Lan Man Từ Chuyện Tấm Thiệp


Quá nửa tháng 12, sắc màu Nô-en ngập tràn phố xá. Cái lạnh se sắt tụt xuống dưới không độ, và bầu trời mùa đông xam xám - chợt mưa bay, chợt nắng nhẹ, chợt tuyết rơi - không làm chồn chân dòng người lũ lượt dạo phố, mua quà. Tôi ghé vào một bưu điện gần nhà, khu trung tâm Paris, mua vài tấm thiệp Giáng Sinh gửi người thân. Thiệp ‘Nô-en’ có rất nhiều, nhưng thiệp ‘Giáng Sinh’ tìm hoài không thấy! Nào thông xanh, nào nến sáng, nào chuông vàng, nào ông già tuyết, nào tuần lộc..., nhưng tìm mãi không ra một tấm thiệp có hình em bé Giêsu, dù chỉ nhạt mờ! Chợt nhớ, từ lâu đã từng nghe, đất nước và dân tộc này một thời là “trưởng nữ của Giáo Hội.” Nhưng thời ấy đã xa lắm rồi...

... Và bỗng thấy mình vô duyên khi chỉ là ‘khách qua đường’ lại thầm tiêng tiếc cho người về một điều mà chính người không hề tiếc, thậm chí đó là điều mà người tự hào. Người Pháp, ngót 60 phần trăm là Công Giáo, vẫn tự hào về tính thế tục (sécularisation) nơi xã hội và quốc gia của họ. Dấu mốc quyết định của tính thế tục này là Sắc Luật ‘Séparation’ hồi 1905, cách đây vừa hơn một thế kỷ, trong đó nền Đệ Tam Cộng Hòa dứt khoát tách rời nhà nước khỏi nhà thờ. Nghe cứ như một cuộc hôn nhân có nhiều vấn đề, đến nỗi cuối cùng phải chọn giải pháp ‘đường anh anh đi, đường em em đi’ vậy!

Không biết những người trong Giáo Hội thời đó có thấy phũ phàng và có buồn tiếc nhiều về cuộc ‘ly thân’ bất khả kháng ấy không. Thực ra, bình tâm mà ngẫm thì chắc ai cũng thừa nhận rằng cuộc ‘ly thân’ ấy là một bước nhảy văn minh hơn trong đời sống xã hội Pháp: một xã hội muốn thượng tôn nguyên tắc tự do lương tâm, tự do tôn giáo; trong đó nhà nước hoàn toàn trung lập về tôn giáo, không can thiệp hay dính dáng đến bất kỳ tôn giáo nào.

‘Ly thân’ là để ‘nàng’, hay ‘chàng’, hay cả hai, được giải phóng; nhưng trách nhiệm đối với ‘con cái’ thì vẫn còn: Những cơ sở thờ tự của các tôn giáo tồn tại trước 1905 vẫn tiếp tục là cơ sở thờ tự, nhưng thuộc tài sản nhà nước và nhà nước có bổn phận bảo trì. Mấy tháng trở lại đây, ai đi ngang qua ngôi nhà thờ Saint-Sulpice (to lớn ước gấp đôi nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng) gần Vườn Luxembourg, sẽ thấy những giàn giáo tua tủa và những cần cẩu gầm gừ chỗ tháp chuông tiền đường. Thế nhưng các cha của giáo xứ và bà con giáo dân vẫn khỏe re, chẳng phải lo gì. Hỏi ra mới biết việc bảo trì nhà thờ ấy là bổn phận của nhà nước, không phải của ‘mình’. Thế đấy, thật ngộ, một nhà nước đặc trưng tính thế tục và không can thiệp hay dính dáng gì đến tôn giáo, lại có bổn phận sửa chữa tái thiết nhà thờ! Thoạt nghe hay nhìn thấy chuyện như vậy, dễ tưởng đó là cái gì nhập nhằng, giẫm chân. Nhưng thực ra, đó chỉ là chuyện sòng phẳng, rạch ròi, và ... “theo đúng qui định của pháp luật”.

Tính thế tục của quốc gia được thấy bàng bạc trong các ngóc ngách đời sống văn hóa xã hội. Người Pháp vô tư chọn Sarkozy làm người lãnh đạo của mình vì tài kinh bang tế thế của ông; còn chuyện ông li dị hai lần và kết hôn ba lần chỉ là chuyện riêng của ông ấy, chẳng liên can gì – (người Mỹ hẳn sẽ thấy như vậy là liên can nhiều lắm đấy!)

Một đàng, tính thế tục ấy có thể phản ảnh một cấp độ văn minh; song đàng khác, trong thực tế, không phải là nó không đi quá xa, khiến cho Giáo Hội phải rầu. Một ví dụ là mô hình PACS (Pacte Civil de Solidarité, tạm dịch: Khế Ước Dân Sự về Sống Chung) mà mới hồi tháng trước người Pháp kỷ niệm 10 năm tồn tại của nó cách khá tưng bừng. Đây là một sắc luật công nhận sự sống chung giữa hai người, đồng giới hay khác giới, với cộng đồng tài sản, với sinh con đẻ cái (nếu sinh đẻ được!), mà ... không phải là hôn nhân! Trong 10 năm qua, hơn 500.000 đôi (đa số là nam-nữ, song cũng có một số là nam-nam hoặc nữ-nữ) đã chọn ký loại khế ước này. Và biểu đồ thống kê cho thấy con số đang trên đà tăng rất nhanh. Tính riêng năm 2008, nếu cả nước có 273.500 đôi nam nữ kết hôn dân sự chính thức, thì cũng có đến 146.084 đôi chọn kết hợp với nhau theo mô hình PACS này. Bên ta, chuyện ‘sống thử’ tuy là trào lưu leo thang đến mức báo động khẩn cấp rồi, song cũng còn đỡ, vì quốc hội chưa làm luật để hợp pháp hóa nó theo kiểu PACS của dân tây.

Người Pháp, cũng như nhiều dân khác, đang ở trong một căng thẳng giữa một bên là tính thế tục chính đáng của cơ cấu xã hội và bên kia là chiều kích tín ngưỡng tâm linh vốn là nhu cầu sâu xa vẫn ray rứt nơi con người, cá nhân hay cộng đồng. Sự căng thẳng này phần nào bộc lộ, chẳng hạn, như hồi năm 2000 họ đã bãi bỏ điều 30 của Sắc Luật ‘Séparation’, là điều vốn qui định “cấm dạy tôn giáo trong các lớp học ở trường công.” Rồi năm 2003, thêm một tu chính nữa theo chiều hướng mở rộng, liên quan đến các qui định về các dấu hiệu tôn giáo công khai tại trường học. Năm sau, 2004, Nicholas Sarkozy – lúc bấy giờ vừa mới chuyển từ bộ trưởng Nội Vụ sang làm bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chánh – đã đề nghị trao cho nhà nước các phương tiện để có thể kiểm soát hữu hiệu tài chánh của các tôn giáo, cách riêng của Hồi Giáo (là cộng đồng trong thực tế đang được rót tiền đáng kể bởi những người đồng đạo ở Cận Đông và Trung Đông.) Sự kiểm soát này, theo ông, nhằm giúp giải phóng Hồi Giáo ở Pháp khỏi những sự giám hộ đáng ngờ, và có thể hạn chế những trệch hướng về phía quá khích và khủng bố, vốn có thể bộc phát giữa lòng các cộng đồng Hồi Giáo Pháp.

Xem thế, mối căng thẳng đạo / đời của người Pháp cũng mang trong mình nó những dấu hiệu tích cực đấy chứ. Họ đã vất vả nhiều, và va vấp cũng nhiều, mới ‘có’ được sự căng thẳng của ngày hôm nay, một sự căng thẳng xem chừng đáng được đặt tên là ‘thiện chí’, vì cả hai đầu của sợi dây đều muốn chứng tỏ thiện chí của mình. Và khi người ta có thiện chí thì người ta có quyền hy vọng.

Ở Việt Nam mình, mối căng thẳng đạo / đời đang có thừa, cách riêng trong mối tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và nhà nước Cộng Sản. Lịch sử của mối tương quan này đầy gai góc, như những gì đã diễn ra từ năm 1945 cho đến nay: từ đối đầu kịch liệt đến chấp nhận sống chung với ít hay nhiều miễn cưỡng. Mối tương quan này sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, nó có cho phép hy vọng gì không? Câu trả lời, dĩ nhiên, tùy ở thiện chí của cả hai đầu sợi dây. Thiện chí là ‘muốn điều tốt’. Người Công Giáo Việt Nam không thể ‘muốn điều tốt’ dùm cho những người Cộng Sản đang nắm quyền. Nhưng nguyên việc bảo đảm rằng điều mình mong muốn cho chính mình là điều thật sự tốt cũng không hề đơn giản. Có thể mình vẫn muốn hay vẫn mơ một ‘hoàng kim thời đại’ nào đó chăng? Thiển nghĩ, cuộc ‘ly thân’ giữa nhà nước và nhà thờ ở Pháp, và tính thế tục mà họ quyết chọn cho thể chế của họ từ đó đến nay, dù có trầy trật, cũng có thể giúp mình như một phép thử...

Chợt nghĩ, việc không tìm thấy Hài Nhi Giêsu trên các tấm thiệp Nô-en chỉ là chuyện ... nhỏ thôi. Tôi mua mấy tấm thiệp Nô-en không có Chúa, tự nhủ rằng “Chắc Chúa cũng chẳng quyết đòi cho được có mặt trên những tấm thiệp này.” Nghĩ thì nghĩ vậy, mà sao tư tưởng vẫn cứ còn lan man...



Lm. Lê Công Đức