Truyền giáo: Sứ mạng ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận


Chúa Nhật Truyền Giáo

Chúa Nhật Truyền Giáo, còn gọi là Khánh nhật Truyền giáo, là ngày thế giới truyền giáo, ngày mà toàn thể Giáo Hội hướng lòng về chiến tuyến, nơi các chiến sĩ Phúc Âm đang xả thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng, mở rộng nước Chúa. Và cứ vào dịp này mỗi năm, Vị Cha Chung của Giáo Hội đều gửi một sứ điệp gọi là Sứ Điệp Ngày Truyền Giáo để khích lệ và hướng dẫn các Ki-tô hữu về sứ mệnh truyền giáo.

Chủ đề mà Đức Thánh Cha chọn cho Ngày Truyền Giáo năm nay (SĐTG 2009) là: “Các dân nước sẽ bước đi theo ánh sáng của Ngài” (Kh 21,24), với mong muốn là “để nhắn nhủ mỗi người hãy khơi dậy nơi bản thân ý thức về mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Kitô ‘biến mọi dân tộc trở thành môn đệ của Ngài’ (Mt 28,19), theo vết thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại” (SĐTG 2009, lời mở).

Ba ý tưởng mà chúng ta có thể nhấn mạnh khi đọc sứ điệp này là:

- Một là mọi Ki-tô hữu cần ý thức về sứ mạng truyền giáo của mình;
- Hai là mọi Ki-tô hữu được mời gọi thao thức để “soi chiếu mọi dân tộc bằng ánh sáng Chúa Ki-tô”;
- Ba là mọi Cộng đoàn Ki-tô hữu cần nhận thức rằng “sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại phải chiếm ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận”.

1. Ý thức về sứu mạng truyền giáo

Trước hết, một lần nữa chúng ta phải tái khẳng định rằng sứ mạng truyền giáo là nghĩa vụ dành cho hết mọi Ki-tô hữu. Do ân sủng và ơn gọi của Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mọi tín hữu (giáo sĩ và giáo dân) đều là nhà truyền giáo. Tuy nhiên, địa bàn truyền giáo của các giáo dân là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao (x. GH, số 30-38).

Là nghĩa vụ, bổn phận, nên người Ki-tô hữu cần phải thi hành. Đây không là một việc nhiệm ý, một lời khuyên lơn hay mời gọi mà là một mệnh lệnh, là lệnh truyền của Chúa Ki-tô, xuất phát từ ý định cứu độ của Chúa Cha, do sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì sự cứu độ của nhân loại. Công đồng Vatican II đã xác quyết rằng “mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa” (TĐ, số 3; x. GH số 17; TG, số 23, 36).

Là nghĩa vụ cho mọi Ki-tô hữu, chứ không phải là lệnh truyền riêng cho các linh mục, tu sĩ hoặc các nhà truyền giáo mà thôi. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã khẳng định rằng: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ” (TĐ, số 2), và do đó, người giáo dân “có bổn phận và quyền làm tông đồ” (TĐ, số 3). Giáo luật cũng minh định rằng “tất cả các giáo hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (GL, điều 211).

Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo (TG 2), hiện hữu đề truyền giáo. Truyền giáo là lý do hiện hữu (raison d’être) của Giáo Hội. Đà tiến truyền giáo luôn là dấu chỉ sinh động của Giáo Hội (SVĐCC 2; SĐTG 2009, số 2,3,5). Hơn nữa, “sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một yếu tố căn bản thường hằng trong đời sống của Giáo Hội. Rao giảng Tin Mừng đối với chúng ta phải là một nghĩa vụ thứ nhất không thể tránh né, cũng như đối với thánh Phaolô Tông Đồ xưa kia” (SĐTG 2009, số 1). Sứ mạng này không phải là công việc riêng lẻ, nhưng là công việc chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế, mọi thành phần cần cộng tác với nhau trong tinh thần hiệp thông và đồng trách nhiệm. Thực vậy, “toàn thể Giáo Hội phải dấn thân trong sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại, cho đến khi chủ quyền cứu độ của Chúa Kitô được thể hiện hoàn toàn”, bởi vì cho đến “hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự tùng phục Chúa” (Dt 2,8; SĐTG 2009).

2. Thao thức về công cuộc truyền giáo

Thao thức với tấm lòng yêu thương bao la của Chúa Cha, Đấng hằng yêu thương và muốn cho mọi người được yêu thương và cứu độ. Trong ý định yêu thương nhiệm mầu của Ngài, tất cả mọi dân tộc đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ. “Toàn thể nhân loại có một ơn gọi cơ bản là trở về nguồn cội của mình là chính Thiên Chúa, và chỉ nơi Ngài nhân loại mới được viên mãn nhờ sự tái lập mọi sự trong Chúa Kitô” (SĐTG 2009, số 1).

Đó là thao thức với ước mong cháy bỏng của Chúa Giêsu, Đấng đã đến “ném lửa” yêu thương vào thế gian và “lửa ấy cháy lên”, đã hy sinh tính mạng để cứu nhưng gì đã mất, và hằng khát khao tìm kiếm các “chiên không thuộc đoàn này” để chỉ có một đàn chiên và một Mục Tử (x. Ga 10, 11-18), nghĩa là “mọi người qui tụ thành một gia đình nhân loại duy nhất trong tình phụ tử yêu thương của Thiên Chúa” (SĐTG 2009, lời mở).

