Chúa nhật XXVI Thường niên B

CHIA SẺ

Ds 11: 25-29

Chia sẻ những ân ban của Thần Khí hướng đến chia sẻ những trách nhiệm, mà không bất kỳ áp lực phàm nhân nào có thể giới hạn tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa của chuyện tích trong sách Dân số về việc tấn phong các Kỳ Mục Ít-ra-en để là những công tác viên của ông Mô-sê.

Gc 5: 1-6
Chia sẻ những của cải trong các cộng đoàn Ki tô hữu hướng đến cùng một lý tưởng của đức khó nghèo Tin Mừng, đó là lời khuyên của thánh Gia-cô-bê.

Mc 9: 38-43, 45, 47-48
Chia sẻ những ân ban Thần Khí, thậm chí bên ngoài cộng đoàn Ki tô hữu, đó là giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.

BÀI ĐỌC I (Ds 11: 25-29)

Sách Dân Số là sách thứ tư trong số năm cuốn sách của bộ Ngũ Thư; sách nầy được đặt ở giữa sách Lê-vi và sách Đệ Nhị Luật; tên sách do từ việc điều tra dân số của dân Do thái mà ông Mô-sê tiến hành trước khi rời bỏ miền Si-nai. Việc điều tra dân số chiếm trọn những trang đầu tiên.

Tiếp đó, sách tiếp tục chuyện tích về cuộc hành trình của dân Do thái qua sa mạc. Vài tình tiết, đã được tường thuật rồi trong sách Xuất Hành, được lập lại, thường với những biến thể hay những viễn cách khác. Như vậy chúng ta có hai bản văn về việc ông Mô-sê chọn những cộng tác viên để giúp đỡ ông trong công việc của mình: một bản văn “phàm trần” và một bản văn “đặc sủng”; chính bản văn thứ hai, mà chúng ta đọc ở chương 11 của sách Dân số.

1. Bản văn phàm trần:

Trong bản văn phàm trần (Xh 18: 13-26), chính bố vợ của ông Mô-sê đến gặp con rể của mình. Ông Gít-rô lo lắng khi nhận thấy ông Mô-sê đảm nhận công việc quá nặng nhọc và kiệt sức, vì thế, ông khuyên ông Mô-sê chọn “những ai là người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm những người chỉ huy…Họ sẽ thường trực xử kiện cho dân” (Xh 18: 21-22). Ông Mô-sê vâng theo lời khuyên nầy.

2. Bản văn đặc sủng:

Bản văn đặc sủng của sách Dân Số thuộc một nhà biên soạn khác. Ông Mô-sê phàn nàn với Thiên Chúa về công việc vất vả khó khăn mà ông đảm nhận. Việc dẫn dắt dân nầy, một dân không ngừng kêu ca ta thán, là một công việc quá nặng nề khó mà gánh vác nổi. Đức Chúa khuyên ông Mô-sê chọn cho mình những cộng tác viên ở giữa các Kỳ Mục của dân Ít-ra-en.
Những Kỳ Mục nầy là ai? Chắc chắn những tộc trưởng mà chức vụ của họ có nhiều điểm song song trong nhiều tổ chức bộ lạc của các xứ sở khác (Phi Châu, Á Châu). Ở Ít-ra-en, chúng ta mất dấu vết của định chế nầy khởi đi từ thế kỷ thứ mười hai trước Công Nguyên. Tước vị Kỳ Mục tái xuất hiện chỉ vào thời đại Ba tư, nhất là trong việc thiết lập Thượng Hội Đồng.

Ông Mô-sê chọn, nhưng chính Thiên Chúa tấn phong.

3. Việc Tấn Phong:

Cách thức Thiên Chúa tấn phong bảy mươi Kỳ Mục thật lạ lùng nhưng có ý nghĩa. Đức Chúa lấy một phần thần khí đang ngự trên ông Mô-sê mà đặt trên bảy mươi vị Kỳ Mục, cách thức nầy nhấn mạnh rằng các Kỳ Mục nầy lãnh nhận cùng một sứ mạng như ông Mô-sê và chia sẻ những trọng trách của ông, trong khi vẫn lệ thuộc ông và đường lối của ông.

“Khi thần khí ngự xuống trên các ông, các ông xuất thần như ngôn sứ”, nghĩa là cuộc tấn phong của các ông được bày tỏ bằng những dấu chỉ bên ngoài. Được thần khí chiếm đoạt, các Kỳ Mục phát ngôn, nghĩa là có những hành động như các ngôn sứ thời xưa: “xuất thần nhập định” (1Sm 10: 10-13; 19: 20-24). Hiện tượng ấy chỉ ngắn ngũi. Những cách bày tỏ theo loại nầy sẽ biến mất với truyền thống ngôn sứ lớn sau nầy. Chúng hãy ghi nhận ở đoạn văn nầy rằng những tình trạng nầy chỉ là phụ, không bao giờ do những nghi thức chè chén say sưa hay theo những phương thức đồng bóng của dân ngoại. Trường hợp Ê-li-sê cần đến âm nhạc để xuất thần ngôn sứ, vẫn cá biệt (2V 3: 15). Các ngôn sứ Ít-ra-en vẫn luôn luôn ý thức về nguồn gốc thần hứng của mình.

4. Sự tự do của thần khí:

Hai thành viên của nhóm Kỳ Mục, được ghi trong danh sách các Kỳ Mục, nhưng đã không thuộc nhóm bảy mươi có mặt tại Lều Thánh, lý do không được nêu lên. Do hờn dỗi? hay sợ trách nhiệm? Dù sao đi nữa, thần khí không quên họ, mặc dầu họ vẫn ở trong trại; các ông cũng được lãnh nhận ơn xuất thần ngôn sứ.

Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê. Ông Giô-suê, từng hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lo lắng. Những người được Đức Chúa tuyển chọn nầy đã không tham dự buỗi nhóm họp chính thức của Lều Hội Ngộ, liệu họ sẽ hành xử ơn gọi ngôn sứ mà không vâng phục ông Mô-sê chứ? Ông Mô-sê trả lời: “Phải chi Chúa ban thần khí trên toàn dân của Người để họ đều làm ngôn sứ!”.

Qua câu trả lời nầy, chúng ta hiểu ông Mô-sê, ông ước mong rằng dân nầy quá khó khăn để hướng dẫn, cần phải được thần khí thực sự ở cùng. Nếu dân để cho mình được sự khôn ngoan của Thiên Chúa hướng dẫn, họ sẽ thay đổi biết mấy!

Lời cầu chúc của ông Mô-sê đi xa hơn ước muốn tức thời của ông nhiều; lời cầu chúc nầy sẽ được lập lại trong những viễn cảnh ngôn sứ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a và ngôn sứ Ê-dê-ki-en và sẽ được ứng nghiệm một cách viên mãn vào ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2: 16-21) và trong Giáo Hội (Ep 4: 3-4; 1Cr 12: 4-11). Tác động của Thần Khí thì không bị giới hạn vào bất cứ ranh giới nào được xem là chính thức, vì Thần Khí hoàn toàn tự do trong việc ban phát Thiên Ân của Ngài. Đây là bài học vĩ đại của đoạn văn sách Dân Số nầy; bài học nầy được Tin Mừng hôm nay xác nhận.

BÀI ĐỌC II (Gc 5: 1-6)

Đoạn trích thư của thánh Gia-cô-bê hôm nay trình bày một trong những đề tài chủ đạo: bênh vực những người nghèo và nhắc nhở lý tưởng Tin Mừng về sự nghèo khó.

Thánh Gia-cô-bê vừa mới chê bai sự khôn ngoan của thế gian (4: 13-17); bây giờ thánh nhân buộc tội những người giàu tích trữ của cải và những kẻ áp bức bốc lột những người nghèo. Thánh nhân định vị những cảnh báo của mình vào trong viễn cảnh của cuộc phán xét chung cuộc. Những lời kêu trách của ngài thì dữ dội: “Hỡi những người giàu có, các ông hãy khóc lóc than van”, những lời nầy nhắc nhớ ngôn từ của các ngôn sứ, như ngôn từ của ngôn sứ I-sai-a gởi đến cư dân Ba-by-lon: “Hãy khóc lóc than van! Vì ngày của Đức Chúa sắp đến gần”. Ý tưởng thì cũng như nhau ở đây, viễn cảnh cũng là cánh chung. Những bất hạnh đang chờ đợi những người giàu có là những bất hạnh họ phải chịu vào ngày xử án.

1. Sự phù du của nhũng giàu có.

Chất đống của cải có ích gì? Được nhìn ở trong ánh sáng của vương quốc Thiên Chúa, của cải được chất đống, được giữ cho riêng mình, tiền bạc tích trử này, là gì ? Đó là “tài sản của các ông đã hư nát, quần áo của các ông đã bị mối ăn”. Hình ảnh kinh thánh nầy rất kinh điển. Đức Giê-su đã dùng cũng những hình ảnh như vậy: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6: 19-20).

Thánh Gia-cô-bê thêm vào ở đây một sự gợi ý “vàng bạc của các ông bị rĩ sét”. Thật ra, vàng không bị oxi hóa và tiền bạc thì khá bền vững, nhưng hình ảnh thì rất mạnh: việc bị rĩ sét làm chứng, trước tòa án Thiên Chúa, về sự không chia sẻ của những giàu có.

“Các ông đã lo tích trữ làm giàu trong những ngày sau hết”, nghĩa là trong thời kỳ nầy được khai mạc bởi kỷ nguyên Thiên Sai và sẽ hoàn tất bởi ngày Quang Lâm của Chúa. Xưa kia, trong thời Cựu Ước, sự giàu có của cải có thể xem ra như lời chúc của Đức Chúa thưởng cho sự trung thành tuân giữ Lề Luật. Một phán đoán như vậy không còn có thể nữa. Vương quốc Thiên Chúa đã đến: những của cải tinh thần được dâng hiến cho con người thì khôn sánh và đòi hỏi một sự siêu thoát khỏi những của cải trần thế. Từ đó, thái độ ích kỷ của những người giàu có không chỉ là có tội, nhưng cũng là ngu xuẩn.

2. Người nghèo:

Còn thậm tệ hơn! “Các ông trở nên giàu do từ mồ hôi nước mắt của những kẻ nghèo”. Ở đây, thánh Gia-cô-bê không còn nhắm đến những nhà tài chánh hay những thương nhân, nhưng những điền chủ.

Luật đòi buộc rằng tiền lương của người thợ được trả ngày nào theo ngày đó. Vì người nghèo sống theo tiền công nhật của mình. “Chính ngày hôm ấy, anh em phải trả công cho họ, đừng để mặt trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ và nóng lòng mong đợi được trả công; như vậy họ sẽ không kêu lên Đức Chúa tố cáo anh em, và anh em sẽ không mang tội” (Đnl 24: 15).

Người giàu giữ lại tiền lương của người thợ, dù chỉ một thời gian, là phạm đến sự bất công. Hiền nhân Si-rác đã diễn tả nổi công phẩn tương tự: “Người túng nghèo còn chút bánh độ thân, ai lấy đi là kẻ hút máu. Cướp phương tiện sống của kẻ khác là giết người; đoạt lương của người làm thuê là gây đổ máu” (Hc 34: 21-22).

3. Thiên Chúa của những người nghèo khổ:

Đức Chúa, Chúa Tể hoàn vũ, là Đấng bênh vực những người cùng khổ. Thánh Gia-cô-bê đối lập thái độ của những kẻ giàu có “trên cõi đất” nầy, những kẻ khinh bĩ người nghèo và sống xa hoa vô độ với thái độ của Thiên Chúa, vua của trời đất. Giờ phán xét sẽ bất ngờ ập xuống trên họ trong khi họ “đã ăn uống linh đình, đã buông theo khoái lạc, lòng họ đã được thỏa thuê vui thú trong ngày sát sinh”. Quả thật, hình ảnh về ngày của Chúa đôi khi được diễn tả bằng hình ảnh về “ngày sát sinh”, vì Đức Chúa sẽ hủy diệt vào ngày đó mọi kẻ thù của Ngài.

Câu kết thúc của đoạn văn nầy quả thật khó hiểu. Ai là người ông chính đã bị kết án và bị giết hại bởi những người giàu có mà đã không thể cưỡng kháng lại? Người ta có thể nghĩ rằng thánh Gia-cô-bê trở lại hình ảnh của người nghèo bị tước đoạt tiền lương của mình, mà người giàu là kẻ sát nhân của họ, theo cách diễn tả của hiền nhân Si-rác. Vài người gợi ra rằng đây cốt là Đức Ki tô, những người khác cho rằng Người Công Chính nầy là Người Công Chính theo cách chung chung đối lập với những kẻ gian ác như các sách minh triết thường hay gợi lên.

Ý tưởng căn bản vẫn là vào ngày phán xét người nghèo và người công chính sẽ được Thiên Chúa báo oán.

TIN MỪNG (Mc 9: 38-43, 45, 47-48)

Trong phân đoạn Tin Mừng nầy, thánh Mác-cô tường thuật những giáo huấn khác nhau của Chúa Giê-su, ở giữa chúng chỉ có những liên hệ khá lỏng lẽo. Tuy nhiên, Đức Giê-su không đánh mất mục đích của mình: huấn luyện các môn đệ của Ngài, tức Giáo Hội tương lai của Ngài. Nỗi bận lòng đối với Giáo Hội nầy là tuyến phát triển nối kết các yếu tố xem ra rời rạc.

1. Tinh thần khoan dung rộng mở của người môn đệ Chúa Ki tô.

Giáo huấn đầu tiên trong các giáo huấn nầy được khơi lên bởi câu chuyện về một sự cố: một người trừ quỷ, không thuộc nhóm các ông, đã nhân danh Đức Giê-su mà trừ quỷ.

Thánh Gioan và các môn đệ khác đã cố ngăn cản, vì người đó không theo chúng ta. Thái độ bất khoan dung nầy của thánh Gioan, một trong hai anh em vừa mới được phong biệt danh là “Con của Sấm Sét” (3: 17), sau nầy chính ông là người hỏi Chúa Giê-su có muốn các ông sai lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Sa-ma-ri, vì họ không đón tiếp Ngài cũng như nhóm Mười Hai (Lc 9: 54). Đối mặt với người trừ quỷ, thánh Gioan có cùng một phản ứng như ông Giô-suê của sách Dân Số: phải chận đứng kẻ trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su mà không thuộc nhóm môn đệ của Ngài.

Chúa Giê-su giữ thái độ thanh thản của một bậc thầy khôn ngoan và trả lời với một lương tâm ngay lành: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Nếu người nầy nhận ra quyền năng siêu nhiên của Đức Giê-su, chính rằng có nơi người ấy rồi một bước khởi đầu chấp nhận sứ điệp. Ngài truyền cho họ phải trải lòng ra tối đa với mọi kẻ không công khai thù địch họ: “Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Lời chú giải tốt nhất của những lời nầy chắc chắn được gặp thấy trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-rin-tô: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giê-su là đồ khốn kiếp!’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12: 3).

Chúa Giê-su còn đi xa hơn khi cho họ một ví dụ: “Ai cho anh em uống một ly nước vì lẽ anh em là người của Đức Ki tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Cử chỉ của người ấy là một cử chỉ tiếp đón; người ấy bày tỏ thái độ thiện cảm rồi.

2. Thần Khí hoàn toàn tự do trong hành động:

Như vậy bài học thì rõ ràng; bài học móc nối với bài học về tình tiết của sách Dân Số. Giáo Hội không được tin rằng mình giữ độc quyền những ân ban của Thần Khí; vì Thần Khí hoàn toàn tự do trong hoạt động của Ngài.

Quả thật, ơn gọi của các ngôn sứ Cựu Ước cho chúng ta thấy điều đó. Trong Cựu Ước, ơn gọi ngôn sứ không là một định chế cha truyền con nối như định chế tư tế, nhưng là đặc sủng. Vì thế, không phải tất cả các ngôn sứ đều là các tư tế. Trong số những vị ngôn sứ bút ký thời danh, chỉ có hai người: Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en là tư tế trước khi lãnh nhận sứ vụ ngôn sứ, còn đa số còn lại đều là những con người bình thường với những nghề nghiệp khác nhau trước khi được gọi làm ngôn sứ. Trong những hoàn cảnh Thiên Chúa thấy cần lên tiếng, Ngài chọn những ngôn sứ của Ngài để thay Ngài chuyển giao sứ điệp của Ngài đến những đối tượng mà Ngài muốn. Câu trả lời của ngôn sứ A-mốt với ông A-mát-gia, tư tế đền thánh Bết-Ên cũng đủ nói lên điều đó: “Tôi không phải ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Thiên Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn súc vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en, dân Ta” (Am 7: 14-15).

Một trong những nét đặc trưng của các ngôn sứ Cựu Ước đó là, họ ý thức rất rõ họ được Chúa sai đi để chỉ nói lời Thiên Chúa không được nói lời của mình hay bất kỳ lời của ai khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà các ngôn sứ giả cũng tự cho mình là phát ngôn viên của Thiên Chúa, một trong những tiêu chuẩn để phân biệt giữa ngôn sứ giả và ngôn sứ thật khiến chúng ta phải suy nghĩ: ngôn sứ thật nhân danh Thiên Chúa lên án những bất công xã hội, bênh vực những kẻ nghèo khổ, những người bị áp bức; trong khi các ngôn sứ giả lại tâng bốc bợ đỡ những kẻ có quyền có thế, những kẻ áp bức và bốc lột những người nghèo hèn cô thế. Cuộc tranh cãi giữa ông Kha-nan-gia, vị ngôn sứ giả, và ông Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ thật, cho thấy điều đó (Gr 28: 1-17). Chính nhờ truyền thống ngôn sứ nầy mà Do thái giáo không chỉ đóng khung trong việc tôn kính Thiên Chúa nhưng còn trong mối liên đới với anh em đồng loại của mình. Chúng ta có thể nói họ chuẩn bị con đường mặc khải viên mãn nơi giáo huấn của Đức Ki tô: “mến Chúa và yêu người là một”.

Thêm nữa, ân ban ngôn sứ đôi khi không chỉ giới hạn trong dân Chúa chọn nhưng tràn ra bên ngoài nữa như câu chuyện của ông Bi-lơ-am trong Ds 22-24. Quả thật, ngày hôm nay, chúng ta cũng gặp thấy những người, đôi khi họ không phải là những người Ki tô hữu, nhưng vì lương tâm ngay thẳng, lại xả thân bênh vực những người nghèo, lên án những bất công trong xã hội. Một cách nào đó, họ cũng đang thi hành ơn gọi ngôn sứ mà Thần Khí Chúa thúc đẩy. Nói cho cùng, Thần Khí hoàn toàn tự do trong hoạt động của Ngài như lời khẳng định của Đức Giê-su trong cuộc nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3: 8).

3. Kinh trọng những kẻ bé mọn. Nghiêm túc đối với chính mình.

Trong tất cả mọi cộng đoàn, đều có những người vững mạnh và những những người yếu nhược. “Những kẻ bé mọn đang tin đây” chắc chắn là những người mà đức tin của họ cần được soi sáng và được nâng đỡ bởi mẫu gương của những người vững mạnh trong đức tin nhất và được giáo dục nhất. Thánh Lu-ca, trong một đoạn văn sóng đôi, nói một cách giản dị: “những kẻ bé nhỏ”; qua diễn ngữ nầy, thánh ký nhấn mạnh đức khiêm tốn, tự xóa nhòa của những người khiêm hạ nầy. Dù thế nào, Đức Giê-su nhấn mạnh trách nhiệm nghiêm trọng của những người mà qua cách hành xử của mình, khiến những kẻ bé mọn đang tin đây có nguy cơ lầm đường lạc lối. Thái độ đòi buộc là một sự nghiêm túc đối với chính mình. Trong một bút pháp mãnh liệt với lối nói ngoa dụ nhắc nhớ ngôn từ của các ngôn sứ, Đức Giê-su khuyên chặt tay, chặt chân, móc mắt nếu chúng gây cớ vấp ngã của những người bé mọn đang tin nầy.

Bởi vì có gì quý giá hơn sự sống đời đời. Nếu không, giòi bọ và lửa hỏa ngục sẽ là hình phạt cho kẻ gây cớ vấp ngã; đây là hình ảnh truyền thống được dành cho cái chết tinh thần của quân vô đạo.

Việc bảo vệ những kẻ bé mọn và những người khiêm hạ cho đến tận trong đức tin mõng dòn của họ, thì rõ ràng ở trong hàng của sứ điệp Tin Mừng. Đức Giê-su phối hợp sứ điệp nầy với những yêu sách cứng rắn mà một môn đệ chân chính và đặc biệt những người hướng dẫn cộng đoàn trên con đường của Nước Trời phải bị đòi buộc.


Lm. Ignatiô Hồ Thông