Results 1 to 2 of 2

Thread: Chỉ mong hết thảy mọi người đều tu Tịnh nghiệp

  1. #1
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default Chỉ mong hết thảy mọi người đều tu Tịnh nghiệp

    286. Thư trả lời cư sĩ Thường Phùng Xuân (thư thứ mười hai)a


    Hôm qua nhận được thư, biết Vương Lan Hinh tuy lậm sâu chất độc Trình - Châu - Hàn - Âu, vẫn nhờ có ông khuyến hóa mà được vãng sanh. Nếu không, do cái nghiệp hủy báng Phật pháp suốt một đời này, chắc chắn đời sau khó thể được như đời này. Kinh Pháp Hoa dạy: “Thiện tri thức giả, thị đại nhân duyên, sở dĩ hóa đạo linh đắc kiến Phật” (Thiện tri thức là nhân duyên lớn vì giáo hóa, chỉ dạy khiến được thấy Phật). Tiếc cho ông ta tin tưởng quá trễ! Nếu [ông ta] sanh lòng tin cùng lúc với ông thì khuyên dạy càng thêm đắc lực.

    Ông ta là người hết sức quật cường, có thể chí thành niệm Phật trong khi bệnh khổ là do đời trước đã gieo thiện căn sâu xa nơi pháp môn Tịnh Độ trong Phật pháp. Trước lúc mất, liền biết trước khi nào sẽ chết, lại biết cõi Tây Phương thù thắng nhiệm mầu chẳng thể dùng ngôn ngữ nào để diễn tả được! Còn như sau khi đã tắt hơi, liền tỉnh lại, nói “chẳng thấy Đại Dương[27]” thì biết là ông ta vẫn nhờ trợ niệm mà được lợi ích [vãng sanh]. Từ đây có thể thấy rằng: Ông ta đã nghiệp tận tình không, nhưng vì quyến thuộc vô tri, đã lau rửa thân thể, thay áo sẵn, khóc lóc, gần làm hỏng đại sự. Được ông khai thị, đều cùng niệm Phật hiệu, đến khi hơi nóng tụ về đảnh đầu tỏ rõ ông ta đã sanh Tây nhập thánh đạo. Chuyện này quả thật là chuyện may mắn hết sức lớn từ vô thủy đến nay.

    Nếu thoạt đầu ông không khuyên ông ta niệm Phật thì chết đi khó tránh khỏi đọa lạc trong ác đạo vì suốt đời nghe lời kẻ khác xui xiểm tạo nghiệp “báng Phật, báng Pháp, báng Tăng” rất khó tiêu diệt được! May mắn được vãng sanh, vì thế đặt pháp danh cho ông ta là Chứng Tịnh, ý nói đã thật sự chứng được lợi ích Tịnh Độ. Từ nay thân cận Di Đà, theo gót hải chúng, sẽ tự đích thân chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn, lên địa vị Bất Thoái. Vợ ông ta là Phùng Thị, pháp danh là là Hy Tịnh. Hy là mong mỏi. Hãy nhất tâm niệm Phật, mong mỏi lâm chung được vãng sanh. Hợp Quần pháp danh là Trí Dung, do đã dấn thân vào xã hội, ắt phải viên dung không vướng mắc thì mới chẳng bị người khác chán ghét để tiện làm chuyện khuyên dạy [người khác] tu Tịnh nghiệp. Vì thế, pháp danh là Trí Dung. An Quần pháp danh là Trí Thao, Thao nghĩa là ẩn giấu. Đối với mọi người chẳng tự kiêu căng có trí, gặp chỗ quan trọng liền nói dứt khoát một lời, người ta sẽ bội phục. Nếu hiu hiu tự khoe khoang, dẫu nói ra câu nào cũng thích đáng thì cũng đã thiếu hồn hậu, huống là ăn nói chưa chắc đã thích đáng ư? Đấy là hướng dẫn về cách giữ thân, xử sự trong cõi đời, mà cũng là cái gốc để duy trì Tịnh nghiệp. Hãy nên bảo vợ và hai con ông ta đều nghiêm túc tuân thủ.

