Minh luận của Thanh Hải Vô Thượng Sư về
những đoạn trích dẫn từ Kahil Gibran's :


Tiên Tri
- Chương Bố Thí -


Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại Đài Nam ,
Formosa (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)


Phần này là về sự bố thí . Nhà tiên tri này nói :

"Bố thí về của cải được xem là rất nhỏ , không đáng kể . Bố thí chính mình mới là bố thí chân chính."

Nếu quý vị cho tiền bạc của mình , điều này được xem là rất nhỏ , không đáng nói . Khi quý vị cho chính mình , đó mới thực sự là bố thí . Tôi không hiểu thế nào là bố thí chính mình , quý vị hiểu không ? Để chúng ta xem ông làm như thế nào rồi tôi mới giải thích .

"Tài sản của quý vị là gì nếu không phải là những gì quý vị nắm giữ , bảo trọng , vì sợ rằng có thể sẽ cần tới trong tương lai ?" Và ngày mai , cái mà tương lai sẽ đem đến cho chúng ta cũng như miếng xương mà con chó dấu trong đống cát khi nó đi hành hương tới một thành phố thiêng liêng ?"

"Vì của cải không phải là những gì quý vị phải giữ gìn , bảo vệ cẩn thận , vì e rằng ngày mai có thể cần đến nó . Nhưng ngày mai , ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì ? Ngày mai sẽ đem lại cho chúng ta những gì ? Cũng giống như một con chó , rất cẩn thận chôn giấu cục xương dưới bãi cát , và không để lại dấu vết , rồi nó theo người chủ đi cúng bái núi non . Sau đó làm sao nó kiếm lại được ?"

"Và sự lo sợ của cần thiết là gì nếu không phải chính là sự cần thiết ?"

Ông nói rằng : Chúng ta lo sợ rằng ngày mai có thể chúng ta sẽ cần một món gì , sự lo sợ này vốn không có lực lượng gì cả , mà chính vì bản thân chúng ta lo sợ nên mới có lực lượng." Khi chúng ta lo sợ , sự lo sợ đó là điều nguy hiểm nhất , không phải chuyện mà chúng ta lo sợ sẽ xảy ra . Sự lo sợ còn nguy hiểm hơn chuyện có thể sẽ xảy ra đó ! Vì lúc đó chúng ta mất can đảm . Mất can đảm còn nguy hiểm hơn bất cứ chuyện gì sẽ xảy ra . Vì có thể chuyện đó sẽ không xảy ra . Khi chúng ta lo sợ , thì chuyện đó có thể xảy ra , có thể không xảy ra , nhưng lúc đó chúng ta cảm thấy rất khó chịu . Không cần chờ cho chuyện đó xảy ra , chúng ta đã đau khổ lắm rồi !

Thí dụ có một người bị tù và hai tuần nữa sẽ bị xử tử . Nếu bây giờ quý vị nói với họ là họ sẽ bị xử bắn trong hai tuần nữa kể từ ngày Chủ Nhật này , thì phải chăng trong suốt hai tuần lễ đó , người đó sẽ rất đau khổ ? Tốt nhất là chờ đến ngày cuối cùng rồi hãy báo cho họ biết . Cũng không cần phải nói nữa , đem họ ra bắn là xong , giả thử vậy , Ông ta vẫn chết , nhưng sự đau khổ không kéo dài mãi , như thể ngày nào cũng bị xử bắn , ngày nào cũng phải thể nghiệm sự lo sợ , thất vọng , phiền não và đau buồn như vậy .

"Sợ khát khi giếng nước của quý vị đầy , cơn khát có giảm không ?"

Khi chúng ta sợ sệt , lo lắng , thì cũng như một người có một giếng nước đầy nhưng lại lo sợ một ngày nào đó giếng sẽ cạn và mình sẽ chết khát .

Người Trung Hoa chúng ta cũng có một câu chuyện gọi là "Kỷ Nhân Ưu Thiên", người nước Kỷ đó mỗi ngày ưu sầu , e rằng có một ngày trời sẽ sụp đổ .

"Có những người cho một chút trong vô số những gì mà họ có ; họ cho là để được ngợi khen và vì sự ham muốn tiềm tàng bên trong khiến cho việc bố thí của họ thành ô uế".

