Tản mạn về Karen Carpenter
Bao Bất Đồng
Có những trùng hợp đến thật dễ dàng, cứ như chuyện đùa. Già có cái ý tưởng viết một vài dòng tản mạn về cô ca sĩ vắn số Karen Carpenter, bắt đầu từ cái hôm sang lại mấy cái đĩa nhạc cho một người bạn, rồi mở ra nghe thử. Là " This Masquerade" , bài hát mộng mị thuở nào,
Are we really happy with this lonely game we play,
Looking for the right words to say?
Searching but not finding -- understanding anyway,
We' re lost in this masquerade.
Both afraid to say we' re just too far away
From being close together from the start.
We try to talk it over, but the words got in the way
We' re lost inside this lonely game we play.
Thoughts of leaving disappear each time I see your eyes,
And no matter how hard I try
To understand the reason why we carry on this way
We' re lost in this masquerade.
...
Rồi tự dưng hôm kia, tivi chiếu cái phim về Karen, mà phần nhạc phim do chính Richard đảm trách. Rồi một người bạn gửi tới một cái VCD nhạc. Lại Karen! Từ một kẻ ăn mày, già tự dưng thấy mình giàu thêm, nhờ những may mắn, những người bạn, và những kỷ niệm, để hôm nay ngồi đây kể lại cho mọi người cùng nghe.
...
No, I never really knew how,----until now
Cuốn phim dài một tiếng ba mươi tư phút vừa hết. Karen cũng vừa đi. Nhưng giọng ca khắc khoải của Karen vẫn còn đó. Bài hát kết, vô tình quá, lại là một sự mở đầu,... until now. Khi bắt đầu hiểu ra, khi bắt đầu biết rằng cuộc sống này, tình yêu này, là những điều đẹp nhất mình có được, thì cũng là lúc Karen đi xa...
Già không có ý định kể về cuộc đời của Karen, vì điều đó hầu như ai cũng biết. Vào net, đánh cái tên cô ra, người ta dễ dàng tìm ra hằng hà sa số những thông tin về cô. Tự đọc lấy, tự chiêm nghiệm lấy, rồi tự tìm thấy mình trong ấy. Ba mươi hai tuổi, giữa lúc sự nghiệp đang lên tới đỉnh cao, Karen nằm xuống tức tưởi. Có một cái gì đó dường như không được ổn thoả trong sự lựa chọn của thần chết. Vẫn biết tử thần không thiên vị, nhưng không phải cứ mọi quyết định công bằng đều là những quyết định đúng đắn và thích hợp, nhất là với trái tim.
Hình như mỗi một người chúng ta đều đang sống với một hay một vài ám ảnh. Với Karen, có lẽ là nhiều hơn mức trung bình một tí chút. Trước hết, là cái bóng tài năng của Richard. Vô tình mà để lại một vết bầm tím trên lòng tự tin của Karen. Kế đến, là cái môi trường nuôi Karen lớn lên. Không đúng, không sai, nhiều điều tốt hơn là xấu. Nhưng người ta không quen nói ra miệng những điều lòng mình vẫn muốn nói. Vì người ta quen nói với nhau bằng ánh mắt sẻ chia thông cảm, bằng những săn sóc tỉ mỉ và những ân cần. Đối với nhiều người, đã là quá đủ. Còn đối với nhiều người khác, vẫn còn thiêu thiếu. Còn nhiều ám ảnh khác mà Karen đã không dễ dàng vượt qua. Nhưng nếu bắt già phải chọn lấy cái quan trọng nhất, cái chốt yếu nhất, chắc già phải chọn yếu tố tự tin!
