-
Moderator
N - Nhân ngày lễ Hiền Phụ: CHA TÔI
Nhân ngày lễ Hiền Phụ: CHA TÔI
Mấy chục năm trời nhận được biết bao nhiêu tình thương của Cha mà không viết về Cha của mình thì dở quá !
Mấy chục năm trời mà chỉ trải lòng trên vài trang giấy thì cũng dở vì lẽ tình thương trời bể ấy sao gói ghém cho được trong vài con chữ !
Và, chẳng có ngôn từ nào để nói hết về ơn Cha, về nghĩa Mẹ cả. Nhưng, nếu không nói thì quả là điều xấu hổ cho một con người đã lãnh nhận không biết bao nhiêu ơn lành từ bàn tay Cha, từ tấm lòng của Mẹ.
Sau biến cố 75, gia đình đã rơi vào cảnh túng quẩn do thay đổi chế độ. Nghe người này người kia nói sẽ gặp nhiều sự khó khăn sau ngài Giải phóng ấy nên gia đình khăn gói lên đường đi Kinh Tế Mới. Một điều chẳng ai mong đợi đó là Cha tôi bị bệnh và mất sức lao động từ ngày ấy. Mọi chuyện trong nhà nặng trĩu trên đôi vai Mẹ.
Sinh ra trong một gia đình vốn dĩ mang tính truyền thống là hiền lành, với hoàn cảnh sức khoẻ như vậy, Cha tôi lại càng hiền hơn nữa. Truyền thống hiền lành ấy đã để lại dấu ấn nơi bà con chòm xóm và ngay cả Cha Sở. Trong Thánh Lễ an táng của người bác ruột, Cha Sở giáo xứ Thánh Giuse (Gò Vấp) chia sẻ trong bài giảng rằng: “Ông T chỉ một lần nóng giận vợ con đập bể 1 cái đĩa thôi mà ông ân hận mãi. Ông chẳng hiểu tại sao ngày hôm ấy ông lại làm như vậy. Để xảy ra chuyện không vui ấy, ông hối hận vô cùng. Từ đó về sau, chẳng bao giờ vợ con thấy ông la mắng vợ con điều gì cả. Nhìn vào tấm gương của ông, chúng ta cần nhìn lại cách hành xử của chúng ta, chúng ta phải mặc lấy tâm tình hiền lành như ông T đã học nơi Chúa Giêsu …”.
Quả thật, Cha tôi cũng hiền như bác tôi vậy. Từ bé đến lớn, chưa bao giờ thấy ông to tiếng với ai trong gia đình cả. Phật lòng điều gì đấy, Cha tôi cũng chỉ lặng lẽ và lặng lẽ đón nhận.
Với con mắt của người đời, với cái nhìn hết sức bình thường của con người thì Cha tôi được liệt vào hàng “vô dụng”. Thế nhưng, tôi cũng như anh chị em trong gia đình lại có cái nhìn khác về Cha của mình. “Vô dụng” với cái nhìn của người đời nhưng với con cháu, Cha tôi là một người ơn cho cả gia đình. Lẽ thường của cuộc đời, trong gia đình, có người nóng thì cũng phải có người nguội chứ không thì gia đình sẽ tan nát. Mẹ tôi thì mang đậm nét của một cá tính mạnh, Cha tôi lại mang đậm nét của người hiền từ và nhân hậu. Cha tôi hoàn toàn không “vô dụng” và ngược lại rất “hữu dụng” và là người ơn của cả gia đình bởi lẽ bài học khiêm tốn từ người cha trong gia đình con cái khó có thể mà sống được như cha và đặc biệt hơn nữa, đó là đời sống cầu nguyện và sâu lắng với Chúa của Cha tôi. Nhờ có đời sống nội tâm và gắn bó với Chúa nên gia đình phải nói là ít có sóng gió.
Điểm son trong cuộc đời Cha tôi đó chính là sự khiêm hạ. Nhớ những lần gia đình có mâu thuẫn, có va chạm thì y như rằng, Cha vẫn là người nhịn nhục, chịu thiệt thòi. Nhịn nhục, thiệt thòi ấy vậy mà hay. Những nhịn nhục, những thiệt thòi ấy là “chất” gìn giữ cho gia đình được bình an và hạnh phúc. Cũng với nhiều người, nhịn nhục, chịu thiệt là hèn nhát nhưng với Cha tôi, chịu thiệt và nhịn nhục ấy chính là cách mà Người cư xử với vợ, với con.
Phải nói là Cha tôi hiền đến độ kiệm lời. Ít bao giờ thấy ông to tiếng và thậm chí lên tiếng này tiếng nọ. Cha ít nói đến độ thi thoảng dịp này dịp nọ có cha này cha kia trong cộng đoàn hay thân quen ghé thăm nhà Người cũng chẳng biết nói gì. Chỉ đơn giản “xin cảm ơn các cha đã ghé thăm nhà”. Và hình như lời “cảm ơn” nhỏ nhẹ của Cha tôi như thay lời muốn nói tất cả của Người.
Nhìn lại chặng đường dài của gia đình, nếu như Mẹ còn sống, thì suốt 45 năm qua, nhờ đời sống khiêm hạ của người Cha mà anh chị em chúng tôi mới có được như ngày hôm nay.
Cách đây hơn chục năm, khi đối diện với cơn tai biến, Cha tôi đã tiên liệu đến cái “ngày ấy”. Biết con cái phải bôn ba hơn với cuộc sống khi người Mẹ hiền đã nằm xuống, Cha tôi càng lo lắng hơn cho cái phần “hậu sự”. Không lo sao được khi cả nhà đã dốc hết mọi sự lo cho Mẹ chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, không lo sao được khi Mẹ hiền nằm xuống các con rơi vào cảnh ngộ “hai bàn tay trắng”, không lo sao được khi chính bản thân mình lại bị tai biến …
Chẳng biết bộc bạch với ai, Cha bèn thỏ thẻ với người anh kế ! Tất cả những âu lo cho “ngày ấy” được cậu trai Út thu xếp từ phần “Bảo hiểm xã hội” sau vài năm lăn lộn với cuộc sống. Cậu trai Út của ông đã gửi phần tiền ít ỏi để lo cho Cha mình nơi Cha Giám Đốc Dự Tập khi bước vào “nhà tu”. Đến nay, cu cậu đã tốt nghiệp ra trường nhưng sức khoẻ của Cha tôi cũng phần nào được ủi an. Chắc có lẽ Thiên Chúa đã quan phòng, đã yêu thương, đã chăm sóc và đã bù đắp lại cho người Cha hiền lành trong gia đình nhỏ bé ấy.
Biết rằng một ngày nào đó con sẽ mất cha, cháu sẽ mất ông nhưng cậu trai Út cứ nài van xin Chúa cho Cha của mình được thọ lâu bên đàn con cháu.
Thi thoảng, anh chị em chúng tôi lại ngồi lại và nhắc nhớ nhau về hình ảnh, về nhân cách của người Cha. Ngày nay, cả gia đình tạm gọi là “hàng ngày dùng đủ” phải chăng là nhờ lời cầu bầu của người Mẹ hiền yêu dấu và bằng những lời kinh, những tràng chuỗi từ người Cha già khiêm hạ. Những gì đàn con lũ cháu có được ngày hôm nay chẳng phải nhờ vào sự bôn ba của người Mẹ và lời nguyện cầu của người Cha đó chăng ?
Chỉ biết thầm xin Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót cho Mẹ được vui hưởng tôn nhan Chúa và xin cho Cha được vui hưởng những ngày cuối đời vui vầy bên lũ cháu đàn con.
An Mai
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules