Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Lễ Lá




Kính thưa quí ông bà, anh chị em, các bạn trẻ thân mến. Chắc ai cũng biết, hằng ngày chúng ta nghe thông tin, hay truyền đạt những ý muốn, tư tưởng của chúng ta cho người khác, thì ta cần đôi tai để nghe và miệng lưỡi để nói. Và tốt đẹp làm sao khi miệng lưỡi của chúng ta nói những điều hay lẽ phải. Phải chăng, nếu mỗi ngày ta nghe và nói những lời tốt đẹp, thì ta có thể “miệng lưỡi tốt lành” hay nói khác đi: miệng lưỡi họ được huấn luyện, được thánh hóa, như bài đọc 1, phần mở đầu sách tiên tri I-sa-i-a, ông nói: “Chúa ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn” ( Is 50, 4). Bài sách này, người ta còn gọi là bài ca thứ ba nói về người đau khổ của Thiên Chúa.

Chúa chọn, thánh hóa và trao cho I-sa-i-a làm công việc của Chúa, Ngài huấn luyện, bảo vệ và săn sóc người được Thiên Chúa tuyển chọn, chính vì thế mà: “Mỗi sáng Ngài đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn” (Is 50, 4). Nhờ Thiên Chúa giáo huấn và ở cùng, nên người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa không xấu hổ, né tránh những gì do kẻ phản nghịch gây ra. Người ngôn sứ đau khổ ở đây là ai? Trước hết là chính I-sa-i-a và những ngôn sứ của Chúa, những người rao giảng lời Chúa mà phải gặp những đau khổ. Và hơn ai hết, người đau khổ của Thiên Chúa, không ai khác hơn đó chính là Đức Giêsu. Khuôn mặt của Ngài quá rõ nét qua cuộc khổ nạn, bị khinh chê, nhạo báng, khạc nhổ, đánh đập, giật râu, rồi lãnh án tử nhục hình trên đồi cao giữa hai tên trộm cướp, như bài trình thuật qua Phúc Âm của Thánh Lu-ca hôm nay. Với vụ án lịch sử, sự tàn nhẫn, bất công chưa từng thấy trong nhân loại, bởi nhân loại đã đối xử với một người mà người đó lại là Con Thiên Chúa. Nhưng đường lối của Thiên Chúa không ai thấu hiểu; cái độc ác nhất, tàn bạo nhất, xấu xa nhất mà con người nghĩ ra để áp dụng cho Đức Giê-su, thì ai ngờ qua cuộc khổ nạn và cái chết ô nhục đó, Thiên Chúa đã lên án tội ác hung bạo của nhân loại, đánh bại thần chết và mang lại nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, qua cái chết của Đức Giêsu Kitô.

Ôi! Nhờ Ngôi Hai con Thiên Chúa làm người, lãnh lấy bản án tử đời đời mà nhân loại phải chịu, thì Đức Giêsu đã đền thay bằng giá máu cực thánh đổ ra làm lễ xá tội, mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. Thánh Phaolô khi chiêm ngắm con người Đức Ki-tô thì ngài đã vang lên bài vinh tụng ca tuyệt diệu mà chúng ta nghe qua bài đọc hai, thơ gởi tín hữu Philipphê, thánh nhân viết: “Đức Giêsu Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu, để khi nghe tên Giê-su, thì mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì” (Pl 26-11). Với lời ca tuyệt diệu của Thánh Phaolô nói về Đức Ki-tô như thế, giúp chúng ta khi chiêm ngắm dung mạo của Đức Ki-tô, Thiên Chúa làm người, chúng ta dễ dành đến được với Người và dễ dàng noi gương bắt chước Người, nhưng trước hết chúng ta hãy để cho Người thánh hóa chúng ta, để cho Người huấn luyện chúng ta như Ngài đã từng huấn luyện ngôn sứ I-sa-i-a và các ngôn sứ, các tiên tri, các tông đồ của Chúa. Có như thế chúng ta sẽ luôn luôn ngước nhìn vào con người của Đức Giêsu, và tung hô Người là Chúa của chúng ta, khi ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng như khi Ngài bị chịu xỉ nhục, hay khi bị treo trên thập giá. Và dù như thế nào đi chăng nữa Ngài vẫn là Thiên Chúa của tôi, Thiên Chúa của bạn.

Ước gì tôi và bạn hãy thầm nhủ mỗi ngày rằng: “Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời giáo huấn của Người.” Nếu mỗi ngày chúng ta hằng tâm niệm như thế, thì chắc chắn miệng lưỡi chúng ta sẽ nói lên điều hay lẽ phải. Và mỗi khi chúng ta đã được Thiên Chúa huấn luyện, thì chúng ta sẽ xông vào những trận chiến cam go chống lại sự dữ đang ở trong lòng chúng ta, và sự dữ đang lan tràn khắp nơi.

Xin Đức Ki-tô, Người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa giúp chúng con bước theo chân Ngài qua tuần Thánh này thật sốt sắng, để chúng con hân hoan đón mừng đại lễ Phục Sinh. Amen.


Lm Phaolô Cao Thế Bình, SDD