Có người khi bố thí một chút của cải của họ cho người khác , nhưng họ có một ẩn ý khi cho . Họ thích người ta biết được lòng hảo tâm của mình , thích được người khác ca tụng . Cho nên bất kể những người đó bố thí bao nhiêu cũng đều không trong sạch . Có phải điều này rất giống như trong Phật giáo có câu : "Bố thí nhưng không bố thí mới là bố thí chân chính."

Người này từ Ä Rập tới Mỹ , sao lại nói giống giáo lý Đông phương thế . Điều này cho thấy bất cứ người hoàn toàn khai ngộ nào đều nói cùng một giáo lý . Chúa Giê Su Kitô cũng nói : "Tay phải bố thí thì không nên cho tay trái biết." Cả tay trái cũng không nên cho biết .

"Và có những người tuy có ít nhưng lại bố thí hết . Đây là những người tin tưởng vào cuộc sống và sự đại lượng của cuộc đời , sự cống hiến của họ không bao giờ trống rỗng . Có những người bố thí với sự vui vẻ , và niềm vui đó là phần thưởng của họ".

Còn một số người họ chỉ có ít thôi , nhưng cái gì họ cũng cho người ta . Những người này tin tưởng vào cuộc đời , rất có lòng tin đối với Thượng Đế . Vì họ không tin rằng Thượng Đế sẽ để họ thiếu thốn điều gì trong cuộc sống , điều đó có nghĩa là luôn luôn có thứ gì đó cho họ . Họ không lo rằng ngày mai sẽ không đủ . Với những người này kho tàng châu báu của họ không bao giờ giờ trống rỗng , vì họ rất tin tưởng vào tình thương của Thượng Đế , tin rằng đời sống sẽ luôn tràn đầy những gì họ cần .

Những người này khi cho , họ cho bằng cả tấm lòng , cho một cách vui vẻ , và không hối tiếc . Những người này , khi họ cho , niềm hân hoan sung sướng của họ chính là phần thưởng cho họ .

Một số chúng ta khi cho bất cứ thứ gì đều muốn được sự đền đáp , nhưng ở đây người minh sư lại nói : "Khi chúng ta cho một cách vui vẻ , sung sướng , thì trạng thái vui vẻ sung sướng đó chính là phần thưởng cho chính mình , rất khoan khoái . Chúng ta bố thí , giúp người khác , làm cho họ vui vẻ , thì chúng ta cũng sẽ rất thoải mái , chúng ta sẽ hát , sẽ múa , cảm giác đó đẹp vô cùng."

"Và có những người bố thí trong đau khổ , sự đau khổ đó là sự rửa tội của họ".

Có một số người , trong lúc họ cho , lại cảm thấy rất đau khổ . Họ cho ra một cách lưỡng lự , và cảm giác đó chính là lễ rửa tội cho những người đó .

Có lẽ nó khiến họ dần dần cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách làm như vậy . Dù sao cảm thấy đau khổ , chua xót khi bố thí còn tốt hơn là không (mọi người cười). Ý nói là hãy làm từ từ .

Lần thứ nhất bố thí , trong lòng rất đau xót ; lần thứ hai có thể sẽ quen hơn , bớt xót xa hơn một chút (mọi người cười); lần thứ ba sự đau xót lại bớt chút nữa , đến lần thứ tư sẽ quen đi , không cảm thấy đau xót nữa , lần thứ năm có thể sẽ có cảm giác vui vẻ , sung sướng , thấy đó là chuyện nên làm , không có gì đáng nói , học từ từ mà !

Chúng ta những người ngồi thiền cũng vậy , có người dự Thiền Thất vì muốn dự thiền bế quan , có người vì muốn thành Phật , có người vì người khác mà đến , có người vì vợ mà đến , có người vì đi chung với chồng , có người ở nhà không có việc gì làm , đồng tu đều đi hết rồi (mọi người cười), ở nhà không có ai tán dóc , cho nên cũng đi luôn .

Tuy nhiên , lần thứ nhất có thể là vậy . Lần thứ hai sẽ đỡ hơn một chút , lần thứ ba thì : "Thôi , ai nấy đều dự thì mình cũng đi dự , kệ nó có tốt hay không cũng được !" Một số người rất muốn đi ra ngoài tán dóc , thấy mọi người đều thiền tinh tấn , cũng thấy hơi ngại (mọi người cười). Học từ từ mà ! Cho nên mỗi Thiền Thất đều có lợi , dù tôi không nói gì , không làm chuyện kinh thiên động địa gì khiến quý vị giật mình , nhưng quý vị tinh tấn ngồi thiền thì cũng rất tốt đối với quý vị .