Nếu đúng như tướng học đã nói, con mắt nói cho người đối diện biết thật nhiều, thì già sẽ buồn một chút. Vì thực thế, đôi mắt của Karen lạ lắm, tròng trong mà sâu, thăm thẳm nên chất chứa quá nhiều những trăn trở. Cái lần đọc được một con chữ bình luận lệch lạc vô tội vạ về ngoại hình của mình trên một tờ báo nhỏ cũng chính là sự khởi thuỷ của không biết bao nhiêu khổ đau. Và ám ảnh đó, đi theo Karen đến cuối đời. Buồn thay, những lời lẽ loại ấy vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ, và đời vẫn vô tình đi. Buồn thay, Karen thiếu lòng tin quá!
Không những không mấy tin về chính mình, cô cũng chẳng mấy tin về những người chung quanh, bố mẹ và anh trai, và cả cuộc hôn nhân ngắn ngủi của mình. Không tin vào sự thương yêu của gia đình và sự hiện hữu của tình yêu trong cuộc sống, nên cô cứ mãi phải oằn người trước cái gánh nặng phải tự khẳng định mình. Đau lắm chứ, vì hơn tất cả, đó là những điều không nói ra, mà những điều không nói ra luôn là những điều xót xa nhất. Nên cô gởi hết vào những ca khúc mà cô trình bày, biến chúng thành những thông điệp để đời. Già cám ơn cô lăm lắm...
Cái thời Carpenters liên tục chiếm lĩnh mấy cái bảng vàng âm nhạc, già hoặc là vì còn... mặc tã hay là không có điều kiện nên không được nghe. Mà cũng chẳng biết đến họ nữa là. Phải đến đầu những năm 80s, lúc Karen đã mất...
*******
Còn nhớ, chị hỏi sinh nhật em muốn chị tặng quà chi. Chị tròn xoe mắt, vì em đòi một băng nhạc. Lạ, là vì nhà mình mất hết của, không có máy để nghe, đòi băng làm gì. Chị ơi, chị chẳng hiểu đâu. Những đứa trẻ lớn lên trong khốn khó thường có cái hoài bão là được sở hữu một thứ gì đó riêng mình. Là một điều quý giá! Em đã chọn điều em thích...
Và cái gói giấy nhỏ được mở ra, Paul Mauriat, băng hoà tấu, nhạc không lời. Đâu có sao, mắt em ngời lên niềm vui, vì em bắt đầu có một cái gì đó của riêng em rồi. Đọc lui đọc tới mãi mấy cái tựa đề ca khúc viết bằng thứ tiếng không quen, em cũng chẳng màng. Lúc đó trời có sập em chắc em cũng chẳng màng. Thế là mấy hôm sau em cứ kiếm cớ đi qua nhà bạn học bài, để nhờ cái máy cassette nhà nó mà nghe cuốn băng em thương. Bài đầu tiên, Top of the World, của nhóm Carpenters!
Ngay lần đầu được nghe, em đã thấy khoái tỉ. Dàn nhạc của Paul Mauriat thì hay rồi, nhưng mấy cái bài hát trong nớ em càng thích hơn, mặc dù chỉ có lời thôi. Đặc biệt nhất, là Top of the World. Có lẽ, vì đó là bài hát đầu tiên em nghe từ cái băng nhạc đầu tiên của em. Mà cứ cái chi đầu tiên thì thường ở lại lâu, dù xấu, dù tốt!
Rồi em lớn, em theo bạn theo bè đi đây đi đó, nghe cũng được nhiều nhạc lắm. Tưởng chừng như cái tên Carpenters đã chìm vào lãng quên giữa những cái tên nghe chừng lớn hơn như ABBA, Bee Gees, Smokie, Boney M, CCR, vân vân. Vậy mà không? Hôm ấy, ở trong cái đêm diễn của các anh chị trường đại học, có người hát... Yesterday Once More. Lại thêm một ca khúc nữa của Carpenters, hay! Và vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn của em có thêm một đoạn... đơn giản, every shah la la la, every oh oh oh... Và em đi lùng kiếm nhạc của Carpenters, cũng như đi tìm hiểu thêm về hai anh em họ, để biết sẽ chẳng bao giờ họ còn hát thêm nữa, vì Karen đã đi xa thật rồi. Cơ hồ có cái gì đó sang sáng trong trí vỡ ra như hàng triệu triệu vì sao vỡ tung. Em ghiền giọng hát và kiểu hát của Karen từ lúc nào chẳng biết...
Và em đi sang xứ này, đem theo cả cái.... ám ảnh của giọng hát Karen Carpenter. Em ky cóp thu lượm những bản nhạc của cổ, từ dạng băng metal, đến đĩa nhựa, và sau này là đĩa compact. Em quen bạn bè nhiều, và có không ít những người có cùng sở thích với em. Những người bạn xa xứ thường tụ họp với nhau, đàn hát và nghe nhạc. Những ca khúc của Carpenters vẫn được mở thi thoảng. Giai điệu mượt mà, giọng hát lắng sâu, làm nền cho những cuộc say đã tàn. Những lúc đó em nhớ nhà, nhớ cái băng nhạc đầu tiên em có lắm chị ơi. Em đã không đem nó theo mình trong chuyến đi xa, vì em chỉ giấm giúi đem theo được có một cuốn là Khi Loài Thú Xa Nhau thôi.
Rồi em quen một người rất lạ, mê nhạc... gần bằng em. Kỳ cục, em thích gì thì cổ cũng thích. Không biết là ai... bắt chước ai, nhưng chắc là cổ bắt chước em, vì em lớn tuổi hơn. Cổ nghe nhạc Mỹ nhiều hơn em, còn em thì nghe nhạc Việt nhiều hơn. Để rồi cổ giới thiệu thêm cho em, và em hát nhiều thêm cho cổ nghe. Bức tranh khá đẹp phải không chị? Em cũng mường tượng thấy thế, ở một thời nào đó, đẹp tuyệt vời, và hồng tương lai!
Rồi có một ngày, hai tụi em ngồi không nhìn nhau. Mỗi đứa ngó qua một hướng, cùng nghe nhạc. Tình cờ hay hữu ý, là Carpenters. Carpenters của em, sự bắt đầu của em với những ngày mình có được cái hạnh phúc là đang chiếm hữu một điều quý giá. Carpenters của em hôm ấy cũng đánh dấu một sự bắt đầu, bắt đầu cho một đoạn kết...
Are we really happy with this lonely game we play
Looking for the right words to say...
Em cho bài hát chạy đi chạy lại không biết mấy lần rồi tắt máy. Vẫn là một sự im lặng. Không ai nói câu nào. Ai cũng có những tự ái, những tự ái bắt đầu từ sự thiếu... tự tin, không tin mình mà cũng chẳng tin người...
Ngày xưa là Karen, hôm ấy là em, là người ta. Không vượt qua được chính mình, không vượt qua được những lời bóng gió của thiên hạ. Karen tức tưởi nằm xuống. Và em, buồn mà đi.
Chị muốn nghe không, hay là nghe trọn với em lần này nguyên một bài hát đó, This Masquerade nghe chị.
Are we really happy with this lonely game we play?
Looking for the right words to say.
Searching but not finding, understanding anyway,
We' re lost in this masquerade.
Both afraid to say
we' re just too far away
From being close together from the start.
We try to talk it over, but the words got in the way
We' re lost inside this lonely game we play.
Thoughts of leaving disappear each time I see your eyes,
And no matter how hard I try
To understand the reason why we carry on this way
We' re lost in this masquerade.
(repeat)
We try to talk it over,
but the words got in the way
We' re lost inside this lonely game we play.
We' re lost in a masquerade.
And we' re lost in a masquerade.
We' re lost... we' re lost... we' re lost!
***
Thực ra, gần như hầu hết những ca khúc mà anh em nhà Carpenters chọn hát, chọn thâu đĩa, đều do người khác viết. Cho nên, bình luận về ca từ và gắn những ý kiến đó lên cho Richard và Karen thì coi bộ có hơi phi lý (đành rằng Richard có viết mấy bài, và cộng tác với người khác viết mấy bài). Nhưng nói chi thì nói, ca sĩ và nhạc sĩ biểu diễn có quyền chọn nhạc phẩm, và những nhạc phẩm họ chọn một phần nào phản ánh cái gout của họ. Nếu đúng là vậy, bình luận sơ sơ một chút chắc cũng không đáng tội bị... lăng trì, vậy bà con cho phép già thử múa bút một chút nghe!
Không phải là già nói, mà nhiều người khác cũng đã nói, ca từ trong những bài hát Karen thực hiện đơn giản lắm, có phần hơi cạn cũng có. Dường như trong rất nhiều ca khúc, vì đặt nặng phần vần điệu và tiết tấu mà cái chủ ý của câu, của bài bỗng trở thành hơi ngồ ngộ, quá đơn giản mà trở thành quá thường. Ví dụ như trong Rainy Days and Mondays,
Walkin' around
Some kind of lonely clown
Rainy Days and Mondays always get me down.
Có thể dễ dàng tìm thấy những câu như vậy trong rất nhiều những ca khúc Karen hát. Đơn giản, chẳng quá cầu kỳ, chẳng quá... thơ. Nên cái trọng điểm là ở nốt nhạc, ở lối hoà âm, phối khí, và đệm giọng. Nên có nhiều chỗ cho người ca sĩ diễn cảm hơn. Già cảm thấy vậy. Như trong Top of the World, già thích cái câu đầu của điệp khúc " I' m on the... top of the world... lookin' ... down on creation... and the only explanation I can find..." tại vì cái tiếng đệm của Richard " looking" nghe là lạ, nửa gợi sự chú ý (unexpected element), nửa tạo cái khoảng cách bởi sự khác biệt giữa giọng của Karen và giọng của Richard. Hay là trong " There' s a Kind of Hush" cũng vậy, cái đoạn cuối " The only sound that you will hear... is when I whisper in your ear... I love you... forever and ever" chừng như hay hơn chút, chỉ nhờ sau chỗ " in your ear" , Karen giữ lại chữ tiếp (I) dài hơn có 1/4 khoảng lặng.
Bài hát thì có sẵn, và nó chỉ là một nửa thành công thôi. Phần còn lại, vinh quang cũng nên dành cho người ca sĩ. Có lẽ, nếu không có Karen, nhiều ca khúc sẽ chẳng được người ta nhớ đến lâu như vậy. Từ Sing, tới Superstar, v.v... không biết bao nhiêu bài đã được chuyển ngữ. Già còn nhớ, ngày xưa Thanh Lan hát " Nào, cùng hát lên... cùng hát vang lên, để..." hay là sau này Kiều Nga hát " Đã lâu rồi, mắt em đã mờ lệ sầu..." , cả cái lối hoà âm cũng bị ảnh hưởng của The Carpenters nữa. Thế mới biết, " bài hát không chỉ là nốt nhạc" . Mà giọng và kỹ thuật của Karen thì khỏi phải nói. Ngay cả người giám chế của cô cũng phải thốt lên, " không sửa được một chữ!" , cho dù cô chẳng phải cố gắng bao nhiêu, chẳng phải tập dượt bao nhiêu, lúc tuổi đời chưa tròn 20. Có người có cái thiên bẩm kỳ lạ như vậy đó. Cho nên cái hợp đồng đầu tiên ký với anh em nhà họ, không phải vì Richard, người từng đoạt giải trình tấu, người theo học trường âm nhạc, người luôn luôn được coi là tập trung của tất cả những tế bào âm nhạc có trong gia đình. Mà là Karen, lúc ấy vẫn còn rất nhỏ. Mà là giọng hát có sức truyền tải đặc biệt của Karen. Ít có người nào hát tự nhiên và rung cảm như Karen, vượt qua cả chất giọng (cao), vượt qua cả lối phát âm (hơi... quê, hihi), đặc biệt ở những ca khúc thật buồn thật sâu. Nhiều lúc phải suy nghĩ, ca khúc chẳng có gì buồn, chẳng có đớn đau gì mấy, mà sao khi Karen hát lại nghe buồn chi lạ. Karen đặt vào đó quá nhiều cái phần của riêng mình chăng?
Có người xếp The Carpenters vào dạng " Easy Listening" . Cũng phải, giới mù chữ như già đây mà cũng hiểu được ít nhiều, thì nói là nhạc " dễ nghe" cũng phải thôi. Mười bài thì hết bảy tám bài là chậm rãi, cho nên ca sĩ có đủ thời gian để mà phát âm cho tròn chữ. Và giới nghe nhạc " quần chúng" như già cũng nhận mặt được một vài từ để tra tự điển. Và từ The Carpenters, lần đầu tiên già cảm nhận được một điều, tự chính mình, không phải tự sách báo hay ranh ngôn châm chích ngôn của ai khác, " âm nhạc không có biên giới" . Chắc không phải vì... tình cờ mà nhiều diễn đạt trong tiếng Anh lại giống y chang với tiếng Mít nhà mình chứ hả? Karen hát " your love' s made me free as a song, singin forever... (Only Yesterday)" thì Việt Nam mình có... " em là bài ca không chết được" . Bee Gees hát " lay your troubles on my shoulder, put your worries in my pocket, rest your love on me awhile" thì ông Đinh Tiến Luyện viết, " ngả đầu trên vai anh bé yêu dấu..." và ông Huy Cận viết " Vai anh em hãy tựa đầu - cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi" . Và nếu All-4-One kêu " I swear, by the moon and the stars in the sky" thì Đức Huy cũng nói..." ta yêu nhau có trăng sao làm chứng" . Vậy đó, không phải sao, âm nhạc vốn chẳng có biên giới mà, chỉ có con người tự vạch biên giới cho âm nhạc đó thôi!
Già thích Karen, có lẽ vì một lý do nữa. Đối với đại đa số mọi người, diện mạo là điều cốt yếu, vì đó là điều trước tiên nhìn thấy. Nhưng từ đó đi đến thích, cần phải có nhiều yếu tố khác. Đối với già, là cá tính của một người. Và với Karen, là cái ấn tượng không quên khi lần đầu tiên coi video thấy Karen vừa hát vừa đánh trống (ở thời đó, không có nhiều phụ nữ chơi trống đâu). Mắt mở to, mình nhún nhảy theo hai cây đũa, độc đáo ra phết (khi xưa ở Việt Nam cũng có ban nhạc Cửu Long Nữ cũng ấn tượng, tiếc là hát hông hay lắm). Và giọng hát của Karen hắt ra trong ngần... Karen có chất giọng đặc biệt, nhưng không thích phô giọng, không thích dùng kỹ thuật để " phô" . Đổi lại, cô dùng cảm xúc để nâng bài hát lên. Mà đó cũng là điều làm cho già thích thú!
Có lẽ, một bài hát nữa của Karen đáng phải nhắc tới, là Now. Vì đó là bài hát cuối cùng của cuốn phim đang chiếu, bài hát để lại rất nhiều những lời muốn nói... never really know how, until now...
Chuyện tới đây là hết, cho dù vẫn còn những điều đọng lại. Hay là mượn ý của Richard để kết, " hôm ấy, tôi mất đi một người em gái, một người bạn, và một người cộng sự rất mực thương yêu! Karen đi, để lại cho tôi, cho gia đình một nỗi đau khó có thể nguôi ngoai. Karen cũng để lại một kho tàng vô giá cho chúng tôi, và cho tất cả mọi người biết yêu thương - những bài tình ca. Tôi cám ơn sự có mặt của Karen trong đời sống này, dù ngắn ngủi..."
Đó cũng là điều già muốn nói!