    Ông thay họ dâng tiền hương kính cũng rất hợp lý. Quang suốt đời chẳng bận tâm cho chính mình, chỉ mong hết thảy mọi người đều tu Tịnh nghiệp, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Do phương Bắc lạnh buốt, Phật pháp chẳng dễ lưu thông nên mới nhiều lần gởi sách để mong ai nấy đều cùng được gội ân Phật. Nay vẫn gởi cho họ các thứ kinh sách, xin ông hãy lượng định tặng cho mẹ con họ, hễ dư ra hãy tùy nghi biếu tặng. Cần phải nhắc họ cung kính thọ trì, chớ nên có thái độ như nhà Nho đọc sách Nho để xem kinh Phật. Nếu không, chưa được lợi ích mà đã mắc đại tội trước, hãy nên nói điều này với hết thảy mọi người có lòng tin. Mười gói kinh sách xin hãy thâu nhận! (ngày Hai Mươi Bốn tháng Tư)

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...stambien8.htma
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

  2. #2
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default Re: Chỉ mong hết thảy mọi người đều tu Tịnh nghiệp

    Suốt đời chẳng chịu khen ngợi người khác một cách sáo rỗng

    287. Thư trả lời cư sĩ Thường Phùng Xuân (thư thứ mười ba)



    Thư nhận được đầy đủ, cảnh tượng lâm chung của nhóm bốn người Thường Khai Tường [cho thấy] họ đều được vãng sanh. Khai Tường lầm lẫn cố chấp Lý Học, nếu không được ông tích cực khuyên dạy cũng như do thời cuộc nguy hiểm, sợ rằng sẽ vẫn cứ chấp mê chẳng ngộ, làm một kẻ sống uổng chết phí! [Bài tường thuật chuyện vãng sanh của] bốn người ấy nên tóm gọn lời văn, gởi cho Thượng Hải Phật Học Thư Cục để họ đăng trên bán nguyệt san. Mồng Mười tháng Mười năm Dân Quốc 26 (1937), Quang lánh sang Linh Nham. Tới ngày Mười Bảy, Mười Tám, Tô Châu bị vây hãm, chánh phủ vốn muốn bỏ mặc Tô Châu không giao tranh; vì thế, tai nạn ở Tô Châu so ra nhẹ hơn các huyện phụ cận như Côn Sơn, Thường Thục…

    Hiện thời, đường thủy, đường bộ đều bị bế tắc, các thứ hàng hóa chẳng thể chở tới, giấy đắt gấp năm, gấp sáu trước kia. Sợ sau này còn đắt đỏ gấp nhiều lần hơn nữa! Chuyện Hoằng Hóa Xã quả thật đã hết cách lo liệu, hiện thời Quang không hỏi đến nữa, chỉ chờ chết ở Linh Nham mà thôi. Quý xứ liên tiếp gặp phải lụt lội, hạn hán, sao lại gởi tiền hương kính? Từ rày nếu không có chuyện gì quan trọng, đừng gởi thư đến. Một là vì đường sá có thổ phỉ, binh lính [ngăn trở], hai là vì Quang sáng chẳng đảm bảo được tối, chỉ tích cực niệm Phật là được rồi, cố nhiên chẳng cần phải quy y với Quang. Chỉ cần chịu vâng theo lời Phật dạy tu trì thì đều được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Bốn pháp danh viết trong một tờ giấy khác. Lam Điền pháp danh là Huệ Thực, sẽ kế tục chí hướng của cha, trồng sâu thiện căn ngõ hầu chẳng phụ cái tên tốt đẹp này. Xin hãy nói với những người cùng chí hướng thì may mắn thay! (ngày Mười Ba tháng Chín)



    288. Thư trả lời cư sĩ Thường Phùng Xuân (thư thứ mười bốn)



    Pháp danh của hai mươi người viết trong một tờ giấy khác, những người bị lầm tên đã sửa rồi. Hai bài ca ông đã gởi rất hay, tiếc là giấy mắc quá sức, đợi sau này giấy rẻ hơn đôi chút sẽ cho ấn hành. Để khai thị [cho những người xin quy y], hãy nên dùng Một Lá Thư Trả Lời Khắp là châu đáo nhất. Xin hãy chọn lựa những điểm quan trọng để bảo ban họ (ngày Hai Mươi Bốn tháng Mười).



