đủ xanh, Ba mùa.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn kể, trong một cuộc trò chuyện giữa nhiều nhà làm phim các nước trong khuôn khổ một LHP quốc tế ở Thái Lan mới đây, ông hỏi họ đã xem bộ phim Việt Nam nào chưa. Tất cả đều trả lời chưa.
Thực tế này không khỏi chạnh lòng, vì như vậy là đến ngay cả những người làm điện ảnh đó còn chưa từng ngó ngàng đến phim Việt chứ chưa nói gì đến các khán giả nước họ. Dù “thăm dò” không chính thức này chỉ là thống kê trong một buổi trà dư tửu hậu của một nhóm nghệ sỹ tại một Liên hoan phim.
Đạo diễn Vương Đức cũng từng có “mặc cảm” tương tự khi cùng phim Của rơi tham gia một LHP quốc tế ở Thuỵ Điển cách đây mấy năm. “Khán giả nước ngoài đa số còn xa lạ với phim Việt. Những đạo diễn có nhiều dịp đi LHP như Đặng Nhật Minh, Việt Linh, Đỗ Minh Tuấn, Lưu Trọng Ninh, Lê Hoàng, Vương Đức… chỉ được biết trong khuôn khổ các liên hoan ấy, mà các LHP chúng ta tham gia cũng chưa phải các LHP lớn”.
“Nói là vô danh thì không hẳn, nhưng đúng là ở bên ngoài người ta gần như không biết gì mấy về điện ảnh Việt” - đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ. Anh cho rằng, điện ảnh Việt Nam mới hội nhập, các tác giả, tác phẩm có cơ hội để giao lưu với thế giới cũng chưa nhiều, lại xuất ngoại lẻ tẻ, lác đác. Và “khi mình đi ra ngoài chưa thành hệ thống thì người ta cũng ít để ý”.
Xuất ngoại lẻ tẻ trong khuôn khổ hẹp
Đã có một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam thuộc dòng phim nghệ thuật được chiếu ở rạp chiếu bóng nước ngoài, nhưng đa phần là trong những khuôn khổ hẹp và hướng đến đối tượng khán giả Việt kiều.
Pháp là thị trường mặn mà nhất với điện ảnh Việt Nam, khi có 5 phim nghệ thuật của ta đã được tổ chức chiếu thương mại (có bán vé) ở đây: Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng (Việt Linh), Những người thợ xẻ (Vương Đức), Mùa ổi (Đặng Nhật Minh) và Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh).
Mùa len trâu, Mê Thảo - Thời vang bóng... là những phim ít ỏi đã bán được cho các hãng phát hành nước ngoài để chiếu thương mại
Các phim này đều được chiếu ở các cụm rạp chiếu phim nghệ thuật - thử nghiệm (ở Pháp chính phủ tài trợ cho các rạp này để khuyến khích giới thiệu phim của các nền điện ảnh), và theo đạo diễn Vương Đức, vẫn mới là thu hút một lượng khán giả nhỏ, vì các rạp này cũng khá nhỏ và kén khách.
Báo chí trong nước cũng thường đưa tin các phim Việt Nam trình chiếu tại các trường đại học ở Mỹ, hay đến với khán giả Mỹ. Đây là một nỗ lực của ICVE (Institute for Vietnamese Culture and Education) - Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận của một Việt kiều, nhằm giới thiệu các phim nghệ thuật trong nước đến Mỹ.
Cho đến nay đã có khá nhiều phim tham gia hoạt động này như Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi (Đặng Nhật Minh), Đời cát (Nguyễn Thanh Vân), Thung lũng hoang vắng (Nhuệ Giang), Của rơi (Vương Đức), Vua bãi rác (Đỗ Minh Tuấn), Chuyện của Pao (Ngô Quang Hải), Sống trong sợ hãi (Bùi Thạc Chuyên), Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn)…
Dòng máu anh hùng, một thành công trong xuất ngoại phim Việt
Nhưng thực ra, các phim đều được chiếu miễn phí dưới hình thức giao lưu giữa khán giả và tác giả, với số lượng khán giả khiêm tốn và chủ yếu là cộng đồng người Việt hay sinh viên du học tại Mỹ. Dù hình thức giao lưu văn hoá này là một hoạt động hữu ích và khuyến khích dòng phim nghệ thuật trong nước, nhưng chuyện “phim Việt đến với khán giả Mỹ” vẫn còn là viễn cảnh.
Để lọt vào hệ thống phát hành quốc tế là điều không hề đơn giản, nhất là với một nền điện ảnh còn nhỏ bé và chưa chuyên nghiệp như Việt Nam. Con đường này hiện tại vẫn chủ yếu là nỗ lực của các nghệ sỹ hoặc các ông chủ hãng phim tư nhân chứ chưa phải nhờ tư duy tiếp thị và xuất khẩu phim của khâu phát hành nhà nước. Dù sao, cũng đã có những tín hiệu vui từ Mùa len trâu (vào rạp Bỉ, Mỹ..), Mê Thảo - Thời vang bóng (Mỹ, Canada), Áo lụa Hà Đông (một số nước châu Á) và gần đây nhất là Dòng máu anh hùng (thành công ở thị trường DVD tại Mỹ và các rạp chiếu Trung Quốc, cùng nhiều quốc gia khác).
Với một nền điện ảnh, để các tác phẩm đi ra khỏi biên giới nước mình, tựu chung lại cũng là mấy ngả đường: len chân vào mạng lưới rạp chiếu bóng, tiếp cận qua hệ thống băng đĩa, trình chiếu trên các kênh truyền hình hoặc thông qua những dịp tổ chức các hoạt động điện ảnh, văn hoá…
Với những cánh cửa này, điện ảnh Việt đều đang trong giai đoạn tìm chìa khoá hoặc dò tay mở.
Kỳ sau: Phim Việt xuất ngoại: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Hoàng Lê