Lễ Hiển Linh 2009 - Năm C

KHIẾN CON PHẢI XÉT LẠI

1. Một chuyện trớ trêu trong đoạn Tin Mừng hôm nay

Trong bài Tin Mừng, ta thấy có điều khá ngộ nghĩnh và buồn cười, đó là: Dân Do Thái nóng lòng trông chờ suốt mấy trăm năm trời Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ loan báo trước đó. Thế mà chẳng mấy ai muốn tìm kiếm Ngài, nên khi Ngài đến, thì chẳng mấy ai trong nhận ra mà đến gặp Ngài. Thật đúng như Tin Mừng Gio-an nói: «Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận» (Ga 1,11). Chẳng những họ không nhận ra, mà còn bách hại Ngài nữa.

Điều ngược đời và trớ trêu là những người đến tìm Ngài, nhận ra Ngài là Vua, là Đấng Cứu Thế, lại không phải là những người mang danh là vẫn trông chờ Ngài đến, không phải là những người đã từng nghe nói về Ngài, không phải là những người thông thạo Kinh Thánh, càng không phải là người biết được Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở đâu. Đúng lý ra, chính những người trông chờ Ngài, biết nhiều về Ngài phải là những người đến tìm Ngài và nhận Ngài đầu tiên, trước tất cả những người khác. Nhưng trớ trêu thay, những người tìm Ngài, gặp được Ngài, và nhận ra Ngài là ai, lại là những người ngoại giáo ở tận đâu đâu, rất xa xôi, và những mục đồng dốt nát chẳng hề cầm đến cuốn Kinh Thánh, thậm chí có thể chẳng biết Kinh Thánh nói gì.

Điều ấy khiến chúng ta nhớ đến lời Đức Giêsu nói khi nghe viên đại đội trưởng đến xin Ngài chữa bệnh cho con gái ông ta: «Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12).

2. Biết đâu chuyện trớ trêu ấy lại ứng nghiệm nơi chúng ta!

Những sự kiện ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều khi chúng ta tự hào mình là đạo gốc, là người thuộc hàng giáo sĩ, tu sĩ, là giáo lý viên, là giáo dân loại «hảo hạng», hay là người thông thạo lẽ đạo, hiểu biết nhiều về Kinh Thánh, v.v… Vì thế, chúng ta nghĩ mình sẽ là những người ưu tiên vào Nước Trời: ta nghĩ rằng nếu mình mà còn không được vào Nước Trời thì còn ai vào được nữa? Suy nghĩ và tự hào như thế có thể chúng ta đã lầm. Một cái lầm hết sức tai hại.

Chúng ta tưởng rằng mình có đức tin, chúng ta tưởng rằng cách giữ đạo của mình hiện nay là đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta tự hào là mình đã nắm được ý muốn của Thiên Chúa, luật lệ của Ngài, hiểu rõ lẽ đạo, chân lý của Ngài, và tưởng rằng mình đang sống đúng đường lối của Ngài. Nhưng thật ra chúng ta đang sống một lối sống ích kỷ, kiêu căng, tự mãn, tự hào về những công đức của mình, chẳng hề quan tâm và giúp đỡ những người khốn khổ chung quanh ta. Có thể chúng ta có tính ganh tị, thấy ai hơn mình, may mắn hơn mình, thì tìm cách dèm pha, hạ giá họ xuống. Có thể chúng ta là những người không thể cộng tác với nhau và với ai, vì «cái tôi» của chúng ta lớn quá. Có thể chúng ta có tính không tha thứ khi có ai đó xúc phạm đến ta. Có thể chúng ta chưa yêu thương những người sống ngay bên cạnh ta ở mức độ đúng như Chúa đòi hỏi. Có thể chúng ta có rất nhiều hành vi có vẻ yêu thương, chứ không phải thật sự yêu thương. Có thể chúng ta đang sống rất xa Chúa, mà cứ ngỡ là mình gần Chúa lắm.

Chúng ta tưởng rằng mình thiện chí hơn, sống tốt hơn những người ngoại đạo, hay hơn nhiều Kitô hữu khác, nhưng trong thực tế, chúng ta kém họ, chúng ta không quảng đại bằng họ, không hy sinh cho những người sống chung quanh bằng họ, không cư xử có tình có nghĩa bằng họ. Và chính vì thế, họ gặp được Chúa, được Ngài chúc phúc, còn chúng ta thì chẳng gặp được Ngài, không nhận ra sự hiện diện rất cụ thể và tràn đầy của Chúa ở nơi những người mình gặp, trong những biến cố hằng ngày. Và vì thế, những người chung quanh ta không cảm thấy hạnh phúc vì có ta ở giữa họ, ở với họ.

Những người thông luật, thông Kinh Thánh, được tiếng là đạo đức như những người Pha-ri-siêu, các Ráp-bi Do Thái, các tư tế, các thầy Lê-vi đã không gặp được Ngài lúc Ngài sinh ra. Và ngay cả sau này, khi Ngài đích thân đến gặp họ, nói chuyện với họ, thì họ cũng chẳng nhận ra Ngài, mà tệ hơn nữa, còn tìm cách hãm hại Ngài. Hãy nghiêm túc tự hỏi: tinh thần của chúng ta hiện nay có giống họ không? giống chỗ nào? và nếu có khác, thì khác họ ở chỗ nào? Nếu Chúa đến theo cách khác hẳn với cách mà chúng ta vẫn nghĩ – mà chắc chắn là như vậy – thì ta có nhận ra và tiếp đón Ngài không? hay chúng ta lại nhân danh luật đạo và niềm tin của ta để kết án Ngài, giống như những người có vẻ đạo đức xưa kia đã làm cho Ngài? Ngài tiên báo sẽ đến như kẻ trộm, mà kẻ trộm thì lúc nào cũng đến bất ngờ, không chỉ theo thời gian mà theo cách thế nữa. Nếu không tỉnh thức, làm sao biết được. Coi chừng Ngài đang ở ngay bên ta, mà ta đâu có biết!

3. Đây là dịp để chúng ta xét lại cách suy nghĩ về cách sống

Trong lịch sử cứu độ, ta thấy Thiên Chúa dành rất nhiều ưu tiên cho Dân Ngài trong việc lãnh nhận ơn cứu độ. Đức Giêsu cũng vậy. Ngài nói với các môn đệ: «Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc nhà Ít-ra-en» (Mt 10,5-6), hoặc «Ta chỉ được sai đến với các chiên lạc của nhà Ít-ra-en thôi» (Mt 15,24). Nhưng điều tai quái xảy ra là những kẻ được ưu tiên thì lại tự hào về sự ưu tiên ấy, để rồi sống ngược lại với ý của Thiên Chúa, khiến họ không xứng đáng được cứu rỗi. Dụ ngôn tiệc cưới (xem Mt 22,1-14, hay Lc 14,15-24) cho thấy rõ điều đó. Người được ưu tiên mời thì không chịu đến, khiến cho chủ tiệc phải mời tất cả những người ở ngoài đường vào dự tiệc. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với họ, nhưng họ không nhận ra đó là ngôn sứ của Thiên Chúa, trái lại họ nghe thấy các ngôn sứ nói chói tai, và giết đi.

Phải coi chừng kẻo điều ấy lại xảy ra tương tự cho chính chúng ta, những người đã được rửa tội, mang danh là Kitô hữu, là người theo Chúa, là người đạo đức, nhưng nếu trong thực tế, đời sống chúng ta lại phản lại Tin Mừng, nghĩa là ích kỷ, kiêu căng, rất tự hào về đạo mình, khinh chê đạo khác. Liệu Đức Giêsu có thể nói với chúng ta như đã từng nói với người Do Thái xưa: «Tôi nói cho các ông hay, Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi» (Mt 21,43).

Lễ Hiển Linh là một tin mừng đặc biệt cho dân ngoại. Qua nhiều đoạn Tin Mừng (như đã từng trưng dẫn ở trên), ta thấy Thiên Chúa mạc khải rằng chính dân ngoại cũng có thể được cứu rỗi nếu họ sống đúng theo lương tâm, hay sống đúng theo truyền thống tôn giáo của họ, sống xứng đáng là người đúng nghĩa là con người (xem thêm Rm 2,17-29; Rm 10,19-21; v.v…)

NGUYỆN:

Lạy Chúa, bài Tin Mừng về lễ Hiển Linh khiến con phải xét lại cách sống đạo của con. Có thể con đang sống theo kiểu người Do Thái xưa, hiểu biết về Chúa rất nhiều, nhưng lại sống một lối sống hết sức xa lạ với tinh thần Tin Mừng. Xin Chúa hãy làm cho trái tim của con mềm lại thành trái tim bằng thịt đích thực, biết rung cảm trước những đau khổ, những cảnh ngheo nàn túng thiếu, những thế kẹt của những người đang sống quanh con, đồng thời biết quảng đại ra tay giúp đỡ, dấn thân bênh vực. Amen


Anrê Nguyễn hữu Nghĩa