    289. Thư trả lời cư sĩ Chân Tịnh



    Hai vị sư từ quý địa đến cầm theo thư của ông đưa cho xem. Bài ca ngợi do ông đã soạn chính là đem phàm lạm thánh, đến nỗi ông lẫn Quang đều mắc đại tội. Từ rày, muôn phần chớ nên theo thói ấy chút nào nữa! Nếu do chẳng biết mà nói thì lỗi còn nhỏ; chứ nếu đã biết mà vẫn nói bừa sẽ mắc thêm lỗi hý luận. Sách Lễ Ký nói: “Nghĩ nhân tất ư kỳ luân” (Làm người ắt phải tuân theo lẽ thường). Chẳng tuân theo lẽ thường, giống như thường dân xưng càn là đế vương, kẻ xưng tụng và người được xưng tụng đều mắc tội lớn, há chẳng cẩn thận ư? Quang suốt đời chẳng chịu khen ngợi người khác một cách sáo rỗng, mà cũng rất ghét người ta khen ngợi tôi một cách sáo rỗng!

    Quang đã bảy mươi chín tuổi, sau ba mươi hai hôm nữa sẽ tròn tám mươi, nhưng sáng chẳng đảm bảo được tối, sợ rằng chưa được tám mươi đã chết rồi. Bất luận [tôi] còn sống hay đã chết, đều chớ nên theo thói xấu của người đời nay, khen ngợi xằng bậy. Trong bộ Văn Sao của Quang, cha mẹ, sư trưởng tôi đều chẳng nhắc tới, sợ người ta nghi ngờ tôi thêu dệt đến nỗi bị nhục lớn! Người đời nay khi cha mẹ, sư trưởng qua đời liền cầu người có tiếng tăm viết bài tán tụng, Quang hết sức chẳng muốn thuận theo thói ác ấy khiến cho cha mẹ lẫn thầy bị nhục lây. Tôi chết rồi, hãy nên cực lực đề xướng pháp môn Tịnh Độ, khiến cho người thấy nghe “sống thì hiền thiện, mất thì sanh về Cực Lạc”. Điều này chỉ có công chẳng có lỗi. Nếu lầm lẫn viết bài ca ngợi, phúng điếu chính là đã hủy nhục Quang trước mặt mọi người vậy. Ngàn vạn phần xin đừng tập theo thói ác ấy!

    Trứng gà có ăn được hay không? Tranh luận đủ mọi lẽ đã lâu! Nhưng người hiểu lý quyết chẳng nghĩ ăn [trứng gà] là đúng. Kẻ thích ăn liền khéo léo biện luận, chứ thật sự đã chường ra cái ngu! Vì sao vậy? Có người nói trứng có cồ, [tức là] có mầm sống thì không được ăn, còn trứng không có cồ chẳng thể nở thành gà con thì ăn được! Nếu nói như vậy thì con vật còn sống chẳng được ăn, chứ con vật chết rồi thì ăn được, có lẽ ấy hay chăng? Người thông minh thường hay dấy lên thứ tà kiến ấy, chẳng biết là nhằm thỏa thích bụng miệng mà phô phang cái trí của chính mình, đến nỗi bị người hiểu lý thương xót!

    Sư Chi Đạo Lâm[28] đời Tấn học rộng, giỏi biện luận, tranh luận cùng thầy về chuyện trứng có ăn được hay không; do ông ta giỏi biện bác, vị thầy chẳng thể khiến cho [Đạo Lâm] khuất phục được. Vị thầy ấy mất rồi, hiện hình trước mặt ông ta, tay cầm trứng gà quăng xuống đất, gà con liền chui ra. Đạo Lâm hổ thẹn cảm tạ, thầy và trứng gà đều biến mất. Đấy là lời quyết đoán thời Tấn (Phật pháp lúc mới truyền vào Trung Quốc, phân chia ra Đại Thừa và Tiểu Thừa để hoằng truyền. Đại Thừa thì hết thảy loại thịt đều không ăn, Tiểu Thừa ăn ba thứ tịnh nhục, ngũ tịnh nhục. Tam tịnh [nhục] (ba thứ thịt sạch) là [thịt của những con vật mà chính mình] chẳng thấy giết, chẳng nghe giết, chẳng nghi là do mình mà [con vật] bị giết. Thêm hai thứ [thịt của những con vật] tự chết và “điểu tàn”. “Điểu tàn” là thịt do chim hay thú hay ăn bỏ sót lại. Đó là ngũ tịnh [nhục]. Tới thời Lương Vũ Đế, đều theo Đại Thừa, vĩnh viễn phế bỏ Tiểu Thừa. Đạo Lâm là cao tăng nhưng vẫn y theo Tiểu Thừa để luận).

    Gần đây người ta hay bị bệnh phổi, Quang chẳng nghĩ như vậy là bình thường! Người đời sau nghiệp nặng, dậy thì sớm, mười một mười hai tuổi đã có dục niệm. Dục niệm đã dấy lên, không có cách gì kiềm chế, lại chẳng biết nghĩa lý giữ gìn thân thể nên bèn dùng đến cách thủ dâm. Như cây cỏ vừa mới nẩy mầm liền bị bẻ chồi, ắt phải khô héo. Con em thông minh do vậy mất mạng chẳng biết là bao nhiêu! Dẫu chẳng đến nỗi chết ngay lập tức thì thân thể yếu đuối, không nên cơm cháo gì! Đến khi lớn lên cưới vợ, cha mẹ, sư trưởng tuyệt chẳng nói đến đạo tiết dục, giữ gìn thân thể. Vì thế, quá nửa bị bệnh chết đều do thủ dâm và tham ăn nằm mà ra!

    Do vậy, Khổng Tử đáp lời Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo hiếu rằng: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu” (cha mẹ chỉ lo lắng về tật ấy), chính là dạy phải kiêng ăn nằm. Chẳng kiêng ăn nằm thì trăm bệnh dồn nhau phát ra, có thể kiêng ăn nằm thì giảm bớt bệnh tật nhiều lắm! Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm giả (do kẻ khéo dưỡng thân ắt phải nhờ vào chế ngự tâm chẳng cho dục niệm khởi lên, nên gọi là “dưỡng tâm”) mạc thiện ư quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả, quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn giả, quả hỹ” (Dưỡng tâm thì không gì hay bằng ít ham muốn. Ai làm người mà ít ham muốn, tuy tâm người ấy có những điều không hợp đạo nghĩa, nhưng những điều ấy cũng ít. Ai làm người mà lắm ham muốn, tâm dù có giữ được đạo nghĩa thì đạo nghĩa ấy cũng chẳng được mấy[29]).

    Cổ nhân trọng sanh mạng người dân, thiên Nguyệt Lệnh trong sách Lễ Ký chép: “Trọng Xuân tiên lôi tam nhật, tù nhân dĩ mộc đạc tuần ư đạo lộ viết: ‘Lôi tương phát thanh, kỳ hữu bất giới kỳ dung chỉ giả (tức phòng sự) sanh tử bất bị, tất hữu hung tai” (Ba ngày trước khi sấm động vào lúc giữa mùa Xuân, viên quan chấp lệnh cầm mõ gỗ đi khắp nẻo đường rao truyền: ‘Sấm sắp rền, kẻ nào chẳng kiêng ân ái (tức ăn nằm) sẽ sanh con chẳng vẹn toàn, ắt có tai nạn hung hiểm) (tức là chân tay, thân thể chẳng trọn vẹn, hoặc sanh ra quái thai, hoặc vợ chồng bị chết, hoặc bị bệnh ngặt nghèo, nên nói là “ắt có tai nạn hung hiểm”). Đấy là chánh lệnh của quốc gia. Nay thì cha mẹ, sư trưởng, trọn chẳng nói với con cái về chuyện này. Đến khi đã ngã bệnh, thầy thuốc cũng chẳng bảo kiêng ăn nằm. Ấy là vì chẳng coi mạng người là trọng, chỉ mong người ta bệnh ngày càng nặng để phải chữa trị nhiều hơn! Thầy thuốc dụng tâm như thế, tội khác nào bọn cường đạo chặn đường cướp của! Bệnh của ông bất luận là do nguyên nhân nào phát sanh, đều nên lấy việc đoạn hẳn chuyện ăn nằm làm phương sách để mau được lành bệnh. Đợi đến khi hoàn toàn bình phục rồi, hoặc mỗi năm chung đụng một lần, hoặc mỗi quý (ba tháng) một lần để mong chẳng lỗi đạo “tiếp nối đời trước, mở ra đời sau”, đừng thường xuyên ân ái, sẽ sanh được con cái thể chất khỏe mạnh, tánh tình từ thiện, thọ mạng dài lâu, vẻ vang nhiều lắm!

    Quang đưa cho vị Sư [mang thư ông tới đây] một cuốn Thọ Khang Bảo Giám [nhờ trao lại cho ông], văn lẫn lý trong cuốn sách ấy đều đáng tuân theo. Chỉ có điều trong những ngày kiêng ăn nằm, [ngày vía] của những vị [thần thánh] có thần thông nhỏ nhoi cũng đều kể vào, dường như không thích đáng lắm[30]. Nhưng đối với chuyện “[ngày vía của] đại quỷ thần thì nên kính, chứ [đối với ngày vía của] tiểu quỷ thần nếu chẳng kính sẽ do vậy mà bị chuốc họa”, hãy đừng nên bàn luận bừa bãi thì may mắn lắm thay! Dùng điều này để tự lợi mà cũng dùng những điều này để lợi tha. Do vậy, tự tu Tịnh nghiệp sanh về Tây Phương giống như trao bằng khoán chuộc lại vật cũ. Nữ nhân cũng thế! Ai muốn tiết dục ắt trước hết phải nói nguyên do với vợ sẽ chẳng đến nỗi [gia đình] bị lục đục. Trong đời có những kẻ thanh xuân chôn chồng, nguyên nhân quá nửa là vì chẳng khéo tiết dục mà ra! So với cảnh giữ phòng không ở góa, sao bằng tiết dục để được tề mi giai lão[31] chẳng hay hơn ư? Đây là đối với nữ nhân mà nói. Đàn ông cũng nên biết những chuyện kiêng kỵ có liên quan đến tánh mạng của nữ nhân, đấy chính là người phối ngẫu có đức hạnh hằng nâng đỡ, tạo lợi ích cho nhau. Quang ăn nói dài dòng chỉ vì bi tâm tha thiết, có lẽ đã gây nhàm tai người nghe!

    Tịnh Độ Ngũ Kinh là căn bản của pháp môn Tịnh Độ. Hãy đọc kỹ lời tựa, sẽ tự biết được những ý chánh. Tịnh Độ Thập Yếu là trước thuật thiết yếu nhất của Tịnh Độ. Quan trọng nhất là sách Di Đà Yếu Giải, là bản chú giải tuyệt nhất của kinh này. An Sĩ Toàn Thư là sách đứng đầu các thiện thư. Cảm Ứng Thiên Trực Giảng dùng chữ đơn giản, dễ hiểu nhưng không dung tục, kẻ nhã người tục cùng xem đều được lợi ích. Ấn Quang Văn Sao văn tuy vụng về, chất phác, nhưng nghĩa lý chấp nhận được. Noi theo những điều được sách này đề xướng chắc chắn chẳng bị chê là trái luân thường, gây rối đất nước. Hãy nên lấy Thọ Khang Bảo Giám làm sách giữ gìn tánh mạng cho con em đã hiểu chuyện đời. Chẳng những thanh niên phải nên xem, ngay cả người già cũng nên đọc. Muốn con em được trường thọ phải hoàn toàn cậy vào người cao tuổi thường nói đến chuyện họa - phước.

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...vstambien8.htm
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts