Một bước ngoặc mới, 12/12/2009
Vatican & Việt Nam
Cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch Nguyễn Minh Triết với Đức Giáo hoàng, một bước đáng kể tiến đến bang giao giữa Việt Nam với Vatican
Chuyến viếng thăm Vatican của ông Nguyễn Minh Triết tuy được coi là ''một bước đáng kể'', nhưng điều này chưa có nghĩa là quan hệ ngoại giao sẽ nhanh chóng được thiết lập. Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội với Vatican tùy thuộc vào mối quan hệ giữa Giáo hội Việt Nam với Nhà nước.
Chủ tịch Việt Nam tặng Đức giáo hoàng quà lưu niệm
(Ảnh : Reuters)
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết với Đức Giáo hoàng Benedicto 16 vào ngày 11/12/2009 đã diễn ra trong gần 40 phút, dài gấp đôi thời lượng dự trù.
Cuộc hội kiến cũng đã được Vatican mô tả là '' thân mật ''. Trong bản thông cáo được đưa ra sau đó, Tòa Thánh đã bày tỏ sự hài lòng về cuộc viếng thăm vì đây là '' một giai đoạn ý nghĩa đối với sự phát triển quan hệ song phương với Việt Nam và Tòa Thánh.''
Tòa Thánh cũng cầu mong những vấn đề còn tồn đọng có thể sớm được giải quyết. Bản thông cáo cho biết thêm là trong cuộc gặp gỡ hai bên đã đề cập đến những vấn đề '' liên hệ với sự cộng tác giữa Giáo hội và Nhà nước, dưới ánh sáng sứ điệp mà Đức Thánh Cha gởi Giáo hội Việt Nam nhân dịp khai mạc Năm Thánh 2010 ".
Tuy nhiên, bản thông cáo không nói rõ về những lĩnh vực cộng tác giữa Giáo hội với Nhà nước Việt Nam.
Còn theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ hôm qua, chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố '' Việt Nam sẳn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa Thánh trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của quốc tế''.
Chuyến viếng thăm Vatican của ông Nguyễn Minh Triết diễn ra gần ba năm sau chuyến viếng thăm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2007. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một lãnh đạo chính phủ Việt Nam với Đức Giáo hoàng Benedicto 16 lúc ấy cũng đã được mô tả là ''đánh dấu một bước mới và quan trọng tiến đến bình thường hoá quan hệ song phương''.
Nhưng từ đó cho đến nay đã gần ba năm, việc xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Vatican có tiến triển nhưng còn rất chậm.
Lần này cũng vậy, tuy cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch Việt Nam với Đức Giáo hoàng tuy được coi là ''một bước đáng kể'', nhưng điều này chưa có nghĩa là quan hệ ngoại giao sẽ nhanh chóng được thiết lập.
Điều mà Hội đồng Giám mục và giáo dân trông chờ đó là được đón tiếp Đức Giáo hoàng tại Việt Nam vào năm tới, nhưng bản thông cáo của Tòa Thánh hôm qua đã không nhắc đến khả năng này.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội với Vatican thật ra tùy thuộc phần lớn vào mối quan hệ giữa Giáo hội Việt Nam với Nhà nước. Thế mà mối quan hệ này trong thời gian gần đây đã trở nên phức tạp do vấn đề các tài sản của Giáo hội bị chính quyền chiếm dụng mà vụ mới nhất là Giáo hoàng Học viện tại Đà Lạt.
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã kiến nghị Nhà nước trao lại cơ sở này cho Giáo hội, nhưng chính quyền tỉnh Lâm Đồng vẫn cho thi công xây dựng công viên trên một phần diện tích của Giáo hoàng Học viện.
Những vụ xung đột do các cơ sở tôn giáo bị chiếm dụng đã từng xảy ra ở nhiều nơi như Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Vĩnh Long, v.v.
Điều đáng nói hơn cả là theo nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong văn kiện đề ngày 25/9/2008, trong tiến trình giải quyết các tranh chấp đó, một số phương tiện truyền thông ở Việt Nam lại '' gieo rắc hoang mang và nghi kỵ'', với những thông tin bị bóp méo và cắt xén, tiêu biểu là chiến dịch đả kích các linh mục giáo xứ Thái Hà và Tổng giám mục Hà Nội, Đức cha Ngô Quang Kiệt.
Như Cha Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam phát biểu trên đài RFI hôm qua, cuộc đối thoại giữa Giáo hội và Nhà nước phải dựa trên sự tôn trọng công lý và sự thật.
Bên cạnh đó, vấn đề tự do tôn giáo cũng có thể là cản ngại cho tiến trình bình thường hóa bang giao Việt Nam Vatican.
Một trong những biểu tượng cho chính sách đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, đó là linh mục Nguyễn Văn Lý. Cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch Nguyễn Minh Triết với Đức Giáo hoàng diễn ra đúng vào lúc các tổ chức quốc tế như Freedom Now và Ân Xá quốc tế kêu gọi Hà Nội phải trả tự do cho cha Lý, vừa bị tai biến mạch máu não phải nhập viện ở Hà Nội vào tháng trước, nhưng ngày 11/12 cha Lý lại bị đưa trở vào nhà giam để tiếp tục thọ án tù vì tội '' tuyên truyền chống Nhà nước
Theo RFI France