Tam Tạng Pháp Sư Thích Tuyên Hóa (1918-1995): Khi được Lão Hòa thượng Hư Vân truyền pháp, Ngài được ban pháp hiệu là Tuyên Hóa. Hòa thượng Tuyên Hoá được Hòa thượng Hư Vân truyền Pháp trước khi rời Trung Hoa đến Hương Cảng rồi sang Hoa Kỳ. Do đó, Hòa thượng Tuyên Hoá là tổ thứ bốn mươi lăm từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tổ thứ mười tám tại Trung Hoa, tổ thứ chín dòng thiền Quy Ngưỡng, và là Sơ Tổ tại Tây Phương.
TỰ GẠT MÌNH CHỨ KHÔNG GẠT ĐƯỢC MỌI NGƯỜI
Nhận Giả Mà Không Nhận Thật
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Giảng ngày 20 tháng 11 năm 1985
Người thế gian nói lời giả dối thì nhiều, nói lời chân thật thì ít.
Cũng như có nhiều người nói dối, và ít có người nói thật. Quý
vị thử nghiên cứu xem, tại sao lại có tình trạng như vậy? Tại
sao người ta học tánh không thật thà? Tại sao ở đâu họ cũng
muốn nói dối? Tại sao người ta thích nói láo, mà không thích
nói thật? Bởi trên đời nầy, ít người chân thật, lại nhiều kẻ giả
dối; kẻ đạo đức giả thì nhiều, người thành thật thì rất ít. Nếu
quý vị thuận theo thế thái nhân tình nói lời tốt đẹp thì ai nấy
cũng đều ưa thích, còn nếu quý vị nói câu chân thật thì không
ai ưa. Tại sao vậy? Bởi người đời thường thích giả dối chứ
không thích chân thật. Cho nên gọi là: Nhận giả bất nhận chân.
Ðó là tâm lý của một số người, tuy biết rõ là giả dối nhưng họ
vẫn tham luyến không chịu buông bỏ.
Cư sĩ Thuần Ðà là người thật thà. Tuy gia cảnh rất nghèo khổ,
nhưng ông luôn nói lời chân thật. Ông không giống như ma
vương Ba-tuần, chuyên nói lời tốt đẹp và bảo rằng thần chú của
mình có thể cứu sống người. Ðó là những lời đường mật, hồ
đồ, khiến người nghe toàn thân muốn phát lãnh nổi da gà. Ông
Thuần Ðà rất là thành thật. Ông không khoe khoang là mình đã
cúng dường thực phẩm với đầy đủ hương sắc vật liệu phong
phú như thế nào, hay mùi vị ra sao. Lời nói của ông rất khiêm
tốn như: “Nguyện Thế Tôn từ bi, thương nhận cho lần cúng
dường cuối cùng của chúng con!” Giống như người Trung Hoa
đãi khách, tuy rượu chè và thức ăn đầy bàn, nhưng họ vẫn
khiêm tốn nói với khách: “Hôm nay xin đãi sơ sài, chẳng có
món chi đặc sắc!”
Nói đến đây, tôi lại nhớ tới một câu chuyện. Ngày xưa có vị phú
ông, vì sanh được con trai nên ông bèn mở đại tiệc ăn mừng.
Ông mời rất đông khách, thành thử “bạn bè cao sang đầy bàn,
khách quý đông đảo như mây hội.” Ông lại thỉnh ba vị Hòa
Thượng đến tụng thần chú kiết tường và nói vài lời kiết tường
để ca tụng chúc mừng vậy. Có người trong đám khách
nói: “Con trai của ông nhất định sẽ được vinh hoa phú quý,
sống trường thọ đến trăm tuổi.” Người khác lại nói: “Cháu bé sẽ
có phước, có lộc, có thọ và nó sẽ ít bệnh, ít tai, ít họa.” Chủ
nhân nghe những lời kiết tường nầy thì mặt mày hớn hở, thích
thú không thể tả, bèn dâng rượu mời khách.
Còn về phía ba vị Hòa Thượng, có vị tụng chú kiết tường, có vị
nói lời kiết tường, nhưng trong đó lại có vị nói lên lời chân thật
rằng: “Trong tương lai con trai của ông nhất định sẽ phải chết.”
Chủ nhân vừa nghe liền nổi trận lôi đình. - Không thể nào! Sao
Thầy lại trù nó chết hả? Thế là ông đem Hòa Thượng ra đánh
cho một trận. Vị Hòa Thượng đã dày công tu nhẫn nhục, thành
thử lòng không oán giận. Trái lại, nét mặt ông vẫn hòa nhã mà
nói với chủ nhân: “Cư sĩ! Ông đã không nhận ra chân lý, mà lại
còn ưa thích nịnh hót. Thật ra, họ có thật biết tương lai con của
ông là sẽ được giàu có, hay trường thọ không? Ðó chẳng qua
chỉ là những từ ngữ tán thán, khen tặng mà thôi. Nay ta nói
tương lai con ông sẽ chết, đó là lời chân thật. Không những chỉ
có con ông sẽ chết, mà tất cả con người trên thế giới nầy, ai ai
cũng đều phải chết. Có ai là không chết đâu? Tự ông đã không
giác ngộ chân lý nầy, mà lại còn đánh ta, ông quả là người quá
ngu si!”
Vị chủ nhân sau khi nghe xong, ông cảm thấy có đạo lý và sanh
tâm sám hối. Từ đó về sau, ông kính tin Tam Bảo và ủng hộ
đạo tràng. Nếu vị Hòa Thượng đó cũng nói những lời tốt lành
giống như bao người khác, thì không có cách gì khiến cho phú
ông cảm động mà tin nơi Phật, và tin vào đạo lý cho được.
Chúng ta chớ có thích nghe những lời tán tụng, và cũng đừng
mãn nguyện say đắm về tự ngã, hay tự khoe khoang, khoác lác
về mình. Chúng ta nhất định phải nên khiêm tốn và hòa ái. Ðối
với người, ta không kiêu ngạo, không ngã mạn và cần có tinh
thần từ bi hỉ xả, phổ độ chúng sanh. Quý vị thử nhìn xem! Tại
sao Ấn Ðộ có bốn loại giai cấp? Bởi có hạng người vì lúc xa xưa
đã khinh khi kẻ bần cùng, cho nên kiếp nầy họ mới sanh làm
người hạ tiện. Ðó chính là tiền nhân hậu quả, thật không sai
sót!
Chúng ta nên hiểu rõ về nhân quả, và tin cái đạo lý - nhân nào
thời quả đó. Và dù có ở đâu đi nữa chúng ta cũng phải chân
thật làm việc, không thể giả dối chút nào. Vì nếu chỉ dối trá một
chút thôi, chúng ta cũng phải lãnh chịu quả báo. Cho nên
nói: “Nhân địa bất chân, quả chiêu vu khúc,” tức là nhân không
ngay thì quả cong quẹo.
Quý vị! Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa, trồng lúa có
lúa, gieo nếp được nếp. Ðạo lý nầy quyết không sai chạy một
mảy may. Quý vị mà làm những chuyện điên điên đảo đảo, rốt
cuộc cũng là tự mình gạt mình, chứ không gạt được mọi người
đâu.
Đọc Phần 1: http://www.dharmasite.net/KhaiThi6.htm
Đọc Phần 2: http://www.dharmasite.net/KhaiThi6_phan2.htm
Nghe: http://dharmasound.net/?type=files&p...mese/KhaiThi-6
KHAI THỊ QUYỂN 6
HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA