Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/ducdala...hap-usa-03.htm

GẦN 14 NGÀN NGƯỜI
NGHE ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THUYẾT GIẢNG



* Đông nhất từ trước đến nay - Phật tử Việt Nam đến từ khắp nơi

LONG BEACH - Lần đầu tiên, Phật tử Việt Nam tham dự buổi thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng Thứ Sáu, 25 tháng Chín, 2009 tại Long Beach Convention Center, Nam California lên đến hàng trăm người, đông nhất từ trước đến nay, hòa trong gần 14.000 người đến từ khắp nơi trên thế giới. Theo bà Nguyễn Lê Hạnh Giao, thiện nguyện viên, thành viên của ban tổ chức, so với những lần trước đó, gần đây là cuộc thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Pasadena, Nam California, ba năm trước, Phật tử Việt Nam tham dự nhiều gấp chục lần. Một trong những nguyên nhân có sự khác biệt này, theo bà Hạnh Giao, vì thầy Khensur Rinpoche Lobsang Jamyang, trưởng ban tổ chức công bố tin không bán vé vào cửa. Và quyết định này được thực hiện là để đông đảo Phật tử Việt Nam và các sắc dân châu Á khác có thể đến để nghe pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma. (Hình trên: Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi họp báo chiều 25-9-2009 (Ảnh: Phụng Linh/Viễn Đông))

Bà Hạnh Giao cho biết: “Thầy trưởng ban tổ chức trước đây gặp nạn, được Phật tử Việt Nam cứu giúp nên nay ngài tìm cách tạo cơ duyên để phật tử Việt Nam đến với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thầy cũng biết đa số phật tử Việt Nam thờ ngài Dược Sư và A Di Đà nên thầy tổ chức một lễ Quán Đảnh về Tịnh Độ trong dịp này”. Đặc biệt hơn, trong lễ sáng Thứ Sáu, Khensur Rinpoche Lobsang Jamyang mời một vị Tỳ kheo người Việt Nam tham gia lễ tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh bằng tiếng Việt Nam cùng với một vị Tỳ kheo người Trung Hoa và một vị Mật Tông tụng kinh bằng tiếng Trung Hoa và tiếng Tây Tạng.

Cũng theo bà Hạnh Giao, đông đảo phật tử Việt Nam đến từ Canada và nhiều tiểu bang khắp Hoa Kỳ như Houston, Texas, Boston, San Francisco, San Jose... Cũng lần đầu tiên, đông đảo phật tử Việt Nam và các sắc dân châu Á khác ngồi trên các hàng ghế trên thay vì người Mỹ trắng như những cuộc thuyết giảng trước đây.


Khi thốt ra những lời pháp đầu tiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng ngài “rất sung sướng có mặt tại đây” và nhiều lần nhắc đến Phật tử Việt Nam. Hình trên: Hàng ngàn người xếp hàng vào nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp chiều 25-9-2009 trước Long Beach Convention Center – (ảnh: Trương Tuấn/Viễn Đông)

Gặp chúng tôi trong giờ giải lao, một số cô bác người Việt đến từ thành phố Anaheim, Santa Ana, Nam California cho biết dù tuổi cao sức yếu vẫn cố đi nghe giảng để được lây truyền phước hạnh từ Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Hòa Thượng Thích Chơn Thành, trụ trì chùa Liên Hoa cho Viễn Đông biết: “Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng về Tứ Diệu Đế rất hay. Trong vòng bốn tiếng đồng hồ, Ngài đưa ra tiền đề, nguyên nhân và phương pháp chấm dứt đau khổ để đạt đến an lạc. Hy vọng Ngài dành thời gian thường xuyên đến giảng cho phật tử vùng Los Angeles chúng tôi”.

Chúng tôi gặp anh Nawang Kelsang, sinh quán Tây Tạng, được bố mẹ gửi đến Ấn Độ hồi 5 tuổi, năm nay trong độ tuổi 30, qua Hoa Kỳ định cư được 5 năm trong giờ giải lao. Anh kể: “Sáng nay tôi được nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp. Trong thời pháp, Ngài nhắc đến cách làm sao để chế ngự cơn giận dữ. Nếu chúng ta trốn tránh cuộc sống, đi tu, đỡ phải va chạm vào cuộc sống thường ngày, thì có lẽ dễ tu hơn. Nhưng đối với tôi, điều quan trọng hơn là làm sao chế ngự được cơn giận dữ hàng ngày, để sống cho tốt hơn trong đời thường”. Ký giả Viễn Đông hỏi anh nghĩ sao về tình hình Tây Tạng và Trung Cộng hiện nay thì anh cho biết rằng Trung Cộng vẫn luôn đàn áp và người Tây Tạng phải tiếp tục tranh đấu để được quyền tự chủ như Đức Đạt Lai Lạt Ma mong muốn. Còn về một người lãnh đạo có thể thay thế Đức Đạt Lai Lạt Ma thì anh nói, “Không ai có thể thay thế Ngài”.


Bà Yangchen Urquhart, trong độ tuổi 40, một người Tây Tạng sinh ở Ấn Độ, từng sống ở Anh quốc, cho biết đang định cư tại Nhật Bản, đến Nam California lần này chỉ để làm một thiện nguyện viên giúp cho chương trình giảng pháp cuối tuần này của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bà giúp phát những tờ giấy quảng cáo cho một trung tâm của Phật giáo Tây Tạng. Khi được hỏi về việc thành lập thể chế dân chủ bầu ra nhà lãnh đạo chính trị cho người Tây Tạng lưu vong, bà nói: “Nhưng không ai có thể thay thế Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần kính mến của chúng tôi”. Hai vị Lạt Ma Tây Tạng đang bước vào thính đường nghe pháp (ảnh: Trương Tuấn/Viễn Đông).

Ông Greg Peterson, 62 tuổi, một người theo đạo Phật từ những năm 70, cho chúng tôi biết cơ duyên ông theo Phật giáo là vì có một người thầy cũng theo đạo Phật đã dạy cho ông những triết lý sâu sắc cho cuộc sống, và từ đó ông theo luôn. Ông từng đến nhiều buổi giảng trước đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Về tình hình chính trị tại Tây Tạng thì ông cũng tin tưởng rằng tốt hơn hết Trung Cộng nên để cho Tây Tạng tự trị, như mong muốn của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Một thanh niên trong độ tuổi 30 người Hán tộc, xin được giấu tên, cho biết anh là một Phật tử theo môn phái Mật Tông của Tây Tạng và đến để làm thiện nguyện giúp cho chương trình thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tuy nhiên, hỏi đến vấn đề độc lập cho Tây Tạng thì anh liền tránh né, nói rằng không muốn nói chuyện về chính trị. Anh chỉ muốn thổ lộ đôi chút với chúng tôi về vấn đề tâm linh mà thôi.

Chúng tôi cũng gặp đạo diễn kiêm nhà sản xuất Khashyar Darvich của bộ phim tài liệu “Dalai Lama Renaissance” được chiếu vào 6 giờ chiều thứ Sáu. Cuốn phim là một công trình gồm 140 giờ quay, nói về cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

* Một thời pháp cho giới truyền thông

Đầu giờ chiều Thứ Sáu, trong vòng canh phòng an ninh hết sức cẩn mật, Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ tọa cuộc họp báo với sự hiện diện của khoảng 20 ký giả tại một phòng họp nhỏ phía ngoài nhà hát Long Beach Convention Center. Để bảo đảm an ninh tuyệt đối cho Ngài, chúng tôi bị xét từ ngoài bằng X-Ray, bằng quân khuyển. Chúng tôi đếm có tới 10 nhân viên ban tổ chức bao quanh Ngài, không kể hai nhân viên cảnh sát người Mỹ ở trong phòng họp.

Với vẻ đĩnh đạc, từ tốn và lạc quan, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải tỏa ngay lập tức trạng thái căng thẳng của chúng tôi vì phải đi qua nhiều vòng kiểm soát an ninh. Trước rừng máy ảnh chớp sáng với những tiếng lắc cắc liên hồi, Đạt Lai Lạt Ma khoan thai khuyên các ký giả hãy “đón nhận cuộc sống hạnh phúc và ít lo lắng”...

Trong cuộc họp báo, Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu ngay bằng một thời pháp đặc biệt cho giới truyền thông và kéo dài trong vòng mười phút, nhắc nhở bổn phận với nhân loại: nên đưa tin tức trung thực, những tin có ích lợi cho cộng đồng, cho tha nhân, như giúp mọi người tăng ý thức bảo vệ môi sinh, sống cho an lành, bớt thù hận, chiến tranh, v.v..

Ký giả Viễn Đông đã nêu ba câu hỏi với Đức Đạt Lai Lạt Ma như sau:

1. Khi nào có cuộc bầu cử sắp tới cho người Tây Tạng lưu vong và Ngài suy nghĩ gì về cuộc bầu cử đó?

2. Ngài có thất vọng không khi Tổng thống Obama thay đổi quyết định và sẽ không gặp Ngài như dự trù vào tháng 10 này?

3. Đối với một nhà truyền thông, làm thế nào cân bằng giữa lời chỉ dạy của Ngài và sự thật là hàng ngày có quá nhiều tin tức xấu?

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:

- Người Tây Tạng lưu vong đã có hai cuộc bầu cử trong vòng một thập niên qua, và kỳ bầu cử sắp tới sẽ là năm 2011. Ngài chưa biết ai sẽ ra lãnh đạo về chính trị. Trong cộng đồng của Ngài đã bắt đầu thảo luận về một số ứng cử viên.

- Khi đến bất cứ nơi đâu, Ngài không muốn làm phiền bất cứ ai; cho nên, nếu vì vấn đề giao tế với Trung Quốc, mà Tổng thống Hoa Kỳ không gặp Ngài thì cũng không sao cả. Đối với Ngài thì “gặp hay không gặp cũng không thành vấn đề”.

- Truyền thông thì có nhiệm vụ đưa tin, nếu là tin xấu, như tội phạm, xì-căng-đan, thì sau khi đưa tin mình có thể hóa giải những tin tức xấu đó bằng cách nêu ra những giải pháp, hướng dẫn dư luận đến những giải pháp làm sao ngăn chặn những việc đó xảy ra trong tương lai, làm sao giúp cho những nạn nhân, v.v.. Nghĩa là làm tin tức với cái tâm trong sáng, với cái bổn phận của người có lương tâm...

Trả lời những câu hỏi khác của giới truyền thông, câu đầu tiên về khả năng Ngài sang thăm Việt Nam, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết Ngài chưa từng được mời sang Việt Nam cho nên Ngài không thể đến thăm Việt Nam được, mặc dù Việt Nam có nhiều Phật tử.

Còn về việc đối phó với Trung Cộng thì Ngài cho biết rằng chưa biết tính sao, nhất là sau vụ đụng độ giữa người Tây Tạng và nhà cầm quyền Trung Cộng năm rồi. Nhưng Ngài nói rằng lòng tin của Ngài đối với người Trung Hoa không thay đổi. Ngài đã từng gặp những nhà trí thức, nghệ sĩ người Trung Hoa, và họ đã bày tỏ sự đoàn kết, sự ủng hộ đối với Ngài cho hệ thống tự trị Tây Tạng trong một đất nước Trung Hoa. Ngài cho biết, những nhà trí thức Ngài từng gặp nhận xét, hiện nay ở Trung Cộng, “những giá trị tinh thần truyền thống đã biến mất, người ta chỉ còn biết tiền, tiền, và tiền” cho nên người Tây Tạng, với truyền thống của dân tộc này, có thể giúp góp phần khôi phục những giá trị tinh thần đó cho người Trung Hoa.

Trong suốt buổi nói chuyện, Ngài nhấn mạnh địa vị tôn giáo của mình trong vai trò một nhà tu hành, không học về chính trị hay bang giao quốc tế. Nhưng từ nhỏ, từ khi Ngài phải lưu vong năm 1959, Ngài cho biết đã yêu thích thể chế dân chủ, và đến năm 2001 đã có bầu cử dân chủ trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong, dứt khỏi truyền thống 400 năm do các vị Đạt Lai Lạt Ma cai trị. Ngài vừa cười vui vừa nói rất khiêm tốn: “Nhà lãnh đạo Tây Tạng [Giáo sư Samdhong Rinpoche] là ông ‘sếp’ của tôi trên cương vị chính trị, còn về chuyên môn [Phật giáo] thì tôi là ‘sếp’ của ổng”.

Sức mạnh trí tuệ vẫn tỏa sáng quanh Đức Đạt Lai Lạt Ma trước chúng tôi. Vừa bận rộn ký tên trên chồng sách đặt trên bàn chủ tọa, ngài vẫn tỉnh táo ghi nhận các câu hỏi của các ký giả để quay sang trả lời một cách rành rẽ, rõ ràng.

Một thời pháp và thời gian trả lời phỏng vấn của báo chí của Ngài chỉ kéo dài 30 phút. Chúng tôi không có nhiều cơ hội với Ngài.

Bên ngoài nhà hát, một người Mỹ phân phát truyền đơn kêu gọi giới Phật tử ăn chay để tỏ lòng thương xót loài vật. Không khí hòa bình, thân thiện lan truyền khắp nơi.

Khi buổi thuyết pháp buổi chiều của Đức Đạt Lai Lạt Ma sắp sửa bắt đầu, bà Hạnh Giao nhờ chúng tôi chuyển lời mời các Phật tử Việt Nam tham dự buổi thuyết pháp của Ngài vào sáng Thứ Bảy 26 tháng Chín. Bà cho biết, các Phật tử chỉ cần đến Long Beach Convention Center trước 9 giờ sáng, tìm gặp các thiện nguyện viên Việt Nam trước cửa ra vào để lấy vé vào cửa miễn phí.

(Viễn Đông)

09-27-2009