"Và có những người bố thí và không thấy đau khổ , cũng không phải để tìm niềm vui hoặc bố thí với ý nghĩ đạo đức ; họ cho giống như cây sim trong cánh đồng tỏa hương thơm ra ngoài không gian . Qua tay những người này , Thượng Đế nói ; và từ ánh mắt họ , Ngài mỉm cười với Thế Giới".

Còn một số người trong lúc họ cho , họ không biết mình vui vẻ hay đau khổ , họ không mưu cầu khoái lạc . Khi họ bố thí , trong lòng cũng không bận tâm lắm , không cho đó là một công đức lớn , họ không chú trọng công đức bố thí đó . Những người này khi bố thí , như hoa hồng hay hoa dại nở trong rừng sâu , mùi hương tự nhiên lan tràn xung quanh , họ không nghĩ đến bất cứ chuyện gì . Qua bàn tay của những người này , Thượng Đế đã ban cho chúng ta món quà chân chính . Qua miệng của những người này , Thượng Đế đến nói chuyện với chúng ta . Qua ánh mắt người này , Thượng Đế thật sự nở nụ cười với thế giới .

Theo lẽ thường thì người ta cười bằng miệng ! Làm sao có thể dùng mắt để cười được ? Đẹp thật ! Cười được chứ , có khi nhìn mắt của một người thì chúng ta cũng biết người đó đang cười với mình . Hèn chi khi yêu nhau , người ta đều nhìn mắt nhau (mọi người cười).

"Khi được hỏi đến thì nên cho , nhưng tốt hơn là chưa hỏi đã cho , qua sự hiểu biết ; và với bàn tay rộng mở , việc tìm người nhận vui hơn là cho".

"Nếu người ta xin chúng ta điều gì , chúng ta nên cho họ . Tuy nhiên , nếu người ta chưa hỏi mà chúng ta đã cho thì càng tốt hơn."

Nhưng trong lúc chúng ta cho , chúng ta cũng phải hiểu , không phải cho một cách mù quáng . Có nghĩa là khi chúng ta thấy người khác cần , biết họ cần , không chờ cho họ hỏi , chúng ta đã cho , như vậy tốt hơn . Tuy nhiên , phải hiểu lý do nào chúng ta cho , có nghĩa là không cho một cách mù quáng , cho chỉ vì lý do chúng ta có quá nhiều .

Có một số người e ngại không dám hỏi , vì họ không chắc rằng chúng ta có thể cho họ những thứ đó . Họ không biết nếu chúng ta có những thứ mà họ cần không và có vui lòng cho hay không .

Họ nghĩ rằng không biết có thể nương tựa vào chúng ta hay không , có thể xin chúng ta những món đó hay không . Vì có thể chúng ta không phải là bạn của họ , cũng không phải là những người quen với họ .

Chúng ta phải xét coi người nào cần , thật sự cần , thì chúng ta cho , cho xong rồi là phải quên đi . Đó là điều tốt nhất . Người quảng đại hơn thường đi tìm những người cần sự giúp đỡ , rồi bố thí cho họ . Sự sung sướng , vui vẻ của những người cho này còn nhiều hơn gấp trăm ngàn lần sự sung sướng , vui vẻ của những người nhận quà .

"Và có gì mà quý vị phải nắm giữ ? Những gì quý vị có thì một ngày nào đó sẽ được cho ra . Cho nên bây giờ hãy bố thí , mùa bố thí có thể là của quý vị và không phải của người thừa kế quý vị".

Ông cứ hỏi rằng có điều gì chúng ta thực sự cần phải giữ cho mình , dù có thực sự đáng kể cho chúng ta bám lấy , để giữ cho chính mình . Bất cứ những gì quý vị có , một ngày nào đó quý vị phải bố thí nó đi . Cho nên bây giờ phải lập tức bố thí , phải cho và cho ! Hãy để cho mùa bố thí là của chúng ta , chứ không phải là của người thừa kế chúng ta .