Đó cũng là thao thức đồng cảm với Giáo Hội lữ hành “tự bản chất là truyền giáo” (TG, số 2), ý thức rõ “sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một yếu tố căn bản thường hằng” của mình, như “là một nghĩa vụ thứ nhất không thể tránh né”. Bởi vì Giáo Hội hiện hữu chính là để tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô nơi trần gian: cứu độ con người và quy tụ nhân loại vào trong Gia Đình của Thiên Chúa. Vì thế, “Giáo Hội hoàn vũ, không bị giới hạn và cũng không có biên cương, Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng đứng trước các dân tộc (x. LBTM, số 53). Do ơn gọi làm mầm mống hy vọng, Giáo Hội phải tiếp tục mang Chúa Kitô cho thế giới.” (SĐTG 2009, số 2).

Sau nữa, truyền giáo là thao thức của đức ái. Tình yêu luôn đòi hỏi trao ban và trao ban những gì tốt nhất. Đức ái không cho phép đóng kín nhưng phải mở ra để trao tặng cho nhân loại quà tăng tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được là Chúa Kitô. Truyền giáo, vì thế, là đòi hỏi, là “lệnh truyền” của đức ái, của một tình yêu Kitô đích thực, mong muốn và thực thi điều tốt điều lành cho anh em (TĐ, số 3), trao tặng cách nhưng không “khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô. Thánh Thần tình yêu sẽ soi sáng, thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trên đường sứ vụ yêu thương này (x. SĐTG 2009, số 5).

3. Nhận thức về vị trí ưu tiên của sứ mạng truyền giáo

- Chiếm vị trí ưu tiên: “Tôi nhắc nhở các Giáo Hội kỳ cựu cũng như các Giáo Hội mới được thành lập rằng Chúa đã đặt họ làm muối đất và ánh sáng thế gian, Ngài kêu gọi họ rao giảng Chúa Kitô Ánh sáng muôn dân, cho đến tận bờ cõi trái đất. Sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại phải chiếm ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận”. Như vậy công việc truyền giáo không phải là điều gì thêm vào, phụ thuộc, thứ yếu, mà là công việc đứng hàng đầu, là bận tâm lớn nhất, là thao thức không ngừng nghỉ trong các hoạch định mục vụ của Giáo Hội, của mỗi cộng đoàn Kitô hữu.

- Chiến lược gợi ý: (1) Không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện và quyên góp mà còn tham gia tích cực và chủ động hơn vào công cuộc truyền giáo; (2) Không chỉ dừng lại ở việc giữ đạo và sống đạo, mà cần đẩy mạnh truyền đạo; (3) Đổi mới ý thức, hun đúc thao thức và đào sâu nhận thức về truyền giáo để mỗi Ki-tô hữu đêu hoạt động cách ý thức và trách nhiệm cho công cuộc truyền giáo: rao giảng, làm chứng, nhất là qua đời sống công bằng, bác ái, phục vụ, liên đới, chia sẻ… trong các môi trường sinh sống và làm việc hằng ngày (gia đình, xưởng thợ, trường học, công sở …; (4) Nâng cao ý thức và đào tạo truyền giáo cho người giáo dân, nhất là các hội đoàn, các tông đồ nòng cốt cho việc truyền giáo; (5) Lưu ý đến những cách thức mới trong việc sống đạo và truyền đạo: văn hoá, phát triển nhân bản toàn diện, tôn trọng môi sinh, đối thoại liên tôn, truyền thông xã hội, mục vụ di dân…

“Đà tiến truyền giáo luôn luôn là dấu chỉ sức sinh động của các Giáo Hội chúng ta” (x. SVĐCT, số 2). Chúng ta có thể nhắc đến ở đây kinh nghiệm của Giáo Hội Hàn quốc. Vào năm 1983, vào dịp Đức Thánh Cha đi thăm Hàn quốc và phong thánh cho 103 vị tử đạo Hàn quốc, Hàn Quốc có 3 triệu rưỡi người Công giáo. Năm đó, Đức Hồng Y Stephano Kim đã hứa với Đức Thánh Cha sẽ hăng say truyền giáo và đưa ra một chương trình mục vụ cụ thể, đó là mỗi gia đình Công giáo phải truyền giáo cho một gia đình ngoài Công giáo. Mỗi người Công giáo phải truyền giáo cho một người ngoài Công giáo. Kết quả rất là khả quan. Khoảng 10 năm sau, số giáo dân Hàn quốc đã tăng lên gấp đôi!

Tỉ lệ người Công Giáo Việt Nam từ năm 1886 đến nay hầu như dậm chân tại chỗ (hơn kém 7%, x. Nguyễn Ngọc Sơn, Nhìn lại sứ mạng truyền giáoo trong 50 năm qua và hướng đến tương lai, Vietcatholic.Net). Đó phải chăng là hệ quả hiển nhiên của việc thiếu ý thức truyền giáo, thiếu thao thức rao giảng Chúa Kitô cho người khác, hay là thiếu nhận thức về tầm quan trọng của sự vụ loan báo Tin Mừng? Và như thế, phải chăng việc cần làm đầu tiên cho một chặng đường mới chính là gióng lại hồi chuông tỉnh thức, để gieo lại niềm say mê truyền giáo như lời của bài ca bất hủ: “Đẹp thay bước chân người rao giảng Tin Mừng!” (Is 52,7; Rm 10,15)?


Dominic Trần