Có nghĩa là nếu chúng ta cho bây giờ thì công đức là của chúng ta . Tại sao chúng ta lại để cho người khác hưởng ? Lẽ dĩ nhiên , chúng ta không nghĩ tới công đức khi bố thí , nhưng tại sao lại để cho người khác hưởng niềm vui này ? Tại sao lại là người hàng xóm mà không phải là chúng ta ?

"Quý vị thường nói rằng , 'Tôi sẽ chỉ cho những ai xứng đáng thôi.' Những cây cối trong vườn và những súc vật trên cánh đồng của quý vị không có nói vậy . Cho là được sinh tồn , còn chiếm giữ là diệt vong."

Quý vị thường nói rằng quý vị sẽ cho , nhưng chỉ cho những người đáng cho mà thôi . Cây trong vườn quý vị đâu có nói như vậy , còn những động vật kia , chúng cũng đâu nghĩ như thế . Chúng nó cho , là vì chúng nó muốn sinh tồn . Nếu chúng ta ôm ấp mãi điều gì , để gìn giữ mãi điều gì , có nghĩa là chúng ta sẽ chết." Đây cũng rất có lý .

Có một lần tại Tân Tiệm , một số nhà nông ở gần chúng tôi có vườn quít , họ thường mời bạn bè của họ đến hái quít , và cũng mời chúng tôi đến hái . Chúng tôi không giúp họ việc gì , tại sao lại hái trái cây của họ ? Nhưng họ giải thích : "Ai da , quý thầy hãy đến hái đi , nếu không hái thì sang năm cây sẽ không kết trái nhiều nữa." Họ năn nỉ chúng tôi .

"Chắc chắn anh ta đã xứng đáng để nhận những ngày và đêm thì cũng xứng đáng để nhận những thứ khác từ quý vị . Và anh ta xứng đáng để uống nước từ đại đương cuộc đời thì cũng xứng đáng đong đầy ly từ giòng suối nhỏ của quý vị".

Ý ông nói là bất cứ người nào đang sống đều đáng được chúng ta bố thí . Quý vị chớ bận tâm rằng người đó có đáng hay không . Thượng Đế cho họ sống thêm một ngày , một đêm , thì quý vị có thể trong ngày đó , đêm đó , bố thí cho họ , bất cứ gì đều có thể bố thí cho họ . Bất cứ người nào xứng đáng bơi trong biển đời cũng đều xứng đáng hơn để bơi trong giòng sông nhỏ của quý vị .

Ý ông nói là bố thí chút đỉnh không là gì cả . Thượng Đế cho chúng ta rất nhiều . Ngài cho chúng ta sinh mạng và để chúng ta xử dụng mọi thứ trong thế giới này . Cho nên , nếu chúng ta chỉ bố thí chút đỉnh thì có đáng kể gì đâu . Tại sao chúng ta lại tính toán so đo kỹ càng xem người nào xứng đáng , người nào không xứng đáng . Ồ thật là hay !

"Và còn sa mạc nào rộng lớn hơn những gì nằm trong sự can đảm và lòng tự tin , hay đúng hơn là nghĩa cử nhận lãnh ? Và quý vị là ai mà họ phải mở lòng , phơi bày tự ái của họ , để quý vị có thể nhìn thấy giá trị trơ trụi của họ và lòng tự ái của họ một cách không xấu hổ ?"

Ông nói không cần biết ai đáng hay không đáng , hành vị tiếp nhận đã đáng giá công đức , vì tiếp nhận quà của người khác , vốn là một thứ công đức , một thứ dũng khí , và rất quảng đại . Tại sao vậy ? Vì chúng ta phải quên đi ngã chấp của mình , quên đi danh dự của mình , quên đi tâm phân biệt của mình , mới có thể nhận quà của người ta một cách nhẹ nhàng . Cho nên ông đã nghĩ rằng người nhận quà phải có tấm lòng rất quảng đại , có tâm bố thí . Điều này thật hay (mọi người vỗ tay), và cũng thật là can đảm .

Thật vậy , nếu chúng ta tặng quà cho người ta mà người ta không nhận , phải chăng chúng ta sẽ rất buồn ? (Thính chúng đáp : Phải) Cho nên họ chỉ có cách nhận để cho chúng ta vui , bất kể họ có cần đến món quà đó hay không . Trong khi chúng ta thích cho , và họ nhận , thì chúng ta mừng rồi , phải không ? Cho nên người nhận rất quảng đại (mọi người cười và vỗ tay).

Bây giờ ông mới nói , ai cũng xứng đáng cả . Họ nhận quà của chúng ta là đã xứng đáng và đủ can đảm rồi . Rồi ông hỏi thêm nếu quý vị nghĩ rằng không có ai xứng đáng nhận sự bố thí của quý vị , thì quý vị có bao giờ tự hỏi mình là ai chăng ? Quý vị là ai mà để cho người ta cởi bỏ lòng tự ái , và cho bạn biết họ đáng giá chỗ nào ? Tại sao họ phải báo cáo cho quý vị biết họ đáng giá chỗ nào thật hay ! Tại sao họ phải dẹp tự ái và để cho quý vị biết một phần của họ là xứng đáng . Ông viết rất hay .

"Trước hết chúng ta nên tự dò xét mình , có đáng để làm một công cụ bố thí tốt không ? Vì trên thực tế , sinh mệnh này bố thí cho sinh mệnh kia , trong khi quý vị , người tự cho là kẻ cho , chỉ là một nhân chứng."

Ý ông nói chúng ta chỉ đứng ngó lấy chính mình để xem mà thôi , như coi phim vậy . Qua trung gian của chúng ta , Thượng Đế , và tình thương cho họ , không phải bản thân chúng ta cho , cho nên chúng ta đừng ở đó mà thắc mắc ai đáng cho hay ai không đáng cho , mà phải quan tâm đến bản thân mình có đáng để làm công cụ bố thí đó hay không , có tốt hay không ? (Mọi người đáp phải , và vỗ tay)

"Và quý vị , những người nhận lãnh - và quý vị tất cả đều là những người nhận lãnh - giả thử không có một chút cảm kích nào , e rằng quý vị đã đặt một cái ách lên chính mình và lên người bố thí . Thay vì cùng vươn lên với người bố thí với món quà của họ tặng như trên đôi cánh ; vì đầu óc đặt nặng tới món nợ của quý vị , nghi ngờ lòng quảng đại của người đã có một tâm Đất là Mẹ , Trời là Cha .

Ông cũng nói thêm rằng chúng ta không nên nói ai là người nhận . Tất cả chúng ta đều là những kẻ ăn mày và tất cả đều là người nhận . Chúng ta từ đâu đến , đã đem theo những gì ? Khi sinh ra chúng ta không có miếng vải trên mình . Thật ra mỗi người chúng ta đều là người nhận quà , cho nên không ai cần phải cám ơn . Đó có nghĩa là đừng nên tạo ra một bầu không khí long trọng cảm kích . Nếu làm như vậy , chúng ta sẽ tạo cho mình một áp lực nặng nề , và người bố thí , cho rằng đôi bên có nợ nần với nhau và cảm thấy tri ân nhau .

Thật ra , tất cả đều do sức sống của Thượng Đế , người nhận và người bố thí , nên dùng món quà đó làm "đôi cánh", để cùng bay lên . Ý nói kéo đẳng cấp lên . Nếu quý vị ghi nhớ đã từng mang ơn người khác , nhớ món nợ đó , có nghĩa là quý vị nghi ngờ tấm lòng của người bố thí . Người bố thí nên hiểu rằng : Đất là mẹ , Trời là cha , có nghĩ là không phải từ bản thân người đó . Người bố thí phải quảng đại và phải hiểu một cách rõ ràng điều này . Nếu người nhận quà cứ nghĩ đến món nợ đó , rất cảm kích , không cách nào quên đi ân huệ đó , có nghĩa là họ không tin tưởng vào sự rộng lượng , quảng đại của người bố thí (Mọi người vỗ tay). Nghe những lời này rất xuôi tai ! Nghe xong hãy xét lại lòng của mình , coi xem mình đã đạt trình độ đó chưa . Nếu đã đạt được rồi thì sẽ thấy rất thoải mái , nếu chưa thì leo lên thêm , leo đến đỉnh núi đó , thì khi bố thí chúng ta không vui cũng không buồn . Bố thí chỉ vì muốn bố thí , không có mục đích gì cả . Bố thí , vì quý vị hân hạnh được làm công cụ bố thí của Thượng Đế .



81